Đi công nhân, nhiều gia đình nông thôn ly tán!

16/04/2022 16:25

Xóm Đồng Ngoài ở xã Văn Tố đã nổi danh là có lắm cặp vợ chồng bỏ nhau, đến mức lãnh đạo xóm phải cho thống kê, thì thấy có 18 cặp bỏ nhau/170 hộ.

"Da đen" ít bỏ nhau, "da trắng" phau dễ bỏ nhau

Ông Bùi Thế Lộc 71 tuổi, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp ở xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) kể, năm nào Tết mình cũng xuống chỗ em của một người bạn bộ đội đã hi sinh ở xã nọ chơi, vừa rồi xuống đã nghe ông này báo cáo như vậy nên mới buột miệng: “Thế này thì tỷ lệ bỏ nhau ở đây nhiều hơn ở làng tôi rồi”. Ông kia đáp: “Bỏ nhau kinh lắm bác ạ! Kể ra cứ nhan nhản cả”. Thế mà cái xóm Đồng Ngoài ở xã Văn Tố của ông Lộc gần đây đã nổi danh là có lắm cặp vợ chồng bỏ nhau đến mức lãnh đạo xóm phải cho thống kê, thì thấy có 18 cặp bỏ nhau/170 hộ.

Anh Hoàng Văn Đạt Trưởng thôn kiêm Bí thư bảo với tôi rằng: “Làng Mỹ Ân có 3 đội sản xuất, 730 hộ, khoảng 2.200 khẩu, riêng đội số 3 có 2 xóm gồm Đồng Ngoài và Măng, cả làng chúng tôi tập hợp được khoảng 50 trường hợp ly hôn. Tại sao có thống kê ly hôn trong khi thông thường chỉ thống kê thu nhập, hộ nghèo? Bởi vì tỷ lệ bỏ nhau của Đồng Ngoài là cao nhất xã nên cứ ngồi đâu cũng đồn, ngay ở trong thôn, khi họp cũng cứ đổ cho là xóm bỏ nhau nhiều nên chúng tôi mới phải đếm, cũng cao hơn thật nhưng chỉ cao hơn một chút so với các xóm kia mà thôi. Có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là chồng hoặc vợ đi xuất khẩu lao động; Thứ hai là chồng nghề nghiệp không ổn định, chơi bời một chút, không tu chí làm ăn. Cuối cùng thêm một nguyên nhân nữa là lấy nhau khi còn quá trẻ…”

Anh Hoàng Văn Đạt Trưởng thôn kiêm Bí thư: 'Bỏ nhau giờ là phong trào chung ở nhiều nơi rồi chứ không chỉ riêng xóm tôi, xã tôi đâu'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Đạt Trưởng thôn kiêm Bí thư: "Bỏ nhau giờ là phong trào chung ở nhiều nơi rồi chứ không chỉ riêng xóm tôi, xã tôi đâu". Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghe đến đây ông Bùi Thế Lộc gật gù, tỏ vẻ đồng ý: “Giờ người ta đi công nhân công ty hay học nhau bồ bịch rồi về ly hôn. Đời sống kinh tế nâng lên nhưng họ hiểu chuyện hôn nhân gia đình không nâng lên mà sang một ý khác, sướng quá thành ra hóa rồ! Vừa rồi tôi xuống thăm cháu gái lấy chồng ở một xã tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình mới thắc mắc với ông bố chồng của nó rằng quái, sao ở đây con gái lại cứ đen đen chứ không trắng trẻo, phốp pháp như con gái đi làm công nhân ở quê tôi nhỉ? Hỏi ra thì biết cả vùng ấy, huyện ấy chỉ có 2 công ty mà của tư nhân chứ không phải liên doanh nên tỷ lệ dân đi làm công nhân ít lắm, làm ruộng mưa nắng nhiều nên ai cũng đen. Thế thì tỷ lệ ly hôn ở đây thế nào? Tôi hỏi thì ông ấy trả lời: “Xóm gần 200 hộ mà không thấy có bỏ nhau mấy đâu”. Tôi mới bảo: “Xóm tôi có 170 hộ mà 18 cặp đã bỏ nhau”, ông ấy nghe mà giật mình luôn.

Tình trạng bỏ nhau ở thôn tôi nhiều chỉ diễn ra khoảng 5-7 năm nay thôi, đi cùng các nhà máy may, nhà máy đồ chơi mọc lên nhan nhản. Có nhà có 2 đứa con gái vừa bỏ chồng nhưng 1 đứa lại mới đi lấy chồng rồi, 1 đứa kia khả năng lại sắp lấy chồng tiếp. Cũng không thấy như xưa là chửi nhau, đánh nhau ầm ĩ rồi mới bỏ mà giờ không thích là bỏ ngay dù nhà cửa, con cái đều có đủ. Việc bỏ nhau nhiều nhưng đa số nữ dễ tái hôn hơn nam, có 1-2 con rồi vẫn còn lấy được “trai tơ”, làm ăn tốt cơ, chắc là do tỷ lệ nữ bây giờ ít hơn. Con trai làng giờ nhiều người không lấy được vợ, có những đứa đã trên 40 tuổi rồi”.    

Đường vào xóm Đồng Ngoài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đường vào xóm Đồng Ngoài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Đạt bổ sung: “Tôi làm ở thôn gần 30 năm nay, con dâu xích mích một tí với bố mẹ chồng chẳng hạn, xưa còn cố kìm chế, giờ không thích cái là bỏ luôn. Cách đây cỡ 10 năm, vợ chồng khi đánh, cãi chửi nhau còn nhờ đến thôn, xã hòa giải thì những đôi như thế sẽ không bỏ nhau. Nếu đôi nào trục trặc mà không đề nghị hòa giải thì có đơn ra xã, xã mời ra hòa giải rồi gửi tài liệu về cho thôn hòa giải tiếp, khi không được nữa mới được ly hôn, mất cả vài tháng. Nhưng khoảng 5-7 năm trở lại đây các đôi bỏ nhau rất nhanh, vợ chồng thuận tình ly hôn là làm mỗi đơn gửi ra tòa án, không phải ra xã nữa, chỉ trong vòng vài hôm là đã xong rồi, không hòa giải gì cả, thậm chí tôi còn nghe đồn người ta còn chạy tiền để nhanh có giấy. Giờ ở quê chủ yếu là hòa giải về tranh chấp đất đai thôi vì đất đang đắt mà, còn về hòa giải ly hôn lâu lắm rồi không thấy nữa.

Cái được ở làng giờ là đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần, an ninh trật tự được nâng lên rõ rệt, lao động làm nông giờ nhàn hơn trước nhiều, nhưng cái mất là bỏ nhau, vợ chồng thì không sao cả nhưng con cái thì quả tình khổ. Con ở với mẹ thì không có bố mà ở với bố thì không có mẹ.

Khi bỏ nhau, mẹ đi xuất khẩu lao động hay đi lấy chồng khác nhưng nhà chồng yêu cầu không được mang theo con riêng hoặc mẹ không muốn nuôi con nữa nên nhiều trường hợp ông bà phải nuôi các cháu. Có khi phải nuôi đến 2 đứa mà tuổi tác ông bà thì đã 70 cả rồi. Ngày đi làm nông nghiệp, cứ phải nhốt trẻ con ở nhà. Bỏ nhau có thể sướng cho bản thân họ nhưng lại khổ cho con cái họ và bố mẹ họ. Bỏ nhau giờ là phong trào chung ở nhiều nơi rồi chứ không chỉ riêng xóm tôi, xã tôi đâu”.

 

Làm nông ít bỏ nhau hơn làm công nhân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm nông ít bỏ nhau hơn làm công nhân. Ảnh: Dương Đình Tường.

"18 đôi bỏ nhau trong xóm, riêng con gái thì phần lớn đã lấy chồng mới, còn 3-4 trường hợp không thích lấy chồng chứ còn nếu muốn thì lấy được ngay. Trong khi đó con trai của xóm chỉ vài người sau khi bỏ vợ lấy được vợ mới".

Một ngày của nông dân thời công nghiệp hóa

Cũng theo anh Đạt trong xóm nữ học xong phổ thông gần 100% đi công nhân, nam cỡ 70% đi công nhân, thậm chí ăn 2 bữa ở nhà máy, tăng ca 8, 9 giờ tối mới về, thu nhập khá, không tiêu gì nhiều (và cũng không có thời gian để tiêu) còn 30 % đi làm tự do nên thờ ơ với các hoạt động của đoàn thể, không quan tâm đến chính trị: “Cỡ tuổi 18-20 gần như 100% không biết Bí thư, Chủ tịch xã mình là ai. Ngay như tôi có 3 con đã trưởng thành, 1 đi lấy chồng xa không nói đến, 2 đứa con trai lấy vợ ở quê thì ai làm Bí thư xã, Chủ tịch xã chúng cũng không biết, mà 1 thằng ngoài 30 tuổi, 1 thằng sắp 30 tuổi rồi đấy.  

Sáng đi làm công nhân, tối mới về nhà. Nếu hôm nào phải xin giấy tờ để chuyển chỗ làm thì không gặp đến Bí thư, Chủ tịch xã mà chúng chỉ gặp công an xã hay cùng lắm đến ông Phó Chủ tịch xã ký là xong. Mỗi kỳ bỏ phiếu, nói anh thông cảm chứ bầu bán đa số là đại diện hộ điền hộ. Nhà tôi 4 phiếu nhưng chỉ mình tôi hay vợ tôi đi bầu mà thôi. Trước đó tôi vẫn bảo các cháu, nay bỏ phiếu đấy, đi bầu đi! “Thôi bố bầu hộ con”. Chúng trả lời như thế. “Tao biết bầu ai mà bầu, quyền của chúng mày mà?”. Tôi bảo. “Con chẳng biết ai với ai đâu, thôi bố cứ bầu hộ”. Chúng trả lời thế. Nhiều nhà khác cũng vậy.

Anh Đạt và ông Lộc dang thăm cánh đồng hoang của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đạt và ông Lộc dang thăm cánh đồng hoang của làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều người lớp cao tuổi từ 60 trở lên cũng không mấy ai biết Bí thư, Chủ tịch xã là ai cả đâu. Trưởng thôn cả xã chỉ có 1 người trẻ, sinh 1980 còn lại ít nhất cũng 55 tuổi trở lên rồi vì phụ cấp thấp nên chẳng ai muốn làm. Giờ thanh niên nông thôn nếu đi làm công ty cả hai vợ chồng thu nhập 13-14 triệu/tháng trong khi so với làm nông là một trời một vực nên cả thôn giờ chẳng có gia đình trẻ nào còn làm nông, ruộng bỏ khoảng 20 mẫu rồi”.

Tôi ngỏ ý với ông Phó Giám đốc HTX cùng anh trưởng thôn về chuyện muốn đi một vòng quanh thôn để gặp gỡ cánh thanh niên, cả hai đều lắc đầu: “Giờ mới 4-5 giờ chiều, phải tối muộn chúng mới về làng cơ”. May mắn đi lòng vòng thì thế nào lại gặp được một thanh niên là Nguyễn Văn Tuấn đang bị ốm nên phải ở nhà chứ bình thường thời gian biểu của anh là cứ 5 giờ sáng dậy, ăn uống, lo cho con học, 7 giờ đi làm, trưa 11h30 nghỉ được 1 tiếng, 6,7 giờ tối về, nếu có việc tăng ca thì làm đến 9 giờ.

Cả hai vợ chồng anh Bùi Văn Vui đều không biết ai đang làm Bí thư, Chủ tịch xã mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả hai vợ chồng anh Bùi Văn Vui đều không biết ai đang làm Bí thư, Chủ tịch xã mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi ra đồng làng, thấy vợ chồng anh Bùi Văn Vui, xấp xỉ 50 tuổi, đang khom lưng cấy 8 sào ruộng. Hỏi về người làng hay bỏ nhau, cả hai đều cười, bảo giờ đi công ty nên sinh ra lắm chuyện. Hỏi về Bí thư, Chủ tịch xã là ai, cả hai lắc đầu cười, bảo mải đi làm, mùa thì cấy, còn rảnh thì chồng làm thợ xây, vợ làm phụ hồ, không có thời gian nên đi bầu cử cũng toàn nhờ người bầu hộ, gạch hộ”...

Theo NongNhiep
Bạn đang đọc bài viết "Đi công nhân, nhiều gia đình nông thôn ly tán!" tại chuyên mục Khoa học - Kỹ thuật. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309