1. Mở đầu
Việt Nam là một đất nước giàu truyền thống văn hóa và luôn cởi mở đón nhận những cái mới, những tinh hoa văn hóa của thế giới để làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Việt Nam có một kho tàng về nghệ thuật liên quan đến ca hát hết sức phong phú trải dài từ Bắc vào Nam, khắp các vùng địa lý mà trong đó có sự hiện hữu của “đại gia đình” 54 dân tộc anh em.
Kể từ cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam mới thực sự Phát triển. Nghệ thuật ca hát tiếp tục có những bước phát triển mới, tiệm cận với nghệ thuật thanh nhạc thế giới. Sau đó là thời điểm âm nhạc gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc. Trong hai thời kỳ này, ca khúc đã đạt về chất lượng nghệ thuật và số lượng. Chiếm ưu thế là ca khúc chủ đề yêu nước cách mạng. Đáng chú ý, nhiều ca khúc, trường ca, nhạc kịch ra đời trong thời gian này, bên cạnh tiếp thu âm nhạc phương Tây, đã khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống (ANTT) như một hiện tượng phổ biến.
Đối với đào tạo, dấu mốc quan trọng là năm 1956 khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập. Ngay điểm khởi đầu, sáng tác và thanh nhạc là những bộ môn chính thức. Những năm 1950 và 1960, nhiều nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Bungari, Đức, Trung Quốc, Triều Tiên… cử chuyên gia sang Việt Nam đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên thanh nhạc. Một mặt khác, nhiều nghệ sĩ, giảng viên thanh nhạc được Nhà nước cử đi du học nước ngoài.
Như vậy, thời điểm ra đời của thanh nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam có thể coi là năm 1956. Tuy nhiên, sự hình thành được xem là đã manh nha từ nhiều năm trước, cùng với sự ra đời của nền tân nhạc.
Với mục đích nghiên cứu vai trò của ANTT trong bối cảnh đào tạo hiện nay, chúng ta có thể hiểu thanh nhạc dưới góc độ là một nghệ thuật ca hát chuyên nghiệp. Theo đó, thanh nhạc là cách gọi thể loại để phân chia với khí nhạc.
Vì thế, cơ sở để phân biệt thanh nhạc dựa theo các yêu cầu cơ bản về kỹ thuật từ vị trí âm thanh đến hơi thở, độ rung cùng kỹ thuật phát âm và các kỹ thuật đặc trưng. Đồng thời, thanh nhạc Việt Nam dựa trên các yêu cầu chung, kết hợp với đặc thù riêng trong ca hát ở nước ta. Từ đó, có thể nhìn thấy yếu tố ANTT khi được khai thác vào thanh nhạc cũng như vai trò của nghệ thuật truyền thống trong đào tạo thanh nhạc giai đoạn hiện nay.
2. Âm nhạc truyền thống trong đào tạo thanh nhạc
- Sự hiện diện của ANTT trong các tác phẩm thanh nhạc Việt Nam là khá phổ biến.
Đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay rất phong phú, từ các chương trình hòa nhạc, chương trình nghệ thuật giới thiệu dòng ca khúc chính thống, chương trình ca múa nhạc, các ca khúc âm nhạc đại chúng dành cho các lứa tuổi… Có thể nhận thấy, ANTT luôn hiện hữu trong trình diễn và trong các tác phẩm thanh nhạc.
Ca khúc Việt Nam khai thác ANTT ở nhiều thể loại và chất liệu khác nhau, từ dân ca đồng bằng, trung du Bắc Bộ đến Trung Bộ và Nam Bộ; chất liệu dân gian đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và dọc theo dãy núi Trường Sơn - Tây Nguyên, dân tộc Chăm, Khơ Me...; chất liệu từ nghệ thuật truyền thống dân tộc như chèo, tuồng, tài tử - cải lương, Bài chòi, Nhã nhạc Cung đình Huế…
Cụ thể hơn, ANTT được khai thác, sử dụng trong nhiều tác phẩm lớn, như với chất miền núi phía Bắc trong nhạc kịch “Cô Sao” (Đỗ Nhuận), chất Tây Nguyên trong nhạc kịch “Bên bờ Krôngpa” (Nhật Lai)… Nhiều ca khúc cách mạng khai thác chất liệu ANTT, chẳng hạn “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao), “Trăng sáng đôi miền” (An Chung), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ)… Thậm chí, còn có cả một dòng nhạc khai thác chất liệu dân gian từ Đồng bằng Bắc Bộ đến miền Trung và miền Nam rất được yêu thích.
Những ca khúc khai thác chất liệu ANTT không chỉ có chất lượng nghệ thuật mà với các yêu cầu về kỹ thuật xử lý đáp ứng để nằm trong nội dung giáo trình đào tạo thanh nhạc tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước, trong đó có Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
- Âm nhạc truyền thống hiện hữu ở nhiều hình thức khác nhau trong đào tạo thanh nhạc.
Thứ nhất, chất liệu ANTT nằm bên trong một ca khúc. Đối với việc thể hiện ca khúc khai thác chất liệu ANTT, người giảng viên yêu cầu học sinh, sinh viên thể hiện theo kỹ thuật thanh nhạc được học. Trong đó, có những xử lý theo đặc trưng riêng phù hợp với màu sắc ANTT được khai thác, phù hợp với tính chất nghệ thuật chung của tác phẩm và cách tiếp cận, hiểu và áp dụng vào thực tế của giảng viên cũng như khả năng của mỗi người học.
Thứ hai, thể hiện bài dân ca với tư cách một tác phẩm chính thức trong đào tạo thanh nhạc. Lúc này, những bài hát dân ca sẽ được thể hiện theo phong cách thanh nhạc. Đối với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thể hiện tác phẩm dân ca là yêu cầu bắt buộc trong các kì thi. Đối với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trong năm học tới, các tác phẩm dân ca truyền thống cũng sẽ chính thức là yêu cầu bắt buộc trong các kì thi dành cho dòng nhạc dân gian. Hầu hết các trường âm nhạc trên thế giới, chẳng hạn yêu cầu này có trong đào tạo thanh nhạc hệ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga Gnesin cũng đưa vào nội dung đào tạo. Hay phải kể đến các trường đào tạo thanh nhạc của Trung Quốc thì bộ môn hát dân ca truyền thống cũng được đưa vào đào tạo trong chương trình đào tạo.
Thứ ba, học hát dân ca trong kho tàng ANTT dân tộc. Đây là môn học bổ trợ, giảng viên chủ yếu là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu có uy tín. Môn học giúp học sinh, sinh viên thanh nhạc tiếp cận với dân ca theo đúng nghĩa, hiểu hơn về cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ trong ca hát truyền thống. Từ đó, vận dụng sáng tạo vào giọng hát của mình trong quá trình thực hành biểu diễn.
Thứ tư, môn học Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Đây là một môn học chính thức nằm trong các môn âm nhạc cơ bản. Môn học này tập trung dạy các vấn đề về lý thuyết có mục đích bổ trợ kiến thức về truyền thống âm nhạc dân tộc giúp người học có kiến thức nền tảng cơ bản.
3. Khẳng định vị trí của âm nhạc truyền thống trong đào tạo thanh nhạc
Trước hết, kết quả của quá trình đào tạo thanh nhạc là các Ca sĩ có trình độ kỹ thuật đáp ứng được những yêu cầu khi thể hiện một ca khúc hoặc tác phẩm thanh nhạc ở thể loại lớn hơn như ca khúc nghệ thuật, aria, đại hợp xướng, thanh xướng kịch, nhạc kịch… Mặt khác, âm nhạc đại chúng phát triển một cách mạnh mẽ. Trong đó, ca hát thu hút sự quan tâm nhiều nhất. Chính vì vậy, việc đào tạo thanh nhạc trong bối cảnh hiện nay rất cần phát huy vai trò của ANTT. Khai thác đúng cách ANTT sẽ phát huy được hiệu quả và giải quyết được nhiều vấn đề trong đào tạo thanh nhạc.
Về phần kỹ thuật, chúng ta phải khẳng định giữa nghệ thuật ca hát cổ truyền với kỹ thuật ca hát thế giới có nhiều điểm chung. Hơi thở chiếm vị trí rất quan trọng. Trong kỹ thuật phương Tây, vận động hơi thở ca hát bằng hoành cách mô. Khi hát hoành mô được nâng cao dần, đẩy áp lực hơi vào thanh đới thuận tiện cho phát âm. Tận dụng tốt được cách vận động này sẽ có hơi thở ca hát tốt. Đồng thời, trong kỹ thuật ca hát cổ truyền cũng nói đến vấn đề dùng hơi bụng. Cụ thể như ở Tuồng dùng những thuật ngữ hơi bụng, hơi gan, hơi hòm, hơi lá lách, hơi đan điền; nghệ thuật Chèo thì có những thuật ngữ hát rút ruột rút gan, hát thổ tận can tràng...
Trong ca hát Quan họ chú ý đến 4 yếu tố vang - rền - nền - nảy. Bốn yếu tố này ứng với các kỹ thuật như vị trí âm thanh để tạo khoảng vang, hơi tốt mới có độ rền trong giọng hát, nền cũng thể hiện vị trí âm thanh và cột hơi, nảy là một kỹ thuật hát gần giống như staccato. Đối với Ca trù, việc nén hơi và phát âm có độ ghìm và ở sâu trong miệng. Đối với Ca vọng cổ thì việc “trường hơi” mới có thể thể hiện được những câu ca thu hút được người nghe. Điểm chung đối với tất cả các nghệ thuật ca hát truyền thống dân tộc là đều yêu cầu người hát phải “tròn vành, rõ chữ”.
Nói chung mỗi một nghệ thuật truyền thống sẽ có những đặc trưng riêng, khi nhìn nó từ góc độ đào tạo thanh nhạc, việc nghiên cứu và áp dụng những kỹ thuật ca hát trong ANTT vào giảng dạy thanh nhạc sẽ giúp cho người học khắc phục được nhược điểm của kỹ thuật thanh nhạc phương Tây. Áp dụng thành công, người học sẽ đạt được những tiêu chuẩn cơ bản trong ca hát đó là phát âm gọn gàng, rõ lời, chuẩn theo ngôn ngữ của dân tộc.
Tiếp đến, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật lấy hơi và điều phối hơi thở trong ANTT để đưa vào trong đào tạo thanh nhạc sẽ giúp người học củng cố thêm kỹ thuật hơi vững chắc.
Một ưu thế nữa đó là giúp người học có cách xử lý “mềm” hơn, gần gũi hơn. Đồng thời, giúp người học có chủ động trong việc tiếp cận và thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân gian cụ thể một cách hiệu quả, gần nhất với “hơi nhạc” truyền thống và tính chất của âm nhạc trong tác phẩm đó.
Việc thể hiện bài dân ca trong đào tạo thanh nhạc giúp người học giải quyết được nhiều vấn đề về kỹ thuật. Người học sẽ cảm nhận được sự uyển chuyển trong giai điệu âm nhạc, học thêm được kỹ thuật luyến láy và cách sử dụng tiếng đưa hơi (i-ơ-a) cùng sự linh hoạt trong giai điệu.
Việc học kiến thức chung về ANTT như một môn học lý thuyết âm nhạc sẽ cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, qua đó củng cố kiến thức nền tảng, giúp người học thêm yêu, trân trọng giá trị quý báu mà cha ông ta đã sáng tạo và trao truyền cho những thế hệ sau.
4. Kết luận
Vai trò của ANTT trong bối cảnh đào tạo thanh nhạc hiện nay là hết sức quan trọng. Vì thế, cần nhìn nhận một cách khách quan vai trò của nó, từ đó nhận biết được những điểm mạnh và điểm chưa được. Dựa trên cơ sở đó, những điểm mạnh cần tiếp tục phát huy, những tồn tại cần tìm phương án khắc phục.
Tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng các giá trị về mọi mặt của ANTT vào trong quá trình đào tạo thanh nhạc sẽ giúp người học xử lý hài hòa giữa kỹ thuật phương Tây với đặc thù ca hát cũng như ngôn ngữ của người Việt, giúp người học thể hiện ca khúc Việt Nam đạt hiệu quả hơn, đúng màu sắc hơn; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ANTT dân tộc trong chính những người học./.