Hỗ trợ chuỗi liên kết trong nông nghiệp: kẹt cả chính sách cũ lẫn mới

28/11/2022 19:49

Chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất nông nghiệp bị nghẽn không chỉ ở giai đoạn trước mà còn có thể ở cả giai đoạn này nếu không tìm cách tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội chia sẻ.

Nhu cầu về liên kết theo chuỗi trong nông nghiệp của Hà Nội có nhiều không, thưa ông? 

Nhu cầu là rất cao, điển hình như năm 2021 chúng tôi cho rà soát, đăng ký thì toàn thành phố đã đăng ký trên 100 chuỗi để hỗ trợ. Theo chính sách là chỉ hỗ trợ các liên kết theo chuỗi mới, còn hiện tại trên địa bàn thành phố đang có 145 chuỗi nhưng chúng tự liên kết với nhau, hoặc có Nhà nước hỗ trợ qua rất nhiều hình thức như xây dựng mô hình, qua các hội nghị khớp nối, còn để nhận được hỗ trợ bài bản theo Nghị định 98 thì chưa có, do vậy các mắt xích trong liên kết chuỗi còn lỏng lẻo.

Cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, logistic, các trung tâm phân phối, cửa hàng tiêu thụ là yếu tố bên trong của chuỗi giá trị, còn những yếu tố bên ngoài, tác động vào, giúp tạo giá trị gia tăng cho nó phát triển. Các yếu tố này đang liên kết với nhau nhưng thực sự là chưa thấy vai trò của Nhà nước. Nghị định 98 có 7 nhóm liên kết nhưng 145 mô hình của Hà Nội mới chỉ khớp nối với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán” cho nên vẫn không bền vững.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vai trò của việc liên kết theo chuỗi với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) như thế nào và thực tế nó đang bị nghẽn ra sao thưa ông?

Trong Chương trình xây dựng NTM, Hà Nội quan điểm rõ là phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Việc liên kết theo chuỗi là cần thiết cho chương trình NTM bởi chỉ có liên kết mới phát triển được sản xuất và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt giai đoạn năm 2021-2025 này một trong những tiêu chí tiên quyết để các xã, các huyện đạt chuẩn NTM là phải có chuỗi liên kết, và có thang điểm rất rõ ràng để chấm.

Năm 2018 Chính phủ có Nghị định 98 về liên kết chuỗi trong nông nghiệp, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo Nghị quyết thì nội dung, mức chi và phương thức thực hiện theo quy định tại Nghị định 98. Có thể nói liên kết chuỗi là bài toán đúng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã nói, phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mà muốn làm được như thế chỉ có liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, cùng nhau áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao hay canh tác hữu cơ, kinh tế tuần hoàn vào. Tuy nhiên Thông tư 43 và 08 để hướng dẫn thực hiện Nghị định 98 nhiều tỉnh thành đã làm nhưng ở Hà Nội và một số tỉnh thành lại đang bị nghẽn bởi câu chữ không rõ ràng và thiếu đồng nhất.

Năm 2019 Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội được giao thực hiện chương trình này, chúng tôi đã bắt tay tham mưu ban hành các văn bản của thành phố như: Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 quy định về phân cấp phê duyệt hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội;

Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 về việc ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội; Quyết định số 4628/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Sang năm 2020 thì tiếp nhận các bộ thủ tục hồ sơ kế hoạch liên kết, dự án liên kết. Cuối năm 2020, sau khi Hội đồng ngồi xét hồ sơ, thấy điểm nghẽn là hết năm 2020 Thông tư 43 và 08 đã hết giai đoạn, không còn hiệu lực rồi. Các dự án đối với những cây dưới 1 năm yêu cầu phải liên kết ít nhất trong 3 năm, tức nếu phê duyệt vào năm 2021 đến năm 2023 lại phải theo cơ chế, chính sách của giai đoạn mới. Do đó Hội đồng không thông qua được những gì liên quan đến nội dung chi, mức chi áp dụng cho giai đoạn trước. Đó là điểm nghẽn thứ nhất.

Lúa gạo rất nên làm theo chuỗi giá trị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúa gạo rất nên làm theo chuỗi giá trị. Ảnh: Dương Đình Tường.

- Đối tượng nhận hỗ trợ giống vật tư, bao bì nhãn mác không rỗ ràng, cụ thể: Trường hợp doanh nghiệp hoặc hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trực tiếp với cá nhân, nông dân thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ là chủ trì liên kết. Đối với trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với nhau thì các bên thống nhất cử ra chủ trì liên kết” được quy định tại khoản 3 điều 6, Nghị định 98/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên tại điểm C, khoản 1, điều 9 Nghị định 98/2018/NĐ-CP lại quy định “Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã”, như vậy:

+ Khi doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết trực tiếp với các hộ nông dân (không có HTX nào liên kết trong chuỗi) thì hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác thế nào? Việc hỗ trợ có thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã hay không?

+ Và khi doanh nghiệp là chủ trì liên kết thì việc hỗ trợ bao bì, nhãn mác cho ai? (doanh nghiệp, hộ nông dân hay cho các hợp tác xã) vì Nghị định quy định việc hỗ trợ thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã. Đó là điểm nghẽn thứ hai.

- Về thẩm định: Tại khoản 6, điều 6 và khoản 2 điều 12, Nghị định 98/2018/NĐ-CP chưa thống nhất khái niệm: "phê duyệt dự án liên kết" hay "phê duyệt hỗ trợ dự án liên kết". Tại khoản 2, điều 12, Nghị định 98/2018/NĐ-CP chỉ quy định trình tự thủ tục thẩm định dự án liên kết, chưa có trình tự thủ tục nộp và thẩm định kế hoạch liên kết. Đó là điểm nghẽn thứ ba.

Gian hàng của chuỗi sản xuất gạo Tam Hưng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gian hàng của chuỗi sản xuất gạo Tam Hưng. Ảnh: Dương Đình Tường.

- Về nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng, máy móc): Nguồn kinh phí hỗ trợ hạ tầng bằng nguồn đầu tư hay nguồn kinh phí sự nghiệp. Việc xác định tỷ lệ phần trăm hỗ trợ hạ tầng đối với các dự án lớn có liên kết đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và ngoài Thành phố chưa được quy định cụ thể. Chỉ hỗ trợ một phần máy móc, nhà xưởng cho công suất đối với dự án liên kết trên địa bàn Hà Nội hay toàn bộ công suất theo liên kết của dự án? Đó là điểm nghẽn thứ tư.

- Tại Nghị định mới quy định trình tự thủ tục nộp và thẩm định dự án liên kết chưa quy định trình tự thủ tục nộp và thẩm định kế hoạch liên kết. Đó là điểm nghẽn thứ năm.

Đối với Nghị định 98 có 3 điều liên quan đến hỗ trợ là hỗ trợ cho tư vấn 100% nhưng không quá 300 triệu; hỗ trợ 30% đối với cơ sở bến bãi, kho tàng, máy móc, thiết bị nhưng không quá 10 tỉ; hỗ trợ các mô hình khuyến nông cũng như giống, vật tư, thiết bị thiết yếu không quá 3 chu kỳ sản xuất  và hỗ trợ 40% về chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn. Hỗ trợ khu vực sản xuất theo tỷ lệ 50/50 thì không phải bàn rồi, nhưng đối với hỗ trợ các dự án liên kết, như điều 8 về hỗ trợ hạ tầng, gồm có thiết bị máy móc và các cơ sở bến bãi, kho tàng phục vụ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ thì Nghị định 98 lại không quy định là hỗ trợ trước đầu tư hay sau đầu tư, mà lại giao cho Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tự quy định. Tuy nhiên Hội đồng Nhân dân tỉnh trong Nghị quyết 10 của Thành phố Hà Nội giai đoạn trước cũng không quy định rõ điều này. Nội dung thì rõ nhưng phương thức thực hiện thì lại chưa. Đó là điểm nghẽn thứ sáu.

Khi thẩm định các dự án liên kết có yếu tố liên quan đến xây dựng cơ bản thì phần hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công, còn phần hỗ trợ giống vật tư thiết bị lại từ nguồn vốn sự nghiệp. Vậy một dự án phải xin từ hai nguồn của hai sở, ngành khác nhau thì thực sự không thể làm được.

Bạn đang đọc bài viết "Hỗ trợ chuỗi liên kết trong nông nghiệp: kẹt cả chính sách cũ lẫn mới" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309