Lâm Đồng tiếp tục phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

08/04/2024 09:58

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm (tăng 21 chuỗi so với năm 2022) với 31.092 hộ liên kết.

cfns-1712544612.png

Đồng thời, việc phát triển và tham gia các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã giúp người dân nắm bắt và sản xuất theo kế hoạch, quy trình, tiêu chuẩn nhất định, tạo ra các sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân Lâm Đồng.

Trong đó có 28.159 hộ trồng trọt và 2.933 hộ chăn nuôi. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha với sản lượng 589.261 tấn; trong chăn nuôi đạt 1.054.715 con với sản lượng đạt 163.780 tấn. Tỷ lệ giá trị thông qua chuỗi chiếm khoảng 35,41% so với tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp năm 2023. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi (giá cố định 2010) đạt trên 18.000 tỷ đồng, theo giá hiện hành đạt trên 30.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành triển khai hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua nhiều chương trình, đề án, như đề án liên kết; đề án dâu tằm; đề án bò thịt; đề án hữu cơ; kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình mục tiêu quốc gia;…

Cùng với đó, việc xây dựng phát triển chuỗi liên kết trong năm 2023 được đẩy mạnh với nhiều dự án/kế hoạch từ tỉnh đến huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả, tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ đạt tỷ lệ cao hơn so với các năm trước. Trong năm, có 13 dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết cấp tỉnh được phê duyệt mới, với ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 8,9 tỷ đồng; 14 dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết cấp huyện được phê duyệt mới, với ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng. Lũy kế đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 124 dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ được phê duyệt gần 111.000 tỷ đồng. 

Qua thực hiện Đề án Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023, hiện nay, 100% các sản phẩm được tiêu thụ thông qua chuỗi đều được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thông qua các hợp đồng liên kết. Đối với rau các loại, sản lượng qua sơ chế đạt 73%. Tỉnh đã ban hành được 30 bộ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, quy cách các sản phẩm. Tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 62,16% sản lượng nông sản toàn tỉnh, với tổng sản lượng khoảng 2.710.235 tấn. Trong đó, sản lượng qua chuỗi đạt 753.041 tấn; sản lượng sản xuất theo chứng nhận an toàn 764.620 tấn; sản lượng tiêu thụ qua cơ sở chế biến 842.574 tấn; sản lượng tiêu thụ qua các hình thức hợp đồng khác (mua bán, thời vụ, cung ứng vật tư) khoảng 350.000 tấn. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2023 đạt 245 triệu/ha/năm.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản, nhìn chung, việc xây dựng chuỗi liên kết đang được các cấp, ngành cũng như các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh rất quan tâm và triển khai thực hiện. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, cụ thể như sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên với nhau. Trình độ và điều kiện của nông dân không đồng đều, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu đề ra. Nhiều nông dân, tổ hợp tác, HTX còn thiếu vốn để đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Từ đó gây khó khăn cho công tác tổ chức sản xuất - tiêu thụ, giảm sức hút đối với doanh nghiệp, nhất là khâu chế biến...

Trong năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển mới 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng tổng số chuỗi toàn tỉnh đạt 254 chuỗi với trên 33.000 hộ tham gia. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi (giá cố định 2010) đạt 22.000 tỷ đồng, theo giá hiện hành đạt 40.000 tỷ đồng. Cùng với đó là các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về các lợi ích khi tham gia liên kết cũng như hiệu quả của các mô hình hỗ trợ liên kết nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người nông dân chủ động tham gia xây dựng liên kết. Tập trung mở rộng, phát triển các chuỗi liên kết đã hình thành, chú trọng phát triển chuỗi về chất lượng để tăng quy mô hộ liên kết, sản lượng, diện tích liên kết, phát triển thị trường tiêu thụ nhằm phát triển chuỗi bền vững, ổn định.

Bên cạnh đó, tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình để hỗ trợ hình thành, nâng cấp các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, ưu tiên giới thiệu các chuỗi liên kết mới hình thành để hỗ trợ phát triển thị trường. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Đồng thời khuyến khích hình thành các trung tâm sau thu hoạch gắn với chuỗi liên kết nhằm tăng khả năng tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm qua sơ chế, chế biến, hướng đến các thị trường xuất khẩu nông sản. Kịp thời nắm bắt được khó khăn, vướng mắc của các chuỗi liên kết để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao. Tiếp tục nghiên cứu áp dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với các chuỗi liên kết.

PV