Trong Di chúc, lời dặn dò trước hết của Người là về Đảng với tư cách đảng cầm quyền. Đó cũng là vấn đề Người trăn trở trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Người nhấn mạnh đến ba vấn đề: đoàn kết, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, sự thấm nhuần đạo đức cách mạng
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất, để Đảng thực sự trở thành đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất là cơ sở cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.
Nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện qua các buổi họp chi bộ.
Trong Di chúc, Người viết: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Do vậy, đoàn kết thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng và của cả cách mạng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Người viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình."
Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hàng ngày. Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người viết: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau."
Công an thành phố Tuyên Quang tổ chức tuyên truyền pháp luật cho cán bộ đảng viên.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đạo đức cách mạng. Vì con người cần có đạo đức, người làm cách mạng càng cần có đạo đức. Đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Hồ Chí Minh coi đạo đức là sức mạnh của con người. Người từng nói: "Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không". Chính vì thế, trong Di chúc, Người căn dặn mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một Đảng cầm quyền, cần phải có trách nhiệm chăm chăm lo, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, đào tạo họ thành những thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Người khẳng định "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Đảng phải có kế hoạch phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân - những người lao động đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại trải qua nhiều nǎm chiến tranh, kể từ khi có Đảng, nhân dân luôn luôn đi theo Đảng, trung thành với Đảng.
Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn chăm lo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, đặc biệt là xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được mỗi cán bộ, đảng viên, từng chi, đảng bộ và toàn Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài qua các năm. Bên cạnh đó, Đảng cũng rất quan tâm chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí.... Công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua đã được Trung ương Đảng chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng càng phải thấm nhuần lời dạy của Người.
Thứ nhất, phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng, nguyên tắc có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản. Trong Đảng phải thực hành dân chủ để khơi dậy, phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể, thật sự mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Chống lại những biểu hiện hình thức trong thực hành dân chủ. Tuy nhiên, dân chủ phải gắn với tập trung, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung - dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó phải kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời nhân dân...
Thứ hai, thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tự phê bình và phê bình phải thực hành cho đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Tránh tình trạng nể nang, xuề xòa, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật, "nói tốt trước mặt, hục hặc sau lưng", hoặc lợi dụng tự phê bình và phê bình để soi mói, bới lông tìm vết, tìm cơ hội "hạ bệ", "đấu đá" lẫn nhau...
Thứ ba, thường xuyên chú trọng việc giữ gìn, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Rèn luyện đạo đức cách mạng phải làm thường xuyên, liên tục, suốt đời, phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi lĩnh vực để làm gương cho quần chúng. Xây dựng đạo đức cách mạng phải đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm suy yếu sức mạnh của Đảng; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; gây thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Quy định số 08- QĐi/TW...
55 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng bản Di chúc lịch sử mà Người để lại vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Thực hiện lời dặn của Người, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.