Thương mại Châu Á - Thái Bình Dương: Triển vọng từ trong đại dịch COVID-19

11/02/2022 00:46

Trong thông cáo báo chí phát đi từ Manila ngày 9 tháng 2 năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, mặc dù đại dịch do vi-rút corona (COVID-19) bùng phát với những hạn chế về đi lại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhưng thương mại giữa các nền kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương vẫn tăng ở mức cao trong ba thập niên gần đây, góp phần đáng kể vào củng cố khả năng phục hồi khu vực và nâng cao khả năng tăng trưởng của thương mại toàn cầu.

Theo tin tức truyền đi của ADB, thương mại khu vực gia tăng 29,6% trong ba quý đầu năm 2021, so với mức tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ là 27,8%. Sau khi giảm 3,1% vào năm 2020, thương mại của khu vực tăng trở lại ở mức 31,2% trong cùng thời kỳ, Trong tình hình đại dịch, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lượng khách quốc tế đến giảm tới 82,8% trong năm 2020 so với mức trung bình từ năm 2015 đến năm 2019. Thực tế thời gian qua còn cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực được duy trì vững vàng, chỉ giảm 1,3%, trong khi mức giảm toàn cầu lên tới 34,7% vào năm 2020. Mặt khác, dòng tiền gửi chảy vào khu vực sau khi giảm 2,0% của năm 2020, lại gia tăng 2,5% trong năm 2021.

121-1644515127.jpg
Thương mại Châu Á - Thái Bình Dương: Triển vọng từ trong đại dịch COVID-19

Báo cáo Hội nhập kinh tế Châu Á (AEIR) 2022 công bố trong ngày cho biết, thương mại nội vùng chiếm tới 58,5% tổng thương mại của khu vực vào năm 2020, là tỷ trọng cao nhất kể từ năm 1990. Thương mại nội vùng tăng mạnh cùng với việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén trên toàn cầu và nhất là sự hồi phục của nền kinh tế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã củng cố khả năng phục hồi kinh tế khu vực. Cũng theo báo cáo, các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới như Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực, đã giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế và mở đường cho sự phục hồi bền vững khu vực sau đại dịch.

Công cuộc phục hồi bền vững nền kinh tế đòi hỏi sự hợp tác chính sách chặt chẽ trên nhiều phương diện, đặc biệt là việc quản lý cách thức thoát khỏi đại dịch và thiết lập các quy tắc chuẩn mực về y tế và an toàn liên quan tới mở cửa lại nền kinh tế và biên giới. Cùng với việc tăng cường an ninh, y tế khu vực và các chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy khả năng chống chịu của khu vực trước những cú sốc tương lai.

Theo các nhà phân tích, hội nhập giữa các nền kinh tế ở Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục được tăng cường trong các lĩnh vực công nghệ mới và kết nối kỹ thuật số, hợp tác môi trường, liên kết thương mại, đầu tư và tham gia vào chuỗi giá trị sẽ mở ra nhiều triển vọng tương lai,

Trong chủ đề được thảo luận về sự cấp thiết phải thúc đẩy thương mại dịch vụ kỹ thuật số ở Châu Á và Thái Bình Dương, các nhà phân tích đã nhấn mạnh, việc số hóa nhanh và đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy tăng trưởng thương mại dịch vụ kỹ thuật số và cho rằng, cách thức mà những nền kinh tế khu vực có thể tận dụng thông qua phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kết nối kỹ thuật số, cải cách quy định và xây dựng thể chế, cũng như hợp tác quốc tế đều có thể mang lại hiệu quả thiết thực.

Với cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực; chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á, Albert Park, chia sẻ “Thương mại và các liên kết chuỗi giá trị gia tăng giữa các nền kinh tế Châu Á và Thái Bình Dương là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy sự phục hồi bền bỉ sau đại dịch COVID-19” Ông cho rằng, Đại dịch Covid-19 đã gây những tổn thất kinh tế và đảo ngược nhiều thành tựu về giảm nghèo mà khu vực đã phải khó khăn mới giành được và nhấn mạnh “Chúng ta phải dựa trên những kết quả đạt được về hội nhập và hợp tác khu vực để hỗ trợ quay lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững”.                 

Lê Thành Ý