“Landscapes of Legend” là lời mời bước vào hành trình cảm xúc – nơi âm nhạc dẫn dắt khán giả qua ba không gian văn hóa giàu bản sắc: Việt Nam, Scotland và Phần Lan. Đêm nhạc là dịp để Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO) tiếp tục khẳng định cách tiếp cận giao hưởng bằng nghệ thuật kể chuyện – sâu sắc, chọn lọc và mang tầm vóc quốc tế.
Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine, ba tác phẩm trong đêm diễn không chỉ đại diện cho ba vùng đất, mà còn mở ra những lớp lang nghệ thuật văn hóa.
Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc và bản giao hưởng mang hồn Việt
“Những bức tranh giao hưởng” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là tác phẩm mở đầu cho đêm diễn. Không chỉ đơn thuần là những tiểu phẩm dân gian được chuyển thể, đây là một tổ khúc mang tính khái quát cao, nơi các mô-típ truyền thống được giải cấu trúc và tái tạo trong một hệ thống ngôn ngữ giao hưởng hiện đại.

Buổi hòa nhạc sẽ giới thiệu chương 2 (Mùa Xuân), chương 3 (Mưa Rơi) và chương 4 (Điệu Múa) của Phần A, cùng chương 2 (Hoa Thơm Bướm Lượn) của Phần B. Từ “Mùa Xuân” rạng ngời đến “Mưa Rơi” sâu lắng, từ nhịp múa dân gian rộn ràng đến âm hưởng tự sự, tác phẩm là lời khẳng định mạnh mẽ rằng âm nhạc Việt – nếu được viết với tầm vóc và tư duy hòa âm hiện đại – hoàn toàn có thể bước ra thế giới mà vẫn giữ được hồn cốt bản địa. Đây không chỉ là sự lựa chọn có chủ đích về âm nhạc, mà còn là tuyên ngôn nghệ thuật của SSO trong hành trình định hình bản sắc giao hưởng Việt Nam.
Đặng Hữu Phúc là một trong những nhà soạn nhạc tài năng của âm nhạc Việt Nam – một gương mặt tiêu biểu trong làn sóng phục dậy và bảo tồn văn hóa dân tộc, là bậc thầy trong việc đan cài những âm hưởng truyền thống vào ngôn ngữ giao hưởng phương Tây. Tác phẩm của ông là sự gặp gỡ giữa di sản và sáng tạo, giữa ký ức và trí tưởng tượng – tạo nên những bản nhạc vừa gắn với cội nguồn, vừa hiện đại đến lạ thường.
Bản tình ca Scotland
Trung tâm của đêm diễn là nghệ sĩ violin Simone Porter – khách mời đặc biệt sẽ trình bày “Scottish Fantasy” của Max Bruch. Sinh năm 1996, Porter là nghệ sĩ từng biểu diễn với nhiều dàn nhạc hàng đầu thế giới từ khi còn rất trẻ. Tờ Chicago Classical Review từng nhận xét: “Sự điêu luyện với chất âm mượt mà của Porter đưa cô trở thành một trong những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất của thế hệ mình.” Với sự góp mặt của Simone Porter, khán giả Hà Nội sẽ có cơ hội hiếm hoi để gặp gỡ một nghệ sĩ đã chinh phục những sân khấu danh giá như Carnegie Hall, Hollywood Bowl, cùng loạt liên hoan âm nhạc uy tín toàn cầu như Aspen, Ravinia hay Edinburgh.

“Scottish Fantasy” là tác phẩm lãng mạn, mang âm hưởng dân gian Scotland, nhiều chất thơ, nhưng cũng không thiếu kịch tính. Trong phần độc tấu này, Simone Porter không chỉ là người chơi violin, mà là người kể chuyện – một hình ảnh gần như đồng điệu với tinh thần của toàn bộ chương trình.
Sự xuất hiện của Porter cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của SSO trong việc kết nối với thế giới – không chỉ bằng tác phẩm, mà bằng chính con người. Ở đây, nghệ thuật không còn là biên giới giữa các quốc gia, mà là điểm gặp gỡ của những cá tính.
Khúc tráng ca phương Bắc
Khép lại đêm nhạc là bản Giao hưởng số 1 của Jean Sibelius – nhà soạn nhạc vĩ đại của Phần Lan, người đã dùng âm nhạc để tạo nên bản sắc tinh thần cho cả một dân tộc. Đây là tác phẩm được viết trong thời kỳ bản lề của lịch sử Phần Lan, nơi khát vọng độc lập được thể hiện bằng những chủ đề âm nhạc mạnh mẽ, đôi khi kìm nén, đôi khi bùng cháy dữ dội.

Dưới sự chỉ huy của Olivier Ochanine, SSO không chỉ tái hiện một tác phẩm lớn, mà còn tái hiện được tinh thần kiêu hãnh và nội lực bền bỉ mà Sibelius gửi gắm. Việc lựa chọn khép lại hòa nhạc bằng Sibelius là một cách để đưa người nghe trở về với chiều sâu – sau khi đã đi qua những khúc gợi mở và bay bổng, âm nhạc trở về nơi lắng đọng.
Bằng cách đặt âm nhạc cổ điển vào bối cảnh đối thoại – giữa các nền văn hóa, giữa quá khứ và hiện tại – dàn nhạc SSO không chỉ đóng vai trò là người biểu diễn, mà trở thành người kể những câu chuyện văn hóa giàu cảm xúc.