Hồ Tiêu tiêu điều, lỗi tại nông dân?

14/06/2022 13:28

"Nếu đừng có dịch bệnh, với năng suất trời cho vượt trội, Tiêu Việt sẽ là người chết cuối cùng trên bản đồ Tiêu thế giới, có nghĩa là không bao giờ chết ".

Việt Nam là nước xuất khẩu Tiêu số một thế giới. Nhờ cây hồ tiêu, nhiều vùng quê nghèo trên Tây Nguyên đã trở nên giàu có và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú hồ tiêu. Nhưng cứ hễ cây tiêu nhiễm bệnh là vô phương cứu chữa khiến chủ vườn lao đao, kinh tế trở nên… tiêu điều (Tiền phong online 16/12/2013).

Hiện nay, giá Tiêu giảm rất sâu, chỉ còn hơn 30% so với đỉnh giá 200.000 đồng/kg năm 2015 và dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều nhất tại khu vực Tây Nguyên. Hàng ngàn, hàng vạn hộ trồng Tiêu điêu đứng, trắng tay. Dù đã được giới chuyên gia, khoa học cảnh báo sớm ngay từ thời còn hoàng kim nhưng chẳng mấy ai quan tâm và hành động đúng mực. Giá rớt đáy, dịch bệnh, vượt quy hoạch, giống trôi nổi, sai kỹ thuật, trắng tay, nợ nần chồng chất, tiêu điều… là những đặc trưng của bức tranh Hồ tiêu Việt Nam hiện nay. Ở góc nhìn tổng thể, bức tranh Hồ tiêu Việt chưa đến nỗi ảm đạm so với nhiều nước trồng tiêu trên thế giới là nhờ năng suất vượt trội nên giá thành (50.000 đ/kg) vẫn còn thấp hơn giá bán. Nhưng quá nhiều mảnh ghép u ám trùm lên hàng ngàn, hàng vạn hộ dân trắng tay không biết đến bao giờ mới thoát khỏi nợ nần chồng chất, kéo theo rất nhiều hệ luỵ xấu về gia đình và xã hội. Đăk N’Rot, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, Nông dân trồng Tiêu thiệt hại nặng” lại một lần nữa vang lên trên Đài phát thanh - truyền hình Dak Nông trong những ngày chuẩn bị đón xuân Mậu Tuất.  

gia-ho-tieu-con-am-dam-den-cuoi-nam-2-1533358394-width640height400-1655187944.jpg
Việt Nam là nước xuất khẩu Tiêu số một thế giới. Nhờ cây hồ tiêu, nhiều vùng quê nghèo trên Tây Nguyên đã trở nên giàu có và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú hồ tiêu

Hồ Tiêu tiêu điều, lỗi tại nông dân?

Hiện nay trên phương tiện truyền thông rất nhiều bài viết cũng như diễn ngôn của các nhà khoa học, quản lý đã phân tích chỉ ra rất chi tiết những nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh cây hồ tiêu: giá giảm sâu 70% so với thời kỳ vàng son năm 2015 và dịch bệnh làm tiêu chết như ngả rạ. Tổng quát tập trung vào mấy nguyên nhân cơ bản sau:

1. Tiêu rớt giá do nông dân muốn đổi đời, đã phá quy hoạch của Nhà nước lên đến 2,5 lần. Trong đó các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai vượt từ 2 - 4 lần. Ở những địa phương này, người dân trồng ngay cả trên những vùng đất không phù hợp nên năng suất thấp, dịch bệnh phát triển... Không chỉ gây hậu quả sản xuất trực tiếp cho người trồng Tiêu mà còn tạo nên tình trạng cung vượt cầu làm giá Tiêu rớt đáy thê thảm.

2. Hồ tiêu bị bệnh do nông dân trồng và chăm sóc sai kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất bằng mọi cách; tranh nhau mua giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng. Trong đó không ngoại trừ âm mưu phá hoại kinh tế từ đối thủ bên ngoài qua con đường du nhập giống "tiêu lạ" như tên gọi mà báo chí đã đưa tin? Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và an ninh bảo vệ kinh tế hầu như không có động thái nào để xác minh, ngăn chặn.

Vậy, phải chăng không do ai cả và càng không phải ông nhà nước, ông khoa học, ông quản lý hay cán bộ nào cả. Tất cả tại nông dân nên "Gậy ông đập lưng ông" như xu thế diễn ngôn phổ biến hiện nay trên phương tiện truyền thông từ giới báo chí, kỹ thuật... và cả không ít nhà quản lý với bao lời trách móc về họ - những người trồng tiêu nước mắt đong đầy đang cần sự sẻ chia, thấu hiểu. Thật chua chát! Còn đâu những khen ngợi, thậm chí tự hào địa phương về những con số thành tích phát triển hồ tiêu nhất nhì cả nước khi giá tiêu đang ở thời hoàng kim!

Đâu chỉ là khiếm khuyết của người trồng Tiêu

Những nguyên nhân mà các nhà kỹ thuật, quản lý đưa ra không có gì sai trái, nhưng chưa đủ và chưa hết trách nhiệm, vẫn như là một điệp khúc cho các loại cây trồng mỗi khi trở mùa thất bại. Đó là,  

       1. Thông tin từ Hội nghị do Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 12/2015 đã cảnh báo diện tích Tiêu Việt Nam đã vượt 2 lần so với quy hoạch vào năm 2020, nhưng bên lề Hội nghị, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ Tiêu VN (VPA) lại đưa ra nhận định “Giá hồ tiêu tăng kéo theo diện tích hồ tiêu cũng tăng thêm và trong thời gian tới có thể cung vượt quá cầu, nhưng theo tôi giá hồ tiêu không thể giảm đột ngột được mà chỉ giảm từ từ mà thôi”; "Việt Nam đang chiếm 50% lượng hồ tiêu thương phẩm của thế giới. Nhờ vậy, Việt Nam đã điều tiết được giá hồ tiêu trên thị trường”. Đầu năm 2016, khi giá vừa Tiêu giảm xuống 150000 đ/kg, ông chủ tịch VPA cho biết, trong những năm qua, giá hồ tiêu cao, người nông dân đã trở nên khá giả, vì thế, khi giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân trồng hồ tiêu không bị áp lực về nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí sinh hoạt của gia đình nên có thể giữ lại để điều tiết thị trường.  

 Phát biểu này tách rời những quy luật vận động của kinh tế thị trường và đặc điểm tâm lý kinh tế tiểu nông của người sản xuất nhỏ, manh mún. Sản lượng tuy lớn nhất nhì thế giới nhưng không đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Khi tham dự thị trường chúng ta chỉ là những thương lái nhỏ, không phải là "bó đũa" nên ai cũng bẻ được. Vậy, ai là người có đủ năng lực và cơ chế, thể chế nào để tổ chức điều tiết thực hiện chiến lược "trữ hàng" và "điều tiết thị trường" như ông Nam nói khi ngay cả những Hiệp hội lớn mang tính toàn cầu mà cũng không thực thi được những cam kết giảm sản lượng, hạn chế nguồn cung để điều tiết thị trường giá cả, như dầu mỏ, cà phê, cao su thiên nhiên... Sự kiện các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới thảo luận "hạn chế sản xuất, cắt giảm sản lượng bán ra" để khôi phục giá bất thành vào cuối thập niên 90 khiến cho 3 nước chủ lực Thái Lan, Malaysia và Việt Nam phải tách ra thành lập cam kết riêng "không bán dưới giá đã thống nhất". Nhưng sự cam kết này cũng bị phá vỡ, vì chẳng ai tin ai, do thiếu cơ sở ràng buộc kinh tế là bài học kinh nghiệm trong cái quen gọi "cửa miệng" là điều tiết thị trường. Gạo, Cà phê Việt Nam là những mặt hàng truyền thống chủ lực đứng nhất, nhì thế giới với rất nhiều chính sách, công cụ hỗ trợ của Nhà nước từ sản xuất đến thị trường, thậm chí Nhà nước còn can thiệp trực tiếp bằng chính sách "thu mua tạm trữ quốc gia" nhưng hầu như vô tác dụng đối với thị trường và giá cả thế giới. Trong đó, điển hình là sự kiện "giá cà phê tươi không bằng kilogam cà pháo" vào những năm 2000. Thử hỏi nông dân trồng tiêu làm sao đủ sức "trữ hàng", “điều tiết được thị trường” như khẳng định của ông chủ tịch VPA. Nhận định đó chẳng khác nào lời trấn an cho nông dân yên tâm phát triển trồng Tiêu.

2. Hồ tiêu là cây trồng mang lại hiệu quả cao gấp 3 lần cây cà phê, 15 lần so với cây điều, điều kiện sinh thái tương đồng nên bị tác động điều tiết sản xuất rất mạnh bởi quy luật giá cả, đến nỗi biết rủi ro về dịch bệnh nhưng nhiều nông dân vẫn toan tính chỉ cần thu hoạch 2, 3 vụ là đủ vốn nên mới đổ xô đi trồng bằng mọi giá. Thời điểm 2015 - 2016, khi giá Tiêu lên tới 200.000 đ/kg, chỉ tính 2 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk đã có trên 16 ngàn hecta trồng mới. Với gần 28 ngàn hecta nếu đưa hết vào kinh doanh, sản lượng tiêu mỗi địa phương như Đăk Nông, Đăk Lăk khoảng 60 ngàn tấn, tương đương 12.000 tỉ đồng theo mức giá năm 2015. Giá trị hàng hóa này sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng địa phương vài điểm phần trăm mà ngân sách nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư kích thích tăng trưởng. Đây quả là cám dỗ không nhỏ đối với bất kỳ nhà quản lý nào huống hồ là người nông dân chân lấm tay bùn. Đặt mình trong bối cảnh ấy mới thấy cái khó trong suy nghĩ của họ khi xung quanh mọi người đều trở nên giàu có từ cây tiêu; những lo ngại về giá, cung vượt cầu đã có những thông tin trấn an từ ông chủ tịch VPA; về dịch bệnh đã có sự hướng dẫn, trợ giúp của những người cung cấp thuốc bảo vệ thực vật nhan nhản "khắp hang cùng ngỏ hẻm" mang theo cả mặt phải lẫn mặt trái, họ tiếp thị "thân thiện, gắn bó" hơn tổ chức khuyến nông nhà nước nhiều. Vì thế, "dịch bệnh cứ hoành hoành, diện tích tiêu vẫn phát triển" như một lời nguyền của "Yàng" trong các xứ sở lợi thế trời cho ở Tây Nguyên.  

 3. Kỹ thuật trồng, chăm sóc không phải là vấn đề phức tạp, khó tiếp cận đối với người trồng cây công nghiệp dài ngày trong bối cảnh thông tin bùng nổ trên mạng Internet hiện nay. Phần lớn nông dân trồng tiêu ở quy mô một vài hecta trở lên đều nắm rất rõ, nhất là những vườn tiêu quy mô lớn, họ có kinh nghiệm hơn cả cán bộ kỹ thuật nhưng sao vườn tiêu vẫn chết? Phải chăng cách phòng ngừa chữa bệnh tuyến trùng Tiêu hiện nay chỉ mới tập trung ở phần ngọn, chủ yếu khi dịch bệnh bùng phát trong khi cái gốc của mọi ổ dịch nằm ở nguồn giống tiêu trôi nổi, giống “tiêu lạ”? Ở góc độ quản lý, có thể nhận định phần lớn vườn Tiêu và toàn bộ giống Tiêu thương mại hiện nay đều đã mang mầm bệnh và kháng thuốc, nhưng sao ít được đề cập và tập trung giải quyết? Với tiềm lực về khoa học -  công nghệ, sao Nhà nước không giúp dân có được nguồn giống tiêu bản địa sạch virus (mầm bệnh) cũng như ngăn chặn sự xâm nhập các giống tiêu lạ đầy hiểm hoạ từ bên ngoài, cứ để nông dân phải tranh nhau mua giống trôi nổi? Giống cây trồng luôn là lĩnh vực đột phá để tạo ra sức cạnh tranh cốt lõi cho nông sản, nằm trong tầm tay công nghệ sinh học Việt Nam. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có bộ giống chuẩn đầu dòng, sạch virus và nơi cung cấp chinh thống dù nhiều cá nhân, tổ chức khoa học (Viện Kỹ Thuật Nông nghiệp miền Nam...) cũng đã đề xuất nhiệm vụ này với cơ quan quản lý địa phương nhưng không được ủng hộ. Rõ ràng cơ chế quản lý nhà nước về KH-CN có vấn đề, chưa tạo môi trường có tính chuẩn mực tắc để các đề tài nghiên cứu, nhất là các dự án KH-CN mang tính ứng dụng cấp thiết, tác động lan tỏa lớn có cơ hội tham gia.

4. Bỏ bao nhiêu tiền của và cả hệ thống bộ máy nông nghiệp từ Trung ương cho tới cấp huyện chẳng lẽ chỉ biết làm quy hoạch, còn quản lý quy hoạch thì bó tay? Câu trả lời rất giản đơn, ai cũng biết "kinh tế thị trường, người dân muốn trồng cây gì là quyền của họ làm sao mà cấm được", có nghĩa là cứ để giá cả điều tiết sản xuất theo quy luật cung cầu thị trường bất chấp những hệ luỵ mặt trái của nó. Không "cấm được" thì lập quy hoạch để làm gì? Chỉ trong giới hạn quản lý quy hoạch sản xuất một loại cây trồng mà không kiểm soát được thì làm sao xây dựng được nền kinh tế thị trường định hướng XHCN?

 5. Nông dân trồng Tiêu một nắng hai sương, "lên bờ, xuống ruộng", vay mượn tích góp gia sản để tạo lên vị thế cường quốc xuất khẩu Tiêu số một thế giới và giữ vững suốt hơn 15 năm qua, thế sao Nhà nước lại không bảo vệ được thành quả đó theo quan điểm phát triển bền vững, không phát huy được lợi thế chi phối thị trường. Phản ứng chính sách trong bối cảnh "Hồ Tiêu tiêu điều" như hiện nay sao vẫn bình chân như vại?

Như vậy, bên cạnh những khiếm khuyết của người trồng Tiêu, còn quá nhiều câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của Nhà nước và Hiệp hội Hồ Tiêu VN.  

Đôi điều khuyến nghị  

1. Trồng sai quy hoạch không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người trồng mà còn tổn hại đến cộng đồng những người sản xuất Hồ tiêu  và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh thái. Bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến cộng đồng, môi trường đều bị xã hội lên án và Nhà nước cần ngăn chặn. Do vậy, cần phải pháp luật hoá vấn đề này. Trong đó, xử phạt về môi trường là nội dung cần nghiên cứu.

2. Phạm vi tác động chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ phát triển Hồ Tiêu (thiên tai, dịch bệnh, bảo hiểm nông nghiệp, thuế, đất đai, tín dụng - tài chính, liên kết chuỗi giá trị...) chỉ nên giới hạn áp dụng đối với diện tích nằm trong quy hoạch. Tất nhiên công tác quy hoạch phải chuẩn mực và hiệu quả.   

3. Cách tiếp cận quy hoạch phải dựa trên lợi thế tiềm năng, nhất là “vũ khí năng suất” vượt trội gấp 2,5 lần mức bình quân thế giới và luật chơi của kinh tế thị trường để tận dụng phát triển, hạn chế hoặc "khống chế" đối thủ. Trong 36 quốc gia trồng hồ tiêu năm 2014 thì có tới 22 quốc gia chiếm 70% diện tích hồ tiêu của thế giới với năng suất dưới 1 tấn/héc ta. Trong đó, hai “người khổng lồ” Indonesia và Ấn Độ chiếm gần 60% diện tích, nhưng năng suất chỉ khoảng 5 tạ/ha. "Xu hướng giá tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới sẽ tạo ra sức ép lớn hơn rất nhiều khiến nhiều vùng có năng suất thấp hơn nữa ở những nước này phải xóa sổ hồ tiêu". Vì thế, con số quy hoạch 50 ngàn, 100 ngàn hay 165 ngàn hecta còn nhiều cách luận giải, tùy thuộc vào cách tiếp cận. Do vậy, công tác quy hoạch ngành hồ tiêu cần phải xem xét, đánh giá lại một cách nghiêm túc để điều chỉnh phù hợp từ khâu điều tra, dự báo, xác định mục tiêu, phương hướng, nhất là hệ thống giải pháp thực hiện và kiểm soát quy hoạch, thậm chí cả việc lựa chọn tổ chức tham vấn quy hoạch, nên chăng để VPA làm chủ thể. Bởi người sản xuất là người "thông minh" và nhiều động lực nhất.

  Không phải vô cớ mà có người trồng Tiêu nói rằng: "Nếu đừng có dịch bệnh, với năng suất trời cho vượt trội, Tiêu Việt sẽ là người chết cuối cùng trên bản đồ Tiêu thế giới, nghĩa là không bao giờ chết". Đó là điều rất đáng để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam  suy ngẫm và hành động trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Hồ tiêu quốc gia ./.

 

 

Trần Mạnh Đương
Bạn đang đọc bài viết "Hồ Tiêu tiêu điều, lỗi tại nông dân?" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309