Hợp tác Việt -Nhật hướng tới tăng trưởng xanh sau đại dịch COVID-19

18/02/2023 11:54

Thế giới đã và đang chứng kiến những xu hướng lớn về địa chính trị, cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu(BĐKH). Nhìn nhận về phát triển bền vững, giới phân tích đã có sự chuyển biến sâu sắc về chất, gắn với cam kết chính trị mạnh mẽ. Những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 buộc nhiều nền kinh tế phải hành động nhanh và quyết liệt hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng hiệu quả với BĐKH. Đặc biệt, phải nỗ lực nhiều hơn nhằm gia tăng hợp tác quốc tế về các nội dung gắn với tăng trưởng kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.

nhat-ban-1676695910.jpg

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Phát triển bền vững được xác định là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Khái niệm này bao hàm cả về nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu thiết yếu của người nghèo cần được ưu tiên và những ý tưởng công nghệ và tổ chức xã hội áp đặt lên khả năng đáp ứng nhu cầu môi trường. Trong tiếp cận vốn phát triển, giới phân tích quan tâm đến cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng trưởng phát triển bền vững là tổng lượng gia tăng của cả vốn kinh tế, vốn xã hội và đặc biệt là vốn môi trường tự nhiên.

Xem xét kinh tế xanh trong xóa đói giảm nghèo là một trong những công cụ quan trọng để đạt mục tiêu phát triển bền vững, nó cung cấp lựa chọn cho việc hoạch định chính sách. Kinh tế xanh góp phần xóa đói giảm nghèo; tạo tăng trưởng kinh tế bền vững, gia tăng hòa nhập xã hội, cải thiện phúc lợi con người và tạo cơ hội tăng việc làm cho mọi người, đồng thời duy trì hoạt động lành mạnh của hệ sinh thái. Tăng trưởng xanh thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo môi trường tự nhiên tiếp tục cung cấp các nguồn tài nguyên và dịch vụ môi trường làm nền tảng cho sự thịnh vượng của nhân loại. Để làm điều này, cần đầu tư và đổi mới, để củng cố tăng trưởng bền vững và tạo ra các cơ hội kinh tế mới.

xanh-1676695127.jpg

Phát triển kinh tế xanh – bước đi cho sự phát triển bền vững                     

Tăng trưởng và phục hồi xanh phụ thuộc vào đầu tư vốn tự nhiên. Khuyến khích đầu tư nguồn vốn này được dẫn dắt bởi các ngành liên quan đến môi trường, nâng cao tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; nhờ đó, phát triển công nghệ môi trường. “Xanh hóa” sẽ là nguồn lực mới cho tăng trưởng. Để làm việc này, giá trị kinh tế của vốn tự nhiên cần được công nhận và cho phép giao dịch trên thị trường với hệ thống hoạch toán tích hợp môi trường và kinh tế (SEEA); hạch toán tài sản và định giá dịch vụ hệ sinh thái.

Những cam kết quan trọng đã được đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP26 và COP27) về biến đổi khí hậu vào các năm 2021 và 2022. Bên cạnh khung khổ, chương trình hành động gắn với cải cách cơ cấu và phục hồi xanh, các chương trình toàn cầu trong khung khổ APEC, ASEAN cần tập trung vào phát triển kinh tế sinh học Xanh và kinh tế tuần hoàn (KTTH). Trong tăng trưởng xanh cần lưu ý những nội dung:

1. Người dân và các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên và rủi ro môi trường; vai trò của nông nghiệp có chiều suy giảm do các vấn đề an ninh lương thực, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng...

2. Tăng trưởng xanh là yếu tố sống còn để đảm bảo một tương lai bền vững và có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lớn theo thời gian.

3. Lợi ích tiềm năng từ tăng trưởng xanh khá lớn, nhưng cần hài hòa các ưu tiên ngắn hạn với các mục tiêu phát triển bền vững để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới.

4. Ngày càng có nhiều ví dụ về việc thực hiện các chính sách tăng trưởng xanh, với những kết quả hứa hẹn, tuy nhiên những nỗ lực gần đây còn hạn chế về phạm vi.

5. Cần có một chương trình nghị sự chính sách song hành để hướng dẫn hành động quốc gia và quốc tế về tăng trưởng xanh.

Là một trong những nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của BĐKH. Tại COP26, Việt Nam đã  cam kết mạnh mẽ nhằm đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; nhiều cam kết phát triển bền vững đã được đưa vào các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

Để thực hiện những cam kết tham vọng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những văn bản chính sách, trong đó có Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quyết định số 882/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn... Chính phủ Việt Nam cũng đã tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy lĩnh vực tăng trưởng xanh. Theo đó, hợp tác với Nhật Bản về tăng trưởng xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng trong hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực. Qua đó, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam, được sự tài trợ của Quỹ Quốc tế Toshiba (TIFO), tại Hà Nội vào trung tuần tháng 2 năm 2023, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Trường Chính sách công – Đại học Tokyo (GraSPP) tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam-Nhật Bản vơi chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Nhật -Việt hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh COVID-19”. Diễn đàn đã tập trung trao đổi, về những xu hướng và diễn biến mới trong nước và quốc tế cùng với những động lực thúc đẩy nỗ lực tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

ttxvn-20210913-phan-van-giang-kishi-nobuo-1-1-1676695775.jpg

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đón Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Những năm gần đây, nhìn nhận về phát triển bền vững đã có chuyển biến sâu sắc về chất. Những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy của đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều nền kinh tế phải hành động quyết liệt hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững. Nhật Bản và Việt Nam có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, cả 2 nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Trong khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), 2 nước đang trong quá trình đàm phán. CPTPP và IPEF đều có những nội dung hợp tác liên quan đến tăng trưởng xanh.

Những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam bao gồm thiết bị điện và điện tử, kiến trúc gỗ, điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản và canh tác hữu cơ,... Theo đó, cả 2 nước đều có thể cân nhắc một số định hướng thúc đẩy hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh

Trước hết, đó là nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách liên quan đến tăng trưởng; Thứ hai là, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam; Thứ ba là, hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon phát thải và; Thứ tư là, hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước , quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia và nhiều đại biểu đã trao đổi những nội dung liên quan đến các khái niệm kinh tế xanh, phục hồi xanh, tăng trưởng xanh; thực trạng và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam; những kết quả, đóng góp cụ thể, điển hình của hợp tác Nhật - Việt hướng tới tăng trưởng; cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030 và các khuyến nghị cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác Nhật - Việt nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Trao đổi tại Diễn đàn, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí hành cho biết nhiều quốc gia đã phải trả giá đắt cho tăng trưởng kinh tế do tài nguyên suy thoái, môi trường ô nhiễm, nhất ở các đô thị lớn. Ông lưu ý Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do BĐKH, thực thi cam kết là điều không đơn giản và dễ dáng (Việt Nam mới chỉ đạt được 3/12 mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động của Chiến lược Tăng trưởng xanh 2011-2020 do tác động lan tỏa khá thấp). Đây là quá trình đầy thách thức, ông nhấn mạnh cần thay đổi tư duy, nhận thức, cải cách thể chế, khung khổ pháp lý & chính sách, đào tạo, truyền thông. Thay đổi này đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận cả từ “dưới lên” và từ “trên xuống”

Theo ông, gắn phục hồi với chuyển đổi xanh, nâng cao trách nhiệm xã hội. Chi phí chuyển đổi có thể cao, vốn đầu tư lớn , cần bổ sung thêm 368 tỷ USD. Do vậy, cần hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận lẫn nhau đối với sản phẩm từ mô hình KTTH và phát triển hiệu quả thị trường tín chỉ carbon.

Đồng thuận hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Trưởng ban kinh tế vĩ mô CIEM Nguyễn Ánh Dương nhận xét, ở nhiều nước người ta nhìn nhận phục hồi xanh là điều cần thiết. Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hóa liên quan đến chuyển đổi xanh; lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào trong các hoạt động thương mại và phát triển chuỗi giá trị thương mại, PTBV trong cácFTA thế hệ mới và các sáng kiến mới, chuỗi giá trị các-bon thấp,  là việc làm cần thiết

 Nhằm thúc đẩy hợp tác Nhật - Việt hướng tới tăng trưởng xanh, ông Dương cho rằng, cần nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh, phải xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; tạo lập hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại làm cơ sở cho tài chính xanh và các hành động khác trong chiến lược tăng trưởng. Hiện nay, mốc thời gian để xây dựng ban hành Hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh ở Việt Nam còn khá mơ hồ.

Để hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN, Nhật Bản có thể nêu vấn đề với tư cách là đối tác chiến lược và nhà đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam; vai trò của nhà đầu tư Nhật Bản trong đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và đối thoại với cơ quan chính phủ về Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam cần được nâng cao.

Cần nêu gương tốt của Nhật Bản trong phát triển năng lượng bền vững, các dự án hạ tầng năng lượng cũng như nâng cao vai trò điều phối, thảo luận của các quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mê-Kông mở rộng (GMS) cũng như các đối tác khác.

Đối với chuỗi giá trị ít phát thải, cần phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; mở rộng chuỗi giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiện thực hóa các dự án trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Về hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh; sáng kiến cải cách cơ cấu và phục hồi xanh trong khuôn khổ khác nhau nhưAPEC, ASEAN, cần sớm nghiên cứu đề xuất. Theo đó những tiêu chuẩn và quy chuẩn trong KTTH cần được quan tâm, đặc biệt là trụ cột kinh tế sạch và những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh.

Ông Dương  nhấn mạnh, các bên liên quan của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong đợi cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản, nhưng cần tiếp tục cải thiện chất lượng kết nối dịch vụ từ trong nước và kỹ năng lao động.

Hy vọng những đề xuất gợi ra tại Hội thảo sẽ mang lại những kết qua mong đợi trong quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia trong thời gian tới./.

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Hợp tác Việt -Nhật hướng tới tăng trưởng xanh sau đại dịch COVID-19" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309