Học giả Đào Duy Anh và bài học đối với công tác nghiên cứu văn hóa hiện nay 

13/04/2024 18:14

Đào Duy Anh là một trong những học giả tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỉ XX. Ông để lại nhiều công trình có giá trị trên nhiều lĩnh vực: từ điển học, văn học, sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học…Với những đóng góp của ông, Đào Duy Anh xứng đáng được tôn vinh như một học giả lớn của dân tộc. Những công trình nghiên cứu của Đào Duy Anh ra đời ở nửa đầu thế kỉ XX diễn ra trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây.

Sự ra đời của những công trình đó phản ánh nhu cầu không chỉ của riêng lớp trí thức mà của cả dân tộc về gây dựng một nền văn hoá riêng cho dân tộc mình. Hiện nay, trong bối cảnh những năm đầu thế kỉ XXI, nước ta đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế và chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá trên các lĩnh vực, trong đó có văn hoá. Việc nhìn lại một cách nghiêm túc, khách quan các di sản nghiên cứu văn hoá ở nửa đầu thế kỉ XX, mà Đào Duy Anh là một trong những người mở đường giúp những người đi sau đánh giá, khẳng định và tiếp thu những giá trị, chỉ ra mặt hạn chế, những quan niệm đã bị thời gian vượt qua, trên cơ sở đó tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu văn hoá, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

1. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Đào Duy Anh: sự nhận diện khách quan, “tổng thể” về văn hóa dân tộc.

Xuất phát từ nhu cầu đặt ra của dân tộc trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, cùng với nhiều học giả khác, Đào Duy Anh đã kiểm kê lại hành trang của văn hóa dân tộc cho việc hội nhập với thế giới bằng cách đánh giá những di sản do cha ông để lại. Sau khi giới thiệu cái mới, những tri thức lí luận về văn hóa của thế giới, Đào Duy Anh tiến hành “tổng kiểm tra lại di sản của quá khứ (lịch sử, kinh tế, hành chính, phong tục, văn học, ngữ văn...) để có cơ sở tinh thần mà tiêu hoá cái mới, để đừng vong bản, để ta vẫn là ta tuy có đổi mới, ta: con người của một địa vực, có gốc có nòi, có truyền thống lâu bền”. Việt Nam văn hóa sử cương là công trình đầu tiên theo hướng này. Sau đó, hàng loạt các cuốn sách khác về nguồn gốc dân tộc, quá trình hình thành dân tộc, ý thức dân tộc... được Đào Duy Anh viết bổ sung những tri thức về văn hóa Việt Nam.

Chỉ ra nguồn gốc và cơ sở hình thành văn hóa Việt Nam, Đào Duy Anh đi đến kết luận: văn hóa đồ đồng mà giới khảo cổ học Tây phương gọi là văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa của người Lạc Việt, hoàn toàn do người Lạc Việt là những người đã tiếp thu được kĩ thuật đúc đồng của người Việt xưa sáng tạo nên. Trước khi người Hán đến xâm lược và thực hiện chính sách đồng hóa, thì tại vùng Bắc Bộ đã tồn tại một nền văn hóa phát triển rực rỡ mà dấu tích của nó là những sản phẩm đồ đồng, đặc biệt là trống đồng Đông Sơn.

Nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc, Đào Duy Anh đã dựng lại toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ quá khứ đến hiện tại, nền văn hóa dân tộc mà chủ thể sáng tạo là con người Việt Nam. Từ những nghiên cứu của Đào Duy Anh cho thấy sự phong phú và đa dạng của đời sống văn hóa Việt Nam từ thời “thượng cổ” đến hiện tại. Điều quan trọng là Đào Duy Anh sắp xếp những sinh hoạt văn hóa thành một hệ thống: từ văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, văn hóa giáo dục đến văn hóa gia đình. Bên cạnh việc trình bày chi tiết từng hình thái văn hóa, Đào Duy Anh đã làm rõ mối quan hệ giữa các yếu tố đó trong hệ thống văn hóa Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế. Nếu theo quan niệm của một nhà nghiên cứu: một cuốn sách lịch sử văn hóa phải “bàn qua tất cả những vấn đề có dính líu đến quá khứ và hiện tại của dân tộc”, thì rõ ràng, Đào Duy Anh đã thực hiện được công việc đó. Với một chủ đề rộng lớn “mênh mông đến mấy đời nghiên cứu mới nghiên cứu trọn” như vậy, trong điều kiện tài liệu và các phương tiện phục vụ cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế, công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa của Đào Duy Anh có giá trị to lớn trong việc tổng kết về văn hóa dân tộc “sự tổng kết đã đạt đến mức toàn diện, theo một quan điểm tiến bộ nhất so với đương thời, mà đến nay vẫn chưa có công trình nào tương đương”.

Nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Đào Duy Anh xuất phát từ tinh thần khoa học khách quan, nhận diện văn hóa Việt Nam trên cả phương diện tích cực và hạn chế. Việt Nam văn hóa sử cương đã dựng lại hành trình của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Thấm đượm một tinh thần dân tộc, tình cảm yêu nước dạt dào, thiết tha, Đào Duy Anh đưa ra một nhận định về văn hóa Việt Nam: “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không mảnh mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một dải Trung Việt vào đến trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan của tổ tiên ta để mở rộng hi vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm…”. Không chỉ là sự nỗ lực của mấy chục triệu đồng bào Việt Nam trong sự nghiệp khai thác đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long… để mưu sinh tồn tại mà còn ở những kì tích của một dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền dân tộc và văn hóa của mình. Cảm nhận đem lại qua Việt Nam văn hóa sử cương, như Hoài Thanh đánh giá: “mặc dầu tình trạng ngày nay, ta có thể tin ở tương lai hơn: một dân tộc trong hơn hai mươi thế kỉ, bị đè dưới cái ách của một khối người có đến 400 triệu mà vẫn giữ được bản sắc của mình, một dân tộc như thế ắt phải có một sức sống mạnh mẽ lắm, chẳng có thể vì những sự tình cờ trên lịch sử mà sớm chiều mai một được”.

Tuy nhiên, Đào Duy Anh cũng là người vượt qua được ảo tưởng mang tính phóng đại về tầm lớn lao của văn hóa dân tộc. Nối tiếp hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu trong mạch cảm xúc phê phán, tự phản tỉnh về dân tộc mình, Đào Duy Anh đã có những nhận xét rất sâu sắc, chính xác về những hạn chế của dân tộc. Ông đã chỉ ra thực trạng của văn hóa dân tộc: “trạng thái kinh tế tự cấp tự túc là cái cơ sở của văn hóa đình trệ và bảo thủ của ta ngày xưa. Văn hóa ấy gồm những phong tục tập quán khiến cho người nhà quê trong bao nhiêu đời ở trong cái cảnh khốn cùng hết sức mà vẫn nhẫn nại chịu đựng, cho nên xã hội vẫn thường êm đềm lặng lẽ, trật tự chỉnh tề”.

 Đào Duy Anh còn trình bày những hạn chế trên nhiều phương diện của văn hóa. Chẳng hạn, về văn học “mài chữ đếm câu”, “văn chương phù hoa để thờ phụng, văn chương cử nghiệp để cầu danh”, “chữ nghĩa thâm áo, điển cố rườm rà” của các nhà Nho. Trong giáo dục coi trọng “từ chương”, “ưa hư văn” đã thành một thứ “nhiên tính” của dân tộc. Nghệ thuật trong nhiều giai đoạn phỏng theo Trung Quốc, bị bó buộc trong lề lối cũ, phải tôn trọng những phép tắc xưa. Đó còn là sự tha hóa của bộ máy quan lại, giai cấp quan liêu và sĩ phu, chỉ thấy “lợi dụng ông Thánh để đạt chủ nghĩa vinh thân phì gia”, những người phú quí thì “núp sau bóng Phật mà làm những điều bất nhân bất nghĩa”… Ngày nay, khi xã hội đã có những thay đổi, thì những giá trị vốn có ý nghĩa trong xã hội nông nghiệp có thể “hóa thành những tệ hại rất trở ngại cho sự sinh hoạt ở thời đại này”.

Đào Duy Anh là một trong những người sớm khái quát những đặc tính của người Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố tích cực, ông cũng chỉ ra điểm bất cập của con người Việt Nam: ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường; thích sáo và hình thức hơn là hoạt động; tính khí nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang, ưa hư danh; não tinh vặt, hay bài bác… Cùng với ý kiến của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim…, những nhận định của Đào Duy Anh đến nay vẫn còn giá trị. Không vì lòng yêu mến dân tộc mà chỉ biết tán dương, ca tụng, thái độ đó của Đào Duy Anh và các học giả khác có ý nghĩa quan trọng trong hành trang của dân tộc trên hành trình khai dân trí, chấn dân khí mà các bậc tiền bối đã đặt ra.

Như vậy, từ những kết quả nghiên cứu của Đào Duy Anh trên nhiều phương diện của văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc được nhận diện tương đối toàn diện. Bức tranh văn hóa Việt Nam đã được phác họa một cách chân thực, khách quan cả trong quá khứ và hiện tại, cả những yếu tố tích cực và yếu tố hạn chế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh diễn ra sự xung đột giá trị văn hóa cổ truyền với văn hóa phương Tây ở đầu thế kỉ XX, sự xung đột đó là một vấn đề “quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy mà giải quyết xung đột này trước hết phải biết văn hóa của dân tộc mình là thế nào, biết được chân giá trị của nền văn hóa mới. Từ đó mới có thể tìm ra con đường để hiện đại hóa văn hóa dân tộc, xây dựng một nền văn hóa riêng phù hợp với xu thế vận động của thời đại.

2. Bài học kinh nghiệm với công tác nghiên cứu văn hóa hiện nay.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ với thế giới trên nhiều phương diện. Đối thoại để hợp tác, để cùng tồn tại trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trở thành xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa các dân tộc hiện nay. Sự phát triển của Việt Nam cũng đặt trong môi trường chung như vậy. Nhu cầu hiểu biết các dân tộc khác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho sự hội nhập văn hóa. Bài học trong lịch sử cho thấy, để hiểu biết các dân tộc khác, các nền văn hóa khác, đòi hỏi người Việt Nam phải hiểu về chính dân tộc mình, về nền văn hóa của dân tộc mình. Chính vì ngộ nhận về mình, ở thế kỉ XIX, nhiều người Việt Nam đã có những định kiến đối và quay lưng lại văn minh phương Tây. Những lời điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã bị chìm đi trong những định kiến như vậy. Nguyễn Trường Tộ rõ ràng là nhà cải cách có những tư tưởng tương đồng với Phúc Trạch Dụ Cát của Nhật Bản. Họ đều là những người có tư tưởng cải cách, học tập, mở cửa với phương Tây. Họ đều muốn dân tộc mình thoát ra khỏi quĩ đạo của văn hóa Trung Hoa để phát triển đất nước. Phúc Trạch Dụ Cát đã hiện thực hóa được tư tưởng của mình và môi trường để thực hiện việc đó là đất nước và văn hóa Nhật Bản. Nguyễn Trường Tộ cô đơn lạc lõng, thậm chí còn bị coi là kẻ bám theo quân xâm lược. Hai cách nhìn khác nhau, hai cách ứng xử khác nhau, hai sự lựa chọn khác nhau để cuối cùng, góp phần tạo nên hai điều kiện phát triển khác nhau cho đến ngày nay.

Như đã trình bày, Đào Duy Anh là người đã nhận thấy sự cần thiết của việc tổng kết toàn diện về văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập với văn hóa thế giới. Dựa trên nguyên tắc khách quan khoa học và các phương pháp nghiên cứu mới, Đào Duy Anh đã hệ thống những nội dung liên quan đến văn hóa dân tộc trên nhiều phương diện, cả giá trị tích cực và những hạn chế. Cùng với nhiều học giả khác ở nửa đầu thế kỉ XX, Đào Duy Anh đã thực hiện sự tự nhận thức về dân tộc với cả cảm hứng tự hào lẫn phê phán sâu sắc. Ngay trong trường hợp Nguyễn Trường Tộ, khi nghiên cứu về nhân vật này, Đào Duy Anh có mong muốn “dò thân thế của ông mà nêu lên những nguyên nhân sâu xa khiến nước ta bấy giờ không thể chuyển mình như nước Nhật Bản thời Minh Trị, để cuối cùng đi đến bại vong”. Xuất phát từ tinh thần khách quan khoa học, các công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Đào Duy Anh có sức sống mạnh mẽ cho đến hôm nay và còn hơn thế nữa.

Bài học từ Đào Duy Anh là tinh thần khách quan trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khi tìm hiểu về chính dân tộc mình. Đó là yêu cầu tưởng như tối thiểu đối với người nghiên cứu. Nhưng không phải lúc nào, chúng ta cũng vượt qua được ảo tưởng về tầm lớn lao của dân tộc mình. Do những điều kiện về địa lí, lịch sử, người Việt Nam ít được tiếp xúc với phần còn lại của thế giới; những nền văn hóa khác một cách hệ thống, toàn diện để đối chiếu, “so sánh”. Chính vì vậy, theo Shi-ba Ry-ô-ta-rô (Shiba Ryôtarô), một nhà nghiên cứu Nhật Bản, một khuynh hướng của người Việt là “xem dân tộc mình ưu việt so với người dân tộc khác”. Đó là sự cản trở đối với việc học hỏi và chung sống với thế giới. Giải thích về điều này ở một góc độ khác, Giáo sư Vĩnh Sính nhấn mạnh đến tính độc lập của dân tộc Việt Nam. “Hội chứng độc lập” trong con người Việt Nam cũng khiến đa số chúng ta thiếu tinh thần tiếp thu những điều hay cái lạ của các nền văn hoá khác, đồng thời chỉ thích nói về những gì hay ho ưu việt trong văn hoá Việt Nam hơn là nói ra những khuyết điểm của mình để sửa chữa. “Hội chứng độc lập” cũng khiến ta thiếu tinh thần khách quan khi buôn bán làm ăn hay giao lưu với nước ngoài, chỉ biết mình nhưng không biết người. Văn hóa Việt Nam thường được đề cập ở những cái hay, cái đẹp để quảng bá cho hình ảnh của đất nước, cho sự phát triển của du lịch. Những điểm yếu trong văn hóa dân tộc ít được đề cập đến.

Trong quá trình hội nhập hiện nay, hiểu mình để hiểu hơn về người khác là điều kiện quan trọng cho việc giao lưu, hợp tác với thế giới. Sự hội nhập diễn ra trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ như vậy thì việc đề cao bản sắc dân tộc không chỉ xảy ra đối với những trường hợp Việt Nam mà còn ở nhiều dân tộc khác trên thế giới. Vấn đề là giải quyết mối quan hệ giữa cái bản sắc và cái hiện đại như thế nào? Bản sắc dân tộc như là cái riêng, độc đáo của dân tộc trong sự so sánh với các dân tộc khác. Trong nhiều trường hợp, nếu bản sắc được nhấn mạnh quá để tạo nên sự khác biệt, có khi lại là “dị biệt” với thế giới. Trên thực tế, việc nói đến bản sắc của một quốc gia dân tộc là điều khó khăn hơn nhiều so với bản sắc của một tộc người, nhất là đối với dân tộc Việt Nam. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn có một nhận định: “Và ngày nay, cái quan niệm quốc gia, Tổ Quốc cũng phải nới rộng thêm. Khẩu hiệu con Rồng cháu Tiên không hợp thời nữa. Dân Việt đã trở nên như hầu hết dân tộc khác, một dân tộc phức tạp: vốn gốc Văn Lang nhưng trải qua gần nghìn năm Bắc thuộc, đã trở thành có lai Hán, lai Đường, rồi sát nhập nhóm Thái, nhóm Chàm, nhóm Khơ-me, nhóm Nam Dương, nhóm Minh Hương, nhóm khách trú; và ngày nay lai thêm lai Âu, lai Mĩ, lai Ấn. Nói tóm lại dân Việt Nam là dân sinh và sống trên một dải đất chung, chịu chung một văn hóa dẫn đầu tạo nên và tiếp tục tiến bộ”. Olov. Janse - nhà khảo cổ học người Thụy Điển được người Pháp mời đến khai quật ở Đông Sơn vào những năm 1934-1936 đã phát biểu khi đặt chân đến Hà Nội: chiếm được xứ Bắc Kì, nước Pháp may mắn là có được một “nước Trung Hoa thu nhỏ”, ý nói ở đây là văn hóa xứ Bắc Kì giống như văn hóa Trung Hoa thu nhỏ. Khoảng mười năm sau, cũng chính nhà khảo cổ học này đã viết bài báo Việt Nam - ngã tư đường của các dân tộc và của các nền văn minh. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, lúc sinh thời, khi giảng về lịch sử văn hóa Việt Nam, luôn đề cập đến bài báo nổi tiếng này mà ông coi là “một kết luận bất hủ”. Trong sự đối chiếu với quan niệm của Đào Duy Anh, những ý kiến trên đây cần được xem xét trong nghiên cứu về bản sắc dân tộc giai đoạn hiện nay.

Trong giai đoạn đất nước đang trong thời kì đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu định hướng phát triển văn hóa được xác định là: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng văn hóa Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ tác động đến tất cả các quốc gia dân tộc, hội nhập sâu rộng hơn với thế giới đang là nhu cầu bức thiết trên con đường phát triển của đất nước. Những vấn đề đặt ra đối với văn hóa dân tộc hồi đầu thế kỉ XX dường như lặp lại: hiện đại hóa văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa nhưng thách thức thì lớn hơn nhiều. Những công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Đào Duy Anh có nhiều ý nghĩa cả về mặt lí luận và phương pháp: từ cách tiếp cận lí luận văn hóa một cách hệ thống; nghiên cứu tổng thể, khách quan văn hóa dân tộc đến sử dụng các phương pháp khoa học trong nghiên cứu văn hóa. Mặt khác, khi chúng ta bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường, văn hóa Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và hàng loạt các vấn đề mới nảy sinh. Nghiên cứu lí luận văn hóa đang đứng trước những yêu cầu hết sức nặng nề là phải tổng kết thực tiễn đời sống văn hóa, giải đáp những vấn đề văn hóa đang nảy sinh để mở đường cho văn hóa dân tộc phát triển, góp phần vào thành công của sự nghiệp hiện đại hóa đất nước. Những vấn đề mà Đào Duy Anh đặt ra ở nửa đầu thế kỉ XX đem lại những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu văn hóa hiện nay. Là một trong những người mở đầu cho khoa nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, với những gì để lại, Đào Duy Anh vẫn đồng hành cùng với thế hệ đi sau trong việc định vị dân tộc mình trong quan hệ với các dân tộc khác, góp phần hiện đại hóa lí luận văn hóa, rút ngắn khoảng cách so với trình độ của thế giới, xây dựng nền văn hóa dân tộc hiện đại hội nhập với thế giới.

 Lê Xuân Kiêu
Bạn đang đọc bài viết "Học giả Đào Duy Anh và bài học đối với công tác nghiên cứu văn hóa hiện nay " tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309