Ứng dụng nông nghiệp thông minh (CSA) và công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

08/11/2022 10:32

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình thực hiện hàng loạt các biện pháp như thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, sử dụng các giống cây trồng  mới có năng suất cao, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh kết hợp với việc tăng cường đầu tư thâm canh. Sự tăng cường các biện pháp kỹ thuật mới trong nghiên cứu giống lúa kháng sâu bệnh, các biện pháp kỹ thuật tối ưu, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục các điều kiện khó khăn do thiên tai, dịch hại là những vấn đề đang đặt ra cho các nhà khoa học nông nghiệp hiện nay.

1. Khái niệm và nội dung các mô hình nông nghiệp thông minh và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

1.1. Nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu (BĐKH)

Nông nghiệp thông minh với BĐKH (CSA) là áp dụng đồng bộ các công nghệ, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng tài nguyên thiên nhiên khoa học, hợp lý, ổn định hoặc tăng thu nhập của nông dân, tăng cường khả năng chống chịu hoặc thích ứng, giảm hoặc loại bỏ, áp dụng các biện pháp để giảm phát thải khí nhà kính; tăng khả năng đạt được mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực và mục tiêu phát triển bền vững.

Tính “thông minh” của CSA nhằm đạt được 3 mục tiêu: (i) đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng; (ii) thích ứng bao gồm khả năng chống chịu và phục hồi với các điều kiện bất lợi của khí hậu, dịch hại và sâu bệnh, ổn định năng suất v.v.; và (iii) giảm lượng phát thải KNK cũng như hấp thụ/tích tụ Các-bon. An ninh lương thực, thích ứng, và giảm nhẹ được xác định là 3 trụ cột quan trọng nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cơ bản của CSA.

1.2. Nông nghiệp công nghệ cao là nơi hội tụ các thành tựu tiên tiến nhất về công nghệ sinh học, công nghệ hoá học, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin và tự động hoá trong một hệ thống nông nghiệp tập trung nhằm tạo ra một quy mô sản xuất và trình diễn công nghệ, có tác dụng quyết định đối với chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình thực hiện hàng loạt các biện pháp như thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, sử dụng các giống cây trồng  mới có năng suất cao, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh kết hợp với việc tăng cường đầu tư thâm canh.

2. Ý nghĩa - tác dụng của các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao  và vai trò công tác BVTV trong các mô hình trên

BĐKH sẽ gây ra các biến đổi thời tiết bất thường, cực đoan làm ảnh hưởng đến các mặt của đời sống và đặc biệt ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Đồng thời, BĐKH còn làm suy giảm các nguồn tài nguyên nhất là đất canh tác, nước và đa dạng sinh học. Mặt khác, BĐKH và nước biển dâng gây ra hạn hán và ngập mặn gia tăng, đồng nghĩa với việc tăng diện tích đất bị sa mạc hóa hoặc nhiễm mặn, giảm diện tích đất canh tác nông nghiệp. Do vậy, trong các lĩnh vực nói chung và nông nghiệp nói riêng cần tăng cường áp dụng giải pháp nhằm thích ứng cao hơn nữa với các biến đổi bất thường đó.

3. Tình hình và kết quả ứng dụng một số mô hình trên trong sản xuất nông nghiệp hiện nay

3.1. Một số mô hình CSA theo hướng tiếp cận cảnh quan tại Việt Nam:

- Tiếp cận cảnh quan trong phát triển cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên:

Một số mô hình canh tác cà phê bền vững theo hướng tiếp cận cảnh quan đã được thí điểm triển khai nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới đất, quản lý tài nguyên nước, hạn chế sử dụng hoá chất nông nghiệp và ảnh hưởng của BĐKH trong sản xuất cà phê. Mô hình cảnh quan bền vững đảm bảo 4 yếu tố: bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo thu nhập của người dân, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Mô hình đã áp dụng các kỹ thuật xen canh, tưới tiết kiệm và quy trình kiểm soát hoá chất nông nghiệp trên phạm vi các vườn cà phê khu vực Tây nguyên.

- Các mô hình quản lý rừng cộng đồng dựa trên tiếp cận cảnh quan

Trong khuôn khổ của dự án KfW7 tại Sơn La và Hòa Bình từ năm 2012 đến 2016, 52 cộng đồng (35 cộng đồng tại tỉnh Sơn La, 17 cộng đồng tại tỉnh Hòa Bình) đã được hỗ trợ áp dụng mô hình Quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ) trong bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên của địa phương với tổng diện tích rừng được quản lý và bảo vệ lên đến 6.869,03 ha. Đánh giá qua 6 năm triển khai mô hình này cho thấy rừng đã được bảo vệ rất tốt trong hầu hết các cộng đồng tham gia dự án. Không có bất kỳ trường hợp vi phạm nào liên quan đến khai thác, săn bắn trái phép, chăn thả gia súc tự do vào rừng, cháy rừng hoặc lấn chiếm rừng để sản xuất nông nghiệp.

3.2. Những lợi ích thu được khi thực hiện mô hình CSA

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính:Việc áp dụng các biện pháp canh tác như: lựa chọn giống mới, áp dụng IPM và ICM không những nhằm giảm chi phí đầu vào mà còn góp phần giảm phát thải khi nhà kính. Về lợi ích kinh tế: tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm các đầu vào như giảm lượng giống, giảm vật tư phân bón,vv.: Việc áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp (giảm lượng nước tưới, bón phân cân đối và sử dụng thuốc BVTV hợp lý, đẩy mạnh cơ giới hóa, tận dụng phế phụ phẩm làm phân bón) sẽ góp phần làm tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, từ đó đem lại hiệu quả ổn định cho người dân tham gia mô hình. Khối lượng nước sẽ tiết kiệm so với cách tưới truyền thống khoảng 40 - 60%. Trong đó do áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm bằng hệ thống phun mưa sẽ tiết kiệm được từ 30 - 40 %, tiết kiệm do tổn thất kênh mương 10 - 20 %. Các tổ chức xã hội (hội phụ nữ, hội nông dân, mặt trận v..v…) tham gia quản lý sản xuất và góp phần vào việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất mới. Tiếp cận với thị trường sản phẩm nông nghiệp thông qua hình thức liên kết với công ty tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu để có thể đóng góp hành động giảm phát thải khí nhà kính, giữ gìn vệ sinh công cộng, vệ sinh trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

3.4. Đánh giá hiệu quả của các mô hình CSA 

i) Mô hình cánh đồng lớn canh tác lúa

Cánh đồng mẫu lớn là chương trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là cách tiếp cận mới trong sản xuất lúa hàng hóa áp dụng biện pháp canh tác lúa tiên tiên, áp dụng các gói kỹ thuật như liên kết sản xuất theo qui mô lớn, áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), áp dụng chế dộ tưới nước tiết kiệm- ướt khô xen kẽ (AWD), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), vv.

ii) Mô hình cánh đồng lớn canh tác lúa với phương thức canh tác hai vụ lúa và đa dạng hóa cây màu vụ đông: 

Sản xuất cây vụ đông trên đất trồng lúa là một chương trình được các tỉnh quan tâm, nhất là các tỉnh phía Bắc nước ta- nơi có mùa đông kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 2. Sản xuất câu vụ đông ưa ấm, ưa lạnh góp phần tăng thụ nhập sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích. Tại Phú Thọ trong vụ đông nông dân tiếp tục sản xuất cây ngô trên diện tích 14,5 ha, năng suất 5 tấn/ha, thu nhập tăng thêm 20,2 triệu đồng/ha  và cây bí ngô trên diện tích 5 ha, năng suất 14 tấn/ha, sản lượng 75 tấn, tăng thêm thu nhập 49 triệu đồng/ha.

iii) Mô hình cánh đồng lớn canh tác lúa với phương thức chuyển đổi từ canh tác lúa 2 vụ sang canh tác 1 lúa – 1 màu. Trong vụ sản xuất lúa các mô hình này đều áp dụng các biện pháp theo Cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là các HTX dịch vụ nông nghiệp đã liên kế với Công ty giống để tham gia sản xuất, cung ứng hạt giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho công ty như Công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty giống cây trồng Trung ương 1, giá lúa giống cao hơn 20% so với giá lúa thương phẩm ngoài thị trường.

iv) Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu gắn với chế biến và xuất khẩu

Theo chủ trương của ngành NN&PTNT ở các vùng trồng lúa kém hiệu quả có thể xem xét để chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp, sử dụng các cây trồng hàng hóa, ngắn ngày, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Các mô hình CSA được thực hiện ở Thanh Hóa trên diện tích là 68,2 ha. Kết quả cho thấy tỷ lệ % thu nhập tăng so với đối chứng cây ngô là 35%, đậu tương: 30%, ớt: 8,5%, ngô xuân: 15%,  ngô xuân hè: 11,8%,  đậu tương hè thu: 12%.

Bảng 1. Hiệu quả sản xuất các mô hình CSA trồng lúa

Tỉnh

Số mô hình

Diện tích canh tác của mô hình (ha)

Trung bình số vụ đã thực hiện

Năng suất trung bình  (tấn/ha)

Chi phí trồng trọt/ha (Triệu VND)

Thu nhập thuần/ha

(Triệu VND)

Của mô hình

Tỷ lệ tăng so đối chứng (%)

Của mô hình

Tỷ lệ giảm so đ/c (%)

Giá trị bình của các mô hình

Tỷ lệ tăng thu nhập so đ/c (%)

Quảng Nam

3

150

2,9

6,28

13,9

20,90

7,11

37,95

7,1

Quảng Trị

6

109,4

4,0

5,54

17,7

25,14

0,95

14,71

41,4

Hà Tĩnh

2

134,4

3,6

6,00

9,0

67,50

19,16

36,00

12,0

Thanh Hóa

2

123,6

4,0

6,98

7,4

34,37

7,72

14,34

33,0

Phú Thọ

1

19,5

2,0

5,85

11,4

30,90

3,74

33,30

8,2

Tổng

14

536.9

3,5

6,13

12,0

35,76

10,92

27,26

23,17

 

v) Mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm

Sản xuất rau an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết theo chuỗi giá trị là rất quan trọng hiện nay theo chủ trương của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác từ khâu làm đất đến thu hoạch giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất từ 10-15%. Sử dụng đa dạng các loại rau với các chu kỳ khai thác khác nhau giúp tăng hệ số sử dụng đất. Liên kết sản xuất-kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Giúp tiêt kiệm nguồn nước 30% so với tưới truyền thống. Tại HB: trung bình  giảm 2 lần bón phân, giảm 1 lần phun thuốc BVTV , 2 lần cắt giảm lượng nước, 10 m3/ha/vụ; giảm phân đạm  trung bình 21,7kgN/ha/vụ.

vi) Mô hình sản xuất cây màu trên đất chuyên canh cây trồng cạn

Kết quả cho thấy tại Quảng Nam năng suất trung bình của các mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà 2-10 tạ/ha. Trung bình giảm được 1-3 lần phun thuốc BVTV; giảm được 70-80 % lượng phân bón so với tập quán. Lợi nhuận ở ruộng mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất đại trà (đối chứng) từ 8-12 triệu đồng/ha, do giảm chi phí phân bón và thuốc BVTV.

vii) Mô hình cây ăn quả chất lượng cao

Các mô hình trồng Cam áp dụng kỹ thuật ICM, sử dụng cây giông sách bệnh, có nguồn gốc, áp dụng hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; trồng xen cây ổi; cắt tỉa theo quy trình sau mỗi đợt lộc hoặc định kỳ 3 tháng/lần. Sử dụng bẫy bả sinh học, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học với liều lượng và chủng loại theo quy trình VietGAP. Tại các mô hình lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng giảm 50-60%, thay vào đó là việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu thảo mộc Số lần phun thuốc giảm từ 3-4 lần/năm, lượng nước giảm 1 lần, lượng phân bón hóa học trong các mô hình CSA giảm khoảng 30% lượng phân bón hóa học so với đối chứng. Hiệu quả kinh tế tăng từ 10-20%, giảm ô nhiễm môi trường tác động tích cực đến bảo vệ tài nguyên.

viii) Mô hình sản xuất chè chất lượng cao

Mô hình sử dụng các giống chè có chất lượng cao để sản xuất chè xanh thơm như Chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên; áp dụng biện pháp tưới phun mưa, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh kếp hợp với phân bón hóa học, số lần phun thuốc là 6 lần/năm, so với 10 -12 lần/năm của ngoài mô hình. Năng suất chè ở mô hình là 13,7 tấn/ha so với đối chứng là 12,1 tấn/ha; thu nhập tăng 8,3 triệu đồng/ha (50,3 triệu đồng ở mô hình CSA và 42 triệu đồng/ha ở đối chứng)

ix) Mô hình sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm

Năng suất hồ tiêu tăng lên từ 0,5-1,0 kg/gốc, tương đương 140-160kg/sào, cao hơn so với chỉ tiêu chung của toàn huyện. Hiệu quả tưới nhỏ giọt: Tiết kiệm nước, tiết kiệm công lao động (công tưới nước giảm 50%,  công chăm sóc: bón phân, làm cỏ…giảm 50%) do đó tiết kiệm chi phí sản xuất (tiết kiệm điện năng). Trong khi sử dụng biện pháp tưới theo tập quán cũ như tưới tràn hoặc tưới thông thường gây lãng phí nước, tốn công tưới, cỏ dại mọc nhiều, hao tốn điện năng. Đánh giá chung: mô  hình của dự án WB7 như là tiền đề quan trọng để nông dân tạo ra  sản phẩm hồ tiêu được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ như một lối đi mới giúp người sản xuất hồ tiêu vững tâm để phát triển cây trồng chủ lực này..

3.5. Một số kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khoa học cây trồng

+ Kết quả ứng dụng công nghệ cao trong tạo giống và nhân giống cây trồng: như nuôi cấy bao phấn và hạt phấn lúa, nuôi cấy bao phấn và noãn chưa thụ tinh ở ngô. Đã tạo được nhiều dòng giống lúa, ngô thuần, các dòng TGMS. Các quy trình lai xa, cứu phôi, nuôi cấy tế bào dịch lỏng, tế bào trần phục vụ chọn tạo giống cây ăn quả có múi không hạt. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng trên cây rau, quả. Đã xác định nền giá thể thích hợp nhất trồng cà chua trong nhà lưới có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên nền giá thể xơ dừa. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trên cây hoa: đã triển khai nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ canh tác một số giống hoa có ứng dụng công nghệ cao.

+ Kết quả ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học chăm bón và bảo vệ cây trồng: Nhiều loại chế phẩm vi sinh vật, phân bón vi sinh vật đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật hoặc được đang ký trong danh mục phân bón được phép kinh doanh, sử dụng của Bộ NN &PTNT (phân Nitragin, Azozin, Phosphobacterin, phân bón vi sinh vật hỗn hợp, phân hữu cơ vi sinh vật chức năng, chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp, chế phẩm vi sinh vật chức năng, chế phẩm Compost)

4. Ưu nhược điểm và những thuận lợi, khó khăn của việc sản xuất nông nghiệp theo các mô hình trên để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

4.1. Ưu điểm và thuận lợi

Nhà nước đã ban hành Luật công nghệ cao, nhiều chương trình hỗ trợ nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình công nghệ sinh học, vv. Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và PTNTT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với thực tiễn và dự báo thay đổi trong kịch bản BĐKH và nước biển dâng (NBD), theo hướng nâng cao năng lực thích ứng, đa dạng hóa sản xuất để giảm rủi ro, tạo sinh kế bền vững. Thử nghiệm mô hình bảo hiểm nông nghiệp; quản lý hạn, mặn gắn với quản lý tổng hợp tài nguyên nước, lưu vực được xem như là nhiệm vụ quản lý thường xuyên. Củng cố, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, phát triển hệ thống công trình cứng phối hợp với các giải pháp công trình mềm (trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng ngập mặn) v.v.. Xây dựng cơ chế chính sách để nhân rộng các thực hành: Thực hành tốt nông nghiệp (VietGAP), 1 phải 5 giảm; 3 giảm-3 tăng; luân canh tôm-lúa, lúa-cá; thủy sản-kết hợp quản lý bảo vệ rừng ngập mặn v.v.. Phát triển giống cây, con có khả chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết bất thuận như: hạn, mặn đi đôi với việc tăng cường các ngân hàng giống. Đẩy mạnh việc phát triển các mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tăng cường nhận thức về BĐKH cho cộng đồng và người dân kết hợp với nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo về thời tiết, khí hậu.

4.2. Nhược điểm và khó khăn:

i) Đối với nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH:

Năng lực thiết kế công trình hạ tầng kỹ thuật cho mô hình CSA: Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật (hệ thống tưới, xây dựng đồng ruộng và các công trình hạ tầng khác) tại các mô hình CSA còn chưa có nhiều kinh nghiệm, do công tác thiết kế không đáp ứng tiến độ thực hiện mô hình. Sở dĩ có tình trạng này là do các công trình tưới tiết kiệm nước chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, do vậy chưa có nhà thầu tư vấn có kinh nghiệm, cập nhật được kiến thức hiện đại hóa tưới để giúp Dự án. Đầu tư ban đầu cho các mô hình hoặc vùng áp dụng CSA còn cao, do đó đối với các hộ nông dân tự làm thì rất khó, mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động mang tính cộng đồng cao. Biến đổi khí hạu khó lường, giá nông sản bấp bênh, không ổn định, vv là những rào cản trong việc thực hiện CSA trên diện rộng.

ii) Đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Các vấn đề đặt ra bao gồm:

Về đất đai: Việc hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và trình diễn công nghệ cao trong nông nghiệp ở nước ta còn ít; việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn và chưa đồng bộ. Vấn đề cơ sở hạ tầng còn khó khăn do chi phí cao, giá trị thu về thấp, dài hạn. Vấn đề tín dụng cho phục vụ đầu tư và sản xuất còn khó khăn. Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ: Chúng ta chưa có nhiều cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; chưa có nhiều cán bộ quản lý có kinh nghiệm tại các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hiện có. Về tổ chức thể chế: Chưa có sự phối hợp đa lĩnh vực, đa ngành, đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa công nghệ sinh học với các lĩnh vực công nghệ khác trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Về thị trường: Việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, giá thành sản xuất sản phẩm còn cao, thị trường tiêu thụ các sản phẩm không ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, do vậy hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

5. Đề xuất các giải pháp để phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ cao trong tình hình biến đổi khí hậu nhằm nâng cao chất lượng nông sản an toàn và bảo vệ môi trường

5.1. Đối với sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH

Hỗ trợ  thúc đẩy thực hiện các nội dung sau: (i) Thiết lập chương trình thực hành nông nghiệp thông minh (CSA) thích ứng với BĐKH; (ii) Phát triển, cải thiện các dịch vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ hậu cần (logistic) và (iii) Hỗ trợ mở rộng ứng dụng các thực hành CSA và các hệ thống CSA. Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân về CSA; Có biện pháp quản lý hiệu quả chất lượng nông sản thương mại; Nhà nước có chính sách và thực hiện đầu tư phát triển thủy lợi nội đồng, trước hết cho vùng khan hiếm nước, vùng sản xuất lúa trọng điểm; và phát triển công trình tưới tiết kiệm nước cho vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp và các cây trồngcạn có giá trị kinh tế cao.

5.2. Đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp: Tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thuỷ sản;  nghiên cứu cải tiến các công nghệ cao nhập nội để thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam; từng bước nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao mới trong nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

- Nhập công nghệ cao trong nông nghiệp: Lựa chọn nhập một số công nghệ cao từ nước ngoài thuộc Danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển mà trong nước chưa có; tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều kiện thực tế của Việt Nam.. Kết hợp cải tiến và đổi mới công nghệ công nghệ cao cho phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

- Phát triển các “Trung tâm khoa học công nghệ”,”Trung tâm xuất sắc” cho các vùng trọng điểm nông nghiệp. Gắn trường đại học với viện nghiên cứu, kết hợp nghiên cứu với đào tạo và khuyến nông.

- Phát triển doanh nghiệp, vùng và khu nông nghiệp công nghệ cao:

+ Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao: Hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương đối với một số lĩnh vực đã có công nghệ cao, như: trồng hoa, trồng rau trong nhà lưới; sản xuất cây giống, con giống; sản xuất nấm quy mô công nghiệp; chăn nuôi lợn, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất chế phẩm sinh học; bảo quản và chế biến nông sản.

+ Phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương. Khuyến khích phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc kết hợp công nghệ cao với công nghệ truyền thống đã được hình thành. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

+ Phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao: Quy hoạch phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao ở các vùng sinh thái khác nhau.

6. Kết luận

Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực chuyên ngành hẹp và các chương trình đã và đang áp dụng trong thực tiến sản xuất cây trồng như chương trỉnh IPM, ICM, INM, AWD, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ,… để phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn, hiệu quả. Sự tổng hợp các yếu tố đó cho phép sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, nhằm giảm giá thành, giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu suất sử dụng nguồn lợi tự nhiên như nước tưới, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, thảo mộc, phân hữu cơ, phân vi sinh, nhưng lại cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kỹ thuật, kinh tế cao so với sản xuất truyền thống hiện nay. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ cho nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các công nghệ công nghiệp 4.0 như quản lý dịch hại, quản lý dinh dưỡng cây trồng, quản lý nước tưới, giám sát và đánh giá sản xuất nông nghiệp.

Lời cảm ơn: Tác giả xin chân thành cảm ơn Ban quản lý dự án thủy lợi và và dự án VIAIP- WB7- Cải thiện Nông nghiệp có tưới đã cung cấp số liệu và thông tin về kết quả thực hành nông nghiệp thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo kết quả thực hiện dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới”- VIAIP- WB7. Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi. Bộ Nông nghiệp và PTNT. 2020

2. Nguyễn Xuân Dương. Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Nông nghiệp-Giống – Công nghệ cao - Cục Nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 6/2004.

3. Đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010- Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2000.

4. Nguyễn Minh Hằng và CS. 2003. Một số vấn đề về hiện đại hoá nông nghiệp Trung Quốc. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.

5. Kỷ yếu Hội thảo phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt nam. Tạp chí Họat động Khoa học, Bộ KHCN, 2007.

6. Nguyễn Công Tạn. Khoa học-kỹ thuật nông nghiệp Trung Quốc đang vươn tới tầm cao của thế giới đương đại. Tạp chí: “Nông nghiệp và Phát triển nông thốn”. số 18, 2006.

7. Nguyễn Văn Tuấn. Phát triển khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta hiện nay. Tạp chí “Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” - số 9/2005.

8. Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Văn Viết. Ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp hướng tới thị trường trong và ngoài nước Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Khoa học và Công nghệ với phát triển kinh tế- xã hội, 12-2009. NXB KH&KT

9. Nguyễn Văn Tuất, Phạm Quang Duy và Nguyễn Quang Thịnh. Nghiên cứu mô hình nông nghiệp công nghệ cao và giải pháp phát triển ở Việt nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp  Việt nam. Số 1 (14) 2010., tr. 90-96.

10. Nguyễn Văn Tuất. 2010. Nghiên cứu về tiêu chí và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt nam. Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, số 14, tr. 3-10.

11. Nguyễn Van Tuất, Phạm Đức Hùng. Nghiên cứu áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp thông minh nhằm giảm thiểu sâu bệnh hại và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa tại Việt nam. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Bệnh hại thực vật Việt nam lần thứ 20,NXB Nông nghiệp 2020,  tr.400-406

12. Graves, C.J. 1983. The nutrient film technique. Horticultural Review 5: 1-44

13. Home grown, 2003, Hydroponics History, Hydroponic Systems, Mediums, Nutrients trong http://www.hydroponics.com/ info/history.

14. Jensen, M.H. 1989. 150,000 acres and rising; Greenhouse agriculture in Korea and Japan. Proc. 10th Annual conference on Hydroponics. Hydroponic Society of America, pp. 79-83.

 

 

GS.TS. Nguyễn Văn Tuất- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam