Đẩy mạnh chống thất thu thuế trong lĩnh vực vận tải

01/08/2022 12:14

Thực hiện Đề án “Tăng cường giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Từ đó, không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn nâng cao ý thức chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách của người nộp thuế, tạo môi trường bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.

h1-1659330445.jpg
Ngành Thuế đang thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực vận tải

• CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

So với một số lĩnh vực khác, việc chống thất thu trong lĩnh vực vận tải có phần khó hơn do số lượng xe, chủ xe có thể thay đổi; phương tiện kinh doanh không theo tuyến cố định; một số trường hợp chưa phân biệt được xe gia đình sử dụng hay xe kinh doanh; chủ xe không tham gia doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nào nên khó quản lý tập trung.

Theo thống kê, toàn tỉnh đang quản lý 815 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải; gồm: 13 công ty cổ phần, 105 công ty TNHH, 16 hợp tác xã, 7 DNTN và 674 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải là 4.369 xe, trong đó 3.115 xe kinh doanh vận tải hành khách, 1.254 xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Tổng số xe đã kê khai nộp thuế là 4.161 xe, trong đó 3.066 xe kinh doanh vận tải hành khách, 1.095 xe kinh doanh vận tải hàng hóa.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng phương tiện vận tải quản lý lập bộ thuế là 4.161 xe, bằng 107% so với cùng kỳ (4.161 phương tiện/3.903 phương tiện); tổng doanh thu lập bộ là hơn 1 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ. Tổng thuế lập bộ là 22,6 tỷ đồng, bằng 93% so cùng kỳ. Số thuế lập bộ bình quân xe vận tải hành khách/tháng là 700 nghìn đồng, bằng 89% so cùng kỳ; số thuế lập bộ bình quân xe vận tải hàng hoá/tháng là 1,4 triệu đồng, bằng 83% so cùng kỳ. 

Về nguyên nhân số thuế nộp giảm do: Giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng của việc giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% (hoạt động vận tải hành khách), giảm số thuế phải nộp của nhóm vận tải hành khách (hộ cá thể); số thuế lập bộ bình quân giảm do tăng số lượng phương tiện quản lý (các chi cục thuế). Ngoài ra, còn có khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải vì khi dịch bùng phát thì nhiều lao động ngừng, nghỉ (do không có việc làm hoặc việc ít, lương không đảm bảo chi tiêu) nhưng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì ít người quay lại làm việc nên các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tuyển dụng tài xế, làm giảm hiệu suất sử dụng phương tiện tham gia sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, giá xăng tăng cao cũng tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. 

Ngành Thuế cũng phân tích nguyên nhân do một số chủ phương tiện biển số xe tại Lâm Đồng lợi dụng sự thông thoáng trong việc cấp phù hiệu, biển hiệu kinh doanh vận tải đã đến xin cấp phù hiệu ở các hợp tác xã vận tải của tỉnh, thành phố khác để hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn nhằm tránh sự quản lý của cơ quan nhà nước để trốn thuế, không nộp thuế tại nơi đăng ký thường trú của chủ phương tiện vận tải tại Lâm Đồng. Tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách đường dài chưa xuất vé tại bến, hoặc xuất vé chưa phù hợp với số lượng khách trên phương tiện, nhằm giảm số thuế kê khai nộp ngân sách nhà nước vẫn phát sinh; một số hợp tác xã vận tải hành khách hoạt động taxi, kê khai nộp thuế chưa phù hợp với quy định... Việc quản lý thuế đối với các hoạt động của loại hình taxi công nghệ vẫn còn bất cập.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa quản lý đầy đủ số lượng phương tiện tham gia hoạt động vận tải theo mô hình xe hợp đồng, phương tiện tham gia hợp tác xã. Một số chủ xe vận tải hàng hóa, hành khách chưa thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải theo quy định, chưa đổi biển số theo quy định. Đa số các doanh nghiệp vận tải hiện nay chưa chuyển loại hình vé điện tử, trừ một số đơn vị lớn.

• TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả chống thất thu thuế. Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan liên quan như: ngành Giao thông - Vận tải, Công an… tổ chức rà soát, lập đoàn kiểm tra liên ngành để tuyên truyền, đôn đốc các trường hợp kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai, nộp thuế theo đúng quy định.

Cơ quan thuế phối hợp cùng ngành Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân sau khi được cấp phép kinh doanh vận tải. Giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn, vé điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội. Phối hợp tổ chức kiểm tra đột xuất theo quy định đối với các tổ chức vận chuyển hành khách đường dài nhằm xác định số lượng phương tiện tham gia vận tải hành khách, số lượng khách so với số lượng vé/hóa đơn xuất.

Các Chi cục Thuế phối hợp với các bộ phận có chức năng tại địa phương tổ chức rà soát, thống kê các phương tiện vận tải trên địa bàn để quản lý, tổ chức lập bộ thu nhằm đảm bảo việc theo dõi, quản lý đầy đủ phương tiện vận tải, đồng thời tạo sự công bằng giữa các đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải, chống thất thu thuế. 

Tranh thủ sự chỉ đạo, điều hành của UBND các huyện, thành phố, đồng thời triển khai đầy đủ các nhiệm vụ và các nội dung theo kế hoạch của UBND các huyện, thành phố đã ban hành trên từng địa bàn. Nắm chắc số lượng phương tiện vận tải chuyển từ hình thức kinh doanh taxi truyền thống sang hình thức ứng dụng điện tử (Grab car, Smart car...) để có cách thức quản lý phù hợp. Phối hợp rà soát các phương tiện vận tải hoạt động taxi phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. 

DIỄM THƯƠNG/ Báo Lâm Đồng
Bạn đang đọc bài viết "Đẩy mạnh chống thất thu thuế trong lĩnh vực vận tải" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309