Đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị của Thủ đô

06/09/2022 05:47

Hà Nội mở rộng đã trở thành địa phương lớn với số dân hơn 8,4 triệu người. Theo đó, mức tiêu thụ nông sản thực phẩm hàng tháng của thành phố đã lên tới trên 300 nghìn tấn. Với nhu cầu này, sản xuất nông nghiệp Thủ đô không thể tự đáp ứng được; phần lớn lượng thiếu hụt phải nhờ nguồn cung từ bên ngoài. Do đó, phát triển nông nghiệp đô thị đang là vấn đề đặt ra cho Thủ đô.

Hà Nội là địa phương có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Lãnh đạo Thủ đô và các huyện, thị đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã được thể hiện rõ nét trong các chủ trương và giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Trong các mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn thành phố, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phù hợp với thực tế mang lại hiệu quả thiết thực, đã khẳng định vị thế quan trọng trong điều kiện Thủ đô. Toàn thành phố đã xây dựng được 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC trong các trang trại sản xuất nông nghiệp, giống, hoa quả và trong nuôi trồng thuỷ sản. Theo đó, mô hình khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện ở nhiều trang trại và trong các nông hộ.

nongnghiep-1662417998.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: nongnghiep.vn) 

Chẳng hạn, mô hình ở trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) đã đưa lượng xuất trại hàng tháng lên trên 1.000 con lợn thịt, từ 500 đến 1.000 lợn giống mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Nhiều mô hình chăn nuôi từ 15.000 đến 25.000 gà siêu trứng với 18 đến 30 lò ấp có công suất 2 vạn trứng/mẻ/lò được cơ giới hoá, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu gà giống và trên 10.000 gà thương phẩm, đã đươc mở ra trong nhiều xã thuộc huyện Đông Anh. Những mô hình liên kết thâm canh lúa bằng công nghệ tiên tiến, đồng bộ từ sản xuất giống, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch làm khô lúa tươi bằng máy trên diện tích hàng nghìn ha, được các doanh nghiệp trực tiếp bao tiêu đã thực hiện tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà… Mô hình nuôi cá ứng dụng CNC với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất tới 80 tấn/ha, đạt giá trị trên 3,5 tỷ/ha và lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha đã xuất hiện ở nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà…. Công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao Nhật Bản, hàng tháng công ty đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 40 tấn sản phẩm, tạo doanh thu trên 15 tỷ đồng;...

Trong liên kết sản xuất, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình ở các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào các chuỗi rau, lúa hàng hoá chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với trên 3.810 trang trại lớn ngoài khu dân cư ở 76 xã chăn nuôi, 25 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và 30 cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp. Chuỗi sản phẩm đã chủ động hoàn toàn trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ ứng dụng CNC trong nông nghiệp Thủ đô đang còn hạn chế, mới có trên 1120 ha (chiếm 9,4% tổng diện tích) cây ăn quả có ứng dụng CNC, 0,75% diện tích sản xuất rau có nhà lưới. Gần đây, ngành nông nghiệp thành phố đã hướng mạnh vào xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; nhưng nhiều nội dung giống, vật tư, thiết bị dường như còn để ngỏ, buộc các doanh nghiệp và những nhà sản xuất kinh doanh nông sản phải chủ động tìm giải pháp tiếp cận lẫn nhau. Mặt khác, năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế. Người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu còn theo cách làm truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ. Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được coi là đầu tầu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn thành phố còn quá ít. Mặt khác, lãnh đạo thành phố chưa có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đủ lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Thực tế, sản xuất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và phân tán đang là cản trở, khiến các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung chậm triển khai hoặc thiếu ổn định. Cùng với hạn chế này, thiếu phối kết hợp, gắn kết giữa nông dân với thương lái và các tổ chức quản lý nhà nước cũng là nguyên nhân khiến việc vận dụng chủ trương chính sách gặp khó khăn, chưa phát huy được đầy đủ chức năng của các thành phần kinh tế tham gia.

Vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp đô thị

Do vậy, phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thủ đô đang là vấn đề đặt ra, cần sớm giải quyết. Trên địa bàn Hà Nội, nông nghiệp đô thị xuất hiện như một đối tác bắt buộc trong quan hệ mới về xây dựng xã hội và không gian sống ở thành phố. Theo đó, nông nghiệp đô thị phải đảm bảo được sử dụng hết diện tích đất có thể khai thác nhằm thiết lập một không gian sản xuất nông nghiệp vững chắc ở gần thành phố. Việc cấu thành vùng lãnh thổ nông nghiệp này cần có sự thương lượng giữa những tác nhân có liên quan; mặt khác, sự tồn tại của nông nghiệp đô thị phải hướng vào cải thiện đời sống thị dân thông qua chất lượng môi trường tốt hơn; truyền bá được giá trị văn hóa về cảnh quan, giáo dục và vui chơi giải trí lồng ghép trong những đề án liên quan đến giáo dục nông nghiệp.

Nông thôn với sự sáng tạo của những con người sống và làm việc tại đây, đã cống hiến nhiều cho xã hội nhờ vào tính đa dạng của địa bàn và mở ra không  gian rộng lớn cho đô thị hóa. Nhà nông có những tư tưởng và phương tiện để tham gia vào quản lý không gian xanh đô thị, một chính sách tập hợp được mọi tác nhân tham gia là sự cần thiết và do vậy, trong khuôn khổ các dự án cảnh quan đô thị cần định rõ tính cần thiết của không gian công ích nhằm đảm bảo về đất đai cho nông dân và những thỏa thuận về vị trí công ích của không gian nông nghiệp; phù hợp với các loại hình khác nhau, không gian đô thị cần được tạo dựng dưới dạng nông thôn đô thị hoặc là đô thị nông thôn.

Nhiều năm qua, nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, đã có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng đô thị, tạo nên cho Hà Nội một cấu trúc hài hòa. Các làng của Hà Nội trước đây không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm, nơi thư dãn, tạo vẻ vui tươi cho thành phố mà còn là địa điểm tiếp nhận những nguồn phế thải có thể tái chế từ nội đô. Có thể nói ao, hồ đầm ngoại vi và các làng ven đô đã từng là khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của thành phố. Ngày nay, trong quá trình phát triển đi lên, nông thôn Hà Nội đã đô thị hóa nhanh. Các cao ốc đã vươn xa đến hầu hết các làng quê với màu sám bê tông và kính phản quang; phần lớn ao hồ đầm lớn, những ruộng rau, vườn cây và những cánh đồng hoa gần như đã không còn, khó mà tìm lại được ở những nơi này màu xanh của cây ăn trái, hương thơm của hoa 4 mùa nhưng lại dễ gặp cảnh nước ngập tràn trong mùa mưa lũ. Gần đây, trong các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các cấp lãnh đạo ở Hà Nội đã coi đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những trọng tâm. Đây là một chủ trương đúng đắn để Hà nội không bị mất đi những cảnh quan và môi trường sinh thái không còn gì để có thể tái tạo trong tiến trình đô thị hóa khẩn trương.

Chương trình xây dựng nông nghiệp đô thị của Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Với những giải pháp truyền thống, chất lượng môi trường đô thị, tổ chức không gian đô thị và những giải pháp quy hoạch, đảm bảo về đất đai, vị trí công ích trong không gian nông nghiệp và nhất là sự tồn tại của những làng quê trong lòng đô thị cũng là những vấn đề cần bàn.../.

Đ.H
Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị của Thủ đô" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309