Nông dân và DN “chạy đua” nâng “chất” sầu riêng để chinh phục thị trường tỷ dân

24/11/2022 10:50

Người dân Việt Nam trồng sầu riêng hãy chinh phục thị trường Trung Quốc bằng chất lượng trái sầu riêng. Nhiều nông dân và doanh nghiệp đang chạy đua đầu tư vùng trồng và hệ thống lại quy trình canh tác để đáp ứng yêu cầu của thị trường khổng lồ này.

Bà Ngô Tường Vy, phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre).

Dù mới chỉ chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ tháng 9 vừa qua nhưng sầu riêng Việt Nam đang làm các nhà sản xuất tại Thái Lan lo ngại vì đe dọa đến vị thế độc tôn của trái cây này tại thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Lượng đơn hàng mà các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt hàng doanh nghiệp Việt lớn gấp đôi sản lượng cả nước khiến giá sầu riêng tăng mạnh. Nhiều nông dân và doanh nghiệp đang chạy đua đầu tư vùng trồng và hệ thống lại quy trình canh tác để đáp ứng yêu cầu của thị trường khổng lồ này.

Sầu riêng được giá

Hiện, giá sầu riêng cắt tại vườn là 65.000 - 75.000 đồng/kg và nhà vườn rất phấn khởi bởi với mức giá hiện tại, sau khi trừ các chi phí nhà vườn đang có lãi. Mức giá này cao hơn khoảng 20% so với cách đây hai tháng và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Có mặt tại vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, ông Bảy Mừng cho biết gia đình ông vừa cắt xong 5 tấn sầu riêng. "Với những trái đạt chuẩn tôi bán 75.000 đồng/kg, hàng loại 2 - 3 là 65.000 đồng/kg. Thu về hơn 300 triệu đồng", ông Bảy Mừng nói.

Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, sầu riêng tăng giá mạnh phần lớn nhờ việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được khai thông.

Để tận dụng được thị trường này, sở đề nghị người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh. Ngành nông nghiệp tập trung tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân...

Tiền Giang cũng đang xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng có tổng diện tích trên 17.000ha, tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy... Tại Tiền Giang có khoảng 100ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng.

Còn tại Tây Nguyên, ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch Hợp tác xã (HTX) trái cây Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết hiện HTX có trên 1.000ha sầu riêng với sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã vùng trồng (16 mã).

Nhưng năm 2022 khi được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch thì vụ mùa đã hết, nhiều người đặt vấn đề mua quota nhưng HTX không hám lợi, quyết đóng mã để bảo vệ bà con. Bên cạnh đó, HTX và địa phương phải quản lý chặt mã vùng trồng để ngăn độn hàng đổi mã, làm mất uy tín.

"Xin được một mã vùng trồng là rất khó nên không thể tham lợi nhỏ mà bỏ mâm to. Đến năm sau, khi chọn mua họ cũng sẽ ưu tiên hơn đối với sầu riêng có mã vùng trồng khác, từ đó giá sẽ tự tăng lên, người nông dân hưởng lợi", ông Tuấn phân tích.

Trung Quốc đặt lượng hàng "khủng"

Ông Vũ Ngọc Huy, phó tổng giám đốc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, tiết lộ khi xuất khẩu container sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, doanh nghiệp nhận được đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng.

Nông dân huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, thu hoạch sầu riêng đưa đến các điểm thu mua, xuất khẩu - Ảnh: THẾ THẾ

Nhưng vùng trồng được cấp mã số hiện nay chưa đáp ứng đủ lượng hàng, doanh nghiệp đang phấn đấu mở rộng vùng trồng sầu riêng được cấp mã số từ 3.000 - 5.000ha để tăng lượng hàng cung cấp cho thị trường 1,4 tỉ dân này.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau khi ký chính thức nghị định thư, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 1,3 triệu tấn/năm, gấp đôi khả năng cung ứng (hiện sản lượng 670.000 tấn/năm) của Việt Nam hiện nay.

Từ tháng 9 tới nay, khoảng 30.000 tấn sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Trả lời báo chí Việt Nam, ông Lâm Long Đức, tổng giám đốc Công ty chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Trung Quốc), cho biết phụ nữ Trung Quốc cực kỳ thích sầu riêng bởi vị ngọt và độ ngon của nó.

"Tôi đã đi đến Đắk Lắk, nếm thử sầu riêng của nhiều vùng trồng, tôi mong càng ngày có nhiều sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc", ông Đức chia sẻ và nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường mới đối với Trung Quốc nên cần thời gian để người dân thích nghi, đánh giá. Người dân Việt Nam trồng sầu riêng hãy chinh phục thị trường Trung Quốc bằng chất lượng trái sầu riêng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, thông tin công ty đang phát triển vùng trồng, không xa sẽ có sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Tùng nhìn nhận Việt Nam có lợi thế thổ nhưỡng, vị trí địa lý nên tiềm năng, chất lượng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ cạnh tranh tốt hơn sầu riêng của Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất vào Trung Quốc.

"Về vị trí địa lý, so với Thái Lan, nước ta sang Trung Quốc gần hơn, kéo theo vận chuyển gần hơn, thay vì chỉ mất bốn ngày thì Thái Lan mất đến bảy ngày. Thời gian vận chuyển ảnh hưởng chất lượng quả. Đó là chưa kể đất đai khí hậu... thuận lợi với cây trồng này.

Tuy nhiên, tiềm năng bấy nhiêu thôi chưa đủ, mà cần kết hợp với khả năng tổ chức, phân phối duy trì chất lượng, phải làm ăn tốt, bài bản thì mới có tiềm năng bền vững", ông Tùng nói.

Nhiều lợi thế vượt qua Thái Lan

Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước với khoảng 820.000 tấn, giá trị nhập khoảng 4,2 tỉ USD - mức cao lịch sử. Thái Lan đang là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Ri6 được trồng ở huyện Phong Điền (Cần Thơ).

Dù đi sau nhưng các chuyên gia cho rằng nếu tận dụng tốt lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, bài bản thì ngành sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần, tiến tới vượt Thái Lan và chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruits), đánh giá Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Dù đi sau Thái Lan nhưng sầu riêng Việt Nam vẫn có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Đó là Việt Nam có vị trí giáp Trung Quốc nên chỉ mất từ 1,5 - 2 ngày là có thể đưa hàng đến chợ ở Trung Quốc. Thời gian vận chuyển ngắn, chi phí thấp giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm các nước.

Trong một vài năm tới khi có nhiều mã số vùng trồng và đóng gói được cấp phép có thể tạo thành một "làn sóng" trên thị trường Trung Quốc.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, chủ tịch Công ty CP Bagico (Bắc Giang), cho biết Việt Nam có lợi thế về giao thông, logistics hơn Thái Lan khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Đây là lợi thế lớn khi người Trung Quốc thích ăn sầu riêng tươi. "Nếu vận chuyển bằng đường bộ thì Việt Nam sẽ nhanh hơn Thái Lan ít nhất một ngày, ngoài ra sầu riêng Việt Nam sẽ chín già hơn, tươi hơn so với hàng Thái", bà Thực chia sẻ.

Hơn nữa sầu riêng Việt Nam có thể cho thu hoạch 9 - 10 tháng/năm, còn Thái Lan chỉ có thể cho thu hoạch rộ 4 - 6 tháng/năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh chuyện vượt qua Thái Lan ở thị trường Trung Quốc của trái sầu riêng là điều hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên các nhà vườn, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định của thị trường, nỗ lực phát triển diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số.

Ngược lại, Thái Lan cũng không ở yên để Việt Nam vượt qua khi họ đang tạo ra nhiều giống mới chất lượng cao và đi vào chế biến.

"Vừa rồi tôi qua Thái Lan, họ có sản phẩm sầu riêng đóng hộp ăn liền giống như các hộp sữa chua của chúng ta, rất tiện dụng và giá cả hợp lý. Đây là những điều mà Việt Nam cũng phải nghiên cứu phát triển", ông Nguyên nói.

Nâng “chất” chinh phục thị trường lớn

Theo CEO Chánh Thu Ngô Tường Vy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có những lợi thế mà Thái Lan phải lo lắng nhưng để tạo lợi thế và cạnh tranh ngang bằng thì phải cải thiện chất lượng và học hỏi từ chính họ.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm xuất nhập khẩu trái cây đi khắp thế giới và là một trong năm doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre) đánh giá, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng ở Trung Quốc còn rất lớn, tuy nhiên công ty Chánh Thu cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác hiện không đáp ứng đủ vì diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng hiện nay còn khiêm tốn.

Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh tại vùng nguyên liệu.

Việt Nam cũng có những lợi thế mà người Thái phải lo lắng như khoảng cách gần hơn, thời gian vận chuyển ngắn hơn, giá cước rẻ hơn... Hơn nữa, thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xây dựng được thương hiệu sầu riêng nên một số nhà nhập khẩu, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu để ý đến sầu riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo được lợi thế và cạnh tranh ngang bằng với Thái Lan thì đây còn là một chiến lược dài hơi mà Việt Nam phải thật sự quyết tâm bởi Thái Lan đi trước Việt Nam nhiều năm, chất lượng sầu riêng đồng đều hơn và đã định vị được thương hiệu sầu riêng quốc gia trên thị trường Trung Quốc.

Người Thái cũng nhìn ra được những lợi thế của Việt Nam nên chắc chắn Thái Lan sẽ ngày càng thay đổi và làm chất lượng sầu riêng tốt hơn nữa. Về phần mình, Việt Nam phải cải thiện, học hỏi rất nhiều, đặc biệt là chất lượng trái sầu riêng.

Ví dụ, ở Thái Lan, mỗi trái sầu riêng đều dán đường dây nóng của Chính phủ để người tiêu dùng, khách hàng phản ánh về chất lượng sản phẩm - đây là sự bảo hộ chất lượng sản phẩm rất rõ ràng.

Để có được trái sầu riêng có chất lượng tốt, đồng đều phục vụ thị trường Trung Quốc như hiện nay, Thái Lan cũng mất nhiều năm tự kiểm soát chất lượng trái sầu riêng ở trong nước. Do đó, Việt Nam phải quản lý ở tầm quốc gia để làm sao chất lượng sầu riêng đồng đều chứ không thể nào để Chánh Thu hay bất kỳ doanh nghiệp nào làm đại diện cho chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Để phát huy được lợi thế ấy, tất cả những người tham gia vào chuỗi liên kết sầu riêng phải nhìn nhận rõ vấn đề làm sao để trái sầu riêng của mình tốt hơn nữa. Thái Lan khi thấy sầu riêng - sản phẩm quốc gia có sự cạnh tranh thì không chỉ Nhà nước quan tâm mà từng doanh nghiệp, người nông dân đều quan tâm, theo dõi sát Việt Nam làm trái sầu riêng như thế nào để họ chuẩn bị, sẵn sàng tạo ra những lợi thế riêng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần làm sao để có môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, quy hoạch vùng nguyên liệu đạt chuẩn có quy mô lớn để doanh nghiệp có thể tự tin phục vụ cho thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc./.

Thanh Tâm (T/h