Tưởng nhớ Giáo sư Nguyễn Vy, nhà khoa học xuất sắc, cây đại thụ của khoa học nông nghiệp Việt Nam qua đời ở tuổi 90

10/12/2022 13:26

Giáo sư Nguyễn Vy, sinh ngày 01/10/1933, nguyên là Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hoá (TNNH), là một nhà khoa học nông nghiệp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã qua đời tại Hà Nội vào hồi 21 giờ 45 phút ngày 08 tháng 12 năm 2022 (tức ngày 15 tháng 11 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 90 tuổi. Bạn đọc các báo khoa học đời sống, nhân dân và nhiều tờ báo khác còn biết ông với bút danh là nhà báo Đan Hoà (Đan Nhiệm và Xuân Hoà là quê nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Vy).

Giáo sư Nguyễn Vy thuộc nhóm lưu học sinh đầu tiên của Việt Nam đi học đại học tại Liên Xô (cũ) ngay từ những năm kháng chiến. Từ năm 1958 ông về làm cán bộ giảng dạy tại Học Viện Nông Lâm, nay là Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Năm 1965 trở lại học viện Nông nghiệp Timiriazep ở Matxcơva làm nghiên cứu sinh và tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 1968. Sau đó ông về nước làm việc liên tục với tư cách là nhà khoa học chuyên môn về đất và nông hoá thổ nhưỡng ở các cương vị khác nhau. Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980 và giữ chức vụ Viện trưởng Viện thổ nhưỡng Nông hoá từ tháng 8/1982 đến ngày nghỉ hưu 1/10/1993.

y1-1670653046.png

GS Nguyễn Vy trong một chuyến công tác tìm biện pháp nâng cao độ phì nhiêu thực tế đất cát biển”

Nhà khoa học với tư duy phản biện rất cao

Ngay từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước , giáo sư Nguyễn Vy đã rất nổi tiếng trong giới khoa học  Việt nam  về một nhà khoa học thông minh, sắc sảo với phong cách làm việc rất sát anh em và tư chất phản biện đến  cao độ rất đáng suy ngẫm và phương pháp nghiên cứu khoa học toàn diện. Có lần Giáo sư đi hội thảo nước ngoài về mang mấy cuốn sách, giáo sư đề ngoài bìa là “sách quí bạn tặng” nhưng trong đó nhiều bài, nhiều đoạn được giáo sư gạch, ghi chú “đỏ hoe” với các câu hỏi tại sao? Không đúng hoặc chưa đúng thế này, thế nọ.

Mệnh đề trong nghiên cứu khoa học của giáo sư Vy là “ Chọn đề tài, hướng giải quyết đề tài và cách tổ chức thực hiện đề tài”. Nếu 3 cái đó tốt, chắc chắn có kết quả tốt. Giáo sư Nguyễn Vy đặc biệt rất không yêu các đề tài kiểu “trên trời và chỉ có lý thuyết mà thôi”, các đề tài nếu được chọn và định chọn sẽ phải gắn với thực tiễn. Đó là yêu cầu của Giáo sư với tư cách là chủ tịch Hội đồng khoa học và với tư cách là một đồng nghiệp. Giáo sư đặc biệt trăn trở với cái nghèo của đất nước đặc biệt ở thời kỳ bao cấp, những khi đất nước còn thiếu gạo, thiếu thịt và thiếu nhiều thứ khác nữa.

y2-1670653063.png

GS Nguyễn Vy và các nhà khoa học đất thế hệ học trò tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Thổ nhưỡng nông hoá (SFRI).

Với cuốn “Nghiên cứu hoá học đất miền Bắc, Việt nam”, đồng tác giả (Nguyễn Vy, Trần Khải), xuất bản 1968, đã nói rất rõ đặc điểm hoá lý đất lúa ngập nước, và quan hệ bón phân cho lúa, đặc biệt đến tận sau này khi tìm hiểu và khám phá về vai trò của Lân đối với đất phèn, đất phù sa sông Hồng và đất đồng bằng sông Cửu Long. Cũng như lý giải được tại sao “ Đất phù sa sông Hồng lại tốt đến thế” mà cho ông ta gọi là  “đất bờ xôi ruộng mật” khi xác định được các thành phần khoáng với nhiều Kali thông qua các nghiên cứu đầu tiên có sử dụng máy đo tia X, lần đầu tiên ở Việt Nam, mà Viện Thổ nhưỡng Nông hoá được trang bị thông qua chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) khi đất nước đang còn bị cấm vận.

Nghiên cứu cơ bản có định hướng

Giáo sư Nguyễn Vy đặc biệt rất chú ý đến nghiên cứu cơ bản có định hướng và vai trò của khoa học liên ngành. Vào những năm 1980-1990, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá được giao chủ trì một chương trình đặc biệt quan trọng đó là chương trình thâm canh lúa đồng bằng sông Cửu Long, dưới sự chủ trì của giáo sư Nguyễn Vy. Tại thời điểm đó, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá có 1 tổ công tác đặt tại “37 Bến Chương Dương, lầu 3, quận 1), nơi đó hàng ngày tấp nập vào ra các chuyên gia đủ các lĩnh vực từ Bắc đến Nam. Có nhiều chuyến công tác đến Tân Thạnh, Long An, Đồng Tháp Mười, An Giang với các nhiều vị giáo sư và các nhà khoa học “gạo cội “ như GS. Vũ Cao Thái, GS, anh hùng Nguyễn Văn Luật, GS. Trần Thế Thông, GS. Mai Văn Quyền, GS. Bùi Đình Dinh và nhiều người khác nữa). Vấn đề là phải xác định cho được yếu tố hạn chế đối với sản xuất lúa đồng Bằng sông Cửu Long và nên thay đổi hệ thống chăn nuôi trồng trọt ở đây theo hướng nào? Tại thời điểm đó, chưa có nội dung nghiên cứu môi trường nhưng vấn đề đốt rơm rạ và tái sử dụng rơm rạ để làm phân hữu cơ đã được đặt ra. Phát hiện lớn nhất của chương trình thâm canh lúa đồng bằng sông Cửu Long là vai trò của Lân. Lân là yếu tố hạn chế lớn nhất trong thâm canh lúa đồng bằng sông Cửu Long. Đất đồng bằng Sông Cửu Long cần Lân nhưng lại cần rất ít hơn so với đất phù sa Sông Hồng. Đó là lợi thế của nền nhiệt cao và cường độ sáng, gọi là “lợi thế vũ trụ”. Từ đó đã thiết lập cấc quan hệ dinh dưỡng Lân và Đạm và cũng từ đó các nhà máy sản xuất phân bón có chứa lân đã hướng về đồng bằng sông Cửu Long. Dạo đó chúng tôi nhớ là bà con nông dân đồng bằng song cửu Long khoái nhất là dùng DAP (vì có chứa cả Lân và Đạm).

Sau này những năm 1985-2000, với sự hợp tác của Viện lúa quốc tế (IRRI) và Viện kali, lân thế giới do Giáo sư Nguyễn Vy khởi xướng, các nghiên cứu về nông nghiệp chính xác, một loạt các thí nghiệm đồng bộ được thực hiện trong cả nước trên hầu hết các vùng đất và các đối tượng cây trồng… các lý luận về bón phân cân đối về quan hệ giữa năng suất tối đa (Maximum yield) và năng suất tối  ưu (Optimal yield) đã được minh chứng, tổng kết và đưa thành tiến bộ kỹ thuật. Đáng chú ý là quan hệ giữa điều kiện vi khí hậu, dinh dưỡng và bệnh cây; giữa dinh dưỡng cây trồng và chất lượng nông sản đã được làm sáng tỏ rất rõ trong điều kiện nhiệt đới ẩm Việt Nam.

Quan điểm nghiên cứu hệ thống và liên ngành trong khoa học nông nghiệp

Giáo sư Nguyễn Vy và Giáo sư Đào Thế Tuấn đặc biệt thống nhất cao quan điểm nghiên cứu hệ thống và lưu vực trong khoa học nông nghiệp. Đặc biệt hai ông đã phát triển xây dựng Chương trình hợp tác Pháp Việt mà Giáo sư Tuấn phụ trách nghiên cứu hệ thống nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và Giáo sư Vy phụ trách nghiên cứu hệ thống nông nghiệp vùng đồi lưu vực sông Hồng. Cho đến tận hôm nay, sau gần 40 năm ở Viện Thổ nhưỡng Nông hoá và Trung tâm hệ thống nông nghiệp (VASI cũ) vẫn còn nghiên cứu hợp tác với Viện nghiên cứu phát triển (IRD) của Pháp.

Về quan điểm nghiên cứu hệ thống và liên ngành còn được cụ thể hoá ở Viện TNNH thời giáo sư Nguyễn Vy làm viện trưởng đó là “Trung tâm nghiên cứu Bèo Hoa Dâu” nay là Trung tâm nghiên cứu các chế phẩm nông hoá và dinh dưỡng cây trồng của Viện TNNH.

Việc nghiên cứu bèo hoa dâu ở Việt nam và đặc biệt ở “Trung tâm nghiên cứu Bèo Hoa Dâu” đã đặc biệt được chú ý bởi hầu hết tẩt cả các nhà khoa học nghiên cứu về bèo hoa dâu của các nước phát triển và của FAO (đặc biệt trong số đó phải kể đến GS Thomas Lumpkins, ĐH Washington, USA). Trong thực tế rất nhiều giáo sư, bác sĩ của Học Viện Quân Y đã cùng nghiên cứu với Trung tâm nghiên cứu Bèo Hoa Dâu” và tgrifnh bày báo cáo khoa học tại Viện TNNH. Sản phẩm bèo hoa dâu ngoài dùng làm phân bón thay đạm, còn được phối trộn làm thức ăn gia súc và đặc biệt trong bèo hoa dâu có dược chất Phylamine có khả năng chống oxyhoá, chống lão hoá rất cao. Vì lẽ đó bèo hoa dâu của Việt Nam đã được anh hùng Phạm Tuân mang lên vũ trụ để nghiên cứu về khả năng sử dụng làm  thực phẩm chức năng chống phóng xạ. Theo các nhà khoa học, Cây bèo hoa dâu cần được phục hồi trong thời đại hiện nay vì nó hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Nông nghiệp sinh thái.

gs123-1670659902.jpg
GS Nguyễn Vy năm 2020

Về độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì nhiêu thực tế của đất và phát triển lâu bền

Trong tất cả các nội dung nghiên cứu, đối với Giáo sư Nguyễn Vy có lẽ điều ông quan tâm nhất là bàn về nội dung” độ phì nhiêu đất” ông đã phân tích khá rõ về khái niệm “độ phì nhiêu tự nhiên” và “độ phì nhiêu thực tế”. Theo giáo sư Vy, thì chỉ độ phì nhiêu tự nhiên không có “ý nghĩa” lắm vì tự nhiên chỉ nằm ở tiềm năng, nằm ở cái “tổng số” chưa nói lên “chất”, mặt khác nó phải được thể hiện qua thực tế (effective), tức là thực tế đạt được thông qua sức sản xuất, thông qua khả năng mang lại lợi ích cho con người. Trong một luận án nghiên cứu sinh do giáo sư Vy hướng dẫn  vào những năm cuối 1980 cũng đã bàn rất rõ về quan điểm sinh thái và phát triển lâu bền khi đi tìm các biện pháp nâng cao độ phì nhiêu thực tế của đất. Muốn nâng cao độ phì nhiêu thực tế của đất ngoài bản chất thiên nhiên vốn có cần có sự can thiệp của con người thông qua các biện pháp canh tác và phương thức cải tạo đất, duy trì và bảo vệ độ phì nhiêu đất. Khái niệm lâu bền về độ phì nhiêu thực tế của đất trước đây dùng chính là thuật ngữ phát triển bền vững hiện nay theo đó đất chính là sự sống bao gồm sự sống tiềm năng và sự sống thực tế. Nâng cao độ phì nhiêu thực tế của đất chính là nâng cao sức sản xuất của đất thông qua nghiên cứu Sức khoẻ đất như một thành phần của sức khoẻ môi trường và cao hơn là sức khoẻ của chính trái đất này mà quan hệ đất, cây, khí hậu, con người, các thực thể sống là một quan hệ bền chặt và có tác động qua lại lẫn nhau trong chu trình tuần hoàn vật chất mà ngày nay chúng ta hay nói nó là sự tuần hoàn của tạo hoá và tính đa dạng của vũ trụ.

Với sự thương tiếc và kính trọng một nhà khoa học đầy cá tính, sắc sảo và gương mẫu chúng ta tiễn biệt Giáo sư về cõi vĩnh hằng và mãi nhớ về một nhà khoa học nông nghiệp uyên bác, tài năng./.

PGS. TS. Phạm Quang Hà

Nguyên trưởng bộ môn nghiên cứu môi trường đất

Viện Thổ nhưỡng Nông hoá