Lâm Đồng: Để văn hóa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

03/01/2023 17:17

Văn hóa của các dân tộc tại Lâm Đồng được hình thành trên nền văn hoá Việt, văn hoá các dân tộc thiểu số bản địa và một phần của văn hoá các tộc người thiểu số phía Bắc. Sự giao thoa giữa các yếu tố văn hoá này với nhau tạo thành một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng; biểu hiện trong kiến trúc, trang phục, ẩm thực; trong các làng nghề; trong tín ngưỡng, phong tục, lễ hội văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian...

1-1672740723.jpg
Nam thanh nữ tú đội cồng chiêng ở các xã biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Di Linh. Ảnh: Hoàng Yên

Gần 20 năm trở lại đây, Lâm Đồng còn có thêm lễ hội hiện đại là Festival Hoa Đà Lạt, được bắt đầu tổ chức từ năm 2005 và cho đến nay đã trở thành “thương hiệu” để quảng bá, giới thiệu cảnh quan, con người, nghề trồng hoa nổi tiếng của Đà Lạt - Lâm Đồng đến với bạn bè quốc tế, thu hút khách và phát triển du lịch. 

Để cụ thể hóa và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những năm qua, Lâm Đồng luôn phát huy và tận dụng “sức mạnh mềm” của văn hóa; trong đó tập trung cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, điển hình là hỗ trợ phát triển các nghề và làng nghề truyền thống gắn với du lịch của địa phương với mục tiêu nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn trong tỉnh. Đến nay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống trong vùng đồng bào DTTS đã được tỉnh công nhận như: nghề đan lát; dệt thổ cẩm, nghề làm nhẫn bạc, nghề làm rượu cần... Tích cực chỉ đạo, đầu tư, xây dựng các nghề, làng nghề truyền thống; khôi phục, phát triển các nghề, làng nghề này để trở thành các điểm thu hút khách du lịch… Bên cạnh phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, tỉnh còn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, một bộ phận quan trọng của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tổ chức và hình thành các sản phẩm văn hóa du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế - du lịch Lâm Đồng, đưa văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để níu chân du khách khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Đây là chiến lược phát triển văn hóa nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế du lịch - lợi thế cạnh tranh rất thuận lợi của tỉnh Lâm Đồng.

Một trong những hoạt động thể hiện sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với kinh tế - xã hội nữa đó là tiến hành phục dựng văn hóa bản địa, trong đó để thực hiện Đề án của Chính phủ về Hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS. Theo đó, Lâm Đồng đã đầu tư phục dựng hơn 10 lễ hội tiêu biểu của đồng bào các DTTS bản địa như: Lễ Pơthi (Lễ bỏ mả của người Churu và nhóm K’Ho ở thôn K’Long, huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (lễ Uống kiêng cữ - cúng ruộng vào tháng 9 -10 hàng năm của người K’Ho), lễ Bok Chu-bur (Lễ cúng đền của cộng đồng người Churu ở huyện Đức Trọng) … Ngoài ra, nhằm thực hiện Chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, hàng năm, tỉnh chọn một số lễ hội điển hình và đặc sắc để tiến hành phục dựng nhằm giới thiệu và quảng bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng và mục tiêu xa hơn của tỉnh đó là làm đa dạng hóa các loại hình du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch mới góp phần thu hút du khách đến với Lâm Đồng. 

Lâm Đồng cũng đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đây là ngành kinh tế mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng, đặc biệt là đối với một tỉnh được sở hữu nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng như Lâm Đồng. Hiện nay, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Chủ động tổ chức các sự kiện, trao đổi văn hóa, kết hợp yếu tố văn hóa trong các hoạt động chính trị, kinh tế, đặc biệt là các địa phương nước ngoài có mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Lâm Đồng và Đà Lạt; tạo điều kiện thuận lợi để các nước, tổ chức quốc tế và cơ quan văn hóa, du lịch ở nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa du lịch tại Lâm Đồng thông qua các Tuần Văn hóa, những sự kiện văn hóa lớn và hoạt động xúc tiến đầu tư.

Tỉnh đã chú trọng xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa nghệ thuật kết hợp triển lãm ảnh giới thiệu danh lam thắng cảnh, quảng bá hình ảnh miền đất, con người và thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, “Lâm Đồng - điểm đến an toàn hấp dẫn”; những di sản được UNESCO công nhận; những nét đặc sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Lâm Đồng đến bạn bè quốc tế; qua đó mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch; phát triển công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống trong tỉnh. Các hoạt động thiết thực này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần quảng bá và thúc đẩy ngành Du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng nói chung.

Trong những năm qua, văn hóa luôn là một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; song bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ những vướng mắc, những hạn chế, khó khăn nhất định. Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cùng sự giao lưu, hội nhập văn hóa, một số bản sắc văn hóa truyền thống như lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công… của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một, thậm chí có nguy cơ thất truyền. Bên cạnh đó, do sự biến động về cư trú và áp lực tất yếu của quá trình hiện đại hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa... 

Để phát huy vai trò của văn hóa thực sự vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng, là trung tâm của sự phát triển, trong thời gian tới, thiết nghĩ Lâm Đồng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa; hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương; kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn hóa, bảo vệ vững chắc đường lối văn hóa của Đảng. 

Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nhất là thực hiện thắng lợi 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đặc biệt là giải pháp phát triển nguồn lực con người, bởi phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người.

Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nhất là tập trung quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo quan điểm trong bảo tồn và phát triển văn hóa, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế gắn với hình ảnh con người, địa phương Lâm Đồng. 

Xác định phát triển văn hóa du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế sự trùng lắp với các địa phương có tiềm năng tương đồng, để phát triển du lịch một cách bền vững.

Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng thực hiện những chủ trương, định hướng lớn mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra tại  cuộc làm việc với tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 vừa qua, nhất là tập trung vào phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa; quan tâm việc bảo tồn những nét văn hóa riêng có của tỉnh, phát triển công nghiệp văn hóa với dịch vụ du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát huy văn hóa bản sắc Tây Nguyên, kết tinh thành sản phẩm du lịch; phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành động lực tăng trưởng của khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Nguyễn Thùy Mỵ/ Báo Lâm Đồng