Biểu hiện sinh động cho những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy là đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền tại Trường Đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội”, vừa được hội đồng chuyên môn đánh giá xuất sắc. Đề tài không chỉ là một công trình nghiên cứu đơn thuần, mà còn là “kim chỉ nam” định hướng, góp phần nâng tầm chất lượng đào tạo, khơi dậy ngọn lửa đam mê, tình yêu với âm nhạc truyền thống và lòng tự hào dân tộc trong trái tim mỗi học viên.
Người truyền lửa cho thế hệ trẻ
Đằng sau thành công của đề tài là tâm huyết, trí tuệ và sự cống hiến không mệt mỏi của Thượng tá, ThS, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang - một nghệ sĩ tài năng, một nhà giáo tận tâm, người đã dành trọn hơn 30 năm cuộc đời để “truyền lửa”, thắp sáng niềm đam mê cho bao thế hệ học trò. Chị là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa âm nhạc truyền thống và hơi thở của thời đại, là “nhịp cầu” kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của âm nhạc Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, cái nôi của Dân ca Ví Giặm ngọt ngào, đằm thắm, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang đã sớm được nuôi dưỡng trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Sáu năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 đã giúp chị thấm đẫm những câu hò vọng cổ, những điệu Đờn ca tài tử trữ tình của miền Đất Phương Nam. Bảy năm công tác tại Nhà hát ca múa nhạc phục vụ nhân dân các vùng miền đã cho chị cơ hội được trải nghiệm, khám phá sự phong phú, đa dạng của âm nhạc Việt Nam.
Từ năm 2016, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang trở về “mái nhà” Trường ĐH VHNT Quân đội, mang theo hành trang là những kinh nghiệm quý báu, những vốn sống phong phú để truyền lại cho thế hệ nghệ sĩ chiến sĩ trẻ. Nếu âm nhạc dân ca là “bản sắc”, là “linh hồn” của chị, thì thanh nhạc hiện đại lại là những nỗ lực không ngừng nghỉ, là “đôi cánh” giúp chị chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa hơn nữa.
Ngay từ năm 1998, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang đã khẳng định tài năng và bản lĩnh nghệ thuật của mình khi giành Huy chương bạc Hội diễn toàn quân với ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn. Sau đó, chị tiếp tục gặt hái nhiều thành công, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua vai chính trong vở Nhạc kịch “Hai Người Mẹ” của Nhạc sĩ An Thuyên và hai ca khúc mang âm hưởng dân gian thính phòng “Có một dòng suối trong lành” và “Ở rừng nhớ anh” cũng của nhạc sĩ tài hoa này.
Trong những năm gần đây, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang đã miệt mài hòa âm, phối khí và làm mới hơn 100 ca khúc mang âm hưởng dân ca, thực hiện hơn 40 chương trình nghệ thuật sử dụng các ca khúc này, xuất bản 2 cuốn sách về dạy học và phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền. Những đóng góp của chị đã được ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là đề tài “Nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền tại Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội” vừa được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc, một lần nữa khẳng định tài năng, tâm huyết và những đóng góp to lớn của chị cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Nơi tinh hoa hội tụ, tài năng
Với đội ngũ giảng viên tâm huyết, tài năng, giàu kinh nghiệm như NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang, NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Thúy Nội, NSƯT Hà Phạm Thăng Long, Ca sĩ Sao Mai - Xuân Hảo, Ca sĩ Sao Mai - Lương Nguyệt Anh, Ca sĩ Sao Mai - Tố Hoa, Ca sĩ Sao Mai - Ngô Đức, Ca sĩ Sao Mai - Nhật Huyền, Ca sĩ, Tiến sĩ Văn Giáp đến những thầy cô được đào tạo thanh nhạc bài bản ở nước ngoài như Ca sĩ Phương Mai, Ca sĩ Trịnh Phương, Ca sĩ Tùng Lâm, những thầy cô tâm huyết gắn với mái trường ĐH VHNT Quân đội như: Hoàng Hà, Ánh Phượng, Huy Hoàng, Huyền Trầm, Quỳnh Nga, Bích Ngọc...có thể nói Khoa Thanh nhạc nói riêng, Trường ĐH VHNT Quân đội nói chung xứng đáng là “cánh chim đầu đàn”, ngọn cờ tiên phong trong công tác đào tạo ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc. Nhà trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, kỹ năng, mà còn là nơi khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ chiến sĩ đối với sự nghiệp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong tương lai, tin tưởng rằng, Trường ĐH VHNT Quân đội sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đào tạo ra những thế hệ nghệ sĩ chiến sĩ tài năng, góp phần đưa âm nhạc dân gian Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, để những làn điệu dân ca ngọt ngào, đằm thắm mãi ngân vang, thấm sâu vào trái tim mỗi người con đất Việt.