Xây dựng nông thôn mới làm đẹp quê hương

14/07/2023 07:56

Cùng với xây dựng nông thôn mới, ngoại thành Hà Nội đang lan tỏa phong trào chung sức làm đẹp quê hương. Với những việc làm thiết thực, sự chung sức của cộng đồng dân cư, các làng quê của Hà Nội đang ngày càng sáng, xanh, sạch và đẹp hơn, trong đó nhiều nơi hầu như không phải dùng đến ngân sách nhà nước.

Những "điểm sáng" ở ngoại thành

Tuyến đê Tiên Tân đi qua địa bàn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) dài khoảng 1km những ngày này ngợp sắc hoa cúc cánh bướm. Hoa đang độ đẹp, trải vàng khắp triền đê, thu hút nhiều người dân mỗi sớm, chiều ra ngắm, chụp ảnh. Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Hữu Sinh cho biết, trước đây, tuyến đê này cỏ, cây dại mọc um tùm. Nhiều người dân ý thức kém còn đổ trộm rác, phế thải lên mái đê…, khiến cảnh quan rất xấu, môi trường ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Trước tình trạng đó, tháng 3-2023, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của xã đã họp bàn, triển khai thực hiện tuyến đê kiểu mẫu. Xã xây dựng kế hoạch, triển khai xuống các thôn để tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân. Tinh thần đồng thuận cao, nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, ủng hộ tiền dọn sạch cỏ dại, phế thải để trồng và chăm sóc tuyến đê hoa như hôm nay…

picture4-1702774477.jpg
Đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp tại xã Đông Quang (huyện Ba Vì).

Không chỉ ở xã Đan Phượng, sự chung sức xây dựng quê hương đã và đang diễn ra sôi nổi ở nhiều thôn, xã trên địa bàn Hà Nội. Tại xã Đông Quang (huyện Ba Vì), những con đường ngõ, xóm khi xưa nhỏ bé, ô tô không thể đi lọt, thì nay đã ra vào dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Mưu, Trưởng thôn Đông Viên (xã Đông Quang) chia sẻ, dù ở nông thôn, nhưng con em trong làng mua ô tô khá nhiều. Xe có, nhưng không đi được vào tới nhà cũng gây nhiều phiền phức. Chính vì vậy, cuối năm 2022, thôn đã vận động nhân dân cùng lùi tường vào để mở rộng các tuyến đường to rộng hơn. Thôn Đông Viên có 600 hộ dân, thì có khoảng 50 hộ hiến đất thổ cư với tổng diện tích 560m2 để mở đường. Ngoài ra, thôn Đông Viên còn huy động được khoảng 2 tỷ đồng (chưa kể ngày công lao động) để chỉnh trang lại nông thôn và xây, trát lại tường cho các hộ hiến đất…

Bà Nguyễn Thị Thảo, công chức văn hóa - xã hội xã Đông Quang (huyện Ba Vì) cho biết, xã có 3 thôn (Đông Viên, Cao Cương, Quang Húc), thì thôn nào cũng huy động nhân dân vào cuộc chỉnh trang, xây dựng quê hương sạch đẹp. Xã Đông Quang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Khơi sức mạnh của cộng đồng dân cư

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhiều huyện đã vào cuộc quyết liệt, có những cách làm sáng tạo, tổ chức thành các cuộc thi để huy động sự chung sức của cả cộng đồng trong xây dựng quê hương và rất cần gìn giữ, phát huy. Điển hình trong các địa phương thực hiện tốt là huyện Đan Phượng và huyện Ba Vì.

Nhiều năm nay, huyện Đan Phượng duy trì cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Cuộc thi được nhân dân hưởng ứng tích cực, với tổng kinh phí xã hội hóa đến quý I-2023 là hơn 30 tỷ đồng và hàng vạn ngày công của nhân dân thực hiện chỉnh trang, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Còn tại huyện Ba Vì, cuộc thi được thực hiện từ tháng 3-2022. Tính đến hết quý I-2023, huyện đã huy động các nguồn lực xã hội được 64,7 tỷ đồng. Trên những trục đường chính tại khu dân cư, khu di tích lịch sử, các địa phương đã chú trọng trồng, chăm sóc, duy trì bảo vệ cây xanh, cảnh quan, tích cực xây dựng các mô hình mới, như: Con đường bích họa với tổng diện tích hơn 24.900m2; tuyến đường phụ nữ nở hoa có chiều dài hơn 435.900m2 và đã có hơn 30.200 hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại rác hữu cơ tại nguồn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Tiến Quang khẳng định, dù phải đóng góp tiền của và ngày công rất lớn, song người dân rất hồ hởi, phấn khởi. Bởi, phong trào đã đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, tạo môi trường sạch, đẹp để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong triển khai, xã Đông Quang cũng đã huy động được sự ủng hộ của những người con xa quê, có điều kiện kinh tế tốt.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh thông tin, để khích lệ phong trào, hằng tháng, quý và hằng năm, huyện đều tổ chức chấm thi, có trao đổi kinh nghiệm, tham quan thực tế tại các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố... và khen thưởng các địa phương làm tốt. Sau thời gian triển khai, cuộc thi đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt của các ngõ, phố. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì cách làm này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết thêm, địa phương đã đưa nội dung cuộc thi vào nghị quyết của các chi bộ; xây dựng nội quy, quy chế từng xóm, ngõ; phân công cụ thể cho các đoàn thể đảm nhận, hoàn thành các chỉ tiêu công việc cụ thể; thành lập tổ xung kích vệ sinh môi trường, duy trì tổ tự quản, tổ chăm sóc các tuyến đường có hoa… Quan trọng nhất là các địa phương cần duy trì thường xuyên những giải pháp cụ thể, không "đầu voi, đuôi chuột".

Với những cách làm sáng tạo, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng dân cư, khu vực nông thôn Hà Nội ngày một sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn hơn, góp phần vào nâng cao đời sống người dân.

---

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội

Thanh Nga
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng nông thôn mới làm đẹp quê hương" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309