Nghịch lý Việt Nam là cường quốc xuất khẩu nông sản mà nông dân thì vẫn rất nghèo, vì đâu?

06/04/2023 13:17

Hẳn chúng ta đều có những băn khoăn, trăn trở vì sao Việt Nam là nước có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới mà những người nông dân trực tiếp làm ra các nông sản đó vẫn nghèo.

Nhiều thông tin cho rằng người nông dân đang có lợi nhuận 100% nhờ giá thành sản xuất lúa bình quân là 3.219 đồng/kg, còn giá lúa 6.650 đồng/kg theo báo cáo xuất khẩu gạo năm 2022 của Bộ Công thương đang gây phản ứng trái chiều, nhất là với bà con trồng lúa. Nhiều người cho rằng đó là số liệu không đúng thực tế.

sau-rieng-3139-1680761710.jpeg

Có một điều nghịch lý đối với sản phẩm nông sản đang hot hiện nay đó chính là trái sầu riêng, cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Nghĩa là để mua một trái sầu riêng 2 - 3 ký, chúng ta phải chi tới hơn 2 triệu đồng. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém thì giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/ký, bằng khoảng 1/6 - 1/8 so với sầu riêng nước bạn. Đây chính là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới; nhiều hiệp định song phương, đa phương Việt Nam ký kết với các thị trường lớn có hiệu lực, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản, thế mạnh của Việt Nam rất lớn thì vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó.

xuat-khau-nong-san-1680761802.jpg

Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Chúng ta vẫn luôn tự hào rằng Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đứng thứ 2 và chiếm gần 15% sản lượng toàn cầu. Thế nhưng cách đây không lâu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong một hội nghị liên quan đến ngành này vẫn phải đặt câu hỏi "Cà phê Việt ở đâu trên bản đồ thế giới?"

Nếu xây dựng được thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam hiện nay, chắc chắn phần thu về của người nông dân nuôi trồng, của doanh nghiệp và của đất nước, sẽ nhiều hơn.

Chu Thao (TH)