Bất động sản thương mại cao cấp - Tài sản tích lũy mới của các thương hiệu lớn
Manhattan - thủ phủ văn hóa, tài chính, truyền thông và giải trí không chỉ của New York mà của cả nước Mỹ, đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng của bất động sản trong suốt 5 năm qua. Quán quân về tăng trưởng tại Manhattan phải kể đến Hudson Yards với giá trung bình tăng gần 176%, từ 1,6 triệu USD năm 2019 lên 4,3 triệu USD năm 2022 và chạm mức 5,36 triệu USD vào đầu năm 2025, theo New York Post. Little Italy đứng ngay sau Hudson Yards với mức giá 4,59 triệu USD. SoHo đứng thứ ba với giá bán 3,85 triệu USD. Những con số này đều xác lập mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong năm 2024, chỉ riêng với bất động sản thương mại, tổng giá trị đầu tư vào New York đạt 33,4 tỷ USD, thì Manhattan chiếm khoảng một nửa - 15,6 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước.
Chia sẻ với Forbes, ông Shimon Shkury, Chủ tịch của Ariel Property Advisors nhận định, sự khan hiếm bất động sản thương mại chất lượng cao tại các khu vực trung tâm của Manhattan đã tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư và thương hiệu lớn, đẩy giá bán và giá thuê lên mức cao kỷ lục.
Thực trạng này buộc nhiều thương hiệu lớn đã chuyển từ thuê sang sở hữu bất động sản để đảm bảo vị trí chiến lược lâu dài. Năm 2024, Prada đã chi 835 triệu USD để mua lại 2 cửa hàng flagship tại số 720 và 724 Fifth Avenue. Gucci cũng mua lại tòa nhà tại 715 - 717 Fifth Avenue với giá 963 triệu USD.
Không kém cạnh Manhattan, thiên đường xa hoa và đẳng cấp Dubai cũng chứng kiến giá bất động sản tăng mạnh trong giai đoạn 2020 - 2025 với khoảng 147%, vượt qua các thị trường lớn như London, Paris và Madrid, theo Financial Times.
Giá thuê bất động sản thương mại tại Dubai tỷ lệ thuận với đà tăng của giá bán. Báo cáo từ Cushman & Wakefield cho biết, Business Bay là khu vực có mức giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng mạnh nhất Dubai trong năm 2024 với mức tăng lên đến 64% trong năm, và tổng cộng tăng 160% kể từ sau Covid-19. Hay khu thương mại Jumeirah Lake Towers tăng 153%; Sheikh Zayed Road tăng 121% kể từ sau đại dịch. Các trung tâm thương mại lớn như Dubai Mall và Mall of the Emirates cũng chứng kiến mức tăng giá thuê trung bình khoảng 15% trong quý III/2024.
Ông Taimur Khan, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại CBRE Trung Đông và Bắc Phi, nhận định: “Sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản thương mại chất lượng cao, đặc biệt tại các vị trí trung tâm, là một trong những thách thức chính của thị trường Dubai. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy giá bán và giá thuê bất động sản thương mại Dubai đi lên, thiết lập mặt bằng mới trong tương lai”.
"Tấc đất tấc kim cương" và tiềm năng của thị trường Việt Nam
Tại Việt Nam, cơn khát bất động sản thương mại tại lõi trung tâm cũng ngày càng gay gắt. Cuối tháng 8/2024, Starbucks đóng cửa cửa hàng Reserve đầu tiên và duy nhất của hãng tại TP.HCM. Nhưng phải nửa năm sau, Starbucks Reserve mới tái xuất tại một vị trí đắt đỏ bậc nhất Sài thành với giá thuê gần 2 tỷ đồng/tháng.
Hành trình gian nan tìm “nhà mới” của Starbucks phản ánh một thực tế đầy thách thức của thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam. Đó là ngày càng nhiều thương hiệu hạng sang thế giới sẵn sàng chi bộn tiền cho các flagship store nhưng khó tìm được vị trí xứng tầm.

Câu chuyện khan hiếm bất động sản thương mại cao cấp không là “niềm đau” của riêng thị trường TP HCM. Tại Hà Nội, các không gian nhà phố chật hẹp đang hụt hơi trước tốc độ Phát triển của một Thủ đô năng động, biến đổi không ngừng trong dòng chảy giao thương quốc tế.
Báo cáo “Phát triển thị trường Bán lẻ tại Việt Nam - Retail Wise” của Savills phát hành năm 2024 cũng chỉ ra rằng, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao cấp, đặc biệt tại khu vực lõi trung tâm - nơi quỹ đất đã cạn kiệt.
Cũng theo Savills, Hà Nội đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng 15 thành phố tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Bởi thế, Thủ đô cần có những mô hình mang dáng dấp như Manhattan của New York tại vùng lõi trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh cũng như bắt kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế trong kỷ nguyên tăng trưởng mới. Sự hiện diện của một bất động sản thương mại hạng sang tại vùng lõi trung tâm sẽ không chỉ giải “cơn khát” thị trường mà còn nâng cao vị thế Hà Nội trên trường quốc tế.
Donald Bren - người đứng đầu trong danh sách những tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới do Forbes xếp hạng năm 2021, đúc kết: “Nếu không đủ điều kiện tài chính, hãy cố gắng tìm ngôi nhà tệ nhất trên những con đường tốt nhất. Bởi khi mua được những tài sản kiểu này, bạn đã có hậu phương từ một con đường tuyệt vời”.
Tương tự, tỷ phú Donald Trump trong cuốn “Trump: The Best Real Estate Advice I Ever Received” cũng khẳng định: “Khi bạn mua bất động sản, 3 quy tắc quan trọng nhất vẫn là: vị trí, vị trí, vị trí”.
Từ New York, Dubai đến TP HCM và Hà Nội, những đô thị thịnh vượng bậc nhất đều có chung một “mẫu số”: nắm giữ bất động sản khan hiếm ở lõi trung tâm vừa là chiến lược kinh doanh, vừa là tuyên ngôn quyền lực của các thương hiệu lớn. Với những nhà đầu tư thức thời, sở hữu một “tấc đất kim cương” hôm nay chính là nắm giữ lợi thế cạnh tranh vượt trội cho nhiều thập kỷ sau này.