Có nên cấm các sản phẩm ChatGPT trong bài báo khoa học?

10/02/2023 15:23

Trước sự bùng nổ với hàng triệu người dùng trên thế giới, nhiều nhà xuất bản thể hiện lo ngại ảnh hưởng của Chatbot AI này trong khoa học và học thuật.

Trong động thái mới đây, Science đã cập nhật chính sách xuất bản mới, cho biết cấm các tác giả đưa vào bài báo khoa học những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng này cũng không được phép đứng tên tác giả bài báo. Tạp chí Science cho biết việc vi phạm quy định này cũng bị xem là hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng tương tự chỉnh sửa kết quả hay đạo văn.

Tổng biên tập tạp chí Science Holden Thorp cho biết, có những tác động nghiêm trọng từ các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ thay đổi giáo dục như thế nào khi chúng có thể viết các bài luận cho sinh viên, giải đáp thắc mắc y học, tóm tắt nghiên cứu. Đáng ngại hơn là những ảnh hưởng trong việc viết bài báo khoa học khi chat GPT có thể tạo tóm tắt nghiên cứu đủ tốt khiến các nhà khoa học cũng khó phát hiện đó là "tin giả".

z4098845594101-a783f61d769d69245016935cbb8f0c2e-1676017567.jpg

GS Thorp nhận định "ChatGPT rất thú vị nhưng không thể trở thành tác giả bài báo". Ông cho hay, từ lâu các nhà khoa học phải cam kết rằng nghiên cứu của mình là "nguyên gốc" (original), không được sao chép từ bất cứ nguồn nào trước khi được chấp nhận xuất bản. Rõ ràng những đoạn văn được tạo tự động từ ChatGPT không phải do các nhà khoa học tự viết. Do đó, tạp chí Science xem đây là một hành động tương tự như đạo văn và vi phạm nghiêm trọng liêm chính học thuật.

Tuy nhiên ông cho rằng để tạo bài báo học thuật đích thực vẫn là một chặng đường dài và những sáng tạo không phải vấn đề mà AI có thể dễ dàng làm được. "Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ nghiên cứu, còn sản phẩm khoa học phải đến từ cỗ máy tuyệt vời trong đầu các nhà khoa học", ông cho hay.

Ít ngày trước đó, Nature cùng tất cả tạp chí thuộc nhà xuất bản Springer Nature cũng thông báo điều chỉnh quy định nộp bài, yêu cầu không được đưa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào danh sách tác giả. Theo tạp chí danh tiếng này, một trong những tiêu chí để trở thành tác giả bài báo là phải chịu trách nhiệm về công trình, điều mà ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo không thể đáp ứng được.

Về nội dung này, Thạc sỹ, Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Tổng Thư ký Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận những tiện ích của công cụ ChatGPT trong việc hỗ trợ người dùng nghiên cứu, học tập nhanh chóng tiếp cận được những thông tin được trí tuệ nhân tạo tổng hợp từ kho dữ liệu không lồ. Tuy nhiên, về bản chất đây chỉ là một nguồn dữ liệu tham khảo vì nó được tạo ra từ những thuật toán nên sẽ có những lỗ hổng kỹ thuật và không xác định được rõ bản quyền và trách nhiệm pháp lý khi sử dụng những thông tin dữ liệu ấy.

z4098845606724-fb6cfd91e85a6734e1fa17ef7686deed-1676017567.jpg
Nhà báo Vương Xuân Nguyên

“Nhờ có trí tuệ nhân tạo mà các lĩnh vực trong đời sống diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả hơn. Trí tuệ nhân tạo, ngày càng có ảnh hưởng và tác động ngày càng lớn đến xã hội, văn minh nhân loại. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế trí tuệ con người. Bởi trí tuệ nhân tạo là loại trí tuệ không có tư duy. Chính vì không có tư duy nên nó không có mục đích của riêng chúng và nó chỉ có một mục đích duy nhất do người tạo ra nó ban cho nó mà thôi. Chừng nào con người còn hơn máy móc ở khả năng nhận thức thì chừng ấy, trí tuệ nhân tạo AI vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn trí tuệ con người trong mọi lĩnh vực được...”, Thạc sỹ, Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ.

Từ đó, Tổng Thư ký Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, các tạp chí khoa học nói riêng, các cơ quan xuất bản các ấn phẩm khoa học nói chung cần có những quy định cụ thể tránh tác giả của các bài viết, các công trình khoa học sử dụng các trích dẫn khoa học, nội dung học thuật được tạo ra từ các công cụ trí tuệ nhân tạo trung gian như ChapGPT. Ở một mức độ nào đó, cần phải lên án việc lạm dụng các học thuật như vậy là hành vi “đạo văn” và vi phạm đạo đức nghề nghiệp./.

Hằng Nga - Quyết Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Có nên cấm các sản phẩm ChatGPT trong bài báo khoa học?" tại chuyên mục Khoa học - Kỹ thuật. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309