
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 4/2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.650 tỷ đồng. Con số này tương đương 43,1% dự toán được HĐND tỉnh giao cho cả năm, và 36,3% mục tiêu trong kịch bản phấn đấu tăng trưởng hai con số.
Trong đó, thu nội địa đóng vai trò chủ lực với 10.410 tỷ đồng, đạt 47,3% dự toán HĐND và 40% so với kịch bản phấn đấu. So với cùng kỳ năm 2024, mức thu nội địa tăng tới 7,6%, cho thấy sự hồi phục rõ rệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Trong khi đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 1.230 tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán HĐND tỉnh và 20,2% so với mục tiêu phấn đấu. Tuy có mức giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, song nguyên nhân chủ yếu đến từ những điều chỉnh trong chính sách thuế của Mỹ – yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương.
Nếu tính cả số tiền thuế thu được gia hạn nộp theo các Nghị định của Chính phủ thì tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 4 tháng ước đạt 11.550 tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán và bằng 119,4% so với cùng kỳ, là kết quả rất tích cực trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ Phát triển kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, nhìn từ cơ cấu thu có thể thấy được sự ổn định từ hoạt động sản xuất kinh doanh: Thu từ sản xuất kinh doanh 4 tháng ước đạt trên 8.440 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và bằng 112,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Nếu tính cả số tiền thuế được gia hạn nộp thì thu từ sản xuất kinh doanh lũy kế 4 tháng ước đạt gần 9.500 tỷ đồng, bằng 55,5% dự toán và bằng 126,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp 82% tổng thu nội địa của tỉnh, còn lại thu từ đất và các khoản thu khác như thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ...
Trong sản xuất kinh doanh, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng qua ước đạt 7.220 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2024.
Nếu tính cả số tiền thuế được gia hạn 985 tỷ đồng thì thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 4 tháng ước đạt 8.205 tỷ đồng đạt 53,6% dự toán và bằng 126,1% so với cùng kỳ năm 2024 và đóng góp 86% trong thu từ sản xuất kinh doanh.
Lũy kế 4 tháng năm 2025, số thuế phát sinh nộp từ 2 công ty Honda và Toyota ước đạt trên 6.700 tỷ đồng, bằng 131,3% so với cùng kỳ năm 2024 (tương ứng tăng 1.603 tỷ đồng). Sản lượng xe ô-tô tiêu thụ của 2 công ty ước đạt trên 30.200 xe, bằng 124,6% so với cùng kỳ năm 2024 (tương ứng tăng gần 6.000 xe).
Đáng chú ý, thuế thu nhập doanh nghiệp khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2024, tương ứng tăng trên 260 tỷ đồng.
Đạt được kết quả ấn tượng trên, Vĩnh Phúc đã chứng minh sự chủ động, quyết liệt trong điều hành kinh tế - tài chính của các cấp, ngành. Sự linh hoạt trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, cùng với việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là những yếu tố quan trọng thúc đẩy nguồn thu.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thích ứng tốt với các điều kiện mới, từng bước mở rộng sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng và tạo ra nguồn thu ổn định. Các khu công nghiệp trong tỉnh như Khai Quang, Bá Thiện, Bình Xuyên tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt về sản lượng và hiệu quả sử dụng đất công nghiệp.
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc được Trung ương và HĐND tỉnh giao tổng thu ngân sách Nhà nước là 27.026 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 22.026 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết liệt chỉ đạo, UBND tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch ngân sách cho các sở, ngành, địa phương; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong đó, tỉnh xác định cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan; siết chặt công tác quản lý thu, chống thất thu và các hành vi chuyển giá; đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt ở các khâu then chốt như thủ tục đầu tư, tiếp cận đất đai và nguồn vốn tín dụng.
Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.