Tiêu chuẩn Euro NCAP: "Cửa ải" khiến ô tô giá rẻ khó chen chân thị trường?

Cuộc chơi ngày càng khắt khe của ngành ô tô châu Âu khi Euro NCAP siết chặt tiêu chuẩn an toàn.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng an toàn và thông minh hơn, các tiêu chuẩn đánh giá xe cũng ngày một nghiêm ngặt.

Tại châu Âu, Euro NCAP – tổ chức đánh giá an toàn xe uy tín bậc nhất vừa công bố lộ trình nâng cấp hệ thống chấm điểm từ năm 2026, điều đang khiến nhiều mẫu xe giá rẻ rơi vào thế khó.

30
 

Theo Autocar, các tiêu chuẩn mới mà Euro NCAP dự kiến áp dụng không chỉ vượt xa yêu cầu pháp lý cơ bản của Liên minh châu Âu (EU) mà còn đòi hỏi các nhà sản xuất xe đầu tư mạnh vào loạt công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến – điều vốn không dễ dàng với những dòng xe phổ thông.

Ông Thomas Schäfer – lãnh đạo thương hiệu Citroen thừa nhận để đạt được chuẩn 5 sao Euro NCAP trong tương lai, một mẫu xe sẽ phải thể hiện khả năng bảo vệ toàn diện khi va chạm, đồng thời được tích hợp loạt công nghệ chủ động như: kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo lệch làn, phanh khẩn cấp tự động, camera, radar, cảm biến…

Những trang bị này khiến chi phí sản xuất tăng vọt, khó phù hợp với các mẫu xe hướng đến người dùng phổ thông.

Dacia – thương hiệu xe giá rẻ nổi bật tại châu Âu cũng gặp khó. Dù mẫu Duster mới có giá chỉ khoảng 24.100 USD và được đánh giá tốt về hiệu quả sử dụng, xe vẫn chỉ nhận được 3 sao Euro NCAP. Trong khi đó, các mẫu xe cao cấp như Mercedes-Benz E-Class hay Skoda Superb có giá gấp đôi hoặc gấp ba, lại dễ dàng đạt chuẩn 5 sao.

33
 

Trước những ý kiến trái chiều, Euro NCAP khẳng định mục tiêu của họ không phải là “chạy theo tối thiểu” mà là thúc đẩy toàn ngành tiến lên.

Dù thừa nhận có thể gây áp lực cho các nhà sản xuất xe giá rẻ, tổ chức này cho rằng vẫn có những giải pháp thay thế như cải tiến hệ thống an toàn sẵn có, nâng cao trải nghiệm người dùng mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào phần cứng đắt tiền.

Euro NCAP cũng ghi nhận thực tế rằng nhiều người tiêu dùng chưa thực sự sử dụng hết các hệ thống an toàn chủ động, đặc biệt là những công nghệ giám sát hành vi tài xế hay nhận diện giới hạn tốc độ – những tính năng đôi khi bị đánh giá là “phiền toái” hơn là hữu ích.

Trong các tiêu chuẩn đánh giá sắp tới, yếu tố khả năng sử dụng thực tế sẽ được cân nhắc nhiều hơn, thay vì chỉ kiểm tra sự hiện diện của công nghệ.

Bắt đầu từ năm 2026, hệ thống đánh giá mới của Euro NCAP sẽ dựa trên 4 trụ cột: hỗ trợ lái xe an toàn, khả năng tránh va chạm, bảo vệ khi xảy ra va chạm và an toàn sau tai nạn. Đây là bước tiến nằm trong chiến lược dài hạn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thương vong do tai nạn giao thông tại châu Âu.

32
 

Tuy nhiên, đại diện Citroen cảnh báo rằng cách tiếp cận này có thể gây ra một “sự phân hóa ngầm” trong thị trường ô tô. Những mẫu xe từng đạt điểm cao theo chuẩn cũ – như Citroen C3 từng đạt 4 sao – giờ có thể chỉ còn 0 sao nếu chấm lại theo chuẩn mới.

Điều này dẫn tới câu hỏi lớn: liệu các tiêu chuẩn an toàn có đang vô tình trở thành rào cản tài chính, khiến người tiêu dùng phổ thông không còn lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận “ít an toàn hơn”?

Rõ ràng, trong khi mục tiêu của Euro NCAP là đáng khích lệ, thách thức với ngành sản xuất ô tô là rất lớn. Sự tiến bộ về an toàn không nên là đặc quyền của những người có khả năng chi trả cao.

Làm sao để công nghệ an toàn phổ cập hơn, dễ tiếp cận hơn đó sẽ là bài toán mà toàn ngành cần cùng giải, thay vì chỉ trông chờ vào các đánh giá 5 sao như một tấm giấy thông hành.