Mặc dù BYD được nhắc đến như một trong những thương hiệu xe điện hàng đầu thế giới, nhưng trên thực tế, số lượng xe hybrid cắm sạc (plug-in hybrid - PHEV) mà hãng bán ra lại vượt trội so với xe điện hoàn toàn.
Khi mở rộng sang thị trường châu Âu, BYD mang theo dàn sản phẩm chạy điện, tuy nhiên nhanh chóng nhận ra rằng người tiêu dùng tại khu vực này vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn động cơ truyền thống.
Để có thể đối đầu với các hãng xe đã có chỗ đứng vững chắc tại châu Âu, BYD hiểu rằng chỉ tập trung vào xe điện chưa đủ. Những mẫu hybrid cắm sạc chính là phần còn thiếu trong bức tranh hoàn chỉnh cho chiến lược Phát triển tại đây.
Khi tiến vào châu Âu - một trong những khu vực có yêu cầu khắt khe về khí thải và tiêu chuẩn xe hơi, BYD đặt cược lớn vào các mẫu xe thuần điện như Dolphin, Atto 3 và Seal.

Tuy nhiên, hãng nhanh chóng nhận ra rằng người tiêu dùng tại "lục địa già" chưa thực sự sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong. Chính sự giằng co giữa nhu cầu thị trường và hạ tầng sạc chưa hoàn thiện đã khiến BYD buộc phải điều chỉnh định hướng.
Hiện tại, BYD mới chỉ bán mẫu sedan Seal DM-i (PHEV) tại châu Âu. Nhưng kế hoạch đang thay đổi nhanh chóng. Phát biểu tại một sự kiện tổ chức ở Stuttgart (Đức), bà Maria Grazia Davino - Giám đốc BYD châu Âu - xác nhận rằng hãng sẽ tung ra ít nhất hai mẫu PHEV mới trong năm 2025.
Bà cho biết: "Không phải ai cũng sẵn sàng chuyển sang xe điện. Chúng tôi cần nhiều lựa chọn hơn để thuyết phục khách hàng. Tương lai gần của BYD tại châu Âu sẽ được xây dựng trên hai trụ cột: xe thuần điện và công nghệ hybrid DM-i".

Trong quý I năm nay, BYD đã bán hơn 37.000 xe tại châu Âu, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, hãng vẫn đang đối mặt với rào cản thuế nhập khẩu mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng lên xe từ Trung Quốc.
Để đối phó, BYD đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy tại Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ - những "cứ điểm" sản xuất chiến lược để phục vụ toàn bộ thị trường châu Âu trong tương lai, bao gồm cả xe điện và PHEV.
Không chỉ dừng ở xe phổ thông, BYD còn tấn công phân khúc cao cấp với thương hiệu con Denza - đối thủ được định vị để cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Mercedes-Benz, BMW hay Audi. Chiếc Denza Z9 GT vừa được ra mắt là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm cao cấp tại châu Âu.
Tại Việt Nam, câu chuyện của BYD cũng có nhiều điểm tương đồng. Khi gia nhập thị trường vào tháng 8/2024, hãng mang tới ba mẫu xe điện gồm Dolphin, Atto 3 và Seal, với kỳ vọng định vị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thị trường trong nước chưa sẵn sàng để xe điện "bùng nổ". Từ hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, đến tâm lý dè dặt với thương hiệu mới, nhiều mẫu xe của BYD dù hiện đại nhưng vẫn chưa tạo được cú hích như mong đợi.
Mới đây, BYD tung ra mẫu Sealion 6 - chiếc hybrid cắm sạc đầu tiên của hãng tại Việt Nam. Đây được kỳ vọng sẽ là "trụ cột ẩn" trong chiến lược cạnh tranh của BYD trên dải đất hình chữ S.

Dù chưa từ bỏ mục tiêu phát triển xe thuần điện, việc chuyển hướng linh hoạt sang dòng PHEV cho thấy BYD đang dần thích nghi tốt hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng toàn cầu.