Người phụ nữ khởi nghiệp thành công từ rác thải

26/10/2022 08:53

Từ nguyên liệu bỏ đi, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thường ngày được chị Trịnh Thị Hồng sử dụng công nghệ mới, sản xuất ra các loại nước tẩy rửa nhằm tạo việc làm và cơ hội thoát nghèo cho hàng trăm phụ nữ ở Đà Nẵng.

Xuất thân nghèo khó

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở làng chài ven biển, lại mồ côi từ nhỏ, người phụ nữ ấy hoàn toàn không biết gì về công nghệ sinh học nhưng lại thành công với chế phẩm đặc biệt từ rác thải. Người phụ nữ ấy chính là chị Trịnh Thị Hồng, chị hiện là Giám đốc của Công ty TNHH MTV CNSH Minh Hồng (Đà Nẵng).

Mô hình kinh tế tuần hoàn của chị Hồng đã góp phần vào giải quyết rác thải và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau nhà, dầu gội, nước rửa tay… chị làm ra đều có nguyên liệu từ 100% rác thải hữu cơ.

bien-rac-thai-thanh-nuoc-rua-bat-lau-nha-u60-moi-thang-kiem-vai-chuc-trieu-dong-4-8437-1666748723.jpg

Các sản phẩm nước rửa chén, nước giặt, nước lau nhà, dầu gội, nước rửa tay do chị Hồng làm ra

Theo ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình thay thế cho mô hình tuyến tính vốn chỉ gồm ba giai đoạn là sản xuất, sử dụng và thải loại". Tuần hoàn nghĩa là dịch chuyển từ quy trình sản xuất - tiêu dùng - thải loại sang quy trình khép kín hơn nơi rác thải được coi như nguyên liệu thô và đưa trở lại vào quy trình, nơi sản phẩm và các hệ thống được thiết kế sao cho thuận tiện cho việc tái chế và đó cũng là nơi chúng ta tận dụng nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là dùng và thải loại. Mô hình kinh tế tuần hoàn khuyến khích phát triển bền vững thông qua thiết kế sản phẩm, hệ thống và quy trình tập trung vào tái chế và tái sử dụng, từ đó giảm thiểu rác thải, khai mở tiềm năng phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Hồng đã áp dụng rất tốt với mô hình kinh tế tuần hoàn, chị chia sẻ thêm: “ Chị không coi rác là thứ bỏ đi mà nhìn nhận chúng là các sinh phẩm hữu cơ. Những loại rau, củ quả, cành lá cây… nếu vứt đi sẽ thành rác nhưng khi được tái chế sẽ là nguyên liệu sử dụng được. Những ngày đầu, tôi đã đi từng nhà quanh khu dân cư tôi ở, dặn họ đừng vứt rác thực vật ra đường, mà hãy đem qua nhà cho tôi. Sau đó tôi tự lọc và sơ chế. Trải qua nhiều công đoạn rất dài mới có thể thành công vì bản thân tôi không phải kỹ sư chuyên nghiệp mà bắt đầu từ con số 0 tự tìm hiểu”.

small-15141-201-1666748723.jpg

Chị Trịnh Thị Hồng - Giám đốc Công ty TNHH MTV CNSH Minh Hồng

Cơ duyên với rác thải

Ý tưởng liều lĩnh biến rác thành tiền xuất hiện năm 2011 khi xe chở rác khu phố của chị bị trục trặc, 4 ngày rác không được dọn, bốc mùi khủng khiếp. Đã liều nghĩ, chị lại liều làm, nào tự tìm đọc tài liệu, mang rác về thử đủ cách hết xay rồi phơi, ép... nhưng không xong. Chị kể: “Đến chồng tôi còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, còn con trai thì rằng mẹ thật hão huyền, viển vông”. Người ngoài thì khỏi nói, không ai tin một nông dân lại nghiên cứu được sản phẩm tốt, rẻ từ rác như các giáo sư, tiến sỹ.

Cơ duyên đến với chị năm 2012, khi chị may mắn được nghe thuyết trình của đại diện Thái Lan về công nghệ lên men sinh học tạo chế phẩm từ rác thải hữu cơ tại chương trình tập huấn Phát triển cộng đồng nghèo châu Á.

Tại đây, khi được tham khảo một mô hình làm nước rửa chén từ rác hữu cơ, chị nghĩ “tại sao họ làm được mà mình lại không?” Quyết tâm thực hiện, chị mày mò xin công thức, học hỏi cách làm. Trở về, chị phân loại rác thải trong sinh hoạt, chọn các loại rác thải từ rau, củ, quả, hoa rồi tiến hành thử nghiệm. Những ngày đầu gom rác để thử nghiệm, chị thất bại liên tục. Nhà không đủ, chị đi quanh phố xin rác để thực hiện. Nhiều người nhìn chị với ánh mắt hoài nghi, chế giễu. Thế nhưng lòng đam mê, sự kiên trì cộng với khát khao làm cho môi trường sạch hơn đã giúp chị vượt qua khó khăn. Quy trình làm chế phẩm nước rửa bát, lau nhà… từ rác tưởng là có mùi khó chịu, nhưng quá trình chị Hồng lọc nước từ thùng chứa đầy rác thải, mới hay, theo quy trình này, rác đã sạch, lên men và tỏa mùi hương dịu nhẹ.

images1754389-hong1-1666748723.jpg
Nguyên liệu để chế biến các loại nước tẩy rửa gồm rác thực vật, đường và nước 

Theo chị Hồng, khi đạt các tiêu chuẩn về hình dáng, màu sắc bên ngoài rồi thì cần quan tâm đến cả chất lượng có đảm bảo sức khỏe hay không. Người phụ nữ đam mê tìm tòi này đã lần đầu mang sản phẩm ra Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng số 2 tại Đà Nẵng vào năm 2012 kiểm định. Tuy nhiên kết quả khi đó chưa đạt yêu cầu.

Sau nhiều lần thực hiện kiểm định, đến tháng 10/2015, sản phẩm của chị Hồng đã đáp ứng được gần hết tiêu chí của Bộ Y tế, nhưng còn thiếu duy nhất tiêu chí độ PH vẫn quá thấp. Chị Hồng lại dùng đủ mọi cách từ tháng 10/2015 – 6/2016 mới có thể hoàn thành tiêu chí cuối cùng này.

mh-358-1666748723.png

Gian hàng trung bày các sản phẩm được làm từ rác của Công ty CP công nghệ sinh học Minh Hồng

Như vậy, trong 4 năm (2012 – 2016), chị Hồng đã dành toàn bộ thời gian để ổn định công thức, được đào tạo về khởi nghiệp, kinh doanh để đưa được sản phẩm tiếp cận thị trường.

Mong muốn giúp đỡ người nghèo

Trải qua đủ cực nhọc mưu sinh nên chị Hồng luôn ao ước giúp những phụ nữ khó khăn. Chị chia sẻ với họ cách làm chế phẩm sinh học từ rác và bao tiêu sản phẩm cho họ. Chị Hồng nói: “Tôi giữ quan điểm không cho không người nghèo mà giúp họ một công việc ổn định, có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Để mỗi hộ có thu nhập đều đặn 5 triệu đồng/tháng, tôi thu mua từ mỗi người không quá 2.000 lít/tháng, như vậy để nhiều người được hưởng lợi”.

Rất nhiều công ty đã tìm đến với chị Hồng để hợp tác phát triển sản phẩm hoặc mua lại quy trình sản xuất lên đến 5 tỷ đồng, tuy nhiên chị đều từ chối với lý do không đảm bảo được hai yếu tố môi trường và sinh kế cho người nghèo.

nguoi-phu-nu-khoi-nghiep-tu-rac-3-1666748724.jpg
Chị Hồng từ chối bán công thức chế biến với giá 5 tỷ đồng 

Chị Hồng chia sẻ: "Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, sinh con đầy tháng, mẹ cũng qua đời để lại 5 chị em côi cút, chị được nuôi lớn nhờ tình yêu thương của các mẹ trong thôn, sự tảo tần của chị cả. Lớn lên, xuôi ngược Nam, Bắc, mỗi ngã rẽ của cuộc đời chị đều được giúp đỡ. Việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo như một sự tri ân của chị với đời, với người".

Chị Hồng hiện còn là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh nổi tiếng “mát tay” với các phong trào hỗ trợ người nghèo như “Tổ góp vốn tình thương”, “2T - Tiết kiệm và Tận dụng”.

Trong tương lai, chị Hồng cho biết, đầu ra của sản phẩm chưa được nhiều nên công ty sẽ duy trì quy mô và mô hình hiện tại. Bắt đầu từ tháng 11/2022, chị sẽ về tỉnh Quảng Nam vận động bà con, xây dựng mô hình HTX công nghệ sinh học và công nghệ cao về các sản phẩm chăm sóc mỹ phẩm thảo dược, với định hướng đưa những sản phẩm này vào được siêu thị. Chị còn đang ấp ủ kế hoạch sẽ tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm sinh học an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường và giải quyết việc làm cho người nghèo.

Hằng Nga

Bạn đang đọc bài viết "Người phụ nữ khởi nghiệp thành công từ rác thải" tại chuyên mục Thương hiệu - Sản phẩm. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309