TS. Lê Thành Ý: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022,một số khuyến nghị chính sách

24/05/2022 08:37

Trong khuôn khổ Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022 (KTVN 2022) do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Trường Đại học Kinh Tế thuộc Đại học Quốc gia ( ĐHQG) Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam đồng tổ chức ngày 20 tháng 5 năm 2022, tại Hà Nội; các nhà khoa học, hoạch định chính sách đã cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và tổ chức truyền thông tập trung trao đổi,thảo luận những vấn đề cốt lõi.

Với chủ đề Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ, Báo cáo Thường niên KTVN năm nay đã tập trung làm rõ diễn biến của đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế trong năm 2021. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động dẫn đến hàng triệu lao động bị mất việc làm. Trong bối cảnh này, ngành dịch vụ phải đối mặt với sức ép lớn từ đại dịch. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số (CĐS) trong nhiều ngành và lĩnh vựcđã trở thành dấu ấn quan trọng để sản xuất kinh doanh dần hồi phục vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nằm trong chuỗi báo cáo tổng kết những vấn đề kinh tế hàng năm đồng thời đề cập tới viễn cảnh và đề xuất chính sách liên quan, Báo cáo Thường niên KTVN 2022 đã hướng vào phân tích Tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam; Chuyển đổi số  và thực trạng trong các ngành dịch vụ và logistic ở Việt Nam, Trên sơ sở này, làm rõ triển vọng và đề xuất chính sách phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh mới.

Kinh tế Thế giới và Việt Nam trong năm 2021-quá trình nhìn lại

Đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường với những biến thể lây lan nhanh đã cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 chỉ đạt 2,58%, là mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Để trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Việt Nam cần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững phù hợp với mục tiêu và thể chế thực thi hiệu quả.

Kinh tế toàn cầu trong xu thế tăng trưởng trở lại

Bức tranh kinh tế toàn cầu của năm 2021 cho thấy, số lớn quốc gia đang đà phục hồi nhưng với nhịp độ tăng trưởng không đồng đều. Đại dịch Covid-19 kéo dài đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ năm 1930. Do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các biện pháp phòng vệ và ảnh hưởng của dịch bệnh đến các hoạt động kinh tế đã kéo tăng trưởng toàn cầu giảm xuống mức âm 3,1% trong năm 2020. Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã nỗ lực để phục hồi kinh tế và bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội cho mọi người dân. Hiệu quả của những nỗ lực thực hiện đã đưa kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi giữa các khu vực lại diễn ra không đồng đều. Trung Quốc một số nước phát triển có mức tăng cao. Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng trở lại. Riêng khu vực Đông Nam Á chỉ giữ tăng trưởng ở mức 3,0%.

Hết tháng 10 năm 2021, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đạt 18.272 tỷ USD, tương đương với 16,4% GDP. Trong đó, nhóm nước phát triển đạt trung bình 19,4% GDP; các nước đang phát triển và mới nổi là 7,51% GDP, những nước thu nhập thấp quy mô các gói hỗ trợ trung bình chỉ đạt 4,3% GDP. Việc can thiệp với quy mô khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi nền kinh tế, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực và điều này cũng tạo ra những lo ngại về những nước thu nhập thấp có khả năng “lỡ nhịp” so với sự phục hồi của kimh tế thế giới.

Đại dịch COVID-19 gây lo ngại về tỷ lệ lạm phát gia tăng do những can thiệp của chính phủ trong chính sách tài khóa và tiền tệ; giá hàng hóa thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất tăng nhanh. Sự thiếu hụt cả đầu vào lẫn đầu ra trong chuỗi cung ứng khi các quốc gia phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế hoạt động kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ chịu mức lạm phát 3,5% vaò năm 2021.

Vấn đề nổi bật của kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng GDP với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chủ đạo. Trong mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 2,58%, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80% và khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với mức tăng 6,37% và đã đóng góp 1,61 % vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất, tạo thuận lợi để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ phục hồi. Theo đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm giữ được ổn định; thị trường chứng khoán phát triển mạnh với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 45,5% so với năm 2020;tổng phương tiện thanh toán đến hạ tuần tháng12năm 2021 đã tăng 8,93% so với cuối năm 2020. Nhờ những giải pháp tích cực, huy động của tín dụng tăng trên 8,4% và tín dụng của toàn  nền kinh tế trong năm tăng trưởng 12,97%.

Số liệu thống kê còn cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,18% và bình quân cả năm 2021, chỉ tăng 1,84% so với năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản cả năm tăng 0,81%; giá vàng trong cả nước có biến động, chỉ số giá tháng 12-2021 tăng1%; chỉ số giá USD bình quân cả năm 2021 giảm 0,97% đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô trong năm.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Năm 2021 số doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 13,4% với số vốn đăng ký chỉ đạt 1.611.109 tỷ đồng, giảm 27,9% so với năm 2020. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp trở lại hoạt động giảm 2,2%. Dịch bệnh kéo dài đã “bào mòn” sức lực của nhiều doanh nghiệp với trên 119.828 doanh nghiệp trong nước tạm ngừng hoạt động và số giải thể cũng tăng 17,8% so với cùng kỳ của năm 2020.

Phân tích tình hình kinh tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy, tăng trưởng xuất nhập khẩu là gam màu sáng nhất trong bức tranh kinh tế vĩ mô của năm 2021. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cung với những nỗ lực, chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại; tổng kim ngạch cả năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

Đối với nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%, khu vực FDI đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021có xuất siêu trên 4 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD và khu vực FDI  xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Có được những kết quả trên đây là nhờ Việt Nam đã khai thác tốt thị trường nước ngoài. Cùng với giữ được thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.

Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là nét nổi bật trong năm. Vốn FDI đăng ký mới và đăng ký tăng thêm đều tăng trở lại cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2021đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước. Nguồn vốn này bao gồm: Vốn khu vực nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, vốn FDI thực hiện khoảng 19,74 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,30 tỷ USD, chiếm 72,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản 2,63 tỷ USD, chiếm 13,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,54 tỷ USD, chiếm 7,8%.

Tiếng nói của các nhà nghiên cứu và quả lý trong trao đổi, tọa đàm

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực từ phân tích tư liệu Thống kê và dự báo trong những tháng đầu năm 2022, song theo các nhà nghiên cứu, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam phần nào đó còn chậm so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Những chính sách hỗ trợ và giải pháp phục hồi quyết liệt được Đảng và Chính phủ ban hành, song đòi hỏi các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy cao hơn mọi động lực để duy trì nhịp tăng trưởng sớm trở lại mức trước đại dịch; rất cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và nâng cao nền tảng KTS.

Trong những chính sách và giải pháp cần làm, chuyển đổi số (CĐS) sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Mặt khác, nền tảng dịch vụ số hiệu quả, sáng tạo sẽ tạo tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao, đảm bảo đầu ra cũng như các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các ngành mũi nhọn, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu tại lễ công bố, Giám đốc ĐHQGHà Nội  Lê Quân nhấn mạnh, kể từ khi ra mắt vào năm 2009, Báo cáo Thường niên KTVN đã trở thành sản phẩm khoa học được trông đợi với nhiều kiến nghị, chính sách được các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và đội ngũ hoạch định chính sách kinh tế đánh giá cao. Ông cho rằng, chủ đề của Báo cáo Thường niên năm nay là hướng nghiên cứu đúng đắn và phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực dịch vụ hậu Covid-19. Báo cáo đã góp phần vào hoạch định chính sách để chuẩn bị đầu tư thích đáng trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, báo cáo còn phù hợp với hướng đào tạo ưu tiên của trường trong giai đoạn tới.với những ngành gắn với dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật. là những lĩnh vực còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng hiện nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Báo cáo Thường niên KTVN2022 là nơi hội tụ các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, giảng viên từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Ông mong muốn đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như mọi người quan tâm đến vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển của Việt Nam những năm tới đây.

Trao đổi trong lễ công bố báo cáo thường nên KTVN 2022, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, TS. Trần Toàn Thắng- cho rằng, bài học rút ra từ trong phục hồi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khi đất nước này vẫn kiên trì theo đuổi chính sách Zero-Covid rất quan trọng đối với nước ta.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS. Cấn Văn Lực, rủi ro lớn nhất của thế giới ngày nay là lạm phát. 60% số doanh nghiệp Mỹ được khảo sát đã bày tỏ mối lo ngại về rủi ro lạm phát. Chỉ số lạm phát bình quân toàn cầu năm nay được dự báo khoảng 6,2%, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, Do vậy, hầu hết Ngân hàng Trung ương ở các nước đã buộc phải tăng lãi suất, điều này có thể gây hệ lụy lớn. Cùng với hệ lụy này ông còn chỉ ra mốilo ngại khác đối với Việt Nam. Đó  là chất lượng tăng trưởng hai năm vừa qua đã bị thay đổi, năng suất lao động rất thấp, chỉ tăng khoảng 4-4,5%, thấp hơn nhiều năm trước đó. Trong khi thị trường tài chính, thị trường bất động sản lại phát sinh quá nhiều vấn đề.

yyyyyy-1653356136.png
  Lễ lễ công bố, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 (Ảnh VEPR)

Với nhận định, kinh tế đang dần hồi phục, đòi hỏi phải phát huy mọi động lực để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế bền vững; bối cảnh đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng trên cơ sở đổi mới sáng tạo cũng đặt ra những yêu cầu phải nâng cao nền tảng số trong phát triển đồng thời với tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế; nhóm tác giả báo cáo đã tập trung phân tích thực trạng CĐS và triển vọng phát triển của ngành tài chính ngân hàng, logistics và từ đó đã dự báo tăng trưởng phải dựa vào những kịch bản và chính sách tập trung tháo gỡ các vấn đề được đề cập, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững .

CĐS trong lĩnh vực dịch vụ không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn bởi đại dịch mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để có thể thúc đẩy tốc độ CĐS.

Rủi ro đầu tư, năng lực nguồn nhân lực đang là những cản trở đối với doanh nghiệp trong CĐS. Để các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ có cơ sở xây dựng lộ trình CĐS hiệu quả, nhóm tác giả đã nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ CĐS dựa trên các bộ tiêu chí và tính chất đặc thù của ngành. Trên cơ sở phân tích các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng với những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường, báo cáo thường niên KTVN đã xây dựng một số kịch bản của nền kinh tế trong năm 2022 và xa hơn nữa cho giai doạn sau.

Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu và n\một số khuyến nghị

Khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tùy thuộc vào chính sách kiểm soát dịch bệnh và quy mô của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,6% trong năm 2021. Nhưng đã đảo chiều  từ quý I năm 2022 với nhiều khả năng chỉ đạt 3,5% trong nămà sẽ giảm xuống 2,9% trong năm 2023. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) được dự báo phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2021, sau đó giảm dần với mức tăng 4,3% của năm 2022 và còn 2,3% trong năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 8,1% năm 2021 trước khi giảm tốc xuống 5,1% vào năm 2022 và năm 2023.

Tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại ở mức từ 6% đến 6,5% vào năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát. Những dự báo này dựa vào dư địa chính sách tài khóa tạo điều kiện cho những tác động của Chính phủ nhằm khôi phục kinh tế. Nền kinh tế sẽ phục hồi tăng trưởng khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với từng nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về: Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,

Từ thực tiễn nghien cứu, các nhà phân tích cũng đã đưa ra một số kkhuyến nghị tập trung vào phục hồi và tăng trưởng bền vững.  Đó là ưu tiên nguồn lựcđể  củng cố hệ thống y tế và nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin bao phủ trên toàn quốc. Củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng cần là ưu tiên hàng đầu trong các gói hỗ trợ.

Thứ hai là củng cố hệ thống an sinh xã hội Với mục tiêu hỗ trợ những nhóm dân cư và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, các biện pháp cụ thể cần bao gồm cả việc hỗ trợ khắc phục đứt gãy lao động, bảo đảm lao động nhập cư làm việc không chính thức được hỗ trợ đầy đủ, giải ngân nhanh gói hỗ trợ để người nghèo cũng như những người tham gia bảo hiểm xã hội chính thức được hỗ trợ kịp thời

Cần cần hỗ trợ doanh nghiệp một cách  thiết thực hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, họ phảichịu gánh nặng chi phí bảo đảm vừa sản xuất, vừa chống dịch. lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đặc là những doanh nghiệp trong một số lĩnh vực bị “đóng băng” do dịch bệnh.

Thêm vào đó, cần sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp.  Lãi suất của Việt Nam tuy đã được hạ thấp so với năm 2020 nhưng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu không giảm được mặt bằng lãi suất thì khu vực tài chính, ngân hàng được hưởng lợi, còn các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác sẽ chịu nhiều bất lợi, sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến phục hồi tăng trưởng

Đầu tư công là động lực để thúc đẩy thu hút đầu tư xã hội , đặc biệt là hạ tầng y tế. Giải ngân vốn đầu tư công là kênh quan trọng để kích thích kinh tế trong đầu tư của khu vực tư nhân. Giải ngân vốn đầu tư công cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ttiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công là nột yêu cầu cấp bách . Bên cạnh việc chú trọng ưu tiên đẩy mạnh giải ngân các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia có sức lan tỏa lớn, cũng cần đẩy mạnh thực hiện những công trình trùng tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng sẵn có như kinh nghiệm của một số nước khác trong khu vực.

Để bảo đảm thực hiện thành công các biện pháp gợi ra, rất cần sự phối hợp chặt chẽ  giữa các bộ, ban ngành, giữa Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt là  các gói chính sách hỗ trợ phải đủ liều lượng, đúng thời điểm và đúng đối tượng.  Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp trong việc tính toán nhằm bảo đảm dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Trong dài hạn, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển lâu dài cho nền kinh tế. Kinh tế số đang là mối quan tâm và trở thành xu hướng phát triển của toàn thế giới, cùng với xu thế tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế số và tăng trưởng xanh thể hiện những lợi ích vàvị thế đối với tăng trưởng trong kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân. Chính vì điều này, rất cần nghiên cứu và tạo môi trường phù hợp để phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh. Đây là động lực phát triển lâu dài cho nền kinh tế./.

 

Lê Nguyễn (tổng hợp)