EREX cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối giúp người nông dân Việt Nam cải thiện thu nhập

20/02/2022 12:10

Nongthonvaphattrien - Nhật Bản đang xây dựng nhà máy điện sinh khối lớn nhất thế giới nhưng lại thiếu nguồn nguyên liệu nên công ty mong muốn có thể nhập khẩu được nguồn nguyên liệu này từ Việt Nam...Hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp người nông dân Việt Nam cải thiện thu nhập.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Honda Hitoshi - Chủ tịch Tập đoàn kiêm TGĐ EREX cho biết, Công ty cổ phần EREX là nhà sản xuất, cung cấp điện và cũng là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện sinh khối tại Nhật Bản.

Việt Nam là đất nước trù phú về nông nghiệp, có nhiều nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực này, chính vì vậy,  ông Honda Hitoshi cho biết công ty rất mong muốn được đầu tư vào Việt Nam.

2022-02-17-10-40-411-98240-1645333458.jpg
EREX cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối giúp người nông dân Việt Nam cải thiện thu nhập

Theo ông, tuy Nhật Bản đang xây dựng nhà máy điện sinh khối lớn nhất thế giới nhưng tại Nhật Bản lại thiếu nguồn nguyên liệu nên công ty mong muốn có thể nhập khẩu được nguồn nguyên liệu này từ Việt Nam. Nên ngay từ năm 2018, EREX đã trao đổi với các địa phương tại Việt Nam về kế hoạch trồng cây cao lương và sản xuất nhiên liệu điện để xuất khẩu sang Nhật Bản trong giai đoạn 2021-2026.

Ông Honda Hitoshi cho biết, khu vực có điều kiện tự nhiên để trồng cây cao lương mới tại Việt Nam là Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang với tổng diện tích dự kiến triển khai là 12.000 ha.

Công ty đã trồng thử 30ha từ tháng 7/2021 tại tỉnh Phú Yên. Công ty cũng đang lên kế hoạch trồng thử nghiệm tại Việt Nam để tiến tới nghiên cứu cây sinh khối thân thảo khác nhằm mục đích làm nguyên liệu điện sinh khối theo công nghệ của Nhật Bản.

Hơn nữa, theo ông Honda Hitoshi, Việt Nam là quốc gia đầu tiên EREX cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối ngoài Nhật Bản. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng 1.500 MW điện sinh khối; cắt giảm 27,570kt/năm CO2 vào năm 2035 và phát nguồn điện ổn định.

Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên sinh khối chưa sử dụng ở Việt Nam, phát triển nhiên liệu sinh học mới nhằm góp phần cải thiện thu nhập của nông dân và tạo việc làm liên quan đến vận hành nhà máy điện.

“Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện sinh khối trong tương lai”, ông Honda Hitoshi nhận định.

Với kinh nghiệm đã đầu tư và phát triển lĩnh vực này tại Nhật Bản, ông Honda Hitoshi tin tưởng các dự án của EREX được đầu tư tại Việt Nam sẽ được triển khai thành công và Việt Nam sẽ trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu cho điện sinh khối trong khu vực và trên thế giới.

Ông cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam để các dự án được triển khai đúng tiến độ và về đích như mục tiêu đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao ý tưởng và chiến lược đầu tư của EREX tại Việt Nam. Ông Diên cho rằng, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch rất tốt cho hiện tại và tương lai nhưng để phát triển được lĩnh vực này cần phải có nguồn điện ổn định.

Theo đó, điện sinh khối cùng với các nguồn điện có tính chất ổn định khác có vai trò quan trọng để khai thác và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời để bù đắp lại sản lượng điện thiếu hụt của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ủng hộ định hướng phát triển của EREX tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, công ty cần sớm thu xếp để làm việc với các cơ quan năng của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, các địa phương ở Việt Nam để có được cái nhìn xác thực và hướng phát triển phù hợp.

Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy được khả năng, nỗ lực và hiệu quả hoạt động của mình tại Việt Nam.

Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư. 

Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm...

Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Mỹ là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500 MW điện mỗi năm. Những nhà máy này sử dụng chất thải từ nhà máy giấy, nhà máy cưa, sản phẩm phụ nông nghiệp, cành lá từ các vườn cây ăn quả... Năng lượng sinh khối chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Mỹ và 45% năng lượng tái sinh.

Ở Nhật Bản, chính phủ đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối từ năm 2003 và hiện nay đang tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối (biomass town). Đến đầu năm 2011, Nhật Bản đã có 286 thị trấn sinh khối trải dài khắp đất nước. Tại Hàn Quốc, năng lượng sinh học đang được tích cực nghiên cứu, phát triển  với mục tiêu đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ đạt 11%, trong đó năng lượng từ sinh khối sẽ đạt 7,12%.  Trung Quốc đã có Luật năng lượng tái tạo cùng hơn 80 nhà máy điện sản xuất từ sinh khối với công suất đến 50 MW/nhà máy. Tiềm năng là có thể đạt được 30 GW điện từ loại hình năng lượng này.

 

Xuân Nguyên