Thiếu hiểu biết về điện gây cháy nổ đáng tiếc
Nhiều vụ cháy nổ liên quan đến xe điện trong gia đình bắt nguồn từ việc sử dụng sai thiết bị hoặc thiếu kiến thức an toàn điện. Một trong những lỗi phổ biến là cắm sạc công suất lớn vào ổ điện không phù hợp, hoặc sử dụng adapter chuyển đổi không đúng chuẩn.
Trường hợp của anh Nguyễn Khoa (TP.HCM) là ví dụ điển hình. Khi sạc chiếc xe điện nhỏ công suất 1,5 kW bằng adapter chuyển chân từ 3 chấu sang 2 chấu, ổ cắm bất ngờ phát nổ chỉ sau vài phút sử dụng.
Rất may, sự cố được xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về người và xe. Nhưng Khoa thừa nhận đây là bài học đắt giá, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng thiết bị sạc đúng chuẩn và có tiếp địa.

Những lưu ý đảm bảo an toàn khi sạc xe điện tại nhà
Kiểm tra kỹ hạ tầng điện trước khi lắp bộ sạc
Trước khi lắp đặt bộ sạc xe điện tại nhà, người dùng cần đánh giá tình trạng hệ thống điện gia đình, đặc biệt là công suất chịu tải và chất lượng dây dẫn. Xe điện là thiết bị tiêu thụ điện năng lớn, nếu sử dụng chung đường dây với các thiết bị khác có thể gây quá tải, dễ dẫn tới cháy nổ.
Hãy tham khảo ý kiến từ kỹ thuật viên chuyên ngành hoặc đội ngũ kỹ thuật của hãng xe để được tư vấn phương án đấu nối phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả xe lẫn hệ thống điện.
Trang bị thiết bị bảo vệ: Aptomat chống giật và CB
Một trong những biện pháp bảo vệ quan trọng là lắp aptomat chống rò điện (RCBO) hoặc cầu dao tự động (CB) riêng cho bộ sạc xe điện. Những thiết bị này sẽ tự động ngắt điện ngay khi phát hiện dòng rò hoặc chập mạch, giúp hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ.
Việc sử dụng ổ cắm có nắp che, hạn chế tiếp xúc với nước, cũng là yếu tố cần được quan tâm, đặc biệt trong điều kiện khí hậu ẩm ướt như tại Việt Nam.

Không tự ý độ chế, thay đổi thiết kế sạc
Người dùng tuyệt đối không nên tùy tiện thay đổi đầu sạc, kéo dây hoặc sử dụng các loại phích cắm, bộ chuyển đổi không rõ nguồn gốc. Những thiết bị kém chất lượng hoặc không tương thích có thể gây đánh lửa, phát nhiệt quá mức, làm chảy dây điện và gây hư hỏng hệ thống.
Nếu cần thay thế hoặc kéo dài dây sạc, phải dùng sản phẩm đúng chuẩn kỹ thuật, có tiết diện đủ lớn để đảm bảo dòng điện ổn định.
Theo dõi tình trạng thiết bị sạc định kỳ
Không chỉ lắp đặt đúng cách, người dùng cần kiểm tra định kỳ tình trạng bộ sạc, phích cắm và các đầu nối để phát hiện kịp thời dấu hiệu hư hỏng như chảy nhựa, phát nóng bất thường, tia lửa điện. Khi phát hiện bất thường, cần ngưng sử dụng ngay và liên hệ đơn vị kỹ thuật để xử lý.

Hạn chế sạc qua đêm hoặc sạc trong không gian kín
Sạc xe điện vào ban đêm là lựa chọn của nhiều người để tận dụng thời gian rảnh. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm rủi ro nếu không có các thiết bị bảo vệ. Nên sạc ở khu vực thoáng khí, tránh để xe sát các vật dễ cháy và không che chắn kín thiết bị sạc.
Đặc biệt, không nên để xe sạc suốt đêm mà không kiểm soát, nhất là trong điều kiện thời tiết ẩm ướt hoặc có nguy cơ rò rỉ điện.