Bảo tồn tranh Đông Hồ - Hình thức mới từ các bạn học sinh THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội)

09/06/2022 14:43

Dòng tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một nét đẹp cổ truyền trong văn hoá Việt Nam suốt mấy thế kỉ. Tranh Đông Hồ đã đi vào văn học một cách thật diễm lệ với sự kết tinh của tinh hoa dân tộc và tài trí con người

 

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Những tinh hoa văn hoá được thể hiện thành công trên chất liệu dân gian truyền thông đã làm nên hồn cốt của dòng tranh này, làm giàu cho kho tàng di sản mĩ thuật Việt Nam. Thế kỉ 21 chứng kiến sự hội nhập văn hoá chưa từng có, nhưng đáng buồn thay, giới trẻ hiện nay dường như đang lãng quên những trang sử vàng của nghệ thuật nước nhà, xa rời với những nét đẹp một thời từng là niềm tự hào của quê hương, xứ sở. Nhưng như cây có cội, như sông có nguồn, niềm khao khát tìm về những giá trị bền vững của văn hoá vẫn luôn sục sôi trong huyết quản của những bạn trẻ, và cơ hội để lật lại những nét đẹp dân gian vẫn luôn đợi chờ chúng ta nắm bắt.

Chỉ trong một buổi thuyết trình ngắn, nhóm các bạn học sinh lớp 9A4 trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm) niên khóa 2017-2021 đã trình bày về lịch sử của dòng tranh Đông Hồ, cách nghệ nhân làm ra các tác phẩm và đặc biệt còn tổ chức một trận “tranh biện” để cùng nhau đưa ra giải pháp cho những thử thách đối với làng nghề này.

Nhóm các bạn học sinh lớp 9A4 trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hoàn Kiếm

MỘT HÌNH THỨC BẢO TỒN DI SẢN MỚI MẺ

Minh Anh cho hay: “Qua những hoạt động này, mình kết nối được với nhiều bạn hơn và có thêm kinh nghiệm làm việc nhóm”

Bạn Lê Việt Anh (THCS Ngô Sĩ Liên, nhóm trưởng) đã quyết định chọn làng tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ làm chủ đề cho bài thuyết trình môn tiếng Anh. Tuy chủ đề này không mới nhưng các thành viên trong nhóm tin rằng cách thể hiện đặc biệt sẽ chinh phục được mọi người. Đây quả thực là một cơ hội tốt để các bạn học sinh có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa của đất nước mình và nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa.

Việt Anh chia sẻ: “Là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất ngàn năm văn hiến, em ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc gìn giữ những nét đẹp văn hoá dân gian. Biết đến tranh Đông Hồ qua những tiết học trải nghiệm làm tranh, em vô cùng ấn tượng với vẻ đẹp độc đáo của những hình tượng dân gian truyền thống, vì vậy, em mong muốn góp công sức của mình vào công cuộc bảo tồn dòng tranh này”.

Cùng suy nghĩ với Việt Anh, Phùng Minh Anh (thành viên nhóm) bộc bạch: “Khi làm việc trong nhóm thì mình hay gặp phải vấn đề kết nối giữa các thành viên trong nhóm. Là một người hướng nội và không giỏi giao tiếp thì mình đã phải cố gắng rất nhiều để cải thiện vấn đề này. Mình đã cố gắng sắp xếp công việc sao cho hợp lí và đồng đều nhất, nói chuyện nhiều hơn với các thành viên và cố gắng làm cùng nhau các công việc chung. Qua những hoạt động này, mình kết nối được với nhiều bạn hơn và có thêm kinh nghiệm làm việc nhóm”.

Những bức tranh đông hồ nổi tiếng: Đám cưới chuột, Lợn âm dương, Đàn gà mẹ con, Nhân nghĩa,...

Để khởi động, nhóm đưa một thử thách cho khán giả: Gọi  tên các bức tranh trên màn hình. Màn khởi động đã phá vỡ không khí căng thẳng trong lớp, những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như Vinh hoa, Phú quý, Chăn trâu thổi sáo,… lần lượt hiện ra.

Nguyên liệu tạo màu cho tranh dân gian Đông Hồ

Sau đó, các bạn học sinh lần lượt đi qua các phần như Lịch sử của làng tranh, cách các bức tranh Đông Hồ được làm ra, Giá trị văn hóa,… và cuối cùng cũng là phần mà mọi người mong chờ nhất: Tranh biện. Mỗi đội sẽ có 2 phút để bày tỏ quan điểm của mình. Tuy là lần đầu tiên tranh biện bằng tiếng Anh nhưng thành viên của cả đội ủng hộ và đội phản đối không hề run mà trình bày khá tốt các lập luận của mình. Nhiệm vụ của hai bạn vẫn là bảo vệ đến cùng các luận điểm của mình, tìm ra các lỗ hổng trong lập luận của bạn để phản biện. Trong tranh biện, không phân định ai đúng, ai sai mà các bạn học sinh phải thuyết phục giám khảo bằng lối lập luận, cách đưa lí lẽ, dẫn chứng của mình. Tranh biện giúp các bạn học sinh có cái nhìn đa chiều hơn về cùng một vấn đề, là sân chơi để các bạn học sinh động não, nghĩ ra giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống, cụ thể trong trận này là về khó khăn với làng tranh dân gian Đông Hồ. Trận tranh biện tuy quy mô nhỏ nhưng khá sôi nổi, các luận điểm đưa ra cũng khá thuyết phục.

CƠ HỘI TRÒ CHUYỆN VỚI NHỮNG NGHỆ NHÂN NỔI TIẾNG

Không phụ đi công sức của mọi người trong nhóm, hoạt động của các bạn học sinh đã nhận được những lời khen ngợi, đặc biệt là từ cụ Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế: “Trước hết, tôi cảm thấy rất vui khi các cháu là thế hệ thanh niên trẻ của đất nước đã có ý thức tìm hiểu, giữ gìn và bảo tồn nét văn hoá mĩ thuật đẹp đẽ của dân tộc. Các cháu đã đầu tư thời gian và tìm tòi tư liệu rất kĩ càng. Tôi đánh giá cao ý thức và kiến thức các em nắm được về dòng tranh dân gian Đông Hồ...”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế

Nhờ hoạt động này mà Việt Anh và cả nhóm còn có cơ hội lắng nghe những chia sẻ đến từ Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, người vừa được Bộ VH,TT&DL phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2020. Bà là nữ nghệ nhân ưu tú đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh về lĩnh vực thủ công mĩ nghệ. Cả nhóm đã được nghe bác tự sự về cuộc đời và sự nghiệp làm tranh, giữ lửa với nghề hơn nửa thế kỉ của mình, về cách bác phục chế, sáng tạo những tác phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cũng như về truyền thống gìn giữ, phát huy bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc của gia đình bác, ước mơ phát triển và đưa dòng tranh Đông Hồ vươn ra thế giới.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: “Muốn nghề tranh phát triển, chúng tôi phải quảng bá đến các trường học để sinh viên biết giá trị của những bức tranh, của tinh hoa văn hoá dân tộc, từ đó có ý thức bảo tồn và phát triển”. Quả thật, văn hoá là hồn cốt dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn, do đó thế hệ trẻ cần thực hiện trách nhiệm lớn lao: giúp những giá trị văn hoá dân tộc bay cao, bay xa và ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh

PHÁT TRIỂN BẢN THÂN THÔNG QUA NHỮNG HOẠT ĐỘNG GIÀU Ý NGHĨA

Những dự án, sản phẩm học tập là một cơ hội thuận lợi để học sinh phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân. Khả năng tư duy độc lập, cộng tác, thuyết trình, tự giải quyết vấn đề và kĩ năng ngoại giao chính là những điều mà các bạn học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên trau dồi được qua hoạt động này. Đặc biệt, các bạn đã tuyên truyền để mọi người cùng nhận thức về trách nhiệm bảo tồn tranh Đông Hồ bằng một hình thức rất mới lạ.

Việt Anh liên hệ với nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh

Người ta thường nói: “Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai”. Quả thật đúng như vậy, tìm hiểu về nguồn cội, về lịch sử, về văn hoá dân tộc là chìa khoá để các thế hệ mai sau kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc, từ đó ứng dụng và phát huy vào những sáng tạo hiện đại.

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc là nhiệm vụ quan trọng dù ở bất kì thời đại nào. Thế giới luôn vận động đổi thay, vì vậy, hình thức bảo tồn cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Những hoạt động của thế hệ trẻ ngày hôm nay chính là động lực, là hi vọng cho toàn xã hội trong công cuộc gìn giữ những tinh hoa văn hoá dân tộc.

(Học sinh THPT Chuyên Đại học Sư Phạm)

Lê Việt Anh