Lộ trình cấm xe máy xăng bắt đầu từ năm 2026
Chỉ thị 20/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7/2025 đã mở ra một giai đoạn mới trong nỗ lực kiểm soát ô nhiễm môi trường tại đô thị lớn.
Theo đó, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy và mô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực đường Vành đai 1. Lộ trình này sẽ tiếp tục mở rộng ra Vành đai 2 vào năm 2028 và tiến tới Vành đai 3 sau năm 2030.

Bên cạnh việc giới hạn phương tiện, Hà Nội cũng đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, thúc đẩy giao thông công cộng và phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện xanh.
Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh thành phố hiện có hơn 6,9 triệu xe máy, chiếm phần lớn lượng khí thải đô thị.
VinFast tiên phong chuyển đổi xanh
Ngay sau khi kế hoạch cấm xe xăng được công bố, VinFast – hãng xe Việt Nam đã tăng tốc triển khai loạt chương trình thúc đẩy xe máy điện.
Kể từ năm 2018, hãng đã đầu tư phát triển nhiều dòng xe máy điện ở các phân khúc khác nhau nhằm phủ rộng thị trường và tạo lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.

Gần đây nhất, chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt - Vì tương lai xanh” lần 3 được VinFast triển khai với mức ưu đãi mạnh, đưa giá xe điện xuống chỉ từ 12 triệu đồng.
Song song, chương trình “Đổi xăng lấy điện” giúp người dân đổi xe xăng cũ sang xe điện với hỗ trợ lên đến 240 triệu đồng. Chỉ trong hai ngày cuối tuần, hơn 1.000 người tại Hà Nội và 600 người tại TP.HCM đã tham gia chương trình này.
Ngoài chính sách bán hàng, hệ sinh thái hạ tầng cho xe máy điện cũng được hãng thúc đẩy. Công ty thành viên V-Green đang lắp đặt trụ sạc tại nhiều khu vực trung tâm, bãi đỗ xe và khu dân cư nhằm giảm lo ngại của người dùng về vấn đề tiếp năng lượng.
Honda và nhiều hãng khác nhập cuộc
Không đứng ngoài xu hướng, Honda – hãng xe máy lớn nhất Việt Nam – cũng đã giới thiệu hai mẫu xe điện mới là ICON e: và CUV e:.
Đáng chú ý, mẫu CUV e: được triển khai hình thức cho thuê với chi phí chỉ 50.000 đồng/ngày giúp người dùng dễ dàng trải nghiệm và tiếp cận xe máy điện trước khi mua.

Đây được xem là bước đi thận trọng nhưng cần thiết, trong bối cảnh thị trường xe điện đang mở rộng nhanh chóng và yêu cầu về giảm phát thải ngày càng rõ ràng.
Chính quyền tăng tốc hỗ trợ người dân chuyển đổi
Ở cấp độ quản lý, chính quyền các đô thị lớn cũng đang tích cực xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân. Tại Hà Nội, dự kiến sẽ có chính sách thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1.
TP.HCM cũng triển khai đề án “Chuyển đổi xanh – TP.HCM mở rộng” hướng tới thay thế 400.000 xe máy xăng của tài xế công nghệ và giao hàng bằng xe điện.

Các chính sách này không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà còn góp phần định hình thói quen sử dụng phương tiện của người dân theo hướng bền vững.
Tín hiệu tích cực cho thị trường xe máy điện
Lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy xăng không chỉ là biện pháp quản lý môi trường mà còn là cú huých lớn cho ngành xe máy tại Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp chủ động đón đầu xu hướng, kết hợp với chính sách hỗ trợ từ chính quyền đang tạo nên nền tảng vững chắc cho thị trường xe máy điện phát triển.
Trong tương lai gần, xe máy điện không còn là lựa chọn thay thế mà sẽ trở thành giải pháp giao thông phổ biến, phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh và mục tiêu trung hòa carbon của quốc gia.