Triệu tập người đàn ông đi bán tải dùng dùi cui tấn công phụ nữ ở Hà Nội

Người đàn ông dùng dùi cui tấn công phụ nữ giữa phố tại Hà Nội: Đối mặt án phạt lên đến 28 triệu đồng hoặc truy cứu hình sự.

Ngày 7/5, Công an phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) đã triệu tập N.T.H. (31 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ) để làm rõ hành vi dùng dùi cui tấn công chị M., người đang điều khiển xe máy trên phố Phúc La.

Theo điều tra ban đầu, vào khoảng 12h45 cùng ngày, H. ngồi ở ghế phụ trong một xe tải lưu thông trên đường thì gặp chị M. đang dừng xe máy cạnh vỉa hè để nghe điện thoại.

01
 

Dù tài xế xe tải liên tục bấm còi nhưng chị M. không di chuyển, gây ùn tắc cho các phương tiện phía sau. Khi tiếp tục di chuyển, chị M. vẫn điều khiển xe máy chậm khiến ô tô không thể vượt.

Bức xúc, H. hạ kính xe và to tiếng với chị M., sau đó bất ngờ dùng một gậy sắt (được xác định là dùi cui) chọc vào vùng mặt người phụ nữ rồi rời khỏi hiện trường.

Hành vi trên đã khiến cộng đồng mạng và người dân vô cùng bức xúc, đặt ra nhiều lo ngại về hành vi bạo lực và sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép nơi công cộng.

Hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Phạm Thanh Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Khoản 11, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, dùi cui điện, dùi cui cao su và dùi cui kim loại thuộc nhóm công cụ hỗ trợ.

03
 

Người dân không được phép tàng trữ, sử dụng nhóm vật dụng này nếu không có giấy phép.

“Việc đối tượng H. dùng dùi cui tấn công người khác là hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ để cố ý gây thương tích. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy mức độ, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Bình phân tích.

Cụ thể, nếu hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, theo Điểm a, Khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 5 triệu đến 8 triệu đồng. Đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm.

Ngoài ra, việc sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép cũng vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 4 cùng Nghị định trên với mức xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

“Tổng mức xử phạt hành chính cho hành vi của đối tượng có thể lên đến 28 triệu đồng và bị tịch thu tang vật vi phạm”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Trong trường hợp kết quả giám định thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội có thể đối diện án cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, thậm chí tù chung thân.

02
 

Cảnh báo và khuyến cáo từ chuyên gia pháp lý

Từ vụ việc trên, luật sư Phạm Thanh Bình khuyến cáo người tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh, tránh xung đột không đáng có.

Trong trường hợp xảy ra va chạm hay mâu thuẫn trên đường, nên giải quyết bằng thái độ ôn hòa, không khiêu khích hay sử dụng vũ lực.

Đồng thời, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ quy định dừng, đỗ xe hợp lý. Việc dừng xe giữa đường hoặc tại làn xe đang lưu thông để nghe điện thoại không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mâu thuẫn.

Khi bị đe dọa hoặc hành hung, người dân cần nhanh chóng ghi nhận biển số xe, hình ảnh hiện trường (nếu có thể) và trình báo ngay cho cơ quan công an để được xử lý theo quy định pháp luật.