QUẢ TRUYỂN THỐNG, QUẢ LAI TẠO

07/11/2022 16:00

Mỗi miền quê thường có những sản phẩm truyền thống. Gọi là sản phẩm truyền thống vì ở đó có nhiều và ngon đặc biệt, liên quan tới đất đai, khí hậu và tay nghề. Hãy nói về quả bưởi Đoan Hùng, Biên Hòa…quýt Cái Bè, cam Bố Hạ, vải Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, táo Thiện Phiến…

Đó là những sản phẩm nổi tiếng cả nước.

Nhưng rồi khoa học kỹ thuật được phổ biến, dân cư di chuyển, và đặc biệt là cơ chế quản lý có phần được thoải mái, tự do, cho nên có nhiều thứ cây quả phát triển. Trong cả nước, có quả truyền thống được lai tạo, lại có cả những quả mới du nhập ngon hơn quả truyền thống. Chẳng hạn, trước đây, người Hà Nội mấy khi được ăn quả hồng xiêm nhưng bây giờ vào mùa, hồng xiêm đầy chợ, mà ngon ngọt đâu kém gì hồng xiêm Nam Bộ! Chẳng hạn, trước đây người tiêu dung vẫn mê cam Bố Hạ nhưng bây giờ ăn thấy kém vị cam xứ Lạng, quýt Cái Bè. Chẳng hạn, trước đây thích táo Thiện Phiến bây giờ nếm thử thì làm sao ngon bằng táo Biên Hòa hoặc táo Biên Hòa hoặc táo lai trồng ngay trên đất Hải Hưng…

Vẫn có những loại quả mà chỉ một vùng mới có. Bưởi Đoan Hùng thì ngon nhất vẫn là bưởi Chí Đám. Đến nay, có dịp nếm nhãn nhiều nơi nhưng vẫn chưa thấy nhãn nào ngon bằng nhãn lồng Hưng Yên cùi dày, giòn và ngọt mát. Nhưng vải thiều Thanh Hà thì lại không phải như vậy. Gặp dịp về Lục Ngạn – Hà Bắc thấy điều rất lạ. Một huyện trung du, trước đây chưa hề trồng vải, nay đã có 17 vạn cây vải; từ chỗ trồng một vài cây cho vui mắt, vui nhà, đến nay đã có “làng vải” như làng Lay, một năm cho tới 60 tấn quả, là Khả Lã một năm cho 100 tấn quả…Ăn vào thấy không thua kém gì vải Thanh Hà. Ấy thế mà khi bán, người ta vẫn phải nói vải Thanh Hà cho được tiền; vì nói vải Lục Ngạn thì sẽ mất một vài giá.

vai-thieu-thanh-ha-1-600x420-1667811292.jpg
Vải Thiều Thanh Hà Hải Dương

Cứ xem cây thì biết. Thì ra có cây truyền thống, mà cũng có cây mới, và chắc gì cây mới du nhập đã kém cây truyền thống. Có cây truyền thống ở một địa phương không thể trồng được sang nơi khác, nhưng có giống cây lại vẫn thích nghi rộng. Sinh thời, nhà bác học Lương Đình Của đã có lần tâm sự với tôi: “Táo lai chắc chắn sẽ ngon hơn táo Thiện Phiến. Thông thường cái gì không ngon, kém gái thì nông dân dễ chặt bỏ. Cho nên tôi vẫn phải giữ mấy cây táo Thiện Phiến, để giữ lấy gen quý, vì khi lai tạo mới không mất gốc, mới có thể thích nghi trên đất mình.

Thì ra, lại hiểu thêm, có lai tạo thì cũng phải giữ gốc cho vững. Ấy là chuyện cây quả. Nhưng cũng có thế suy rộng ra nhiều điều trong cuộc đời.

Nhà báo Hữu Thọ - tác phẩm chọn lọc
Bạn đang đọc bài viết "QUẢ TRUYỂN THỐNG, QUẢ LAI TẠO" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309