Xuất khẩu thủy sản dự báo nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025

PV
Theo TTXVN: Sau nhiều tháng tăng trưởng tốt ở mức 2 con số, xuất khẩu thủy sản tháng 6/2025 đã chững lại, dự báo nhiều thách thức trong nửa cuối năm.
Chú thích ảnh Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản tháng 6/2025 đạt 876 triệu USD, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khiêm tốn nhất trong nửa đầu năm và thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng hơn 20% của tháng 5. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 891 triệu USD vẫn tăng 16%. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang thị trường này để tránh rủi ro bị đánh thuế cao.

Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tháng 6, tăng từ 15% đến gần 28%. Trong khi đó, xuất khẩu sang EU chững lại, giảm nhẹ 1%; xuất khẩu sang khu vực Trung Đông giảm mạnh 16% do ảnh hưởng của xung đột. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Israel, thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ hộp giảm sâu hơn 50%.

Về mặt hàng, cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng thuế quan từ Hoa Kỳ vốn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm và cá tra cũng tăng trưởng chậm lại, do bị ảnh hưởng từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26%; cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Vasep cho biết: Triển vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2025 đối với hai ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Đặc biệt, tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Ngành cá tra có phần lạc quan hơn khi mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá.

Theo bà Lê Hằng, ngành thuỷ sản đang đứng trước hai kịch bản khác nhau, trong trường hợp sau ngày 9/7, Hoa Kỳ áp thuế đối ứng là 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể đạt khoảng 9,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa giảm ở Hoa Kỳ.

Với trường hợp sau ngày 9/7, Hoa Kỳ áp thuế đối ứng trên 10%, cao nhất có thể đến 46%, xuất khẩu thuỷ sản có nguy cơ giảm sâu, cả năm chỉ đạt 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Hoa Kỳ sẽ không còn là thị trường ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp.

Trong kịch bản xấu nhất, thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN, nhưng khả năng bù đắp vẫn hạn chế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.

Một thách thức khó lường khác đối với xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam gần đây là xung đột giữa Israel và Iran, ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược mở rộng thị trường sang khu vực Trung Đông. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Trung Đông gồm các quốc gia giàu có như Israel, UAE, Saudi Arabia, Qatar là điểm sáng trong chiến lược đa dạng hoá thị trường của ngành thuỷ sản Việt Nam. Với thu nhập cao và nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản ngày càng tăng, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vào khu vực này đã tăng gấp đôi từ 198 triệu USD (năm 2020) lên 366 triệu USD (2024). 

Đáng chú ý, hai nhóm sản phẩm chủ lực là cá ngừ và cá tra chiếm tới 70% tổng kim ngạch; trong đó, cá ngừ đóng hộp và đóng túi, đặc biệt là loại ngâm dầu hoặc nước muối đang rất được ưa chuộng, chiếm hơn 2/3 giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khu vực. Cá tra phi lê, cắt khúc và cá nguyên con đông lạnh cũng giữ vị thế nhờ giá hợp lý, dễ chế biến, phù hợp với phân khúc tiêu dùng phổ thông và dịch vụ ăn uống tại Trung Đông.

Thế nhưng 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Đông đã giảm 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân có phần do cuộc xung đột phức tạp, kéo dài ở khu vực trong nhiều năm qua, tình hình càng trở nên căng thẳng khi xung đột vũ trang giữa Israel - Iran bùng phát vào giữa tháng 6/2025.

Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường thuỷ sản phân tích: Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và sự Phát triển mạnh mẽ của ngành khách sạn - du lịch, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các quốc gia như UAE, Qatar, Kuwait, Ai Cập… còn rất lớn. Bên cạnh đó, yếu tố tôn giáo cũng mở ra cơ hội lớn khi sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận Halal đang có sức hút vượt trội. Tuy nhiên, xung đột vũ trang giữa Israel và Iran nhanh chóng đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn mới, tác động trực tiếp đến thương mại toàn cầu nói chung và ngành thủy sản Việt Nam nói riêng.

Theo đó, tuyến hàng hải qua kênh đào Suez - Biển Đỏ bị gián đoạn nghiêm trọng; cước vận tải và bảo hiểm nhanh chóng tăng lên. Căng thẳng leo thang khiến doanh nghiệp e ngại rủi ro giao nhận và thanh toán. Tại Ai Cập, Iraq, UAE… thủ tục hải quan và logistics cũng trở nên chậm trễ, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giao hàng. Giá dầu và nhiên liệu tăng mạnh, kéo theo chi phí bao bì, cấp đông, bảo quản và vận hành nhà máy tăng theo. Doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính hạn chế đang gặp khó trong việc duy trì đơn hàng dài hạn.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia trong rủi ro luôn có cơ hội. Nếu xử lý linh hoạt, xung đột tại Trung Đông sẽ không chỉ là phép thử khả năng thích ứng của doanh nghiệp mà còn là cú huých để ngành thủy sản Việt Nam cơ cấu lại thị trường và chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp có thể đầu tư mạnh vào chứng nhận Halal và chế biến sâu; ưu tiên phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao như cá ngừ đóng hộp, tôm hấp bóc nõn, cá tra cắt khúc… đạt tiêu chuẩn Halal quốc tế. Mở rộng số lượng nhà máy đạt chứng nhận phù hợp với các quốc gia Hồi giáo như Saudi Arabia, UAE.

Bà Kim Thu khuyến nghị, thay vì tập trung vào Israel hoặc UAE, doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận các thị trường Hồi giáo mới nổi như Jordan, Libya, Pakistan, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, Nhật Bản, ASEAN là những thị trường đã có hiệp định thương mại tự do và nhu cầu đang phục hồi. Về phía các bộ, ngành cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ưu đãi; cập nhật thông tin thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường thay thế trong bối cảnh bất ổn địa chính trị diễn biến khó lường.