TS. Lê Thành Ý: Phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã và hoàn thiện thể chế đất đai trong Nông nghiệp (Kì 2)

08/05/2022 22:43

Bước vào giai đoạn phát triển mới, kinh tế tập thể- hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo; khắc phục hạn chế, yếu kém để tiếp tục phát triển xứng đáng là hạt nhân xây dựng nông thôn mới văn minh và hiện đại.

 XÃ HỘI HÓA SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

1. Đặc điểm của quá trình xã hội hoá sản xuất nông nghiệp

Do sinh học, một đặc điểm quan trọng của quá trình sản xuất, quy định sự tồn tại khách quan, lâu dài của kinh tế hộ nông dân, đã làm cho quá trình xã hội hoá sản xuất nông nghiệp không giống như trong công nghiệp và các lĩnh vực khác. Nông nghiệp luôn chứa đựng sự thống nhất và mâu thuẫn khách quan giữa sản xuất của hộ gia đình, được quy định bởi đặc tính sinh học, với việc nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với quá trình chuyên môn hoá, hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh ở những khâu cao hơn trong sản xuất sinh học. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hàng hoá lại không tách khỏi công nghiệp bảo quản, chế biến, thương nghiệp và dịch vụ… mà từng hộ khó có thể đảm đương hiệu quả.

Khi chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, nhiều vấn đề từng hộ không làm được, đòi hỏi không chỉ hợp tác mà còn cần có sự đầu tư lớn về khoa học và công nghệ như cách mạng xanh với giống cây, con cao sản; nhân giống hiện đại trên cơ sở sinh học; trang bị công cụ hiện đại, chế biến và bảo quản nông sản, cung cấp các dịch vụ đầu vào,đầu ra cho sản xuất .Do đó đã xuất hiện nhu cầu ra đời của HTX và những loại hình doanh nghiệp nông nghiệp như chế biến, cung ứng dịch vụ, thương mại, cung cấp công cụ và thiết bị sản xuất… .

Tính khách quan trong tổ chức sản xuất tạo sự phân tầng giữa hộ nông dân, HTX và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết sản xuất kinh doanh; tuy nhiên, sự phân tầng này lại không cố định. Sản xuất hàng hoá phát triển và khoa học kỹ công nghệ đã nâng tầm chế ngự tự nhiên;khi  kinh tế hộ ngày càng lớn mạnh, thì vai trò lại giảm tương đối theo nghĩa nhiều chức năng; còn những khâu sản xuất được chuyên môn hóa đều nâng tầng hợp tác, liên kết, liên doanh và tích tụ ở  nhưng tầng nấc cao hơn.

Quá trình xã hội hóa trong sản xuất nông nghiệp bị chi phối bởi:tính đặc thù của sự hình thành thị trường nông nghiệp. Khác với sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản phần lớn được giao sau, đồng nghĩa với khi bắt đầu sản xuất, phần lớn sản phẩm nông sản chưa có hợp đồng tiêu thụ trong khi thời gian sản xuất của nhiều loại sản phẩm lại thường kéo dài nhiều tháng. Sự khác biệt giữa thời điểm bắt đầu sản xuất với thời gian hình thành thị trường tiêu thụ làm cho sản xuất gặp khó khăn trong xây dựng quy, kế hoạch gắn với thị trường.

Đối với nông nghiệp sản xuất hàng hóa nhỏ, hộ nông dân đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ hoàn toàn mang tính may rủi. Khi đi vào sản xuất hàng hóa lớn, từng hộ nông dân lại không đủ sức đối phó hiệu quả với đặc điểm của thị trường giao sau, Đặc điểm thị trường giao sau trong nông nghiệp đòi hỏi phải hình thành các hình thức liên kết ngang và dọc phù hợp giữa đơn vị sản xuất là hộ nông dân với các đơn vị bao tiêu, bảo quản, chế biến và kinh doanh. Ở đây cần chú ý đến vai trò của nhà nước, các HTX và doanh nghiệp liên kết.

Trong sản xuất, do tính đặc thù sinh học nên tính chất và mức độ rủi ro của nông nghiệp thường cao. Có 2 loại rủi ro chủ yếu đó là rủi ro tự nhiên và rủi ro từ thị trường. Rủi ro tự nhiên là rủi ro thất bát mùa màng do khí hậu thay đổi bất thuận, do bão tố, lũ lụt và dich bệnh trong nhiều trường hợp khó dự báo được trước. Còn rủi ro từ thị trường là rủi ro đến từ sự thay đổi quan hệ cung-cầu, thay đổi phương thức và hợp đồng thương mại so với kế hoạch thực hiện. Đó còn là sự thay đổi giá cả nông sản trong tương quan giá cả đầu vào để sản xuất, đặc biệt đối với nông sản trong thị trường giao sau.

Về cơ chế, có thể xuất hiện những rủi ro bất cập từ chính sách như quy hoạch sản xuất và chính sách giá cả, thu mua, xuất nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho người sản xuất. Ngoài ra, còn có những rủi ro từ sản phẩm nông sản phẩm tươi sống, dễ vỡ, dễ hỏng, dễ bị biến đổi chất lượng, khó bảo quản lâu dài và vận chuyển đi xa.

Những đặc điểm cơ bản tạo hệ thống chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp thường ở tầng cở sở là kinh tế hộ nông dân, loại hình này thường chiểm tỷ trọng lớn nhất, Ở những tầng nấc trên là nhưng loại hình HTX và doanh nghiệp như bảo quản, chế biến, tiêu thụ, cung ứng, dịch vụ, thương mại. Sự ra đời và phát triển của các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp thường gắn liền với quá phát triển sản xuất hàng hóa nông sản.

Cùng với những đặc điểm trên đây, nông nghiệp Việt Nam còn là một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất nhiều vụ, cây lương thực chủ yếu là trồng lúa nước phụ thuộc vào tự nhiên với dân số đông và đất đai bình quân đầu người thấp nhất thết giới. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến quy mô và các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong phát triển nông nghiệp hàng hóa và hội nhập quốc tế. Tất cả những đặc điểm nêu ra đều ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết kinh doanh, cần được nhận thức rõ và vận dụng phù hợp đối với từng lĩnh vực, trình độ sản xuất cụ thể ở mỗi vùng và trong từng loại cây, con.

viet-nam-la-nuoc-nong-nghiep-hang-dau-the-gioi-2050-1644298710.jpg
Nông nghiệp Việt Nam còn là một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất nhiều vụ, cây lương thực chủ yếu là trồng lúa nước phụ thuộc vào tự nhiên

2. Sự phát triển HTX, doanh nghiệp và liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp

i) - Tính khách quan của phát triển các hình thức hợp tác

Trong khi khẳng định vai trò đơn vị kinh tế tự chủ cơ bản trong nông nghiệp là hộ nông đân, Mác, Ăngghen, Lênin và nhiều nhà nghiên cứu đều không tuyệt đối hóa tính chất bền vững biệt lập của kinh tế hộ nông dân, mà quá trình phát triển này đòi hỏi phải có các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp. Mác và Ăngghen đều cho rằng, đối với “nghề nông hợp lý” thì hoặc là phải có “bàn tay của người tiểu nông bằng lao động của chính mình” hoặc là phải có “sự kiểm soát của những người sản xuất có liên kết lại với nhau”. Đó là những tư tưởng quan trọng về chế độ hợp tác trong nông nghiệp mà Ăngghen đã từng khẳng định một cách kiên quyết Khi giai cấp vô sản giành được chính quyền thì tuyệt đối không được tước đoạt những người tiểu nông dưới bất kỳ hình thức nào. Nhà nước vô sản phải bằng những biện pháp hết sức tỷ mỷ, khuyến khích họ liên hợp kinh tế với các hiệp hội rên cơ sở quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về chế độ hợp tác”, Lênin có một kết luận quan trọng:đó là Hợp tác xã là “bước quá độ sang một chế độ mới bằng con đường đơn giản nhất, dễ tiếp thu nhất đối với nông dân” . Theo Lênin, kiểu tổ chức hợp tác xã như vậy có khả năng kết hợp hữu cơ, hài hòa, hiệu quả giữa “lợi ích tư nhân với lợi ích xã hội”.

Trong mối quan hệ hợp tác không được xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân của nông dân về vật phẩm tiêu dùng và tư liệu sản xuất, trong đó có ruộng đất. Lênin đã nhấn mạnh bản chất của các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp là tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tương trợ, tôn trọng lợi ích của các thành viên và của hợp tác xã. Người đã phê phán gay gắt sự áp đặt trong việc phát triển kinh tế hợp tác và cho rằng “Ở đây mà dùng bạo lực thì có nghĩa là làm nguy hại đến toàn bộ sự nghiệp và không bao giờ được dùng mệnh lệnh. Chỉ những Hợp tác xã do chính người nông dân điều hành theo sáng kiến của họ và lợi ích của các hợp tác xã được kiểm nghiệm trên thực tế mới có giá trị”. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ phát triển đa dạng loại hình kinh tế hợp tác, bảo vệ lợi ích chính đáng của thành viên và các tổ chức kinh tế hợp tác. Theo Traianôp (1889- 1939), nhà nghiên cứu Xô Viết nổi tiểng thì hợp tác hóa là một quá trình xã hội hóa từng bước kinh tế hộ nông dân, đó là “sự bổ sung cho kinh tế hộ nông dân, phục vụ cho nó và vì thế mà thiếu kinh tế hộ nông dân thì hợp tác xã không có ý nghĩa gì cả”.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn quá trình phát triển nền nông nghiệp đều cho thấy:

- Do đặc điểm của sản xuất, kinh tế nông nghiệp mà đơn vị kinh tế hộ gia đình là hình thức phổ biến nhất có hiệu quả, tồn tại và phát triển lâu dài kể cả trong điều kiện sản xuất hàng hóa lớn

- Hợp tác xã là hình thức tổ chức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp và hiệu quả cả về kinh tế và xã hội đối với kinh tế hộ nông dân.

- Xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác xã phải trên cơ sở tự nguyện, dựa vào nhu cầu và lợi ích của các hộ nông dân với tư cách là những đơn vị kinh tế tự chủ.

- Chế độ kinh tế hợp tác cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hộ nông dân, tập thể và xã hội.

ii) - Sự hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp

Khi đi vào sản xuất nông sản hàng hóa, quá trình phân công và chuyên môn hóa sản xuất được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp trực tiếp và gián tiếp sản xuất kinh doanh, cũng như các loại hình doanh nghiệp có liên quan. Trước hết đó là những đơn vị tiêu thụ nông sản, những đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất như giống, vật tư nông nghiệp, phân bón; các đơn cung ứng công cụ,thiết bị và máy móc nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông và cao hơn là phát triển các đơn vị chế biến, bảo quản, dịch vụ khoa học- công nghệ và doanh nghiệp thương mại.

nn3-1650245040.jpeg
Liên kết có sự hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm, có sự liên kết về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể trong chuỗi sản phẩm hoặc ngành sản xuất

Các loại hình doanh nghiệp phát triển đều dựa vào sự phát triển quan hệ tương hỗ với kinh tế hộ nông dân và hợp tác xã. Trong từng lĩnh vực cụ thể như chăn nuôi gia súc, nuôi bò và sản xuất sữa, trồng cây công nghiệp có thể hình thành doanh nghiệp lớn với cơ chế quản lý tập trung, nhưng nhìn chung,loại hình doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ không lớn so với số đơn vị nông trại.

iii) - Phát triển liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp

Xã hội hóa nông nghiệp về cơ bản là quá trình phát triển và tác động qua lại,hỗ trợ lẫn nhau giữa kinh tế hộ nông dân và giữa họ với các chủ thể sản xuất kinh doanh thông qua hình thức kinh tế hợp tác và liên kết kinh doanh.

Trong phát triển và hiện đại hóa nông nghiệp, khái niệm, nội dung và hình thức hợp tác cần được hiểu rộng hơn. Đó chính là các loại hình liên kết sản xuất giữa những đơn vị kinh tế hộ nông dân với nhau và với các đơn vị sản xuất kinh doanh liên quan tới nông nghiệp để hình thành liên kết ngang-dọc đa dạng hoặc hỗn hợp. Nền tảng cốt lõi của những liên kết này là sự chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm và rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của sản xuất nông nghiệp, trình độ kinh tế hộ, sự phát triển của lực lượng sản xuất, mức độ tham gia vào kinh tế thị trường và quy mô của đối tượng sản xuất, các đơn vị kinh tế hộ nông dân sẽ tham gia vào những hình thức hợp tác và liên kết kinh doanh khác nhau. Trong quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng, việc hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh thường thông qua chủ thể là những đơn vị kinh tế hộ nông dân (KTHND),tổ chức thu mua, chế biến, bảo quản, kinh doanh thương mại để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng (NTD).

Dựa vào trình độ kinh tế của hộ nông dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh, có thể khái quát liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở những trạng thái dưới đây

 (i) – Trạng thái cơ bản của hộ ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp. Ở trạng thái này hầu như các hộ nông dân không hoặc rất ít tham gia vào thị trường và không có sự hợp tác hoặc liên kết sản xuất kinh doanh.

(ii) – Trạng thái của HND tham gia sản xuất hàng hóa độc lập. Trong quá trình này, sản phẩm đưa ra thị trường phải qua nhiều chủ thể độc lập theo quan hệ “mua đứt, bán đoạn” không chia sẻ về lợi ích hay rủi ro. Đây là hình thái của sản xuất nhỏ và phát triển theo chiều rộng.

(iii) - Trạng thái của KTHND chỉ hợp tác liên kết ở khâu sản xuất thông qua hình thức hợp tác đa dạng, các khâu khác hộ nông dân thực hiện độc lập.

(iv) - Là trạng thái của KTHND thực hiện hợp tác sản xuất và những khâu khác theo chiều dọc ( chế biến, bao tiêu sản phẩm…).Đây là trạng thái của kinh tế hộ và nền nông nghiệp hàng hóa ở trình độ cao và đã phát triển theo chiều sâu.

(v) – Sau cùng là trạng thái của KTHND sản xuất hàng hóa lớn, bao quát các khâu sản xuất kinh doanh theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc cho đến khi đưa sản phẩm hàng hóa tới tay  NTD.

Trong nền nông nghiệp hàng hóa phát triển, tỷ lệ trạng thái sau cùng không nhiều, nhưng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa thuộc các lĩnh vực như chăn nuôi gia súc lấy thịt hoặc sản xuất sữa.Trên thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết là sự đan xen giữa các trạng thái của hộ nông dân độc lập liên kết với đơn vị chế biến và kinh doanh để bao tiêu sản phẩm; các HTX của hộ nông dân liên kết với những đơn vị chế biến, kinh doanh để đồng thời bao tiêu sản phẩm và cung ứng dịch vụ.

z1618699047875-5b1499ec52965636dc82bb871beabc4b-1646981020.jpg

 Song hành cùng sự phát triển trên đây là sự ra đời và phát triến của hệ thống cung cấp dịch vụ như tín dụng, khoa học-công nghệ, khuyến nông, cung cấp giống cây con, bảo vệ thực vật, bảo hiểm và tư vấn. Như vậy là trong thể chế phát triển, tầng cơ sở là những đơn vị kinh tế hộ nông dân với quy mô và trình độ khác nhau; còn các tầng trên là những đơn vị sản xuất kinh doanh liên quan đến các khâu chế biến, bảo quản, lưu thông thương mại… Mức độ liên kết sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào trình độ của nền nông nghiệp hàng hóa. Xét về bản chất kinh tế - xã hội, có thể khái quát các cấp độ liên kết dưới những hình thái sau đây

- Không liên kết, mà đơn vị sản xuất tự đưa các hàng hóa nông sản ra mua, bán trên thị trường - theo kiểu “mua đứt – bán đoạn”.

- Liên kết có hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng nhưng không chia sẻ rủi ro.

- Liên kết có sự hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm, có sự liên kết về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể trong chuỗi sản phẩm hoặc ngành sản xuất, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích, nhất là lợi ích của hộ nông dân.

Trên thực tế còn tồn tại đan xen giữa trình độ liên kết với tỷ lệ được quy định bởi trình độ của nền nông nghiệp hàng hóa và tính hiệu quả của các hình thức liên kết trong từng điều kiện cụ thể khác nhau./.

TS. Lê Thành Ý