Phát triển làng nghề và bài toán giảm ô nhiễm môi trường ở Đan Phượng

08/03/2023 07:17

Đan Phượng là huyện ngoại thành của Hà Nội, nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như: sản xuất đồ mộc, chế biến lâm sản... Làng nghề đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường.

dan-phuong-1691453740.png
Nghề mộc truyền thống đã tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người dân

Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 7 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Trong đó, làng Hạ và Trung (xã Liên Trung) đều có nghề chế biến lâm sản (làng Hạ có 211 hộ sản xuất, 114 công ty, 1.300 lao động; Làng Trung có 289 hộ sản xuất, 107 công ty, 1.600 lao động), thu nhập của các lao động làng nghề đạt 10-15 triệu/ người/tháng. Làng nghề Thượng Thôn (xã Liên Hà) sản xuất đồ mộc, có hơn 40 doanh nghiệp và 356 hộ đang hoạt động, tạo việc làm cho 4.000 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, thôn Tháp Thượng (xã Song Phương) có nghề sản xuất kẹo lạc và kẹo dồi, thôn Trúng Đích (xã Hạ Mỗ) sản xuất đậu phụ và nấu rượu thủ công; Thôn Bá Nội (xã Hồng Hà) có nghề nấu rượu và làm đậu phụ, thu hút hơn 1.000 lao động... Kinh tế làng nghề đóng vai trò quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Dù vậy, cùng với đó là những thách thức về ô nhiễm môi trường ngày một lớn, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết triệt để.

dan-phuong1-1691453740.png
Hà Nội đặt ra loạt giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm làng nghề từ nay đến 2030

Để giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.

Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả.

Thời gian tới huyện Đan Phượng và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình. Huyện sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn gặp khó khăn về quỹ đất để bố trí mặt bằng cho việc di dời này.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia môi trường khác nhấn mạnh, để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường các làng nghề cần phải xây dựng quy hoạch lang nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề cần được giải quyết tại nguồn, nơi xảy ra phát thải. Chính quyền địa phương phải kiểm soát và hướng dẫn hoạt động của các làng nghề. Trước hết là thay đổi nhận thức, coi hoạt động làng nghề là sản xuất công nghiệp thay vì nông nghiệp, để có định hướng giải pháp phù hợp nhằm khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường…” GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) chia sẻ.

Đây là giải pháp quan trọng nhất, bởi thực tế hiện nay đa số làng nghề đều tập trung ở khu vực đông dân cư, dẫn đến khó mở rộng sản xuất, đồng thời ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến người dân nặng nề hơn.

Vì vậy, các địa phương cần sớm có quy hoạch làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời, các khu vực này phải xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường.

dan-phuong2-1691453740.png

Những con đường nhiều mảng xanh ở Đan Phượng

Đây chính là việc làm đúng đắn, hợp với lòng dân và cũng là tiền để để huyện Đan Phượng phát triển bền vững, trở thành một Quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2025 theo kế hoạch đã đề ra.

Hiện nay, Việc vệ sinh môi trường của Đan Phượng có thể nói là một trong những địa phương làm tốt nhất cả nước, hàng tháng ở đây đều có những cuộc thi từng cụm dân cư, thôn xóm về môi trường để từ đó lựa chọn ra thi xã này với xã khác. Đến đây có thể cảm nhận đúng là miền quê đáng sống, chúng tôi cũng sẽ có một buổi làm việc riêng của Hà Nội để học tập Đan Phượng.

Bảo Thanh
Bạn đang đọc bài viết "Phát triển làng nghề và bài toán giảm ô nhiễm môi trường ở Đan Phượng" tại chuyên mục Làng nghề. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309