Kí ức về thầy Đào Duy Anh

12/04/2024 20:51

Suốt đời tôi được học thầy Đào. Trước khi được học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, tôi được học chữ Nho.

 

Mùa hè năm 1942, tôi đi theo chị gái lên ga Sy, phủ Diễn Châu đón anh rể về nghỉ hè và được tin trước, anh sẽ mang nhiều sách về... Về tới nhà, tôi giúp một tay với anh rể, chuyển sách trong rương ra cái bàn dài. Tôi bồi hồi nâng hai bộ sách lớn nhìn thấy lần đầu: Đào Duy Anh, Pháp Việt từ điển, Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển. Cuốn Hán Việt từ điển in năm 1932, Pháp Việt từ điển in năm 1936. Từ đây, tôi “nhập môn đạo học” thầy Đào. Anh rể tôi cho hẳn hai bộ sách này để học.

Sang năm sau, anh rể tôi thi Thành chung, anh mang về thêm một số sách truyện. Đặc biệt là cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của thầy Đào Duy Anh. Thật phúc phần, đây là cuốn sách khai tâm mở trí cho tôi đi vào văn hóa sử dân tộc.

“Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không mảnh mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một dải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan của tổ tiên ta để mở rộng hi vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm… Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy!... (Tựa Huế ngày 14-8-1938).

…“Người ta thường cho rằng văn hóa là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hóa vốn có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy… Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện minh họa của loài người cho nên ta có thể nói rằng: văn hóa tức là sinh hoạt” (Thiên thứ nhất: Văn hóa là gì?)

Tôi thuộc lòng cả thiên “Tự luận” này của thầy Đào. Hai mươi năm sau 1960 lần đầu tiên tôi được bác Phạm Bình, bút danh là Văn Trực, Thế Tập cho xem, được tiếp xúc tập Ngục trung nhật kí của Bác Hồ, ở những trang cuối cùng, Người chép các việc “lặt vặt” lại ghi một định nghĩa văn hóa: “Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, ngạc nhiên đến như một niềm vui hạnh phúc. Thầy Đào Duy Anh viết sách Việt Nam văn hóa sử cương từ mùa thu 1938 (14 tháng 8), thầy đã viết: “… Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người!”… Mùa thu năm 1943 (tháng 8), Bác Hồ vừa ra khỏi nhà tù chính quyền Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc, Người cũng ghi: “Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra…”, Bác Hồ, thầy Đào, có một tương đồng về văn hóa thật kì diệu!

Có lần tôi than thở với Giáo sư Phan Ngọc: “Anh gian truân nhiều, nhưng anh sớm được hạnh phúc không mấy ai có được. Từ tấm bé anh đã được học với cha một bậc đại khoa danh tiếng, lúc tráng niên, anh nổi tiếng kì tài, được thầy Đào Duy Anh phát hiện và thầy lặn lội từ ATK (viết tắt: an toàn khu) Việt Bắc về tận sư đoàn 304 đóng ở Yên Thành, Nghệ An tìm anh, đưa anh ra Thủ đô kháng chiến để cùng làm việc với thầy. Trong khi đó, tôi chỉ được học thầy qua sách của thầy, đi tìm thầy mà chưa có duyên để gặp”.

Giáo sư Phan Ngọc giọng ngùi ngùi: Tôi có những tháng, năm được ở chung nhà, ngủ chung phòng cùng thầy Đào. Thầy dạy, thầy dìu dắt tôi nhiều trong công việc nghiên cứu, học thuật. Chẳng những được thầy tín thực mà còn được thầy thương… thương lắm. Lúc thân sinh tôi gặp hoạn nạn trong cải cách ruộng đất là “địa chủ quan lại”. Khi sửa sai, tôi về Nghệ An đón cụ thân sinh ra Hà Nội. Thầy Đào cũng vừa về Hà Nội 1955, gia đình thầy còn nhiều thiếu thốn. Đầu năm 1956, thầy có món tiền nhuận bút, thầy đưa cho tôi 500 đồng, căn dặn: “Anh cầm lấy để lo công việc. Bao giờ anh có trả cũng được”. Tôi rất rõ tấm lòng của thầy. Thầy nói “bao giờ có thì trả” để tôi đỡ e ngại. Lúc ấy đồng lương của tôi còn ít ỏi, nhưng tôi dịch sách, dạy học tư cũng đủ sống tùng tiệm được. Tôi không nỡ nhận số tiền của thầy cho, nhưng ghi nhớ ơn thầy suốt đời. Giáo sư Phan Ngọc còn hỏi tôi: “Tôi chưa rõ điều anh nói được học thầy qua sách của thầy, đi tìm thầy mà chưa có duyên được gặp thầy?”.

Đúng là như vậy. Năm 1949, tôi đang công tác thoát li, nhưng mở một đại lí sách báo tại thị trấn Cầu Giát, một trung tâm buôn bán sầm uất thời kháng chiến chống Pháp. Thị trấn nằm ở quốc lộ 1A, từ Bình - Trị - Thiên ra Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Khu Ba đi vào đều lấy Cầu Giát làm độ dừng chân. Ở đây có quán Quân nhân nổi tiếng của Hội mẹ chiến sĩ thị trấn, có trường trung học Vũ Đăng Khoa với nhiều thầy danh tiếng từ thành Vinh, cố đô Huế, ngoài Khu Ba tản cư vào dạy. Đầu năm 1950 tôi ở trên cơ quan Đoàn thanh niên cứu quốc Nghệ An đi công tác ghé về Cầu Giát. Hiệu sách đại lí của gia đình tôi lúc này không chỉ có sách xuất bản ở Liên Khu IV mà còn có một số sách in từ Việt Bắc đưa vào. Tôi mở đại lí bán sách để có nhiều sách mà học. Mỗi lần nhập các loại sách đều giữ lại một cuốn cho tủ sách gia đình. Tôi có máu say mê đọc sách, khai thác, ghi chép sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử, từng câu chuyện kể dân gian…

Tôi lục xem trong số sách vừa mới về trong đó có năm quyển: Việt Nam lịch sử giáo trình của thầy Đào Duy Anh. Tôi mừng đến run người! Vừa lúc này, người thầy học cũ kính yêu của tôi vào hiệu sách, đó là thi sĩ Phan Khắc Khoan nổi tiếng trong Thi nhân Việt Nam. Thầy đang dạy tại trường trung học Vũ Đăng Khoa. Tôi khoe với thầy Phan Khắc Khoan về cuốn sách mới của thầy Đào Duy Anh. Thầy Phan tươi cười mách bảo với tôi: Thầy Đào Duy Anh mới đi vào Diễn Châu ngày hôm kia. Ông vào quê cụ Đông Các (Đông Các đại học sĩ Cao Xuân Dục) để mượn sách trong Long Cương tàng thư. Tôi rất mừng và đinh ninh sẽ được gặp thầy Đào Duy Anh trong dịp này. Tôi thưa với thầy Phan Khắc Khoan: Thầy Đào vào núi sách Long Cương cụ Đông Các thì thầy Đào còn lâu mới rời được.

Thầy Phan Khắc Khoan cười nhìn tôi đầy tương đắc:

- Em có nghe danh Vệ Thạch và Quan Hải tùng thư không?

- Thưa thầy, con được biết Quan Hải tùng thư là nhà xuất bản sách do thầy Đào Duy Anh lập ra tại Cố đô Huế ạ. Còn Vệ Thạch thì con chưa biết là ai ạ.

- Từ hôm nay Sơn Tùng gọi mình bằng anh, đừng xưng con với mình nữa. Chúng ta bây giờ là anh em “thân tín tri giao”.

- Thưa thầy, thầy “hạ cố” như vậy, em xin vâng lời…

- Chú đã biết Quan Hải tùng thư là của thầy Đào Duy Anh sáng lập. Chúng ta cần biết Vệ Thạch là biệt hiệu của Đào Duy Anh thì mới tỏ cái chí học hành của ông sánh cùng “Tinh Vệ hàm thạch”. Như ta đã học, Mạnh Tử dạy: Quan ư hải giả, nan vi thủy. Nay là giữa thế kỉ XX, rồi đến hết thế kỉ này, đất nước ta dễ có được mấy học giả tầm cỡ Đào Duy Anh?...

- Tầm cỡ bách khoa, bác học, phải không thưa thầy?

Thầy Phan Khắc Khoan giọng dứt khoát:

- Hẳn là vậy.

Thầy chỉnh lại cặp kính trắng hơi trễ xuống, mỉm cười:

- Chú lại “thưa thầy” với tôi…

Sau buổi đàm tâm thanh khí với thầy Phan, tôi đi bộ ở Cầu Giát từ sáng sớm trước giờ máy bay “Bêvanhxít” giặc Pháp “kiểm soát” quốc lộ 1. Trên dọc đường vào quê quan Đông Các Đại học sĩ để tìm thầy Đào, tâm tưởng tôi lởn vởn hình ảnh những diện mạo các bậc hiền tài gắn bó với thư viện Long Cương: Thầy Đào Duy Anh, Đông Các Đại học sĩ Cao Xuân Dục; quan phó bảng Cao Xuân Tiếu, trưởng nam của quan Đông Các là phụ thân của thầy Cao Xuân Huy và hình ảnh ba bậc đại khoa: Đặng Văn Thụy, Hoàng giáp tiến sĩ xuất thân, Tế tửu quốc tử giám; phó bảng Hoàng Tăng Bí, phó bảng Lê Xuân Mai đều là con rể của Đông Các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Tôi chưa có diễm phúc được gặp các bậc hiền tài này mà chỉ hiển hiện theo lời kể của cụ Nguyễn Sinh Khiêm, cụ Nguyễn Thị Thanh, thầy Phan Khắc Khoan.

Tôi vào trường trung học Nguyễn Xuân Ôn xin được gặp thầy Cao Xuân Huy, “một nhà Đông phương học hàng đầu của Việt Nam”. Chẳng may cho tôi, thầy Cao Xuân Huy không còn làm hiệu trưởng trường này nữa, thầy ra Thanh Hóa nhận công việc mới. Tôi gặp được ông Cao Xuân Khuê ở Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Diễn Châu, phụ trách quân sự. Ông cho biết, thầy Đào Duy Anh đã đến Bộ Tư lệnh sư đoàn 304 đón anh Phan Ngọc ra Việt Bắc công tác với thầy. Ông Cao Xuân Khuê còn mách thêm:

- Bác Đào Duy Anh còn cho biết là, đón được anh Phan Ngọc, bác còn vào Tiên Điền, Nghi Xuân thăm cụ Nghè Mai. Anh cứ vào cụ nghè có khi gặp được bác Đào Duy Anh đang ở đó.

Tôi đi một lèo từ Diễn Châu vào Vinh. Để tránh máy bay thường bắn phá phà Bến Thủy, tôi qua đò ngang ở Hưng Hòa sang Xuân Giang, đi về Tiên Điền, đến cụ Nghè Mai. Đây là lần thứ hai tôi đến nhà cụ. Trước ngày đến hầu chuyện cụ, tôi được cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể cho nghe: …Theo lệnh thực dân Pháp, toà án Nam triều mở phiên toà tại Vinh ngày 11 tháng 10 năm 1929, xử bốn mươi lăm nhà cách mạng thuộc các tỉnh Trung Kì. Trong số đó có Giải Nguyên Lê Văn Huân, thầy Đào Duy Anh… Tại phiên tòa này, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trần Phú bị kết án tử hình vắng mặt. Cụ Giải Huân tuyệt thực và mổ bụng tự sát. Cụ Nghè Mai, cụ Lê Duy Hy đều bị gọi đến Ty Liêm phóng ở Vinh truy vấn!

*
*    *

Tiếc thay! Tôi đến nhà cụ Nghè Mai, cụ cho biết: Thầy Đào Duy Anh chỉ ở đây hai hôm rồi cùng anh Phan Ngọc ra Thanh Hóa để đón con gái đi Việt Bắc… Không được gặp thầy Đào, tôi ở lại với cụ Nghè Mai. Đêm ấy, tôi thật hạnh phúc được cụ Nghè Mai thổ lộ đôi điều hệ trọng, bởi cụ cả Khiêm đưa tới thăm cụ lần trước và đã biết tôi là cháu ngoại nhà nho Trương Đức Hạp, bạn tâm giao của cụ, mà cụ Trương Đức Hạp còn là một thành viên Tân Việt cùng với cụ Giải Nguyên Lê Văn Huân. Năm 1930 từ Tân Việt chuyển sang chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Kim Lũng (Diễn Châu, Nghệ An). Cha tôi là bí thư chi bộ đầu tiên. Cụ Trương Đức Hạp bị giam chết trong nhà tù phủ Diễn Châu, 1931. Chính trong đêm ấy, cụ Nghè Mai nói về thầy Đào Duy Anh: …Ông Đào Duy Anh là bậc thiên nhân học một biết tới nghìn lần, lại có cái đức “ngật đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân”. Ông chỉ có một mảnh bằng Thành chung thời bảo hộ. Vậy mà ông Đào Duy Anh khi ra khỏi nhà tù đế quốc Pháp làm nên bộ Từ điển Hán Việt; Từ điển Pháp Việt; Việt Nam văn hóa sử cương; Khổng giáo phê bình tiểu luận; Trung Hoa sử cương; Khảo luận về Kim Vân Kiều… Như bác đây (cụ Nghè Mai) là hậu duệ của đại thi hào Nguyễn Du, là ông cống, ông nghè rồi thì ông Đào Duy Anh mới ra đời (1904). Vậy mà bác chỉ là người vô dụng.

Cụ nói tiếp, giọng hồn hậu:

- Ông Đào Duy Anh ra Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến chắc sẽ sáng tạo được những công trình văn hóa lớn thì mới thỏa nguyện Quan hải Vệ Thạch của ông và cống hiến cho dân tộc ta. Thật là phúc đức cho đất nước! Nếu không thì… ông Đào Duy Anh đã bị… “người ta” tống giam ở nhà lao Thừa Phủ…

Tôi thảng thốt gạn hỏi cụ Nghè:

- Thầy Đào Duy Anh sao lại bị chính quyền cách mạng Huế bắt giam, thưa cụ?

- Không ai biết rõ nổi cái chuyện kinh dị này. Những người trong Huế ra Nghệ Tĩnh khi chiến tranh bùng nổ, có người biết mù mờ cái chuyện ni nói lại với tôi. Vừa rồi ông Đào vô đây, tôi cũng phải lừa lựa rồi mới ướm hỏi cái việc ông bị họa hồi cuối năm 1945. Ông Đào tủm tỉm cười, nói khẽ khàng: May sao, việc tôi vào nhà tù lại đến tai Cụ Hồ. Tôi được đưa ra Nha Công an Việt Nam. Rồi được là khách Cụ Hồ mời, cụ tiếp chuyện và cụ mời tôi tham gia vào nội các. Tôi thành tâm tỏ bày với Hồ Chủ tịch rằng, đã một lần thất bại về công tác chính trị, xin Chủ tịch cho tôi tiếp tục làm nghiên cứu văn hóa lịch sử… vì từng có nhiều năm gắn bó với công việc này. Người nói: “Ông là bậc tài đức có nhiều cống hiến văn hóa, giáo dục cho dân tộc. Tôi thiết tha mời các nhà tài đức, các vị trí thức có danh tiếng ra gánh vác việc nước. Với sở chí của ông, tôi mời ông tham gia vào việc bồi đắp nền đại học nước nhà. Ngày 15 tháng 11 vừa rồi, chúng ta đã long trọng lễ khai giảng Đại học Việt Nam. Ngay từ bây giờ chúng ta phải cùng tiến hành kiến thiết kinh tế, tài chánh, hành chánh, văn hóa, xã hội… Cho nên đã thành lập một Ủy ban nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, giúp Chính phủ thực hiện… Ủy ban này cần phải mời thêm những bậc hiền năng tham gia. Tôi mong ông vui lòng nhận trọng trách này”. Cụ Hồ nói những điều thiết cốt đến vậy với một người vừa bị hạ ngục được cụ cứu thoát. Còn ơn tri ngộ nào hơn!

Cụ Nghè Mai im lặng. Bàn tay trái vẫn bất động trên cuốn sách chín màu thời gian Đông Lai Bác Cổ. Cụ thường bảo “sách gối đầu giường”. Cụ nâng chén mắt trâu rượu đầy, cụ lại đặt chén xuống, rượu sóng sánh ra ngoài. Giọng cụ nói đượm màu trầm ấm. Cụ Hồ xóa được cái nhục tám mươi năm nô lệ ngoại bang cho dân tộc. Cụ Hồ mời các bậc tai mắt ở xứ Nghệ ra chung vai gánh vác việc dựng nước, giữ nước như bác Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, bác phó bảng Phan Võ, bác Nguyễn Đình Ngân (Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên Khu IV, sau là Phó Chủ tịch mặt trận Liên Việt), bác cử Hồ Phi Thống, bác phó bảng Đặng Văn Hướng và cả lão Mai này… Bác phó bảng Đặng Văn Hướng dẫu tuổi cao vẫn nhận lãnh một chức Bộ trưởng. Nhưng bác Đặng đau yếu luôn, không ra chiến khu Việt Bắc nổi. Bác cử Thống thì cuối năm 1945 ra Hà Nội yết kiến Cụ Hồ, trở về làng được ít lâu bác qua đời trước khi toàn quốc kháng chiến. Hai bác Nguyễn Khắc Niêm, bác Phan Võ đều tham gia công việc của tỉnh nhà, của Liên Khu Tư… Còn lão Mai này… Cụ Nghè hơi nhíu cặp lông mày nét mác, ánh mắt ngời ngợi sau cặp kính lão, miệng thốt từng lời chầm chậm… Lão Mai này cũng như “Già Khiêm” (cụ Cả Khiêm, anh ruột Bác Hồ) chỉ quanh quẩn ở xó làng!... Tôi ở lại với cụ Nghè Mai qua đêm.

*
*   *

Những năm kháng chiến trải từng nhiều nẻo đường công tác, tôi vẫn chưa có dịp nào được gặp thầy Đào Duy Anh.

Chiến thắng thần kì Điện Biên Phủ, rung động toàn cầu, đất nước ta hòa bình, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Thăng Long (Hà Nội) hoàn nguyên. Tôi được về Hà Nội công tác trường Đại học Nhân dân khóa đầu tiên. Tôi lại bắt đầu nghĩ đến việc tìm thầy Đào Duy Anh.

Trường Đại học Nhân dân Việt Nam khai giảng. Đúng 19 giờ ngày 19 tháng 01 năm 1955, Hồ Chủ tịch đến dự lễ khai giảng, Người nói chuyện với giáo sư, sinh viên, cán bộ công nhân viên nhà trường và đi thăm nơi ăn, chốn ở của 1.200 sinh viên khóa đầu tiên.

Tôi đinh ninh sẽ được gặp, nghe thầy Đào Duy Anh giảng dạy tại giảng đường Đại học Nhân dân. Trước ngày lễ khai giảng, sinh viên được giới thiệu các bậc danh sư của trường: Phó Thủ tướng (sau đó là Thủ tướng) Phạm Văn Đồng - Hiệu trưởng danh dự, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám - Hiệu trưởng; các Giáo sư: Giáo sư Đặng Thai Mai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Trần Đức Thảo, Giáo sư Đào Duy Anh, Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Ca Văn Thỉnh… Qua một thời gian khá dài, các thầy lần lượt tới giảng bài mà thầy Đào Duy Anh vẫn chưa xuất hiện. Là bí thư Đảng của sinh viên toàn trường, tôi hỏi thăm dò anh Khoa Minh, Trưởng ban Giáo vụ, được Giáo sư Khoa Minh cho biết: Các thầy Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, cả thầy Đặng Thai Mai nữa đều rất bận bên trường Đại học Sư phạm Văn khoa và đang sửa soạn cho ra đời một trường Đại học tầm cỡ quốc gia nữa (Đại học Tổng hợp), cho nên trường ta chưa thể nào mời được các thầy…

Nghe Bùi Quang Đoài (nhà văn Thái Vũ) nói thầy Đào Duy Anh ở phố Phan Huy Chú. Nhờ thầy Trần Văn Giàu mới biết khu nhà của các Giáo sư ở phố Hàng Chuối, tôi được gặp thầy Đào Duy Anh tại đây.

…Tôi bồi hồi gục đầu vào vòng tay Giáo sư: “Thưa thầy, con được học sách của thầy từ lâu, con đi tìm thầy nhiều lần, nay con mới được gặp thầy…”. Thầy Đào Duy Anh còn đang cảm thương ngỡ ngàng thì ông Thiếu Bảo đặt tay lên vai tôi và nói với Giáo sư: “Anh Bùi Sơn Tùng ở trường Đại học Nhân dân. Anh có hiệu sách ở Cầu Giát, sách nhà xuất bản của tôi có vào tới hiệu sách của Sơn Tùng”. Thầy Đào xiết chặt tay tôi.

Thầy đưa tôi về phòng ở của thầy. Tôi lặng người giữa căn phòng sơ sài, thanh bạch. Nhận ra sự ngơ ngác của tôi, thầy bảo tôi ngồi vào ghế và giọng thân tình: “Bà nhà tôi làm việc ở trại Nhi đồng của Trung ương Hội phụ nữ, ở 20 phố Thụy Khuê, chủ nhật hàng tuần nhà tôi về, các em, mỗi đứa công tác một cơ quan, thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ. Tôi làm việc, đến bữa nhà hàng họ đem cơm đến, ăn xong họ đến đem cho phích nước sôi rồi nhận bát đũa về. Tôi không phải đụng tay vào. Hôm nào có khách phương xa đến chơi, mời khách cùng ra cửa hàng hoặc bảo với nhà hàng đem thêm suất ăn đến… Chỉ có ngày chủ nhật chúng tôi có bữa cơm gia đình ấm cúng”. Tôi bày tỏ với thầy, việc đi tìm thầy, việc tự học trong sách của thầy suốt bao nhiêu năm… Thầy Đào ủ chén nước trắng trong lòng bàn tay, ánh mắt thầy như đọng lại, lời thầy trong như từng giọt ánh sáng, thầy nhìn đồng hồ, nói: “Anh biết tôi ở đây rồi. Bây giờ sắp đến bữa, mời anh cùng ra quán ăn cơm với tôi”. Xúc động quá, tôi gần như điếng người! Tôi đứng lên khoanh tay: “Thưa thầy, con được gặp thầy, thật hạnh phúc cho con. Lại được thầy cho con cùng ăn cơm với thầy! Con xin thầy lần sau, hôm nay con về trường sớm để sửa soạn tập trung Đoàn đại biểu Thanh niên Sinh viên Việt Nam dự Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ V Varsovie…”. Thầy ân cần cầm tay tôi: “Chúc mừng anh. Đi một đoạn đàng học sàng khôn. Với anh, thì phải gặt hái cho được một gánh khôn…”. Tôi đa tạ thầy.

Trên đường về, lòng tôi trăn trở bùi ngùi. Lần đầu được gặp thầy Đào Duy Anh, thầy mời ăn cơm hàng với thầy, cứ như trong mơ.

*
*    *

Dự Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới xong, tôi còn lưu lại Liên Xô một thời gian. Nhớ lời thầy Đào Duy Anh dặn “…gặt hái cho được một gánh khôn” tôi tranh thủ và được cụ Nguyễn Lương Bằng, đại sứ và ông Tô Quang Đẩu, Đại biện lâm thời Sứ quán Việt Nam ở Liên Xô giúp đỡ, tôi gặp một số nhân vật là bạn hoạt động của Bác Hồ trong Quốc tế cộng sản có đến dự Đoàn Văn công Việt Nam biểu diễn.

Khi tôi về nước, đúng thời gian Đảng, Nhà nước tiến hành sửa sai cải cách ruộng đất một cách toàn diện, triệt để. Lại xảy ra vụ “Nhân văn - Giai phẩm”.

Ở thời điểm này tôi lại mua được mấy bộ sách của Thầy Đào Duy Anh mới xuất bản: Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến đầu thế kỉ XIX, hai tập. Và bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam, nhiều tập: Nguồn gốc dân tộc Việt Nam; Vấn đề An Dương Vương và Nước Âu Lạc; Văn hóa đồ đồng và Trống đồng Lạc Việt; Giai đoạn quá độ sang Chế độ Phong kiến. Lòng tôi tràn đầy vui sướng mang sách đến “khoe” với thầy Đào Duy Anh và xin chữ kí của thầy. Nhìn tôi ánh mắt thầy lóe lên tình thương, hai mắt thầy trĩu nặng nhìn xuống. Giọng thầy chìm lắng: “Tôi lại bị vu khống… đang bị bôi lọ!...”. Thầy kí và đưa sách cho tôi, nói: “Chúng ta phải sống. Vô luận thế nào, chúng ta vẫn phải sống. Sống để viết. Anh đang trẻ, sống trước khi viết. Tôi bị vu khống, bôi lọ, anh tránh đến tôi đã…”. Mắt Thầy nhìn đau đáu vào mắt tôi, nhấn từng lời: “Luôn luôn nhớ: Đốc tín hiếu học, thủ tử thiện đạo”. Ánh mắt thầy, lời thầy tạc vào tâm trí tôi.

Sau buổi gặp thầy Đào lần này lòng trắc ẩn cứ thao thức trong tôi về câu nói của thầy: “Tôi lại bị vu khống!...”. Hình ảnh cụ Nghè Mai hiển hiện văng vẳng lời cụ kể năm 1950: “…Ông Đào Duy Anh đã bị… người ta tống giam ở nhà lao Thừa Phủ ngay sau ngày lật đổ chế độ thực dân phong kiến… May sao… lại đến tai Cụ Hồ… Rồi được là khách Cụ Hồ mời”. Tôi liên tưởng, nhớ hồi 1948, tôi được nghe hai cụ Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm (chị, anh ruột Bác Hồ) kể, sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 ra Hà Nội thăm em: Hồ Chủ tịch. Hai cụ đều nhắc nhớ đến nhiều lần về người bí thư tín hiền của Hồ Chủ tịch là ông Vũ Đình Huỳnh.

Tôi đến đường Hai Bà Trưng, nhà số 5 xin gặp ông Vũ Đình Huỳnh. Bấy giờ ông Vũ Đình Huỳnh đã công tác ở Bộ Ngoại giao từ sau đại thắng Điện Biên Phủ nhưng ông vẫn còn giúp việc ngoại vụ (affaires extérieures) của Bác Hồ. Sau mấy phút tôi trò chuyện thân tình với bác Vũ Đình Huỳnh. Từ trước tôi thường gọi “bác Vũ Đình Huỳnh và xưng cháu”. Lúc tôi hỏi làm sao Bác Hồ biết được việc Giáo sư Đào Duy Anh bị bắt giam ở Huế và lại được lệnh đưa giáo sư ra Hà Nội ngay… Ông Huỳnh không chút đắn đo, ông nói ngay: Chúng ta vừa giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, thực dân Pháp thì quân đội nước ngoài là Tàu Tưởng, Anh quốc (có cả quân Pháp núp bóng) với danh nghĩa Đồng Minh giải giáp phát xít Nhật. Thực chất là, mở đầu của một cuộc xâm lăng mới. Nhân dân ta khắp ba miền đồng loạt nổi dậy, lật đổ chính quyền cũ, lập chính quyền mới. Hồ Chủ tịch thành lập một nhà nước kiểu mới trên nền tảng truyền thống yêu nước là: Đại đoàn kết toàn dân, với một “thượng tầng lương đống” những hiền tài. Ngay lúc bấy giờ, các anh Võ Nguyên Giáp, anh Phạm Văn Đồng… và cả tôi đi mời các vị có danh tiếng trong các giới tham gia chính phủ lâm thời, các tổ chức, các đoàn thể cứu quốc… Bác trực tiếp chọn tôi làm bí thư cho Bác từ Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Luôn luôn được Bác giao nhiệm vụ “đặc phái viên Chủ tịch nước”, luôn ở cạnh Bác và anh Võ Nguyên Giáp. Từ Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, anh Giáp đã là ủy viên thường vụ Trung ương Đảng. Về Thủ đô Hà Nội, lập chính phủ lâm thời, anh Giáp là Bí thư Đảng Đoàn Chính phủ, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Lúc khởi thủy ấy không ai khác phải là anh Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Vì đội ngũ cán bộ cách mạng ra khỏi nhà tù đế quốc thực dân, phần đông xuất thân thành phần cơ bản, lòng yêu nước cao, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất. Nhưng công việc lập hiến, lập pháp, cả đến những việc điều hành các cơ quan lập pháp, hành pháp, chính quyền các cấp đều là bước đi đầu tiên. Anh Võ Nguyên Giáp là nhà giáo, nhà báo nổi tiếng lại là cử nhân luật, anh Giáp giỏi nhiều lĩnh vực… Bác hỏi anh Giáp, Quan Hải tùng thư ở phố nào: “Thưa Bác, Quan Hải tùng thư ở phố Hàng Bè”. “Vậy là… ở bên sông Đông Ba”, bác liên tưởng nói. Anh Võ Nguyên Giáp giọng sáng láng: “…Tôi bị bắt, anh Đào Duy Anh, chị Như Mân và nhiều đồng chí bị bắt giam… Chúng nó tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ vẫn không có đủ chứng cớ để làm án. Ra khỏi nhà tù, anh Đào Duy Anh đã lựa chọn con đường hoạt động văn hóa giáo dục, viết thành công nhiều công trình đồ sộ về từ điển, về văn hóa lịch sử dân tộc. Năm anh chị em anh Đào Duy Anh đều có mặt trong nhà tù đế quốc Pháp: nhà lao Thừa Phủ, Hoả Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Lôn…”. Bác Hồ nghiêm giọng, nhấn từng tiếng: “Đến bây giờ lại bắt giam ông Đào Duy Anh? Ông Đào Duy Anh có tội gì với nhân dân, với Tổ Quốc? Ngày 13 tháng 9 đã ban bố sắc lệnh 33D quy định về việc phóng thích tội nhân bị kết án trước ngày 19 tháng 8 năm 1945. Vậy mà?...”. Ngay hôm ấy, anh Võ Nguyên Giáp gặp anh Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) Thứ trưởng Bộ Nội vụ và anh Lê Giản (Tô Dĩ) Tổng giám đốc Nha công an Việt Nam phát lệnh vào Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên - Huế cấp tốc mời ông Đào Duy Anh ra Bộ Nội vụ. Tôi đến nhà số 8 phố Nguyễn Thượng Hiền xin gặp ông Lê Giản.

Ông kể: Ông Đào Duy Anh từ nhà lao Thừa Phủ được đưa ra Hà Nội. Tôi trực tiếp đón xe ông Đào Duy Anh vào Nha Công an, cửa phía đường Trần Hưng Đạo. Cùng đi với ông Đào Duy Anh có ông Tố Hữu, ông Nguyễn Thế Lâm (hiện nay là thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam) và một vị nữa, tôi không nhớ tên… Đây là lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Ông Tố Hữu nói với tôi: “Theo lệnh của Bộ Nội vụ, chúng tôi giao ông Đào Duy Anh cho Nha Công an”. Tôi đáp lời: “Ông Đào Duy Anh là khách mời của Hồ Chủ tịch”. Vừa lúc đó, anh Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến. Sau một lúc chuyện trò, anh Hoàng Hữu Nam đón ông Đào Duy Anh về nhà khách Chính phủ ở vườn hoa Chí Linh, đằng sau toà Bắc Bộ phủ 12 Ngô Quyền…”.

*
*   *

Tôi đang tiếp tục công việc gặp các lão thành khai thác tư liệu về Bác Hồ thời 1945-1946 thì, giặc Mĩ mở chiến tranh phá hoại bằng “không lực Hoa Kì sẽ đưa miền Bắc trở về thời đồ đá”. Tôi lại tay bút, vai ba lô lên đường vào “đất lửa” Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Gần ba năm “đội bom” trên “đất lửa”, có lần tôi về Hà Nội, tranh thủ đến khu tập thể Kim Liên thăm thầy Đào Duy Anh. Cả hai ông bà thầy Đào đều đi sơ tán.

Tôi lại được điều động đi tiếp vào chiến trường Nam Bộ. Vượt bộ Trường Sơn hàng năm, sáu tháng, ba lô phải gọn nhẹ. Nhưng tôi gói vào túi ni lông chống nước hai bộ sách Lịch sử Việt Nam và Nguồn gốc dân tộc Việt Nam của thầy Đào Duy Anh, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Ngục trung nhật kí của Bác Hồ. Rất muốn mang theo quyển Hán Việt từ điển của thầy Đào nhưng sách dày và nặng, tôi đành bỏ lại. Trên đường vào nhiều lúc tôi định bỏ sách lại ở trạm giao liên. Nhưng không, đoàn cán bộ chúng tôi: nhà báo Khải Hoàn, nhà báo Phạm Hậu, nhà báo Tâm Tâm, nhà báo Mạnh Chuẩn, nhà báo Lưu Quang Huyền, chị bác sĩ Tân Thịnh, họa sĩ Ái Nhi… đều cắt ngắn ống quần, tay áo, bỏ áo len, bỏ thắt lưng da để bớt nặng mà leo dốc. Tôi cũng làm như vậy, nhưng không bỏ sách lại.

Ngày vào cơ quan Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng ở Đông Nam Bộ, chúng tôi lập tờ báo Thanh Niên không định kì vì chiến sự không thể có thời gian cố định. Tại nơi đây, tôi với Giáo sư Lê Thiết thường trao đổi về văn học nghệ thuật. Hôm bầu trời mặt đất yên tĩnh, tôi mở sách Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đang đọc chương V: Nguồn gốc nước Chiêm Thành thì Giáo sư Lê Thiết từ nhà hầm “bán âm bán dương” sang chỗ tôi. Giáo sư thấy cuốn sách của thầy Đào Duy Anh, ông liền mở “bồng” lấy ra cuốn Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh. Tôi xúc động như lần đầu gặp thầy Đào. Giáo sư Lê Thiết giọng Sài Gòn ấm áp: “Vốn Hán học của tôi quá hẻo. Thiếu Hán học thiệt thòi rất lớn. Tôi phải “ăn mày” chữ ở bộ từ điển này. Hiện nay có nhiều bộ từ điển Hán Việt, nhưng chưa có một bộ nào vượt được Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh. Cho nên tôi luôn luôn mang theo mình. Vả lại, bộ từ điển này nhà sách Khai Trí tặng tôi”. Tôi lật xem: “Trường Thi xuất bản, 26 đường Võ Tánh, Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí, 62 đại lộ Lê Lợi (ấn son), Giấy phép ấn hành của Nha Thông tin Nam phần số 1063”… Giữa trưa ấy trong rừng miền Đông Nam Bộ, trong tâm tưởng tôi hiển hiện hình ảnh thầy Đào Duy Anh đang ẩn nhẫn “cày ruộng chữ” ở một nơi sơ tán trong luỹ tre làng miền Bắc lửa đạn! Phải chăng số phận? Mùa khô năm 1970, giặc Mĩ mở trận càn với qui mô lớn vào vùng “Móc Câu, Mỏ Vẹt”, Lon Non làm đảo chính ở Nông-pênh. Mĩ kéo quân sang Cam-pu-chia… Đơn vị tôi phải chuyển theo các cơ quan toàn miền đến vùng căn cứ mới. Lệnh của ban bảo vệ căn cứ: phải vượt qua “đông lộ 22” trước giờ G vì B52 rải thảm. Mỗi người phải thật gọn, nhẹ, chỉ mang các thứ cần làm ngay còn nữa cất dấu tại chỗ. Đến căn cứ mới, sau trận càn sẽ trở lại chuyển đi nốt. Bộ phận văn phòng anh Hai Tiến, anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết) phát cho toà soạn báo Thanh Niên chúng tôi một số hòm đạn đại liên để đựng tài liệu, chôn xuống đất nước không thấm, mối không ăn nổi. Hai cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Lịch sử Việt Nam của thầy Đào Duy Anh vừa khít trong hòm đạn đại liên, tôi chôn dưới gốc cây săng lẻ, trong rừng Tà Nốt. Nào ngờ, tháng 4 năm 1971 tôi bị thương nặng tại căn cứ mới. Tôi được chuyển về Hà Nội, chẳng bao giờ tôi được trở lại Tà Nốt để đào đất rừng phương Nam của Tổ Quốc lấy lên những pho sách thầy Đào Duy Anh.

*
*   *

Nhưng rồi, lẽ đời có phúc phận. Chiến tranh có kết thúc. Vết thương trên cơ thể con người nó đồng hành với con người. Tôi sống trong cảnh huống tật nguyền, được đến với thầy Đào Duy Anh, được thầy chỉ giáo. Mỗi lần tôi được gặp thầy đều có mặt học giả Đào Phan (Đào Duy Dzếnh), người em ruột thầy, người bạn lớn của tôi, đều cùng lãnh giáo với thầy. Từng trang viết trong cuốn sách của tôi đã đến với bạn đọc đều có khúc xạ của thầy Đào Duy Anh.

Năm 1983, cuốn tiểu thuyết Búp Sen Xanh “gặp nạn”. Thầy Đào Duy Anh nhắn qua anh Đào Phan, tôi đến gặp thầy. Thầy không nhắc gì việc cuốn sách “gặp nạn”. Thầy nói với anh Đào Phan: “Hai bộ sách Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, anh tặng chú thím trước đây, nay chú thím tặng lại cho anh Sơn Tùng giữ”. Thầy lấy tập bản thảo đánh máy Nhớ nghĩ chiều hôm, mắt thầy soi vào mắt tôi: “Tập bản thảo này tôi để lại cho con trai tôi. Lâu nay chú Dzếnh cất giữ. Anh đem về đọc, nó đáng đọc”. Thầy trao tiếp vào tay tôi ba bộ: Từ điển Hán Việt, Từ điển Pháp Việt, Từ điển Truyện Kiều và thầy đọc lời ghi tặng… Tôi ôm lấy thầy Đào Duy Anh, nước mắt tôi tràn qua môi: “Thưa thầy, con là người ăn mày chữ nghĩa, học mót chữ nghĩa của thầy…”. Thầy thiết tha đằm thắm từng tiếng: “Ăn mày chữ nghĩa, học mót chữ nghĩa để nên người”. Tôi vẫn ngượng ngùng khi đọc lại lời thầy đề tặng:

“Thân ái kí tặng bạn quí Sơn Tùng với niềm tin tưởng rằng chúng ta sẽ còn sống mãi”; Từ điển Hán Việt.

                                     ĐÀO DUY ANH (đã kí)

                                                       14-12-1983        

“Trân trọng kí tặng bạn quí Sơn Tùng với niềm tin tưởng rằng chưa có thể nào lại chết!”; Từ điển Pháp Việt.

                                                     Hà Nội 14-12-1983

                                                ĐÀO DUY ANH (đã kí)

“Thân ái kí tặng bạn quí Sơn Tùng với niềm tin tưởng rằng chúng ta không có lẽ nào lại không sống!”; Từ điển Truyện Kiều.

                              ĐÀO DUY ANH (đã kí)

                                                  14-12-1983        

Trước lúc bái biệt thầy, người nói giọng nồng nàn, lưu luyến: “Rất tiếc… vô cùng tiếc Bản trường ca Hồ Chí Minh của tôi… tôi đem đến Nhà xuất bản Văn học cùng với Từ điển Truyện Kiều. Ngày ấy còn trong lửa đạn. Từ điển Truyện Kiều còn. Trường ca Hồ Chí Minh thì… mất!”.

Trước anh linh thầy: “Con mãi mãi là học trò ngoan của thầy Đào Duy Anh!”.

(Bài viết riêng gửi sách Họ Đào Việt Nam)

 

Sơn Tùng
Bạn đang đọc bài viết "Kí ức về thầy Đào Duy Anh" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309