Sản phẩm OCOP “bay xa”

24/07/2023 17:09

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá thật yên bình như cách những cánh chuồn chuồn xuất hiện trong ký ức tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Tại đây, người dân và du khách có cơ hội trực tiếp chứng kiến người nghệ nhân tạo nên những chú chuồn chuồn tre rực rỡ và cũng chính những sản phẩm giản dị, mộc mạc đó đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Người “giữ lửa” làng nghề

Bằng tình yêu mãnh liệt với nghề truyền thống, 23 năm qua, anh Nguyễn Văn Tái (Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tái) xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Từ bàn tay tài hoa của anh và những người thợ, những chú chuồn chuồn tre đã “bay xa” khắp cả nước và đến với nhiều nước trên thế giới.

Anh Tái cho biết, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn, chim từ tre mới xuất hiện khoảng 25 năm trở lại đây và anh Nguyễn Văn Tái cũng là người đầu tiên đưa nghề về làng.

“Làng Thạch Xá có nghề truyền thống làm rổ rá từ tre nhưng một lần tình cờ nhìn thấy con chuồn chuồn được làm từ thứ nguyên liệu quen thuộc này, tôi tự hỏi: “Sao người ta làm được mà mình lại không”? Ý nghĩ đó khiến anh quyết tâm đưa nghề làm chuồn chuồn tre về làng”, anh Nguyễn Văn Tái tâm sự.

chuon1-1702721104.jpg

Từ bàn tay tài hoa của anh và những người thợ, những chú chuồn chuồn tre đã “bay xa” khắp cả nước và đến với nhiều nước trên thế giới

Nhìn bề ngoài, những tưởng chuồn chuồn tre chỉ là món đồ chơi nhỏ xinh đơn giản làm từ tre nứa, song để làm ra được một sản phẩm này lại mất khá nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng phải là tre khô tự nhiên, không được sử dụng tre ngâm, bị mối mọt...
Để làm ra một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh phải trải qua khoảng nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác như: Chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng thăng bằng.

Hướng về phía những cây tre xếp chồng chất trong xưởng, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái giải thích về những khâu làm nên chú chuồn chuồn tre. Việc chọn nguyên liệu thô ban đầu là cây tre cũng rất quan trọng, tre bánh tẻ là lựa chọn phù hợp vì cây sẽ không quá non hoặc quá già. Cây tre khi mang về sẽ cạo đi lớp vỏ xanh bên ngoài, phơi nhiều nắng nhằm bốc hơi hết nước của thân tre, rồi chia chúng thành những thanh tre nhỏ dần, để gọt, dũa thành các bộ phận của con chuồn chuồn.

Bởi nguyên lý của chú chuồn chuồn tre này là sự thăng bằng nên các bộ phận cấu thành như: Thân, cánh, mình... phải được làm một cách tỉ mỉ, theo tỉ lệ riêng. Quan trọng nhất là phần mỏ vì khi đó trọng tâm sẽ dồn vào duy nhất một điểm này, giúp chúng có thể đứng được mà không sợ rơi. Đầu tiên là chiếc mỏ, được làm cong bởi thanh sắt được nung nóng đỏ. Sau đó mới lắp ghép các bộ phận khác vào thân chuồn chuồn.

cc2-1702721182.jpg

Sản phẩm chuồn chuồn tre của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tái đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao

Để tô điểm cho chuồn chuồn tre những màu sắc rực rỡ, họa tiết nổi bật, nghệ nhân sẽ sơn bằng sơn dầu. Anh Tái khẳng định, chỉ sơn dầu mới đảm bảo được độ bóng khi lên màu và chống nước tốt. Nếu thường trời mát và hanh thì làm xong chỉ cần phơi một đêm, nhưng khi trời nồm sẽ cần tới 2 ngày đế sơn khô. Muốn màu sắc chuồn chuồn đẹp, bền việc tô màu cũng đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật khéo léo để màu ra được đều tay...

Một ngày trung bình mỗi người làm được 200 các con vật, sản phẩm từ tre. Trừ chi phí đi thì mỗi gia đình 3 người làm như nhà anh Tái thu nhập được 10 triệu/tháng.

Để những cánh chuồn chuồn được bay cao, bay xa

Trong thời buổi công nghệ ngày nay, mọi người đang dần đắm chìm trong thế giới hiện đại của những thiết bị điện tử mới mẻ, những trò chơi trên mạng đầy hấp dẫn mà vô tình lãng quên đi những món đồ chơi truyền thống. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ bị mai một mà cần có sự thích ứng linh hoạt theo nhu cầu của xã hội. Chuồn chuồn tre của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tái tại làng nghề Thạch Xá đã thích ứng với cách thức quảng bá và giá trị mới như thế.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái chia sẻ thêm, du khách đến xưởng cũng có thể trực tiếp trải nghiệm tô màu chuồn chuồn tre thô, nguyên bản chưa tô màu hoặc trang trí trên chuồn chuồn đã được tô sơn dầu sẵn.

cc3-1702721333.jpg

Hiện những mặt hàng này không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Pháp, Anh… thông qua các Công ty mỹ nghệ, quà tặng

Tuy nhiên, tại đây du khách sử dụng màu sơn nước để tô màu vì đặc tính dễ khô, bám dính bề mặt tốt và có thể dễ dàng tẩy rửa nếu dính ra tay khác hẳn với sơn dầu chuyên dụng. Chi phí cho trải nghiệm này là 30.000 đồng, cùng với đó du khách sẽ được mang về một chú chuồn chuồn tự mình trang trí và một chú chuồn chuồn đã được nghệ nhân tỉ mỉ làm.

Hiện những mặt hàng này không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Pháp, Anh… thông qua các Công ty mỹ nghệ, quà tặng.

Để tận dụng tre, một loại nguyên liệu sẵn có ở nước ta tạo ra các sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp mắt và mang ý nghĩa văn hóa là động lực để anh Nguyễn Văn Tái và nhiều người dân Thạch Xá cố gắng duy trì, gìn giữ sản phẩm nghề truyền thống của địa phương.

Năm 2021, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tái được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 10 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó bao gồm: Mẹ con nhà công tre; Bộ chim én tre; Chuồn chuồn hữu nghị tre; Bộ chim bồ câu tre...

---

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội

Xuân Trường
Bạn đang đọc bài viết "Sản phẩm OCOP “bay xa”" tại chuyên mục Nông nghiệp Sinh thái. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309