Thực trạng, giải pháp phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi

01/09/2022 22:39

Sáng 24/8, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi”.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông lâm sản và thủy sản. Trong đó, có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

chi02-1662046496.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Để khuyến khích phát triển liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngày 5/12/2018, HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai. Trong đó có Quyết định số 2085/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 về việc ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi, với dự kiến kinh phí hơn 366 tỷ đồng đồng để hỗ trợ các dự án, kế hoạch liên kết hoạt động sản xuất theo chuỗi giai đoạn 2021 - 2025.

chi2-1662045737.jpg
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí phát biểu tại Hội thảo

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, mặc dù rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, tuy nhiên, đến nay, Hà Nội chưa hỗ trợ được dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP. Nguyên nhân chính là do chính sách ban hành chưa đồng bộ, chưa cụ thể.

chi03-1662046534.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT), cho rằng việc thực hiện Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, nhất là trong bối cảnh mới về thương mại. Thực tế, sau gần 4 năm được ban hành, đến nay, mới có 36/63 tỉnh, TP thực hiện, trong số này không có Hà Nội.

Cũng theo TS Nguyễn Tiến Định, hợp tác xã được xem là chủ thể quan trọng bậc nhất trong phát triển các chuỗi liên kết. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đã ban hành, tuy nhiên, đánh giá cho thấy các chính sách chưa đủ mạnh. Thủ tục, điều kiện để có thể tiếp cận còn phức tạp…

chi05-1662046605.jpg
Tại Hội thảo các đại biểu đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy liên kết

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, đơn vị đang rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Từ đó, đề xuất Trung ương và HĐND TP Hà Nội sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, cũng như những nội dung chưa phù hợp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Riêng đối với Nghị quyết 10/NQ-HĐND của HĐND TP, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết hiện đang tập trung rà soát để trình UBND TP Hà Nội báo cáo HĐND TP Hà Nội cho phép sửa đổi. Trong đó, sẽ đề xuất quy định rõ nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo liên kết chuỗi, làm cơ sở xây dựng, ban hành hướng dẫn Quy trình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức triển khai. 

 

Trang Viên