Vĩnh Phúc: Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên nền tảng số

16/04/2023 12:22

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.


Cán bộ, công chức xã Hướng Đạo hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa 


Hướng Đạo, huyện Tam Dương là một trong 4 xã, thị trấn của tỉnh được chọn thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, xã đã đạt những kết quả quan trọng, bước đầu tạo nền tảng xây dựng xã nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đoàn, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược và đột phá, địa phương đã có nhiều cách làm huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc như: Tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể hoàn thành các hạng mục trong chương trình; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành quy chế, tổ chức hoạt động; thành lập 14 tổ công nghệ số cộng đồng do trưởng thôn làm tổ trưởng... 

Đến nay, xã Hướng Đạo đã hoàn thành lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh tại tất cả các thôn; hoàn thành nâng cấp hạ tầng mạng; xây dựng hệ thống giao tiếp với người dân thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại; khảo sát hệ thống máy tính, địa điểm lắp đặt camera an ninh phục vụ chuyển đổi số. Hiện 100% hồ sơ thủ tục hành chính của xã đã được giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2022, toàn xã có hơn 1.400 hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, mức độ 4, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, huyện Tam Dương đã xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả ở các cấp; gắn mã, cập nhật, thông báo và gắn biển địa chỉ số cho từng hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn gắn với bản đồ số Việt Nam; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn.

Theo Kế hoạch 50 của UBND tỉnh, triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số của tỉnh mà còn từng bước hình thành nông thôn mới thông minh. Đặc biệt, sẽ phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, nhất là vai trò trung tâm của người dân tham gia chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người dân chủ động áp dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân trên địa bàn.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử; ít nhất 97% số xã đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; 70% cấp huyện, cấp xã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực có ứng dụng công nghệ số; 40% cấp huyện, cấp xã có ít nhất 1 dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến; xây dựng ít nhất 1 mô hình điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, hoặc du lịch nông thôn, môi trường, an ninh trật tự… Theo đó, các nhóm giải pháp chính được đề ra là: Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai chương trình.

Bảo An
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên nền tảng số" tại chuyên mục Nông thôn mới. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309