Đặc thù phát triển dược liệu ở Việt Nam

15/12/2022 08:15

Việt Nam có tài nguyên dược liệu rất phong phú, hàng nghìn bài thuốc cổ truyền, hàng chục nghìn loài dược liệu quý… hoàn toàn có thể phát triển thành công nghiệp dược.

Tài nguyên lớn nhưng nhập khẩu là chính

Theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế), trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, trong 60.000 tấn dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam có đến 80-85% dược liệu được nhập từ nước ngoài.

Mỗi tuần có khoảng 300-400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn). Dược liệu ở nước ngoài có 2 dạng cung cấp: Nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không bảo đảm chất lượng để làm thuốc có giá rất rẻ so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là những dược liệu ở dạng nông sản, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu trong nước.

Tài nguyên dược liệu rất lớn, nhưng 80% dược liệu trên thị trưởng phải nhập khẩu. TS Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết, nguyên nhân do giá thành dược liệu ở Việt Nam cao, khó cạnh tranh với dược liệu nhập khẩu do sản xuất còn manh mún, địa bàn giao thông khó khăn nên cơ giới khó, phụ thuộc lao động phổ thông nên chi phí sản xuất cao. Việc năng suất chất lượng dược liệu ở các vùng trồng chưa ổn định.

Đặc thù phát triển dược liệu ở Việt Nam - Ảnh 2.

Tài nguyên dược liệu của Việt Nam vô cùng phong phú.

Trừ một số doanh nghiệp hợp tác xã sản xuất theo đúng quy trình thì hầu hết, nhiều vùng trồng do các cá nhân nhỏ lẻ thực hiện, chưa thực hiện quan tâm quy trình chất lượng để có sản phẩm ổn định. Ba là thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Nhiều cá nhân tổ chức muốn trồng dược liệu nhưng chưa kết nối được doanh nghiệp, có doanh nghiệp cần kết nối vùng trồng mà không tìm được.

Hiện nay, miền núi phía Bắc là vùng trồng truyền thống, các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái làm rất tốt. Vùng đồng bằng Sông Hồng tập trung vào các cây thuốc nam như trạch tả, kim tiền thảo, ích mẫu.... Vùng trồng dược liệu mới nhưng có nhiều lợi thế là Tây Nguyên, mấy năm gần đây phát triển mạnh do đặc thù đất đai dễ canh tác, diện tích rộng, người dân có tình độ thâm canh tốt nên đây là vùng tiềm năng cho phát triển dược liệu.

Cần chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu trong nước

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước khi người Pháp đến Việt Nam, người dân Việt Nam sống, chữa bệnh, phòng bệnh bằng y dược cổ truyền từ ngàn năm. Gần đây, khi bàn về y học cổ truyền, WHO công nhận VN là một trong những nước có nền y học cổ truyền mạnh ở Châu Á. Cùng với lịch sử dân tộc, y dược cổ truyền thực hiện tốt bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khi y học phương tây đưa vào Việt Nam thì cùng với y học cổ truyền chăm socs sức khỏe cho người dân, hai nền y học vẫn đang song song tồn tại.

PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng Bộ môn thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, có một thực tế phổ biến là chúng ta nghĩ hơi thiên lệch về dược liệu. cho rằng dược liệu chỉ làm ra thuốc điều trị là sai. Sâm chẳng hạn, nó không dùng để chữa bệnh mà chỉ dùng để tăng cường sức khỏe. Ngoài thuốc, còn rất nhiều lĩnh vực khác để ứng dụng dược liệu là thực phẩm chức năng, đồ ăn đồ uống có lợi cho sức khỏe, thực phẩm chức năng...

Đặc thù phát triển dược liệu ở Việt Nam - Ảnh 3.

Dược liệu của Việt Nam còn phát triển manh mún, tự phát.

Bởi vậy, phát triển dược liệu không phải việc riêng của ngành y tế, ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, công thương... phải cùng vào cuộc. Kể cả ngành văn hóa thể thao du lịch cũng phải vào cuộc để phát triển. Đó là những cái khó để phát triển ngành dược liệu trong nước.

Tiềm năng khai thác cây dược liệu Việt Nam chưa triệt để và tối đa. Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân như tầm vĩ mô, chúng ta mới có chính sách mà thiếu cơ chế thực hiện. "Ví dụ cách đây 10 năm tôi muốn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một loại viên nang. Tôi  bàn với một ông giám đốc bệnh viện về nghiên cứu lâm sàng của viên nang. Ông ấy nói giá như sản phẩm của thầy đã nghiên cứu lâm sàng rồi thì tôi sẽ nghiên cứu lâm sàng ngày. Chính sách nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế. Mục tiêu của chúng ta đến năm 2045 là phải có thuốc phát minh từ dược liệu. Nhưng muốn có thuốc thì phải thử lâm sàng, mà không ai muốn thử lâm sàng. Các bệnh viện bận nhiều việc khác, đó chính là một ví dụ về chính sách có nhưng thiếu cơ chế", PGS.TS Trần Văn Ơn nêu.

Hai là, chúng ta chưa có một bộ chiến lược phát triển dược liệu ở Việt Nam. Chúng ta rất cần có kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu. Lợi thế của Việt Nam là cây bản địa, ví như cây quế, chúng ta không quan tâm phát triển mà lại đi nhập khẩu thì rất khó. Chúng ta phải biết tầm nhìn của chúng ta như thế nào để phát triển thì mới mong đạt hiệu quả cụ thể.

Dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp. Do vậy, để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thiết lập được chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững. Cục Quản lý y, dược cổ truyền cũng đề xuất củng cố hệ thống cung ứng dược liệu, cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước. 

Ngành y tế cũng cần tăng cường kiểm tra các loại dược liệu được nhập vào Việt Nam, trong đó quy định dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu. Việc tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ y học cổ truyền theo nhiều loại hình để đáp ứng đủ số lượng, chất lượng cán bộ là điều rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong tạo giống dược liệu chất lượng cao; hiện đại hóa hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc từ dược liệu...; nâng cấp cơ sở hạ tầng các viện, bệnh viện YHCT trong cả nước để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

TH
Bạn đang đọc bài viết "Đặc thù phát triển dược liệu ở Việt Nam" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309