Tiêu chí đánh giá chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca

Biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca không chỉ là một hoạt động nghệ thuật, mà còn là một hình thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bài viết phân tích sáu tiêu chí đánh giá chất lượng biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca: tính chuẩn mực về phong cách, kỹ thuật thanh nhạc, phong thái biểu cảm, sự kết nối các yếu tố phụ trợ, tính sáng tạo có kiểm soát, và khả năng truyền cảm hứng giáo dục. Qua đó, đề xuất các hướng tiếp cận khoa học và nghệ thuật để nâng cao chất lượng giảng dạy và biểu diễn trong môi trường đào tạo thanh nhạc hiện nay.

Tính chuẩn mực về phong cách dân ca

Trong nghệ thuật biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca, có một tiêu chí được xem là cốt lõi, giữ vai trò như “linh hồn” của toàn bộ tác phẩm: sự thể hiện đúng bản sắc vùng miền và tinh thần dân gian. Đây không chỉ là yêu cầu về kỹ thuật, mà là biểu hiện sâu sắc của hiểu biết văn hóa, khả năng cảm thụ nghệ thuật và tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với giá trị truyền thống.

gi1-1751727757.jpg
Thạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang cùng các đồng đội tại Hội nghị nghiệm thu đề tài "Nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội". 

Biểu diễn một ca khúc dân ca không chỉ dừng lại ở việc hát đúng nốt, đúng lời, đúng nhịp, mà là cả một quá trình tái hiện được cái hồn của một vùng đất, một phương ngữ, một không gian sống, và trên hết là một hệ thống văn hóa đã được tích lũy qua nhiều thế hệ. Vì vậy, người nghệ sĩ muốn chạm được đến trái tim người nghe, trước hết phải hiểu và sau đó là sống cùng ca khúc mình thể hiện.

Thể hiện đúng đặc trưng vùng miền và thể loại âm nhạc dân ca: Dân ca Việt Nam rất phong phú và đa dạng, mỗi vùng miền lại có những thể loại, cách hát, phong cách thể hiện khác nhau. Để thể hiện thành công một ca khúc mang âm hưởng dân ca, người hát cần phải nắm vững những đặc điểm riêng biệt của từng dòng dân ca như: quan họ, chèo, cải lương, ví giặm, hò Huế, hát xoan, dân ca Nam Bộ, dân ca miền núi phía Bắc…Không chỉ là hát đúng giai điệu, mà còn là việc tái hiện đúng ngữ điệu, cách luyến láy, nhả chữ, cách nén – buông hơi, và cả những kỹ thuật đặc trưng như “láy” giọng, “rơi chữ”, “trượt âm” vốn chỉ xuất hiện trong dân ca. Chẳng hạn, hát quan họ không thể thiếu sự mượt mà, luyến láy uyển chuyển, còn hát cải lương lại cần độ da diết, nhiều rung ngân và lối thể hiện mang tính kể chuyện sâu sắc. Nếu biểu diễn dân ca mà không thể hiện được đúng sắc thái này, ca khúc dù có được hát tròn trịa đến đâu cũng sẽ trở nên rời rạc, thiếu hồn, không thấm.

Chất giọng và kỹ thuật hơi thở tạo nên cái “chất dân gian”: Một giọng hát hợp với dân ca không nhất thiết phải dày, vang hay kỹ thuật điêu luyện, mà quan trọng là giữ được sự mộc mạc, tự nhiên, chân phương. Dân ca là tiếng lòng của người dân quê, là tiếng nói từ cuộc sống, vì vậy sự gần gũi và giản dị trong giọng hát mới thực sự chạm đến cảm xúc người nghe. Hơi thở trong dân ca cũng có những yêu cầu đặc trưng. Người biểu diễn cần biết cách lấy hơi sâu, giữ hơi đều và buông hơi nhẹ nhàng, tinh tế. Âm thanh trong dân ca không bộc phát mãnh liệt, mà cần sự ngân nga, thấm thía. Mỗi làn điệu dân ca lại yêu cầu cách điều khiển hơi khác nhau, ví dụ: Ví Giặm cần hơi mềm, dẻo, trôi chảy; Hò Huế đòi hỏi cách ngắt câu hợp lý, giữ độ ngân dài; Chèo hoặc cải lương yêu cầu hơi có lực nhưng vẫn linh hoạt để thể hiện sự dí dỏm hoặc bi cảm.

Tinh tế trong xử lý tiết tấu và giai điệu: Dân ca có một đặc trưng đáng quý: tính ngẫu hứng trong khuôn khổ. Người hát được phép linh hoạt trong xử lý giai điệu, tiết tấu, nhưng không được đi lệch khỏi “chất gốc” của bài hát. Điều này đòi hỏi người biểu diễn phải hiểu rõ cấu trúc giai điệu, nhạc tính truyền thống và cảm xúc ẩn chứa trong mỗi câu hát. Sự mềm mại, uyển chuyển, không cứng nhắc là điều cần thiết, nhưng nếu hiện đại hóa quá đà, ví dụ như lạm dụng các kỹ thuật rung ngân kiểu Pop, lên nốt cao kịch tính, phô trương giọng sẽ làm mất đi bản sắc, khiến ca khúc dân ca bị biến dạng. Ngược lại, hát quá “khuôn mẫu”, cứng nhắc, lại làm dân ca trở nên khô khan, thiếu cảm xúc. Người nghệ sĩ cần tìm được điểm cân bằng giữa kỹ thuật và cảm xúc, giữa cái mới và cái gốc.

Truyền tải lời ca và cảm xúc: Dân ca là lời kể, là tâm sự, vì vậy cảm xúc trong lời hát phải đến từ sự trải nghiệm, sự rung cảm thật, chứ không thể là cảm xúc gượng ép hay kịch hóa. Nội dung lời ca dân gian thường mộc mạc, gần gũi, nhưng chứa đựng chiều sâu về cuộc sống, tình yêu, con người và quê hương. Người biểu diễn không cần thiết phải làm quá hay “diễn” bằng hình thể để lôi cuốn khán giả, mà điều quan trọng là phải truyền tải được cái thần trong lời hát đúng, thật và thấm. Chất dân gian không đến từ vẻ ngoài, mà đến từ bên trong, từ cách rung cảm với ca từ, từ sự giản dị trong cách thể hiện và từ khả năng giao tiếp cảm xúc qua giọng hát. Tiêu chí thể hiện đúng bản sắc vùng miền, đúng tinh thần của thể loại dân ca là yếu tố quan trọng nhất, là linh hồn của ca khúc mang âm hưởng dân gian. Người nghệ sĩ phải không chỉ biết hát, mà còn phải biết cảm, biết sống với chất liệu âm nhạc dân tộc. Dân ca không phải là nơi để trưng trổ kỹ thuật, mà là không gian để kể chuyện, để chia sẻ, để gìn giữ và lan tỏa hồn quê, hồn đất Việt. Chỉ khi người biểu diễn thực sự hiểu, thực sự yêu và tôn trọng giá trị dân gian, thì tiếng hát mới có thể chạm đến trái tim người nghe – không phải bằng âm thanh hào nhoáng, mà bằng tình cảm chân thật và bản sắc sâu sắc mang hồn dân tộc.

Kỹ thuật biểu diễn

Trong nghệ thuật biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca, cảm xúc là yếu tố quan trọng, nhưng kỹ thuật lại chính là nền tảng cốt lõi, là “bệ đỡ” vững chắc giúp người nghệ sĩ truyền tải trọn vẹn ý đồ nghệ thuật, sắc thái âm nhạc và chiều sâu nội dung. Dù dân ca vốn thiên về sự mộc mạc, tự nhiên, thì để thể hiện được vẻ đẹp đó một cách tinh tế, người hát cần phải nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản và nâng cao. Đó không chỉ là yêu cầu chuyên môn, mà còn là cách để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Hơi thở nền móng của giọng hát dân gian: Hơi thở trong thanh nhạc dân ca đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ đơn thuần để “hát được”, mà còn là yếu tố tạo nên sắc thái biểu cảm đặc trưng như ngân nga, luyến láy, ngắt nhịp hợp lý, hoặc kéo dài cảm xúc. Người biểu diễn cần kiểm soát hơi thở tốt, lấy hơi sâu từ cơ hoành, giữ hơi đều và đủ dài để thể hiện trọn vẹn những câu hát kéo dài đặc trưng của dân ca, tránh hụt hơi hoặc gãy mạch cảm xúc. Đặc biệt, trong các làn điệu ví giặm, quan họ hay hò Huế, việc điều khiển luồng hơi tinh tế sẽ giúp giọng hát có độ mềm, trôi chảy, giàu nhạc tính.

Âm sắc và âm lượng thể hiện vẻ đẹp và chiều sâu của giọng hát: Một giọng hát hay không chỉ nằm ở cao độ, mà còn ở âm sắc, tức là chất giọng và màu giọng. Với dân ca, người hát cần giữ được âm sắc tự nhiên, trong sáng nhưng ấm áp, không gọt giũa quá mức để vẫn giữ sự chân phương, gần gũi. Âm lượng linh hoạt là khả năng điều chỉnh độ mạnh yếu của giọng hát, rất cần thiết để biểu đạt cảm xúc từ sâu lắng, thủ thỉ đến cao trào mãnh liệt, tùy vào từng câu hát, từng nội dung. Đây chính là yếu tố làm nên tính nhạc cảm và chiều sâu biểu diễn.

Cao độ và trường độ giữ tính chính xác và ổn định trong giai điệu: Dù mang đậm tính tự nhiên, mềm mại, dân ca vẫn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về cao độ (độ cao của nốt nhạc) và trường độ (độ dài của âm thanh). Người hát cần hát đúng nốt, không chênh phô, đặc biệt trong những đoạn luyến láy, nếu cao độ sai sẽ làm mất đi đặc trưng của làn điệu. Đồng thời, giữ trường độ chuẩn giúp giai điệu không bị chệch nhịp, đảm bảo sự ổn định và tính mạch lạc của bài hát, nhất là trong những câu hát dài, nhiều biến chuyển.

Nhả chữ và phát âm giữ gìn ngôn ngữ và bản sắc vùng miền: Một trong những nét đặc trưng của ca khúc mang âm hưởng dân ca là sử dụng ngôn ngữ đời thường, từ ngữ cổ, phương ngữ. Do đó, kỹ thuật phát âm tròn vành rõ chữ là yếu tố không thể xem nhẹ. Việc nhả chữ đúng cách, phát âm rõ ràng nhưng vẫn tự nhiên giúp người nghe cảm nhận được từng tầng ý nghĩa trong lời ca. Kỹ thuật “rơi chữ”, “lướt chữ”, “vuốt âm” cũng là những yếu tố đặc thù trong dân ca, giúp giọng hát thêm mềm mại, duyên dáng mà không khô cứng như khi hát nhạc thính phòng hay nhạc hiện đại. Ngoài ra, giữ nguyên cách phát âm đặc trưng của vùng miền giúp tôn vinh bản sắc dân tộc và tạo sự chân thực, gần gũi cho bài hát.

Kỹ thuật xử lý bài hát tạo dấu ấn cá nhân trên nền tảng truyền thống: Một nghệ sĩ có kỹ thuật tốt không chỉ thể hiện bài hát một cách trọn vẹn mà còn biết cách xử lý tinh tế để tạo dấu ấn riêng. Chuyển giọng mượt mà ở các quãng chuyển (từ thấp lên cao, từ mạnh sang nhẹ...) là điều rất quan trọng, đặc biệt trong những làn điệu như cải lương hay chèo có nhiều cung bậc cảm xúc. Tạo điểm nhấn đúng lúc bằng kỹ thuật ngân dài, nhấn nhá, rung nhẹ... sẽ giúp bài hát sinh động, giàu cảm xúc và cuốn hút người nghe hơn. Kỹ năng xử lý các đoạn khó (chạy nốt, đảo phách, luyến phức tạp) đòi hỏi nghệ sĩ phải thật bản lĩnh, nhưng vẫn giữ sự mềm mại, không làm mất chất dân ca. Kỹ thuật trong biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca không phải là sự khoa trương, phô trương khả năng thanh nhạc, mà là công cụ cần thiết để giữ gìn và truyền tải hồn cốt văn hóa Việt. Một nghệ sĩ có kỹ thuật vững chắc sẽ làm chủ được âm thanh, cảm xúc và câu chữ, từ đó thể hiện bài hát một cách sâu sắc, tinh tế và gần gũi. Nếu dân ca là tiếng nói tâm hồn của dân tộc, thì kỹ thuật chính là “ngôn ngữ âm nhạc” giúp tiếng nói ấy bay xa, vang vọng trong lòng người nghe. Chính sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và cảm xúc mới làm nên một tiết mục biểu diễn trọn vẹn đúng tinh thần dân gian nhưng vẫn mang dấu ấn cá nhân đậm nét.

Phong thái, biểu cảm sân khấu

Trong nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là với các ca khúc mang âm hưởng dân ca, phong thái biểu cảm chính là “chìa khóa vàng” để truyền tải cảm xúc và kết nối sâu sắc với khán giả. Dù không phát ra âm thanh như giọng hát, nhưng biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, ngôn ngữ hình thể và thần thái sân khấu lại có khả năng nói lên cảm xúc, nội dung và tinh thần bài hát một cách chân thực, sinh động. Có thể nói, phong thái biểu cảm chính là “ngôn ngữ không lời” giúp hoàn thiện toàn bộ tác phẩm biểu diễn, đặc biệt là trong dòng nhạc giàu tính tự sự và giàu chất văn hóa như dân ca.

Biểu cảm khuôn mặt và ánh mắt: Khuôn mặt và ánh mắt là nơi cảm xúc hiện diện rõ rệt nhất. Với các ca khúc dân ca thường mang đậm tính chất kể chuyện, trữ tình – người nghệ sĩ không chỉ hát hay mà còn cần “diễn” bằng khuôn mặt để thể hiện tinh thần của từng lời ca. Những ca khúc vui tươi, duyên dáng như quan họ Bắc Ninh, hát ghẹo, hò đối đáp cần ánh mắt liếc đưa nhẹ nhàng, nụ cười kín đáo, đầy tình tứ. Những bài hát buồn, da diết như ví giặm Nghệ Tĩnh, dân ca Nam Bộ trầm lắng lại cần ánh nhìn xa xăm, biểu cảm nhẹ nhàng, trầm mặc gợi nên nỗi nhớ, nỗi niềm sâu kín. Quan trọng nhất là sự chân thực. Người nghệ sĩ phải thực sự “sống” trong ca khúc thì biểu cảm mới tự nhiên, không gượng ép, và có khả năng lan tỏa đến người nghe.

Ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ: Trong biểu diễn dân ca, ngôn ngữ hình thể không cầu kỳ nhưng lại vô cùng quan trọng. Những cử chỉ tay, dáng đứng, bước đi, cái nghiêng đầu…nếu được thực hiện đúng lúc, đúng tinh thần sẽ làm bài hát trở nên sống động, gần gũi hơn. Cử chỉ trong dân ca Bắc Bộ thường nhẹ nhàng, kín đáo và đầy duyên thầm. Người nghệ sĩ có thể chỉ cần một cái nghiêng đầu, một bước chậm, một tay đưa nhẹ... cũng đủ nói lên trọn vẹn một câu chuyện tình cảm. Trong khi đó, dân ca Nam Bộ hay hò miền Trung lại cho phép biểu cảm hình thể phóng khoáng hơn, linh hoạt hơn để phù hợp với không khí sôi nổi, hài hước hoặc dân dã của bài hát. Dù là hình thức nào, thì tiêu chí hàng đầu là tự nhiên và vừa phải. Cần tránh sự gò bó, cứng nhắc, nhưng cũng không nên quá khoa trương, dễ làm mất đi tính mộc mạc vốn có của dân ca.

Sự tự tin và thần thái: Sự tự tin chính là điểm cộng lớn cho bất kỳ người biểu diễn nào, đặc biệt với dòng nhạc dân ca, nơi khán giả không chỉ “nghe” mà còn “cảm”. Một nghệ sĩ có thần thái tốt sẽ làm chủ sân khấu, giữ được sự bình tĩnh, ổn định trong suốt quá trình biểu diễn. Từ ánh mắt, nụ cười, đến cách chào hỏi, giới thiệu bài hát… tất cả đều cho thấy sự chuyên nghiệp và cá tính nghệ thuật riêng. Thần thái biểu diễn cũng cần linh hoạt tùy theo từng phong cách dân ca. Với dân ca Bắc Bộ, đó có thể là vẻ đằm thắm, kín đáo; với dân ca miền Trung là vẻ mộc mạc, nồng nàn; còn với dân ca Nam Bộ, thần thái cần gần gũi, vui tươi, sảng khoái. Sự tự tin không chỉ đến từ tập luyện mà còn từ sự thấu hiểu âm nhạc, cảm xúc nội tại và tình yêu với văn hóa truyền thống. Khi người nghệ sĩ thực sự yêu mến dân ca, sự tự tin sẽ đến một cách rất tự nhiên.

Khả năng kết nối với khán giả: Một phần quan trọng của phong thái biểu cảm là kết nối với người nghe. Trong không gian biểu diễn dân ca, mối quan hệ giữa Ca sĩ và khán giả không chỉ là “trình diễn thưởng thức” mà còn là giao cảm và chia sẻ. Người nghệ sĩ có thể giao tiếp với khán giả bằng ánh mắt, nụ cười nhẹ, một cái gật đầu, hoặc cử chỉ tay vẫy nhẹ. Những hành động nhỏ nhưng đúng lúc có thể tạo nên sự gần gũi và tăng tính tương tác mạnh mẽ. Trong nhiều làn điệu có yếu tố đối đáp hoặc giao lưu như quan họ, hò Huế, người hát cần thể hiện sự ăn ý, linh hoạt, vừa biểu cảm với bạn diễn, vừa giữ được kết nối với người nghe. Khi nghệ sĩ biết kết nối bằng cảm xúc và ánh nhìn, khán giả sẽ không còn là người đứng ngoài, mà sẽ trở thành người đồng cảm, người đồng hành với câu chuyện âm nhạc đang được kể trên sân khấu. Phong thái biểu cảm không đơn thuần là một yếu tố phụ trợ trong biểu diễn, mà chính là linh hồn phi ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu. Trong biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca, nơi tiếng hát gắn liền với đời sống, văn hóa, cảm xúc và ký ức cộng đồng phong thái biểu cảm càng có vai trò đặc biệt. Một người nghệ sĩ biết cách biểu cảm bằng khuôn mặt, cử chỉ, ánh mắt; giữ được sự tự nhiên, chân thành trong từng chuyển động; đồng thời có thần thái tự tin và biết kết nối với người nghe chắc chắn sẽ đưa bài hát đến trái tim khán giả một cách trọn vẹn hơn. Đó chính là nghệ thuật biểu diễn dân ca trong thời hiện đại: vừa kế thừa tinh thần mộc mạc, dân dã, vừa thể hiện được chiều sâu cảm xúc và sự tinh tế của người nghệ sĩ đương đại.

Tính kết nối giữa các yếu tố phụ trợ

Trong nghệ thuật biểu diễn, giọng hát là yếu tố trung tâm, nhưng để tạo nên một màn trình diễn thực sự ấn tượng và giàu cảm xúc, đặc biệt với ca khúc mang âm hưởng dân ca, không thể thiếu sự phối hợp của nhiều yếu tố khác như hòa âm phối khí, ban nhạc, trang phục, ánh sáng và sân khấu. Đây là những thành phần quan trọng tạo nên một tổng thể hài hòa, góp phần khắc họa rõ nét tinh thần dân ca, đồng thời giúp người nghệ sĩ truyền tải trọn vẹn thông điệp và cảm xúc đến với khán giả.

Hòa âm phối khí: Hòa âm phối khí đóng vai trò nền tảng trong việc định hình không gian âm nhạc của bài hát. Đối với ca khúc mang âm hưởng dân ca, việc phối khí cần có sự tinh tế, vừa giữ được tinh thần mộc mạc, truyền thống của làn điệu gốc, vừa có sự sáng tạo phù hợp với sân khấu biểu diễn đương đại. Một bản phối hiệu quả phải làm nổi bật được giai điệu đặc trưng của từng vùng miền, đồng thời tôn vinh chất liệu âm nhạc dân gian thông qua việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, sáo trúc, đàn nhị, đàn nguyệt, trống cơm… Những âm thanh đặc trưng này không chỉ làm giàu thêm sắc thái âm nhạc mà còn góp phần khơi gợi không gian văn hóa của bài hát. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự tiết chế. Phối khí cần vừa đủ, tránh hiện đại hóa quá mức khiến mất đi bản sắc dân tộc. Một bản phối tốt không “lấn át” giọng hát mà “nâng đỡ” và “làm nền” để cảm xúc bài hát được thăng hoa.

Ban nhạc và nhạc công: Bên cạnh phần phối khí, sự đồng điệu giữa ca sĩ và ban nhạc là một yếu tố không thể thiếu. Trong biểu diễn dân ca, nhạc công không chỉ đơn thuần là người chơi nhạc đệm, mà là bạn diễn, là người góp phần tạo nên không khí và cảm xúc của toàn bộ tác phẩm. Sự ăn ý thể hiện ở cách giữ nhịp, hỗ trợ nhấn nhá, xử lý các đoạn chuyển, điểm cao trào một cách khéo léo, không làm lu mờ giọng hát. Những người nhạc công am hiểu chất liệu dân ca sẽ biết cách tạo ra những đoạn lặng đúng lúc, những tiếng láy, ngân hoặc rung nhẹ nhàng để nâng đỡ từng hơi thở, từng câu hát của người nghệ sĩ. Một màn trình diễn dân ca chất lượng không chỉ là kết quả của người ca sĩ thể hiện tốt, mà còn là thành quả của sự kết hợp ăn ý giữa giọng hát và nhạc đệm, điều này đặc biệt rõ trong các bài hát đòi hỏi kỹ thuật xử lý phức tạp hoặc có yếu tố ngẫu hứng.

Trang phục và hóa trang: Trang phục là một phần quan trọng tạo nên ấn tượng thị giác và góp phần định hình hình ảnh nghệ thuật của người biểu diễn. Đặc biệt với dân ca, trang phục không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn thể hiện giá trị văn hóa và đặc trưng vùng miền. Chẳng hạn, một ca khúc quan họ Bắc Ninh sẽ trở nên trọn vẹn hơn khi nghệ sĩ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn mỏ quạ; dân ca miền Trung gắn liền với tà áo dài nền nã và chiếc nón lá; dân ca Tây Bắc không thể thiếu sắc màu rực rỡ của váy áo thổ cẩm. Hóa trang bao gồm cách trang điểm, kiểu tóc cũng cần được chú ý sao cho mộc mạc, giản dị, không quá hiện đại hoặc cầu kỳ, nhằm giữ được vẻ đẹp truyền thống và sự gần gũi vốn có của dân ca. Khi được đầu tư đúng mức, trang phục và hóa trang sẽ góp phần truyền tải thông điệp bài hát một cách sinh động, tự nhiên và dễ chạm đến cảm xúc người xem.

Ánh sáng và sân khấu: Trong một chương trình biểu diễn, ánh sáng và sân khấu là những yếu tố kỹ thuật hỗ trợ đắc lực, góp phần tăng hiệu ứng thị giác và cảm xúc cho phần trình bày của ca sĩ. Ánh sáng cần được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nội dung bài hát: màu vàng ấm áp cho những bài dân ca trữ tình, màu xanh lam nhẹ cho không gian hoài niệm, hoặc ánh sáng rực rỡ, chuyển động nhanh cho những bài hát mang âm hưởng sôi động, vui tươi. Ánh sáng không chỉ giúp làm nổi bật nghệ sĩ trên sân khấu mà còn góp phần định hướng cảm xúc cho người xem. Bối cảnh sân khấu nên được tối giản nhưng vẫn giữ được hơi thở dân gian có thể là một phông nền đồng quê, một chiếc cầu tre, chiếc nón, hay chiếc quạt nan để tạo sự liên kết với không gian văn hóa dân ca. Âm thanh cũng là yếu tố then chốt. Hệ thống âm thanh cần đảm bảo giọng hát rõ ràng, hài hòa với phần đệm, đồng thời giúp người nghe cảm nhận được từng tiếng sáo, tiếng đàn đặc trưng, không bị nhiễu, rè hoặc lấn át nhau. Biểu diễn một ca khúc mang âm hưởng dân ca không đơn giản chỉ là hát đúng nốt, rõ lời, mà là một quá trình tổng hợp nghệ thuật, nơi giọng hát được nâng đỡ, tôn vinh bởi hòa âm phối khí, nhạc công, trang phục, ánh sáng và sân khấu. Chính sự hòa quyện giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa giọng ca và hình ảnh, giữa nghe và nhìn, mới tạo nên một không gian nghệ thuật trọn vẹn. Người nghệ sĩ biểu diễn dân ca không chỉ là người hát, mà còn là người kể chuyện, là cầu nối văn hóa và để làm tốt điều đó, họ cần có sự chuẩn bị toàn diện cả về giọng hát lẫn hình ảnh, kỹ thuật lẫn cảm xúc. Một màn trình diễn thành công là khi tất cả các yếu tố ấy cùng nhau góp phần tôn vinh vẻ đẹp mộc mạc, sâu lắng nhưng đầy sức sống của dân ca Việt Nam.

Tính sáng tạo có kiểm soát

Trong dòng chảy âm nhạc đương đại, dân ca với vẻ đẹp mộc mạc, giàu bản sắc đang dần được làm mới và lan tỏa mạnh mẽ hơn nhờ sự tiếp cận sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, sáng tạo trong biểu diễn dân ca không đồng nghĩa với việc phá cách hoàn toàn hay hiện đại hóa vô tội vạ. Ngược lại, đây là một hành trình cần được kiểm soát khéo léo, bởi nếu không giữ gìn, những giá trị cốt lõi sẽ dễ bị phai nhạt, khiến dân ca dần đánh mất bản chất và sức sống bền lâu trong lòng công chúng.

Sự đổi mới hợp lý: Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi biểu diễn dân ca theo hướng sáng tạo chính là sự đổi mới có chọn lọc và hợp lý. Người nghệ sĩ có thể đưa vào những nét mới như cách xử lý ca từ uyển chuyển hơn, làm mới giai điệu, thay đổi hòa âm phối khí hay tạo điểm nhấn cảm xúc bằng lối hát hiện đại. Tuy nhiên, tất cả những điều đó phải nhằm tôn vinh vẻ đẹp nguyên gốc của làn điệu dân ca, không làm mất đi bản sắc vốn có của từng vùng miền. Sự đổi mới đúng chừng mực sẽ giúp dân ca trở nên gần gũi hơn với thế hệ khán giả hôm nay, nhất là người trẻ. Một bài dân ca ví giặm, quan họ, hò Huế hay dân ca Nam Bộ khi được làm mới khéo léo vẫn có thể chạm đến trái tim người nghe mà không bị "xa lạ".

Tính đột phá nhưng không phá vỡ bản chất: Sáng tạo không chỉ là điểm nhấn để nghệ sĩ gây ấn tượng, mà còn là yếu tố giúp tác phẩm sống động và có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong quá trình này là không làm mất đi tinh thần gốc của bài hát. Một điểm nhấn đột phá dù là về giọng hát, nhịp điệu, hòa âm hay hình thức thể hiện. Nếu không dựa trên kiến thức và sự thấu hiểu sâu sắc về dân ca, rất dễ trở nên lệch lạc, thậm chí phản cảm. Nhiều nghệ sĩ thành công trong việc tạo ra nét riêng biệt trong biểu diễn dân ca chính là nhờ họ biết cách "đi xa trong khuôn khổ". Tính đột phá phải là sự Phát triển từ bên trong phong cách gốc, chứ không phải là sự phủ định hay cắt rời khỏi cội nguồn.

Kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại: Việc kết hợp dân ca với các yếu tố hiện đại như nhạc cụ phương Tây, hòa âm điện tử, phong cách hát mới mẻ... ngày càng phổ biến, nhất là trong các chương trình truyền hình, sân khấu chuyên nghiệp hoặc các sản phẩm âm nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, không phải sự kết hợp nào cũng thành công. Để dân ca thực sự "giao hòa" được với hiện đại, người nghệ sĩ cần hiểu rõ đặc trưng từng thể loại dân ca để có sự kết hợp nhuần nhuyễn, không tạo cảm giác "lắp ghép" hoặc "phô diễn". Khi nhạc cụ hiện đại hay beat điện tử được đưa vào nhưng vẫn nhường chỗ cho giai điệu dân gian phát triển mạch lạc, cảm xúc đậm đà, lúc ấy, khán giả sẽ không còn cảm thấy ranh giới giữa cũ và mới.

Sáng tạo mang dấu ấn cá nhân: Một yếu tố làm nên sự thành công trong biểu diễn dân ca sáng tạo chính là cá tính nghệ thuật của người nghệ sĩ. Một giọng ca đặc trưng, cách xử lý giai điệu linh hoạt, khả năng truyền cảm xúc mạnh mẽ, tất cả đều tạo nên dấu ấn riêng biệt. Tuy nhiên, cá tính không đồng nghĩa với việc lấn át tác phẩm. Sự sáng tạo cần hướng đến việc khơi dậy chiều sâu văn hóa của bài hát, không phải để người nghệ sĩ "khoe mình", mà để kể lại câu chuyện của dân ca bằng một hình thức gần gũi, sống động hơn. Sự hiện diện của bản ngã nghệ sĩ trong dân ca là điều cần thiết, nhưng bản ngã đó phải hòa quyện trong tinh thần tôn trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa. Sáng tạo trong biểu diễn dân ca là một hành trình vừa cần dũng cảm, vừa cần sự tỉnh táo. Người nghệ sĩ phải liên tục đổi mới để dân ca không bị cũ kỹ, lạc hậu, nhưng đồng thời cũng phải biết điểm dừng để không làm mai một giá trị truyền thống. Chỉ khi sự sáng tạo được đặt trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về chất liệu gốc, sự tôn trọng đối với văn hóa dân tộc, và tình yêu thực sự dành cho âm nhạc dân gian, thì những màn trình diễn dân ca mới có thể vừa mang tinh thần thời đại, vừa giữ được hồn cốt của cha ông.

Khả năng truyền cảm hứng và giáo dục

Trong bất kỳ màn trình diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca nào, yếu tố quan trọng không chỉ là kỹ thuật hát hay phần hòa âm phối khí mà còn là khả năng truyền tải cảm xúc và giá trị văn hóa sâu sắc đến người nghe. Để đánh giá một màn trình diễn thành công, cần xem xét đồng thời nhiều tiêu chí bổ trợ lẫn nhau nhằm tạo nên tổng thể hoàn chỉnh và ấn tượng.

Sự lan tỏa cảm xúc: Một màn trình diễn dân ca xuất sắc phải có khả năng chạm đến trái tim người nghe, khơi gợi những cảm xúc sâu sắc như tình yêu quê hương, gia đình, hay niềm tự hào dân tộc. Qua cách thể hiện chân thành và mộc mạc, người nghệ sĩ truyền tải được tinh thần và tâm hồn của bài hát, khiến khán giả không chỉ nghe mà còn cảm nhận được sự đồng cảm và rung động nội tâm. Chính sự lan tỏa cảm xúc này giúp màn trình diễn trở nên sống động và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Khả năng kể chuyện: Dân ca vốn gắn liền với những câu chuyện, phong tục tập quán và nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Do đó, một màn trình diễn được đánh giá cao cần giúp người nghe hình dung được bối cảnh, nội dung, và ý nghĩa sâu xa của bài hát dân ca đó. Nghệ sĩ không chỉ đơn thuần hát mà còn như một người kể chuyện, dẫn dắt người nghe bước vào thế giới văn hóa truyền thống với những nét đặc sắc và câu chuyện đầy cảm xúc.

Giá trị giáo dục và văn hóa: Âm nhạc dân gian không chỉ mang tính giải trí mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Một màn trình diễn có giá trị văn hóa cao sẽ góp phần giới thiệu và đưa dân ca đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ những người sẽ kế thừa và phát triển di sản âm nhạc dân tộc. Màn trình diễn có thể khơi dậy sự tò mò, lòng yêu thích và khát vọng tìm hiểu sâu hơn về truyền thống, từ đó góp phần nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc.

Tính gợi mở: Ngoài việc truyền tải chính xác và cảm xúc, một màn trình diễn thành công còn phải mang tính gợi mở truyền cảm hứng để người nghe yêu mến và khám phá sâu hơn về dòng nhạc dân ca. Màn trình diễn ấy như một cánh cửa mở rộng, mời gọi công chúng bước vào không gian văn hóa truyền thống phong phú và đầy màu sắc, góp phần không nhỏ vào việc phát triển và bảo tồn dân ca trong đời sống âm nhạc hiện đại.

Tóm lại, để đánh giá một màn trình diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca một cách toàn diện, cần dựa trên bốn tiêu chí chủ đạo: sự lan tỏa cảm xúc, khả năng kể chuyện, giá trị giáo dục, văn hóa và tính gợi mở. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng và bổ trợ cho nhau, góp phần tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, sống động và sâu sắc. Khi các tiêu chí này được vận dụng một cách linh hoạt và đồng bộ, màn trình diễn sẽ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn trở thành cầu nối văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ sĩ và khán giả.