Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận

28/11/2022 14:18

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị được tổ chức tại Đà Lạt, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề cập đến chương trình, kế hoạch, quy hoạch cũng như các giải pháp phát triển đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và hệ thống cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.

images2497563-t6a-cao-toc-chay-qua-1669619377.jpg
Đến nay, toàn Tây Nguyên mới có 19 km đường cao tốc Liên Khương - Prenn

• QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC KẾT NỐI VÙNG

Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT cho biết đã rà soát, đánh giá quy hoạch ngành GTVT, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền trong đó có Tây Nguyên để xây dựng quy hoạch tốt nhất. Đây là lần đầu tiên triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Các quy hoạch được lập cùng thời điểm nên sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế từ công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch của các thời kỳ trước. Quy hoạch đã phê duyệt xác định phải tạo ra được động lực, tạo đột phá, dư địa mới cho phát triển. Các quy hoạch chuyên ngành quốc gia này đã được tích hợp trong quy hoạch vùng Tây Nguyên và các địa phương sẽ tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Do vậy, cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thực sự là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên.

Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên dự kiến khoảng 156.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (trong đó có cao tốc Dầu Giây - Liên Khương) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 89.165 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quy hoạch GTVT vùng Tây Nguyên được nghiên cứu dựa trên tiềm năng, lợi thế và đặc biệt là điều kiện tự nhiên đặc thù của Tây Nguyên, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về năng lực vận tải, trong đó tập trung các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn nhằm rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang này. Bao gồm, kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, Lào, Campuchia thông qua 4 trục ngang cao tốc từ cửa khẩu Bờ Y kết nối với cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu Lệ Thanh kết nối với cảng biển Quy Nhơn, Cảng hàng không Chu Lai; từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam và từ Đắk Lắk xuống cảng biển Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, Cảng hàng không Cam Ranh. 

Bên cạnh đó, kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ thông qua 5 tuyến trục dọc cao tốc từ Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai); từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Chơn Thành (Bình Phước); từ Chơn Thành đến Đức Hòa; từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng), Cảng hàng không Liên Khương và các tuyến Bắc - Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa).

• GIẢI PHÁP THỰC HIỆN 

Bộ GTVT cũng khẳng định, vùng Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn, đời sống Nhân dân còn thấp, trong khi đó phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như (địa hình đồi núi, cao nguyên chia cắt phức tạp, xa các trung tâm kinh tế lớn...), cần thiết triển khai các tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch và kế hoạch đề ra nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Thực tế thời gian qua cho thấy, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu, tạo thế và lực mới cho các địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp đó là: Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh. Huy động, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là các tuyến cao tốc trong quy hoạch; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác. Các dự án đường bộ cao tốc do có tổng mức đầu tư lớn khó hấp dẫn để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, do vậy cần ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho các dự án này.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, các địa phương cần hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án đường bộ cao tốc được đầu tư; kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh theo chủ trương phân cấp, phân quyền. Khi xây dựng các công trình đường bộ cao tốc cần đi xa các tuyến đường cũ để tạo thêm không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp trong vùng, khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu để triển khai các dự án đầu tư xây dựng…

Nguyễn Nghĩa/ Báo Lâm Đồng