Phú Xuyên được công nhận huyện nông thôn mới là "đầu tàu" ứng dụng công nghệ cao tạo sự liên kết trong sản xuất

18/06/2022 12:47

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí.

Ngày 18/6, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025"; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tặng hoa chúc mừng huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

Đầu tàu ứng dụng công nghệ cao

Báo cáo của huyện Phú Xuyên cho thấy, trước khi xây dựng nông thôn mới, huyện có xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5-6 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,15%.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục chính, đường liên thôn, liên xã được cứng hóa và đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%. Đặc biệt, đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 lần so với năm 2010) và năm 2021 đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh, Phú Xuyên vốn được mệnh danh là vùng đất “chiêm khê, mùa úng”, nên sản xuất nông nghiệp từng gặp không ít khó khăn. Mặc dù có thế mạnh về phát triển làng nghề truyền thống nhưng quá trình tổ chức sản xuất đã phát sinh các vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường… Do đó, kinh tế, xã hội của huyện cũng chưa phát triển đúng tiềm năng.

Để hoàn thành mục tiêu trong xây dựng huyện NTM, huyện Phú Xuyên đã duy trì, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. 

Trong đó, huyện xác định ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm sạch chất lượng cao; Nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống. Qua đó, huyện từng bước nâng cao thu nhập của người dân, hướng đến nông nghiệp, nông thôn hiện đại. 

 

Làng nghề dệt may Phú Xuyên mang lại hiệu quả kinh tế cao

Huyện cũng thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến năm 2021, toàn huyện có 137 sản phẩm OCOP, trong đó có 118 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cũng đã bố trí hơn 4.638 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội. Tính đến năm 2020, toàn huyện có 57/88 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 64,7%; 100% thôn, cụm dân cư có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng...

Bên cạnh đó , huyện đã đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã làm đầu tàu phát triển nông nghiệp cũng như các làng nghề. 

Ngoài việc chú trọng đầu tư nguồn kinh phí thích hợp, huyện đã đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã làm “đầu kéo” phát triển nông nghiệp cũng như các làng nghề.

Hiện, toàn huyện có 73 hợp tác xã đã chuyển đổi hoặc thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Mô hình liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Một số làng nghề phát triển có hiệu quả như: May mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, bánh kẹo Cổ Đường, cơ khí…hoạt động mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho các lao động trên địa bàn và khu vực khác với mức lương từ 300.000 đến 500.000 nghìn đồng/ngày. 

Tại xã Phú Túc, phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những điều kiện giúp Phú Túc trở thành điểm du lịch và nhanh chóng về đích nông thôn mới.

Hay như mô hình liên kết sản xuất của các Hợp tác xã Phú Thắng, Hợp tác xã Phú Hưng đã liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn để phục vụ người dân sản xuất mạ khay, cấy máy. 

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Theo Bí thư Huyện ủy Lê Ngọc Anh, với nỗ lực và thành quả đạt được, mục tiêu của huyện Phú Xuyên thời gian tới là duy trì, nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Phú Xuyên cần khơi lên khát vọng phát triển, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (thứ 2 bên trái) cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tại Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022.

Song hành với đó, cần tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, vì sự nghiệp chung; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Để thực hiện, huyện cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy để tiếp tục phát huy các thành quả trong việc xây dựng NTM trong 10 năm vừa qua; đồng thời khẳng định người dân là chủ thể, là đối tượng được thụ hưởng những thành quả tích cực từ chương trình.

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai trương Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch năm 2022 do UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội tổ chức, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia./.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

Văn Mạnh