Mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu: trồng dẻ ván trên đất dốc tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

01/12/2021 15:20

Huyện Ngân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Đông tỉnh Bắc Kạn với địa hình bị chia cắt mạnh bở hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình khác nhau, diện tích đồi núi chiếm khoảng 90% tổng diện tích tự nhiên. Địa hình phức tạp với hai mùa khí hậu rõ rệt gồm mùa khô và mùa mưa, trong đó, mùa khô dễ gây ra hạn hán, mùa mưa gây ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất. Hàng năm trên địa bàn xuất hiện mưa đá từ 1 đến 3 lần. Bên cạnh đó, khí hậu huyện Ngân Sơn có hai hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, tháng 4 vào giai đoạn chuyển mùa gió thổi cả ngày với vận tốc trung bình 2-3m/s. Với điều kiện tự nhiên như vậy, người dân chủ yếu trồng cây lương thực như lúa nương, ngô trên các đồi nương dốc, tuy nhiên năng suất thấp, đất thường xuyên bị xói mòn. Trong khi đó, các cây lâu năm như hồi, sa mộc lại cho hiệu quả kinh tế thấp.

Từ những năm 2006 gia đình bà Bàn Thị Ngân, thôn Nặm Làng, đã trồng 17 cây dẻ ván đầu dòng cho hạt to, bùi, màu sắc đẹp, ít lông nhưng cây nhỏ, năng suất thấp. Các cây dẻ Ván đầu dòng tại rừng dẻ Ván có nguồn gốc lai ghép từ cây dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) với mắt cây dẻ Ván tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 2017, khi sản phẩm hạt dẻ ván bắt đầu được ưa chuộng, hộ bà Ngân mở rộng sản xuất, cùng với đó bà Ngân hợp tác cùng anh Nông Văn Cường, chủ vườn ươm trên địa bàn xã, ghép thành công dẻ ván trên thân cây dẻ Trùng Khánh. Cây ghép có sức chống chịu sâu bệnh tốt, thân khoẻ, phù hợp với khí hậu lạnh, cành ghép cho hạt dẻ giữ nguyên chất lượng nhưng cây khoẻ và cho năng suất cao hơn, từ đó hỗ trợ nhiều hộ trồng dẻ ván ghép.

picture1-1646209171.jpg
Bà Bàn Thị Ngân, Hợp tác xã Hợp Phát

Với sự phát triển của cây dẻ ván ghép tại các hộ trên địa bàn, từ năm 2018 đến 2019, ba tổ hợp tác trồng dẻ ván được thành lập, và sau đó dưới sự hỗ trợ của dự án CSSP, Hợp tác xã Hợp Phát được thành lập gồm 11 hộ trồng dẻ ván ở thôn Nặm Làng và 09 hộ trồng dẻ ván ở thôn Phiên Dượng, xã Đức Vân, với tổng diện tích 16.5 ha dẻ ván ghép. Bà Bàn Thị Ngân, sinh năm 1966, người dân tộc Dao, là giám đốc, chủ tịch Ban quản trị Hợp tác xã.

Về tiềm năng thích ứng với BĐKH và mức độ ảnh hưởng tới môi trường

Cây dẻ ván ghép không chỉ giúp sức chống chịu của cây tốt hơn, chất lượng và năng suất hạt dẻ cao hơn, mà việc mở rộng diện tích cây dẻ ván cùng các cây lâu năm là hi và sa mộc giúp chăn gió, chống xói mòn, cải tạo đất xen canh cùng các cây trồng ăn quả như đào, mận, lê mắc cọp. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đang tiến hành chuyển đổi thí điểm 5 ha trong tổng diện tích 16.5 ha dẻ ván sang mô hình sản xuất hữu cơ sử dụng rơm rạ, cỏ mềm; phân gà, vịt, trâu bò của các hộ gia đình giúp tận dung các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các hộ trên địa bàn.

Hiệu quả kinh tế của mô hình:

Cây dẻ ván đầu dòng ban đầu từ 10 năm tuổi chỉ cho năng suất 10-15kg hạt dẻ/cây, trong khi đó cây dẻ ván ghép với thân cây dẻ Trùng Khánh từ năm tuổi thứ 10 có thể đạt 30-50kg hạt dẻ/cây. Chi phí đầu tư cho 1 ha dẻ ván của các hộ gồm chi phí cây giống từ 20-25 triệu đồng và 5-6 triệu đồng cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm, tổng chi phí bình quân là 28 triệu đồng/ha. Như vậy, với 400 cây/ha, từ năm thứ 5 sản lượng hạt dẻ ván có thể đạt 400kg tương đương  32-36 triệu đồng và đến năm thứ 10 có thể đạt 180 đến 450 triệu đồng (tính theo giá bình quân 80 nghìn đồng/kg năm 2019, và 90 nghìn đồng/kg năm 2020).

Mức độ tham gia của hộ nông dân nhỏ:

Với sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể địa phương, cùng dự án CSSP, 34 hộ nông dân đã chuyển đổi các diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang cây dẻ ván ghép, trong đó 20 hộ đã hợp tác thành lập Hợp tác xã Hợp Phát. Dưới sự hỗ trợ của CSSP, các Tổ hợp tác và Hợp tác xã đã xây dựng vốn quay vòng với 75 triệu đồng/tổ do CSSP hỗ trợ cùng 30 triệu do thành viên trong tổ đóng góp đối ứng. Với sự hỗ trợ của vốn quay vòng và chi phí đầu tư hàng năm nhỏ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thể tiếp cận được hoạt động trồng cây dẻ ván ghép, cùng với đó các cơ sở chế biến nhỏ có thể tham gia công đoạn chế biến, bảo quản hạt dẻ nhằm tăng giá trị sản phẩm, điều tiết nguồn cung sản phẩm giúp ổn định giá hạt dẻ ván trên thị trường.

Khả năng nhân rộng:

Mô hình có thể giới thiệu nhân rộng tại các địa bàn có điều kiện tự nhiên tương tự với độ cao trên 200m so với mực nước biển, nhiệt độ dao động từ 15-28°C, có thể áp dụng trên đất đồi, nương. Về khía cạnh kỹ thuật, về cơ bản các tổ hợp tác và hợp tác xã đã tương đối hoàn chỉnh phương pháp canh tác thông thường và dần hoàn thiện phương pháp canh tác hữu cơ, có thể nhanh chóng phổ biến cho các hộ trong tổ nhóm và hợp tác xã.

Nhìn chung, mô hình trồng cây dẻ ván ghép vừa giúp tận dụng cây trồng quen thuộc với người dân trên địa bàn, phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu, giúp cải tạo đất, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao khi hạt dẻ ván có chất lượng tốt, có giá trị cao và được người tiêu dùng ưu chuộng.

Để mô hình bền vững, các hoạt động hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng và đầu tư cho chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cần được thực hiện.

 

Phạm Vân, Vân Thanh