Tọa đàm về “Chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững tại Đồng Tháp"

19/02/2022 14:42

Nongthonvaphattrien - Sáng ngày 19/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm về “Chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững tại Đồng Tháp”. Chủ trì buổi tọa đàm có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT ông Lê Minh Hoan, Phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Phạm Thiện Nghĩa, cùng các sở ban ngành và các huyện trong trong tỉnh.

1111-1645256324.jpg
Một số đại biểu lưu niệm cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Tọa đàm

Cùng tham dự tọa đàm có các chuyên gia đến từ các Cục, vụ, viện, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế; PGS.TS.VS.Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng, Viện IPSARD; Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc, Trung tâm Agroinfo/IPSARD; Ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối Chương trình IFAD Việt Nam; Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Helvetas Việt Nam; Ông Nguyễn Song Hà, trợ lý Trưởng Đại diện FAO Việt Nam; Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt nam; Ông Nguyễn Việt Hùng, Chuyên gia, Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI); Ông Đỗ Thành Lâm, Chuyên gia độc lập, ông Cao Tăng Bình, chuyên gia Ngân hàng thế giới; Ông Hoàng Văn Tú, Viện Kinh tế tuần hoàn và phát triển; Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia môi trường; Ông Lê Minh Cường, Chuyên gia thương hiệu và ông Hoàng Xuân Trường, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp – CASRAD.

Mở đầu tọa đàm Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm giúp cho người nông dân, doanh nghiệp và các địa phương có cách tiếp cận mới. Tuy nhiên để đưa chiến lược này vào cuộc sống đề nghị các địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học cần chắt lọc những cái hay nhất của thế giới về phát triển nông nghiệp. Cụ thể là nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp minh bạch, nông nghiệp tuần hoàn. Về mặt lý thuyết và chiến lược rất đúng nhưng để áp dụng cho từng địa phương cũng còn khó khăn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời điểm này chúng ta không còn con đường nào khác nữa mà cần mạnh dạn bắt tay vào tiếp cận cái mới. Chúng ta đừng nghĩ rằng thay đổi cách làm cũ đó là một khó khăn, nhưng đó là cơ hội giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng cũng mong rằng các chuyên gia, nhà khoa học cùng các địa phương bắt tay làm hệ sinh thái với Bộ NN-PTNT để giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững.

bo2-1645256435.jpg
bo3-1645256482.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm

Tiếp đó, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp nằm trong vùng Đồng Tháp Mười có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp và cũng là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã có những thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Trong những năm triển khai đề án Tái cơ cấu, ngành lúa gạo của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng kể.  Ngoài 70 mô hình với diện tích 140 ha canh tác theo phương thức “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” được trình diễn, tỉnh đã nhân rộng lên hơn 24 nghàn hecta, gấp 172 lần so với diện tích mô hình trình diễn. Những năm qua, tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nhiều loại trang thiết bị, máy nông nghiệp mới vào sản xuất nhằm mục tiêu cơ giới hóa.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp rất vui mừng được Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh tổ chức tọa đàm và được Bộ trưởng đến dự. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Đồng Tháp trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực từ hệ thống chính trị đến người dân trong việc thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp. Mặc dù có nhiều thành công nhưng còn có những tồn tại như tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 3,6%/năm, thấp hơn mục tiêu 5%/năm theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra. 

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung góp ý, đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện được “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Ngoài ra các đại diện các tổ chức quốc tế và trong nước đồng thuận cùng chia sẻ các bài học kinh nghiệm đã có và xây dựng các hoạt động mới cùng giúp Đồng Tháp trong thời gian tới. Phát triển nông nghiệp không phải là việc của riêng ngành nông nghiệp mà cần sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp các ngành, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phát triển thị trường, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu nông sản, chế biến và đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, điều hành thực hiện đề án được hiệu quả. Tọa đàm đã nhận được các góp ý, chia sẻ từ các chuyên gia trong “CLB chính sách ven hồ”.

Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng lúa, sau Kiên Giang và An Giang. Diện tích lúa của tỉnh năm 2021 đạt 530 nghìn ha, sản lượng trên 3 triệu tấn, chiếm 7% về diện tích và 7,7% về sản lượng lúa toàn quốc. Năng suất lúa tại Đồng Tháp ổn định ở mức tương đối cao đạt 65,62 tạ/ha, cao nhất vùng ĐBSCL.

Tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã chuyển đổi được hơn 24.769 ha đất lúa kém hiệu quả, 65,6% chuyển sang cây trồng hàng năm như bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen (tương đương 16.248 ha); 30,5% chuyển sang trồng cây lâu năm như xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn (tương đương 7.555 ha); 3,9% chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản với hình thức luân canh lúa-tôm, lúa-cá, lúa- ếch... Nhìn chung, lợi nhuận từ việc chuyển sang trồng hoa màu cao gấp 2-3 lần so với lúa. 

 

Xuân Trường