Hành trình không điểm dừng xây dựng nông thôn mới Hà Nội - Bài 1: Khởi đầu gian nan

23/10/2022 12:30

Với vai trò, vị thế Thủ đô, Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Đường giao thông nông thôn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng khang trang, sạch đẹp, được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đến nay, 100% xã của Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trên quan điểm tiếp nối tinh thần từ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội có khởi đầu nhưng không có kết thúc.

Do vậy xây dựng nông thôn mới sẽ đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa. Hà Nội tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mang đến một nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại.
Ghi nhận những kết quả của chặng đường đã qua, nhìn nhận những vấn đề cần rút kinh nghiệm và hướng đến những giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới Hà Nội đi vào chiều sâu, thực chất hơn, với một xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, gắn với quá trình đô thị hóa, TTXVN trân trọng giới thiệu chùm 5 bài về "Hành trình không điểm dừng xây dựng nông thôn mới Hà Nội".

Bài 1: Khởi đầu gian nan

Những con đường rộng lớn khang trang sạch đẹp; hoa, cây cảnh, cây bóng mát xanh tốt hai bên đường; nhà có số; thôn xóm có sân chơi, nhà văn hóa với nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng văn minh hiện đại; những cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay; những khu sản xuất công nghệ cao hiện đại... không còn hiếm ở nông thôn Hà Nội. Không còn cảnh ao tù nước đọng, đường làng rộng vừa đủ hai con trâu đi lại…, nông thôn đã thực sự trở thành nơi đáng sống.

Từ trông chờ, ỷ lại…

Để có được hình ảnh nông thôn đổi mới như vậy, càng khẳng định Nghị quyết 26- NQ/TW do Ban chấp hành Trung ương khóa X ban hành là đúng đắn, thể hiện được ý Đảng, lòng dân cùng nhìn về một hướng. Nhưng thành công nào cũng phải trải qua thất bại.

Ban chỉ đạo đã không lùi bước, không nản lòng với những ngày đầu triển khai Nghị quyết 26 khi mà người dân thì thờ ơ, cán bộ cũng chẳng hiểu phải thực hiện như thế nào, không ai chịu trách nhiệm hay hướng dẫn, các văn bản chính sách cũng chưa rõ ràng trong muôn vàn cái khó...
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khó khăn lớn nhất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới, không chỉ cho người dân và cán bộ cơ sở, không chỉ cán bộ chỉ đạo các cấp tham gia mà ngay cả các bộ, ngành trung ương, nhất là khuynh hướng "trông chờ ỷ lại" hoặc huy động quá sức dân.
Hà Nội là một trong 11 địa phương được chọn 1 xã điểm tham gia chương trình 11 xã điểm đại diện cho 11 vùng kinh tế - văn hóa của cả nước xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí.

Nhớ lại những ngày đầu triển khai xây dựng nông thôn mới tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), ông Ngô Đại Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới chia sẻ, trong xây dựng nông thôn mới khẳng định để có được sự thành công là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân.
"Nếu việc xây dựng nông thôn mới chỉ phân công cho một ông Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm quản lý thì sẽ không làm được mà phải từ trên, từ ông Bí thư trở xuống, nên có đưa ra một vấn đề gì cũng sẽ rất dễ thực hiện bởi nó thể hiện sự tập trung dân chủ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Có như vậy cán bộ cơ sở, cán bộ cấp dưới cũng không thể lơ là trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó lại có sự tham gia, giám sát của người dân", ông Ngô Đại Ngọc nói.
Cũng như gian nan trong vấn đề thay đổi nhận thức, dồn điền đổi thửa tuy không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng nó lại quyết định sự thành công của công tác xây dựng nông thôn mới và cũng là vấn đề nan giải mà nhiều địa phương phải đối mặt.

Ví dụ điển hình như huyện Sóc Sơn những năm đầu tiên thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ trên xuống dưới chưa biết thực hiện ra sao, dồn điền đổi thửa thế nào để quy hoạch lại đồng ruộng, phân chia sao cho công bằng, nhất là khi chạm đến quyền lợi của người dân - một vấn đề rất nhạy cảm, rất dễ bị kiện cáo, gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa phương.

Do vậy, huyện đã có cách làm rất khoa học và được UBND thành phố khen và để các địa phương khác học tập. "Nhưng điều quan trọng để thành công đó chính là sự dân chủ, công khai minh bạch, có sự bàn bạc nhất trí giữa người dân và chính quyền", ông Ngô Đại ngọc chia sẻ.

Vùng sản xuất hoa của xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

… đến đồng thuận, tự nguyện

Điều quan trọng nữa là khi xây dựng nông thôn mới đã được quán triệt thống nhất từ trên xuống dưới, có định hướng, có đường hướng rõ ràng, cụ thể rồi thì việc giải thích để cho người dân hiểu và làm theo sẽ dễ dàng hơn và được người dân đồng tình ủng hộ.

Nhờ vậy, mà người dân mới tình nguyện hiến đất, ngày công, tiền của cho công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương, mới có những con đường hoa, nhà có số, trường học đạt chuẩn quốc gia, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao. 
Bà Đinh Thị Tình, trú tại thôn 7 xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) - người đã tình nguyện hiến gần 1.000 m2 đất để mở đường và xây trường tiểu học Tiến Xuân B chia sẻ: "Ngày xưa chưa có trường tiểu học Tiến Xuân B, các cháu phải đi học rất xa, phải vượt mấy cây số mới đến trường, chưa kể lúc trời mưa, lũ rừng ngang về rất nguy hiểm.

Lúc xây dựng trường mới, UBND xã chưa có quỹ đất nên phải huy động người dân để hiến đất xây dựng trường mới. Khi đó, có nhà tôi ngay trước mặt là trên diện tích xây dựng trường. Con đường đi vào trường rất bé, chỉ là đường dân sinh nên gia đình tôi đã tình nguyện lùi lại để mở rộng con đường và hiến đất để xây dựng trường".
Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới để biến những con đường đất xưa cũ chật hẹp trở thành đường bê tông rộng lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, đường giao thông toàn huyện lúc trước không được đường bê tông như bây giờ, toàn bộ ở đây là đường đất hoặc đường cấp phối rất bé.

Để làm đường giao thông, huyện thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước đầu tư 80% còn nhân dân đóng góp ngày công lao động. Huyện làm thí điểm tại xã Song Phượng, Đan Phượng sau nhân rộng ra.
"Để có được thành công đó là nhờ vào sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cũng như sự nhạy bén, năng động, sáng tạo của lãnh đạo huyện thời điểm đó", bà Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.
Bà Hiền nhớ lại, vào năm 2012-2013, lúc đó ngành nguyên vật liệu xây dựng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Với con mắt của dân Đại học Xây dựng, Chủ tịch huyện lúc bấy giờ đã chủ động làm việc với nhà máy thép, xi măng bán nguyên vật liệu cho chủ đầu tư để xây dựng giao thông nông thôn. Trên cơ sở huyện đứng ra bảo lãnh về kinh phí, nhà máy thì giải quyết được hàng tồn, chi phí mua nguyên vật liệu giảm. Sau đó, huyện cung ứng toàn bộ vật tư cho tất cả đơn vị.

Trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, người dân được tham gia từ khâu tư vấn thiết kế như quy mô đường rộng dài bao nhiêu và giám sát thi công. Do vậy, khi đường đi qua nhà nào thì nhà đó tự nguyện hiến đất. Vì vậy, huyện đã tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách và 100% đường bê tông thì huyện hoàn thành hết trong 2 năm 2012 - 2013.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) hào hứng chia sẻ, bây giờ, khi mọi người đi lại trên các con đường liên thôn, liên xã sẽ thấy ô tô đi vào rộng rãi, quay xe thoải mái, ô tô có thể ra đến tận chân ruộng để bốc dỡ hàng hóa rất thuận lợi.

Đường liên thôn rộng từ 6,5m - 7m lên tận UBND xã. Để có hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi như vậy, lãnh đạo xã phải xuống làm việc với từng hộ dân, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, từ chỗ vận động đi đến đồng thuận.
Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: "Sau hơn 10 năm thực hiện nông thôn mới chúng ta phải khẳng định đây là chương trình đúng và trúng, phù hợp với ý đảng và lòng dân. Ở đây chúng ta phải nói mấy khía cạnh, thứ nhất đời sống văn hóa của người dân được nâng lên, các công trình phục vụ hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng văn hóa, hạ tầng phát triển kinh tế được quan tâm; môi trường xanh sạch đẹp, nhân dân đoàn kết ủng hộ thương yêu lẫn nhau.

Sự đoàn kết được thể hiện qua mấy lĩnh vực, thứ nhất là vẫn duy trì ngày thứ 7 hàng tuần bà con tổ chức động viên nhau đi thực hiện công tác vệ sinh. Thứ hai là giúp đỡ nhau về làm ăn kinh tế. Thứ ba là ủng hộ tiền, vật chất, tinh thần để xây dựng nông thôn mới.

Thạch Thất chúng tôi có nhiều gia đình hiến hàng nghìn mét vuông, tính giá trị tiền ra rất lớn nhưng người ta cũng hiến, kể cả các công trình nhà người ta dỡ tường ra để mở rộng. Do vậy, chúng tôi thấy chương trình này thực hiện đúng mục tiêu là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng đảng và chính quyền càng ngày càng vững chắc".

Đến hết năm 2020, huyện Ứng Hoà đã nâng cấp được hơn 132 km đường liên xã và 160 km đường trục thôn theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tính đến tháng 6/2022, có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Với 3 huyện: Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức chưa được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương đang bám sát bộ Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Riêng huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đang phấn đấu hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Nông thôn mới nâng cao cũng cần phải có tư duy mới trong phát triển nền nông nghiệp, vì vậy nông nghiệp Hà Nội cũng hướng tới nền nông nghiệp xanh, hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Phương Anh - Đinh Thuận
Bạn đang đọc bài viết "Hành trình không điểm dừng xây dựng nông thôn mới Hà Nội - Bài 1: Khởi đầu gian nan" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309