Gốm Bàu Trúc - Tinh hoa văn hóa Chăm

15/10/2022 16:42

Bàu Trúc làng gốm cổ nhất Đông Nam Á của người Chăm Ninh Thuận nổi tiếng với sản phẩm thủ công mỹ nghệ và kỹ thuật nung gốm độc đáo, được ngợi ca  là sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất, mang đậm chất văn hóa Chăm. Trải qua hơn 800 năm hình thành và phát triển, đến nay Bàu Trúc được xem như là một bảo tàng sống, chân thật của người Chăm Ninh Thuận.

cong-doan-nhao-dat-1665826553.jpg
Công đoạn nhào đất.

Làng gốm Bàu Trúc nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoàng 10 km về phía Nam.

cach-lam-gom-bang-tay-1665826560.jpg
Cách làm gốm bằng tay.

Làng Bàu Trúc trước còn có tên gọi theo tiếng Chăm là Paley Hamu Trok (có nghĩa là “Ma Tro”, hay làng Trũng theo tiếng Việt). Dưới thời vua Minh Mạng, năm 1832, có tên là làng Vĩnh Thuận.

Đến năm 1964, do một trận lụt lớn, làng phải dời về vùng đất có nhiều cây trúc, bên cạnh có một cáo ao lớn. Từ đó làng có tên khá độc đáo là làng gốm Bàu Trúc (Bàu là ao lớn, Trúc là cây trúc). 

Theo các cụ bô lão trong làng kể lại rằng: Tổ nghề gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh, người đã từ quan triều đình, để về làng dạy cho phụ nữ Chăm cách nặn, tạo hình, nung đất sét đế chế tác thành vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày và đồ thờ cúng trong các dịp lễ, Tết.

tao-dang-gom-1665826567.jpg
Tạo dáng gốm
ve-hoa-tiet-1665826572.jpg
Vẽ hoạ tiết

Đến nay những người phụ nữ Chăm liên tục truyền cho nhau từ đời này sang đời khác thổi hồn vào đất sét lấy ở vùng sông Quao. Họ đã tạo ra nhiều tác phẩm mỹ thuật và giữ lửa cho nghề gốm truyền thống sống mãi với thời gian.

Khác với những sản phẩm gốm các nơi, gốm Bàu Trúc được nhào nặn bằng đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, không làm bằng khuôn. Do đó sản phẩm gốm khi ra lò đều có sự khác biệt  mang tính độc đáo của từng sản phẩm.

Với cách làm thủ công truyền thống để tạo ra một sản phẩm gốm Bàu Trúc hoàn chỉnh cần phải trải qua nhiều công đoạn:

Đầu tiên đi lấy đất sét nguyên liệu về, phơi khô, đập nhỏ trộn với một lượng nước vừa đủ. Sau đó ủ qua đêm. Sáng hôm sau đem đất sét đã ủ trộn với cát mịn với một tỉ lệ nhất định (thường 2 đất 1 cát), rồi nhào nặn thật nhuyễn, trước khi đem tạo hình tác phẩm.

gom-bau-truc-ninh-thuan-1665826582.jpg
Gốm Bàu Trúc Ninh Thuận
gom-bau-truc-1665826577.jpg
Gốm Bàu Trúc

Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta phải dùng loại đất sét có độ dẻo cao, thường được lấy từ các lớp đất nằm sâu ở triền sông Quao. Đất sét có độ dẻo cao, không phải nơi nào cũng có. Ninh Thuận có nhiều làng Chăm, nhưng chỉ riêng đất sét làng Bàu Trúc mới tạo nên được sản phẩm nổi tiếng.

Một điều rất lạ là từng sản phẩm gốm Bàu Trúc, chứa đựng những huyền bí từ vùng đất có nguyên liệu  đất sét dẻo để làm gốm đã có từ bao đời nay, nhưng chưa một ai lý giải được một cách thuyết phục. Sự huyền bí được thể hiện bằng thực tế  mà người làm gốm Bàu Trúc  đã chứng kiến là lâu nay sử dụng đất sét chỉ ở một vài thửa ruộng nhất định thuộc vùng sông Quao (cách làng Bàu Trúc khoảng 3km). Sau khi đào bỏ khoảng 20 – 30 cm, lớp đất bề mặt, người thợ gốm sẽ khai thác lớp đất dưới liền kề  để làm nguyên liệu chế tác sản phẩm. Điều kỳ lạ là ở vị trí bà con khai thác đất sét xong, dùng lớp đất bề mặt cũ san lấp lại. Nhưng chỗ đó không hề bị sụt lún.

Đặc biệt, chỉ sau vài tháng sau, tại vị trí đó, sẽ xuất hiện một lớp đất sét mới, giống lớp đất sét đã khai thác trước. Đất sét tiếp tục dâng lên lấp đầy vị tí cũ. Và cứ như vậy, trải qua gần 1.000 năm tồn tại và phát triển, nguyên liệu đất sét làm nên sản phẩm  gốm Bàu Trúc không hề vơi cạn.

nung-gom-lo-thien-1665826588.jpg
Nung gốm lộ thiên

Hơn nữa, ngoài những thửa ruộng có nguyên liệu đất sét dẻo, để khai thác làm gốm Bàu Trúc, nếu lấy đất sét tại các vị trí khác dù chỉ cách xa vài bước chân cũng không thể tạo ra sản phẩm gốm chất lượng không tốt bằng.

Trên mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc thể hiện rõ nét văn hóa độc đáo nổi bật khác biệt với các sản phẩm gốm các nơi, từ tạo hình, trang trí, đến bàn tạo hình cũng như phương pháp nung. Mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc, người thợ gốm sử dụng các công cụ đơn sơ: vỏ sò, cái muỗng (thìa), chiếc lược, hòn đá... Chính nhờ những dụng cụ thô sơ này, cùng với sự khéo léo đôi bàn tay của nghệ nhân, đã tạo hình mang nét đặc trưng riêng của người thợ gốm Chăm.

Sau khi tạo hình xong, sản phẩm sẽ được các nghệ nhân vẽ, trang trí, hoa văn, họa tiết tạo ra những điểm nhấn. Các hoa văn trên sản phẩm gốm Bàu Trúc khá đơn giản, nhưng tinh tế, đầy sức cuốn hút, hấp dẫn và rất riêng biệt. Hoa văn trên sản phẩm gốm phần lớn hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật cây cỏ.

Thông thường để tạo hình sản phẩm gốm, nhiều làng gốm Việt Nam người ta dùng bàn xoay. Ngược lại làng gốm Bàu Trúc các nghệ nhân sử dụng “bàn tạo hình cố định” . Các nghệ nhân giải thích rằng nếu dùng bàn xoay thì đất sét ở đây dính chặt và khi xoay đất sét sẽ bị trể xuống, nên không thể chế tác ra sản phẩm theo ý muốn. Vì thế, các nghệ nhân chủ yếu dùng tay xoay  hoặc di chuyển người để tạo hình sản phẩm. Các nghệ nhân gốm Bàu Trúc dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo sản phẩm đầy tính ứng dụng  và đạt tính mỹ thuật cao. Bởi thế người làm gốm Bàu Trúc thường ví von “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Và như vậy, trung bình mỗi ngày một người thợ gốm Bàu Trúc phải đi dật lùi khoảng từ  7 – 8 km.

san-pham-da-nung-va-chua-nung-1665826593.jpg
Sản phẩm đã nung và chưa nung

Về cách nung gốm Bàu Trúc  cũng khác người. Gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung lộ thiên ngoài trời, trong khoảng thời gian 6 giờ với nhiệt độ 500 độ C trở lên. Đặc biệt để mẻ gốm nung được hoàn hảo, trước khi nung phải chọn người châm lửa cho phù hợp. Dân làng tổ chức lễ cúng chọn ngày giờ tốt.

Cách nung: sản phẩm được chất thành đống, ủ rơm lên và đốt. Sau đó bằng cách pha mầu, ém khói khi nung, nghệ nhân sẽ tạo ra các vệt màu loang trên từng sản phẩm.

Trong quá trình nung, người thợ không được cười đùa để tránh sự quở phạt của ông bà tổ tiên và thần linh.

san-pham-gom-bau-truc-2-1665826634.jpg
Sản phẩm gốm Bàu Trúc

 Sau khi nung xong, gốm sẽ được lấy ra để phun mầu. Loại màu này thường được chiết xuất từ trái dông hoặc quả thị ( không dùng hóa chất). Tiếp đó, sản phẩm được nung lại lần hai khoảng 2 giờ nữa. Do vậy, gốm Bàu Trúc có màu đặc biệt vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu rất bắt mắt.

nghe-nhan-gia-cham-1665826639.jpg
ghệ nhân già Chăm

Sản phẩm gốm Bàu Trúc có nhiều loại, bên cạnh các sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, còn có nhiều mặt hàng mỹ nghệ nổi tiếng, có chỗ đứng vững trên thị trường, như tượng Nữ Thần Apsara, phù diêu trang trí nội thất...

tac-pham-gom-mang-ve-dep-van-hoa-cham-1665826645.jpg
Tác phẩm gốm mang vẻ đẹp văn hoá Chăm

Gốm Bàu Trúc làm từ nguyên liệu đất sét. Cách làm thủ công bằng tay, do đó trong mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chứa cả sự tinh hoa của mỗi người thợ, của từng nghệ nhân mang đậm nét bản sắc văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng dân tộc Chăm Ninh Thuận./. 

Trần Mạnh Thường
Bạn đang đọc bài viết "Gốm Bàu Trúc - Tinh hoa văn hóa Chăm" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309