LÂM ĐỒNG: TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, KIẾN NGHỊ KIỂM TOÁN VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

27/07/2022 10:14

Tiếp tục giám sát chuyên đề về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021', ngày 26/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, dẫn đầu Đoàn công tác của Quốc hội, đã đến làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Vấn đề lãng phí từ việc quản lý đất, đất rừng là nội dung được nhiều thành viên Đoàn giám sát đặt ra với tỉnh này.

Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với tỉnh Lâm Đồng: Nhiều bất cập trong quản lý tài sản công

Tham gia Đoàn giám sát có bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát là lãnh đạo, thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Về phía các Bộ, ngành, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát, có ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính.

p1-1658890657.jpeg

Toàn cảnh buổi làm việc 

Trong giai đoạn 2016-2021, công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được Lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng, chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 40 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 05 Quyết định và 11 văn bản theo thẩm quyền về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm sử dụng hợp lý các nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và làm tốt công tác THTK, CLP.

Trong giai đoạn này, tỉnh Lâm Đồng đã tiết kiệm chi thường xuyên 3.381 tỷ đồng. Việc lập, thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh cơ bản đảm bảo tuân thủ theo đúng trình tự, thời gian quy định, từng bước khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải.

Tại Lâm Đồng, thực hiện Đề án thí điểm Tổ chức quản lý xe ô tô dùng chung của các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh, theo đó, tỉnh Lâm Đồng thành lập Đội xe ô tô công bao gồm tất cả các xe ô tô và lái xe thuộc quyền quản lý, sử dụng của các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh; từ đó đã giảm được biên chế lái xe, tiết kiệm được chi phí sử dụng xe ô tô, chi phí tiền lương, chi khác và rất thuận tiện cho cán bộ, công chức trong sử dụng xe ô tô vào mục đích công vụ, hạn chế tối đa sử dụng vào việc riêng. Tổng số kinh phí tiết kiệm trong 5 năm từ 2017-2021 là 9, 991 tỷ đồng. Đây là mô hình hay, hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ Công tác, trong giai đoạn này, tại tỉnh Lâm Đồng còn xảy ra nhiều tồn tại hạn chế trong việc quản lý sử dụng đất. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp còn hạn chế, khó khăn, tranh chấp, phản đối của người dân đối với ranh giới giáp ranh đất lâm trường còn xảy ra. Đoàn giám sát đề nghị tỉnh làm rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, trong đó có phương án xử lý 52.000 ha đang sản xuất nông nghiệp, đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp.

p2-1658890657.jpeg

Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Nếu 52.000 ha này đưa ra khỏi diện tích đất lâm nghiệp thì phải đánh giá rất rõ hiệu quả nếu đưa ra khỏi đất lâm nghiệp như thế nào? Câu hỏi các đồng chí đặt ra là có lãng phí tiêu cực trong đất đai không thì lãng phí là có”.

Giải trình với Đoàn giám sát về nội dung này, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bày tỏ: “Câu chuyện 52.000 đưa ra khỏi lâm nghiệp là câu chuyện của cả Tây Nguyên, liên quan đến gần 400.000 ha và tác động tới 1 triệu dân về nông nghiệp. Và người dân, người ta đã sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trước khi mình làm quy hoạch lâm nghiệp. Đây là 1 câu chuyện có thật ở cả Tây Nguyên mà nếu không giải quyết căn cơ thì rất khó”.

p3-1658890657.jpeg

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Đoàn Giám sát cũng đề nghị tăng cường thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính khi trong đoạn này, tỉnh đã thu hồi 501 ha đất qua thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý hành chính hơn 200 tổ chức và hơn 300 cá nhân vi phạm.

Ông Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đặt câu hỏi: “Báo cáo chưa phân tích làm rõ kết quả sắp xếp lại nhà đất mà chưa hoàn thành theo Kế hoạch thì nguyên nhân như thế nào, đưa ra giải pháp kiến nghị ra sao?”

p4-1658890657.jpeg

Ông Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

Ông Nguyễn Hồng Giang - Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực II, Thanh tra Chính phủ yêu cầu: “Những dự án đầu tư ngoài nhà nước chậm tiến độ không có lý do chính đáng, dự án treo, vi phạm luật đất đai, lãng phí nguồn lực nhất là về đất đai thì đề nghị tỉnh kiên quyết thu hồi đất”.

Về dự án treo gây lãng phái tài nguyên, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Cũng có tình trạng các địa phương cho thuê, sau đó tách thửa, có 1 số trường hợp cấp giấy chứng nhận thì đất công trở thành tư hữu hóa, sai phạm nghiêm trọng về pháp luật. Tỉnh đã có chỉ đạo tổng kiểm kê toàn bộ đất công, nhà công của tỉnh để toàn bộ nguồn lực hòa vào chung phát triển kinh tế”.

p5-1658890657.jpeg

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn, thừa nhận khuyết điểm, không né tránh hạn chế. Chia sẻ với những khó khăn của địa phương cả về thể chế chính sách, mâu thuẫn chồng chéo giữa về pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, việc khó định lượng được lãng phí do thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, Trưởng đoàn Giám sát cũng đề nghị cần xem xét có hay không tình trạng chấp hành không nghiêm kỷ luật, kỷ cương Ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ: " Vấn đề thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý thì Lâm Đồng làm cũng nhiều nhưng việc tự phát hiện của tỉnh còn hơi ít, chủ yếu do đơn khiếu kiện, dư luận, báo chí thì mới làm. Đương nhiên cũng còn những vướng mắc, tồn tại khó tránh khỏi, quan trọng là có dũng cảm nhìn ra không, mà các đồng chí đã dũng cảm rồi thì cố gắng dũng cảm hơn để sửa".

p6-1658890657.jpeg

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Lâm Đồng báo cáo rõ hơn việc ban hành các định mức, tiêu chuẩn trong các ngành, lĩnh vực ở cả Trung ương và địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong việc xử lý kết luận, kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán, đề nghị rà soát có những gì vướng mắc hay chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh có thống kê cụ thể diện tích tạm giao đất ngoài đất ở và có giải pháp tháo gỡ vấn đề này để tránh lãng phí; báo cáo làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm người đứng đầu và có kiến nghị cụ thể hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những vấn đề đã chín, đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh thì cần tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay, không đợi đến khi có Báo cáo và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Lâm Đồng là tỉnh nằm trên vùng đất Nam Tây Nguyên, thuộc 3 cao nguyên là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông lớn. Đây là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; và cũng là địa phương năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và thị trường có nhiều tiềm năng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, du lịch. Được thiên nhiên ưu đãi, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn và tin tưởng tỉnh sẽ thực hiện được các mục tiêu phát triển, đưa tỉnh trở thành một cực tăng trưởng của Tây Nguyên./.

Khắc Phục/quochoi.vn