Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD

29/06/2022 17:48

Theo Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển động sang nền kinh tế nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: TQ

Tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 2,8%

Chiều 28/6, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, đầu năm thời tiết khá khắc nghiệt, ảnh hưởng mạnh đến trồng trọt. 

Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu… cũng tăng mạnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7 - 2,8%; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.

Có được kết quả trên nhờ các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đạt được sự tăng trưởng tốt. Cả nước đã gieo cấy được khoảng 5,2 triệu ha lúa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tuy nhiên, năng suất đạt 65,1 tạ/ha, giảm khoảng 1,8 tạ/ha, sản lượng khoảng 23,17 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Các loại cây ăn quả chủ lực như: xoài, bưởi, dứa, vải, nhãn, chuối... đều có sự tăng cả về diện tích và sản lượng tăng. Sản lượng hầu hết các loại cây công nghiệp như: hồ tiêu, cao su, điều... đều tăng.

Chăn nuôi đã thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi, phát triển mạnh theo hướng an toàn sinh học. Chất lượng con giống, nhất là giống lợn, gia cầm được kiểm soát tốt. Do đó, đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển (trừ đàn trâu giảm 1,4%). Tổng sản lượng thịt các loại 3,4 triệu tấn.

Riêng với lĩnh vực thủy sản, mặc dù có nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến khai thác thủy sản thủy sản, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA được triển khai thực hiện hiệu quả… Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021

Về tình hình, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, ông Việt cho hay: Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, ngành nông nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Các đơn vị tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông...

Nhờ vậy, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.

Theo đó, nhóm nông sản chính 11,37 tỉ USD (tăng 8,8%), lâm sản chính 9,1 tỉ USD (tăng 3%), thủy sản 5,8 tỉ USD (tăng 40,8%), chăn nuôi 176 triệu USD (giảm 15,9%), đầu vào sản xuất 1,42 tỉ USD (tăng 64,8%).

Đáng chú ý, do thị trường xuất khẩu mở rộng có đến 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỉ USD gồm cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, nhóm mặt hàng cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. 

Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỉ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu). Trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỉ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu).

Đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức

Tuy đạt kết quả tăng trưởng cao, nhưng theo ông Nguyễn Văn Việt, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao; khai thác thủy sản phải đối mặt với giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao. 

Trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất.

6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số ấn tượng 27,88 tỉ USD - Ảnh 2.

Do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá ở các vùng biển Nam Định, Hải Phòng... nằm bờ. Ảnh: TQ

Kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi, dự báo tăng trưởng khá lạc quan năm 2022. Nắm bắt cơ hội này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng: Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và xung đột Nga – Ukraine.

Theo ông Việt, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm,thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD. 

"Với mục tiêu xuất khẩu mới, ngành sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu", ông Việt khẳng định.

Trước tình trạng khai thác thủy sản trên biển gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Công Thương đã bàn với Bộ NNPTNT làm văn bản trình Chính phủ hỗ trợ an sinh cho 91.716 tàu, trong đó có hơn 3.000 tàu cá từ 15m trở lên.

"Về lâu dài, chúng ta phải tính cơ cấu lại khai thác và tăng cường nuôi biển, nuôi trong bờ để sản phẩm, đối tượng phong phú hơn, năng suất, chất lượng sản lượng cá, tôm... tăng cao hơn. Chúng ta có 6.695 hồ chứa, gần 800 tỷ m3 nước, đây là lợi thế rất lớn để tăng nguồn nuôi thủy sản.

Như 6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi biển tăng 7,4%, trong đó khai thác giảm xấp xỉ 3%. Như vậy, để bù đắp cho sản lượng khai thác, chúng ta phải tăng cường nuôi biển. Đây cũng là giải pháp lâu dài để có nguyên liệu chế biến và chế biến sâu để tăng xuất khẩu thủy sản trong năm nay và các năm tiếp theo", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định. 

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, sản xuất thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ không dễ dàng như đầu năm. Do các tháng cuối năm là vào mùa mưa bão, bên cạnh đó là giá vật tư vẫn tăng cao.

Để khắc phục các khó khăn trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, vừa qua, Bộ đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có phương án hỗ trợ ngư dân trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao. 

Đối với nuôi trồng thủy sản, ngành đã làm việc với doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà cần chia sẻ khó khăn cùng bà con để các bên cùng phát triển.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309