Đào Duy Anh: Người miệt mài do tìm bản sắc Việt Nam

12/04/2024 20:56

1. Tôi là người làm khảo cổ và do đó có góp phần tìm lại mộ tổ họ Đào, để các chi họ Đào xây dựng lại đàng hoàng, to đẹp hơn. Đi công tác khảo cổ cùng thầy vào xứ Thanh, 1958, cùng với cả em thầy, nhà cách mạng Đào Duy Kỳ, khi ấy là chuyên viên cao cấp Vụ Bảo tồn, bảo tàng - Bộ Văn hóa, thầy chỉ cho tôi ngôi mộ tổ họ Đào trên đỉnh “một trăm hòn Rú Kẻ Đông” (Núi Đông Sơn, gần Hàm Rồng). Và bảo (năm 1958 là năm “đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm”):

 - Mộ tổ nhà họ Đào chúng tôi, theo phong thủy học, chôn trên mảnh đất con Rùa. Thi thoảng nó lại nhô vươn cái cổ ra… rồi khi bị đập nó lại rụt liền ngay cái cổ lại!

Và thầy cười nhẹ không hẳn ra buồn, không hẳn ra châm biếm…

Tôi biết tổ họ Đào nhà thầy vốn gốc ở vùng ô trũng Khúc Thủy và Cự Đà xứ Thanh Oai trên bờ sông Nhuệ, đúng sử ra là trên bờ Đỗ Động Giang nối sông Nhuệ và sông Đáy. Theo nhiều phả kí, có thể ngược lên tới các dòng họ Đào Hoàng, Đỗ Tuệ Độ từ đời Tấn - Lục triều, thế kỉ III đến IV. Rồi trên diễn trình lịch sử, do áp lực dân số và nhiều nguyên nhân do lịch sử cụ thể khác, nhiều chi họ Đào, họ Đỗ dời châu thổ sông Nhị vào làm ăn ở xứ Thanh; có chi họ Đỗ đến vùng giáp Lam Sơn; có chi họ Đào tới vùng Cầu Quan thuộc huyện Nông Cống (trước Đào Duy Anh ba đến bốn đời). Cách đây mươi năm, ông Bí thư Đảng ủy Cầu Quan, Nông Cống gửi tặng tôi cuốn Địa chí văn hóa quê ông, trong sách đó, rất trân trọng và tự hào nhắc đến nhà học giả Đào Duy Anh cùng thân phụ, thân mẫu, đồng hương cùng nhạc sĩ Văn Ký và phố Cầu Quan một thời sôi động và vui vẻ. Kháng chiến chống Pháp, dân địa phương ăn ở công bằng vẫn lưu giữ kỉ niệm tốt đẹp về đường ăn, nết ở nhà bà cụ Bác (Thông) là thân mẫu của các giáo sư học giả lão thành cách mạng: Đào Duy Anh, Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dzếnh (Đào Phan)…

Có di cư vào: chi họ Đào Duy Từ ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa vào mãi tới Quy Nhơn, Bình Định sinh thành ra dòng Tổ tuồng Đào Tấn thời vua Tự Đức… và cũng có di cư ra: thời Lê Trịnh thế kỉ XVI, XVII, chi họ Đỗ Lam Sơn di cư ra vùng Quậy Cả (Đại Vĩ) thuộc xã Liên Hà và chi họ Đào xứ Thanh di cư ra xóm chợ thuộc xã Cổ Loa, sinh thành dòng nho cách mạng Đào Duy Tùng đến Đào Duy Quát…

Năm tôi được hân hạnh gặp và thụ giáo thầy Đào Duy Anh ở dự bị đại học 1952-1953 Thanh Hóa, khi ấy tôi cũng đã từ khu III khói lửa bị tạm chiếm vào Thanh Hóa “vùng tự do” được vài năm rồi (từ 1950), tôi thấy giọng nói của thầy Đào “đặc sệt Thanh Hóa”, cho dù ông đã cư trú lâu năm ở xứ Huế. Thanh Hóa, Đồng Hới, Huế, Bắc Trung Bộ đấy theo tôi là không gian sinh thành văn hóa Đào Duy Anh. Và cố nhiên, thủ đô Hà Nội ít nhất từ 1954 đến 1988 là không gian khảo nghiệm và bồi bổ văn hóa Đào Duy Anh, cụ từ xứ Thanh trở về Hà Nội vào mùa thu 1954 tuổi năm mươi “tri thiên mệnh” với nhiều uẩn khúc và bi phẫn cũ mới.

Chỉ khi vượt qua khỏi tuổi cổ lai hi, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cụ Đào mới để ý ít nhiều đến môn học tử vi về số phận con người…

*
*    *

2. Đào Duy Anh không sinh ra trong một hoàn cảnh tươi sáng, dưới một ngôi sao sẵn sáng.

Sinh năm Giáp Thìn 1904, cuối đời vua Thành Thái. Việc mất nước đã thành hiện thực mà việc cứu nước thì chưa có phương hướng gì thiết thực. Giới sử học hiện đại gọi thời kì đó là “thời đại hai cụ Phan” (Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh), hai bậc đại nho ở cuối mùa quân chủ nho giáo, ở hai đầu rừng nho xứ Nghệ, xứ Quảng của một miền Trung khi ấy còn vương danh nghĩa “Empire d’Annam” (vương quốc An Nam) trong khi Nam Kì đã là thuộc địa nửa thế kỉ và Bắc Kì đã ở dưới quyền “Nhà nước bảo hộ” thực dân 1/4 thế kỉ. Cũng có nhà sử học, nhà chính trị học gọi đó là thời kì “khủng hoảng tư tưởng, ý thức hệ” của hồn dân tộc:

Văn minh Đông Á trời thu sạch

Đạo lí cương thường đảo ngược ru?

    (Tản Đà)

Tưởng như Tản Đà cũng quá nản, dường như mất tin tưởng vào nội lực dân tộc dân chúng đất nước, đã thốt lên:

Dân hai mươi triệu, ai người lớn?

Nước bốn ngàn năm, vẫn trẻ con!

Hờn dỗi vậy thôi, bình tĩnh lại ta thấy Tản Đà vẫn lớn! Và cả một loạt con người Việt Nam sinh ra ở thập kỉ đầu thế kỉ XX: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Phạm Văn Đồng, Đào Duy Anh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, mỗi người, trong môi sinh gia đình, xã hội cụ thể của mình và theo phương cách tự rèn luyện và được đào luyện của mình đều “lớn lên thành người”, thành danh nhân lịch sử văn hóa…

*
*    *

3. Những người tôi vừa nhắc đến ở trên phần nhiều sinh ra trong những gia đình danh gia và là “danh gia tử đệ”: Họ Cao Xuân ở Cao Xá - Diễn Châu với Thượng thư Cao Xuân Dục, họ Đại quan Đại nho, Đặng Thai Sơn ở Thanh Chương - Xứ Nghệ, dòng họ Tổng đốc gồm các cụ Nghè Đặng Xuân Bảng xứ Nam, cụ Án sát Phạm ở Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi… Cụ Đào Duy Anh thì không! Cao Xuân Huy (sinh 1900), Đặng Thai Mai (sinh 1902) hay Tôn Quang Phiệt… các bạn đồng chí Phục Việt, Tân Việt của cụ Đào sau này đều từ Nho học xoay sang Tây học, học Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội nghĩa là có tảng nền nho Đông rồi bồi tiếp tảng nền kinh điển Pháp và phương Tây.

Các cụ ấy, đồng trang lứa với phụ thân tôi đều thạo chữ Nho và lối văn cử tử thi phú ngày xưa, lại cũng thạo tiếng Pháp và văn chương Pháp hồi đầu thế kỉ, nghĩa là đủ được đào luyện để có thể tự rèn luyện, để làm “thầy thiên hạ”, chí ít ra là dạy cho lớp con cháu bọn tôi sẽ sinh ra ở thập kỉ 30. Có nhiều người khác, lớp em các cụ, sinh ra ở khoảng đầu thập kỉ 20 như Trần Văn Giàu (sinh 1911), Phạm Huy Thông (sinh 1916) hay Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên… đều đi du học ở Pháp, lứa này thì Nho học đã yếu, Tây học mạnh hơn, nếu không tham gia cách mạng thì thường đỗ đạt cao vào thập kỉ 30 và về nước dạy học, sau đều trở thành các giáo sư đại học lừng danh, thầy của thế hệ bọn tôi (như đã nói sinh vào đầu thập kỉ 30).

*
*    *

4. Trường hợp Đào Duy Anh có phần đặc biệt. Họ Đào Cầu Quan có chút uy tín với dân địa phương, song không phải là “Danh gia vọng tộc”. Phụ thân Đào Duy Anh là một ông thông lại đông con, dù mẫu thân có tảo tần buôn bán thêm, thì cùng lắm gia đình cũng chỉ được xếp vào loại “Tiểu phong lưu xứ quê”. Thầy Đào của tôi, ở thập kỉ 20 cũng không đạt đến bậc học cao đẳng nhất xứ Đông Dương thời đó mà cũng chỉ có cái học vấn tối thiểu (bằng Thành chung) tương đương trung học hiện nay để đi làm một thầy giáo tiểu học ở thị xã Đồng Hới (1923) với trách nhiệm là con trưởng của gia đình sớm li hương, trong con mắt người đương thời, ông chỉ là một tiểu trí thức.

Dài dòng một chút về “Lí lịch xuất thân” của thầy như thế để chứng minh rằng, sau khi bỏ dạy ở Đồng Hới về đất Thần Kinh, chính cái học phong “Tân cổ giao duyên” xứ Huế mới hun đúc nên thầy. Cái mà thầy tiếp thụ được ở xứ Huế tưởng như bình lặng khi ấy mới khiến thầy trở thành thầy. Tôi thiển nghĩ rằng chính những Phan Bội Châu, Giao Tiều (Lâm Mậu), Võ Liêm Sơn, Huỳnh Thúc Kháng… đã tiêm những mũi “Cổ học tinh hoa” cùng lòng yêu nước cho thầy tôi, trong một nội lực tinh thần lớn của thầy tôi tiếp thu tinh tuý Đông phương học xưa và quyết tâm vươn lên hiện đại học sánh ngang phương Tây tiên tiến lúc bấy giờ, thầy Đào đã theo học hàm thụ qua thư từ với École Universelle ở Pháp. Tinh thần Pháp thời đó là Esprit Universelle biết nhiều biết rộng mà không hẳn là sâu lắm. Chịu bỏ lại sau mình Đồng Hới để đến Huế (cho dù sau này thầy tôi cùng Giáo sư, Tiến sĩ Xô viết P.I. Briskovsky đều nhận rằng Đồng Hới là một “Ville maritinne” tức thành phố biển quyến rũ), vô Đà Nẵng, vô Sài Gòn - Chợ Lớn, lùng sục tìm tòi những “tân thư” chủ yếu từ Hồng Kông, Trung Hoa qua tiếp xúc chỉ trong một thời gian ngắn (không đầy một nửa thập kỉ 20) với các nhà đại ái quốc, trí thức tân học (kiểu như Trần Đình Nam) thầy tôi đã thành một bậc trí thức mới có căn bản cổ học vững vàng, chủ yếu là do tự học, tự đào luyện với quyết tâm vượt lên “hóa thân”. Và có thể nói hoàn toàn bằng con đường giác ngộ lí thuyết, thầy tôi đã trở thành, ở tuổi hai mươi, một trong những nhà mác xít đầu tiên của Việt Nam, kiểu Plê-kha-nốp của nước Nga sa hoàng chứ không phải kiểu Lê-nin, người khai sinh chế độ Xô viết.

5. Nhưng các bậc tài trai (có học hành hiểu biết) tuổi hai mươi ở thập kỉ 20 không phải mong muốn trở thành học giả (như Đào Duy Anh). Sinh ra là người dân mất nước, một chủ thể “bị bảo hộ” trong cả cái khung bảo hộ thực dân, do đọc sách Đông Tây càng ngấm thấm cái chất “ưu hoạn”, “ưu quốc, ái quốc” của giới trí thức xưa nay, vì như Ức Trai (Nguyễn Trãi) mà Đào Duy Anh sau này có nhiều công lao tìm hiểu, khám phá:

 Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông…

Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn,

Pha lão tằng vân ngã diệc vân.

(Người đời biết chữ nhiều ưu hoạn/Pha lão nói vầy, ta nói vầy).

Trên nền tảng Khổng - Nho với tư tưởng “thế giới đại đồng, thiên hạ vi công” lại hội nhập tinh hoa tư tưởng phương Tây với nhà nước pháp quyền, bình đẳng, tự do, đọc tân thư Trung Hoa được ngưng kết ở tư tưởng Tôn Trung Sơn “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”, cũng như và sau Nguyễn Ái Quốc, Đào Duy Anh và các bạn đồng trang lứa, đồng tâm đồng chí của mình đều nhận thấy:

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng,

Cay đắng chi bằng mất Tự Do.

Cho nên, ở tuổi hai mươi và trong thập niên 20 của thế kỉ này, Đào Duy Anh là một nhà hoạt động chính trị tích cực trong các tổ chức yêu nước và là một trong những người chủ chốt của tổ chức cách mạng mang tên Tân Việt. Tân Việt trở thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, một trong ba tổ chức trước khi hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam rồi Đảng Cộng sản Đông Dương…

Bài này không chủ yếu phác họa một nhà cách mạng Đào Duy Anh, những ai muốn biết rõ xin đọc hai hồi kí của chính Đào Duy Anh và của phu nhân ông, bà Trần Thị Như Mân, con cháu trực hệ của bậc đại quan triều Tự Đức, Trần Tiễn Thành.

Nhưng không thể tuyệt đối hóa một lằn ranh giữa hoạt động cách mạng và hoạt động học thuật của Đào Duy Anh trước, sau năm Canh Ngọ 1930.

Việc mở nhà sách Quan Hải tùng thư những năm 1927, 1929 do Đào Duy Anh chủ trương, theo tôi, là cái gạch nối giữa hai hoạt động đó. Trong bản báo cáo về Văn hóa Việt Nam ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1948 tại Việt Bắc, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương - Trường Chinh đã đánh giá cao vai trò của Quan Hải tùng thư trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Đào Duy Anh kinh doanh khác, kinh doanh tri thức, là để bao bọc đại gia đình đông đảo con em (vì ông có trách nhiệm là trưởng) mà cũng là để có điều kiện và môi trường tự rèn luyện và rèn luyện tri thức, chủ nghĩa cho anh em, bạn bè và nhiều người khác. Quan Hải tùng thư dịch, soạn, in các sách mác xít hay có xu hướng mác xít tiến bộ từ 1927 đến 1929, Lịch sử các học thuyết kinh tế, Phụ nữ vận động, Lịch sử nhân loại, Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì?, Muốn hiểu sử học, v.v...

Sau này, khi những người em ruột (Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dzếnh…) đã trở thành những cán bộ cộng sản, mác xít, có lần thầy Đào bảo tôi: “Ban đầu “chúng nó” đã hiểu biết gì đâu! Chính tôi đã dạy họ ở nhà và qua Quan Hải tùng thư những bài học đầu tiên về chủ nghĩa Mác”.

Hẳn đúng vậy và hơn vậy: Cho đến cuối đời, tôi vẫn thấy thầy Đào dạy bảo em, con cháu với chút ít “tác phong gia trưởng”.

Sau khi người chủ trương (Đào Duy Anh) bị bắt, bị giam cầm rồi xử án treo, Quan Hải tùng thư ít được nhắc đến nữa vì nó không in sách của người khác mà chỉ có nhiệm vụ in sách của Đào Duy Anh. Từ đây trở đi, Đào Duy Anh hoàn toàn cống hiến đời mình cho sự nghiệp học thuật.

“Đứng trước khối lượng đồ sộ các công trình đã công bố hoặc còn ở dạng bản thảo mang tên Đào Duy Anh hiện chưa được thống kê, sưu tầm toàn bộ nhiều người không khỏi ngạc nhiên: Liệu khả năng lao động tinh thần của một con người lại có thể vươn tới kết quả lớn đến vậy?” (Nguyễn Văn Thành: Đào Duy Anh pho từ điển, Tạp chí Thế giới mới số 152, trang 58 đến 60).

Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh “bằng con đường tự học có kế hoạch và duy trì kiên định suốt cuộc đời với một nghị lực phi thường, cộng thêm khả năng khác thường của trí nhớ, Đào Duy Anh đã tự bồi đắp, mở rộng dần hành trang tri thức, từng bước tiếp cận, chiếm lĩnh đỉnh cao của học vấn đương thời, rồi vươn tới có được những đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa mới của dân tộc trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam ở đầu thế kỉ này đang chuyển mình từ nền văn hóa phương Đông trung đại sang quĩ đạo văn hóa cận hiện đại của Thế giới”.

Nếu ngôn ngữ văn tự là cỗ xe chuyển tải (Velimli) văn hóa thế giới thì muốn tiếp thu và làm chủ di sản văn hóa phương Đông, di sản văn hóa dân tộc, ít nhất phải nắm vững Hán Nôm, đặc biệt khi hình thức thi cử lều chõng đã bị bãi bỏ thì Hán Nôm không còn là phương tiện khoa danh tiến thân mà chỉ còn lại cái cốt lõi, là phương tiện tiếp cận tri thức cổ truyền; muốn tiếp hóa phương Tây ít nhất phải nắm được một ngôn ngữ Tây phương. Thời đại Đào Duy Anh cũng như các thầy đại học khác của tôi (Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai) đều làm chủ Hán Nôm Pháp. Đặc biệt thầy Đào với sự cộng tác của các nhà cựu học, tân học, sự giúp đỡ chí tình của phu nhân (bà Trần Thị Như Mân) đã biên soạn và cho xuất bản hai bộ từ điển thuộc về hai ngôn ngữ Đông (Hán Việt từ điển, 1932), Tây (Pháp Việt từ điển, 1936). Các vị đó đều có sự cộng sinh trong tâm trí mình hai dòng văn hóa Đông (Hán Việt), Tây (Pháp) và chính các thầy đã hòa quyện, đã giao thoa hai nền văn hóa Đông cổ truyền, Tây hiện đại đó để góp phần xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam ở những thập kỉ 30 và 40 (của thế kỉ XX…).

Trong Việt Nam văn hóa sử cương (1938) một công trình sơ kết về di sản văn hóa dân tộc thầy Đào Duy Anh đã viết:

“Các bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ với những điều kiện mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy. Tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”.

Nói như Nguyễn Văn Thành “đấy là chìa khoá mở vào hành trình vừa tự học, vừa nghiên cứu không ngưng nghỉ của Đào Duy Anh”.

6. Riêng tôi, tôi vừa đem sự nghiệp của ba thầy tôi Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh ra chất chính cùng Phó Giáo sư Cao Xuân Phổ, cháu ruột của cụ Huy, học trò cụ Đào và một bạn thân cũ của tôi. Anh Phổ bảo tôi:

- Cụ Mai là người phấn đấu cho một nền văn học cách mạng.

- Cụ Huy là một nhà tư tưởng triết học.

- Cụ Đào Duy Anh là một nhà văn hóa và suốt đời muốn truy tìm bản sắc văn hóa Việt Nam. Cả ba cụ trọng cổ mà không nệ cổ, phục cổ mà vẫn cơ bản là các nhà tân học.

Vâng, có lẽ vậy, cũng như tôi, nhiều bạn bè thân thuộc muốn tôn vinh thầy Đào là người suốt đời miệt mài đi tìm bản sắc dân tộc (National Identity), bản sắc văn hóa (Cultural Identity) của Việt Nam.

Cố nhiên, nói đi thì phải nói lại, thời đại của các thầy tôi và trước đó nữa là thời đại phương Đông “Văn, Sử, Triết bất phân”. Giáo sư Cao Xuân Huy dạy tôi:

 - Gọi anh Mai là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, gọi anh Đào Duy Anh là nhà sử học, gọi tôi là tư tưởng triết gia… Thì cũng đúng thôi nhưng không khỏi có phần khiên cưỡng. Cái kiểu tư duy phương Tây là tư duy tuyến tính (Linéare) còn cái kiểu tư duy phương Đông là tư duy cầu tính (Sphérique).

Tôi đã từng vài lần tham dự Hội thảo về Lê Quý Đôn. Ở hội thảo tại Thái Bình đầu thập kỉ 80, tùy theo cương vị công tác của mình ở ngành khoa học nào của thế giới hiện nay mà ông A đứng lên tôn vinh ngài Lê Quý Đôn là nhà sử học (với Đại Việt thông sử), ông B tôn ngài là nhà văn học văn bản học (với Quần thư khảo kiện), ông C tôn vinh ngài là dân tộc học (với Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục), ông D tôn vinh ngài là nhà Bách khoa toàn thư học (với Vân đài loại ngữ…), ông E lại tôn vinh ngài là nhà triết học (với Luận văn lí khí) v.v…

Với thầy Đào Duy Anh các Giáo sư Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm… có thể mệnh danh thầy là nhà sử học, nhà cổ học, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Phó Giáo sư Phan Ngọc mệnh danh thầy là nhà ngôn ngữ học, từ điển học, Hán Nôm học…, các Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê (với các chuyên khảo: Khảo luận về Kim Vân Kiều, Truyện Hoa tiên, Từ điển Truyện Kiều, hiệu đính và chú thích Nguyễn Trãi toàn tập…) mệnh danh thầy là nhà văn bản học, nghiên cứu văn học, v.v…, Nhà triết học Giáo sư Vũ Khiêu (với Khổng giáo, Phê bình, Tiểu luận 1943 của thầy), có thể mệnh danh thầy là nhà nho học, triết học, nhà dịch thuật (với các bản dịch Kinh thi, Sở từ, Thơ Đỗ Phủ, Khóa hư lục…) v.v… Vậy thầy tôi, Giáo sư Đào Duy Anh, ông là ai?

Ông là từng nhà như trên đã kể và còn chưa kể hết.

Nhưng ông cũng là tất cả mà trong điếu văn viết mười năm trước tôi gọi là Tổng thể Đào Duy Anh. Ông là một học giả lớn (Great Scholar). Và thế là đủ. Trong bài Vĩnh biệt nhà sử học Đào Duy Anh (báo Nhân Dân 05-4-1988) Giáo sư Hà Văn Tấn viết: “Ông không chỉ là nhà sử học, chúng ta đã mất đi một nhà bách khoa, một nhà văn hóa lớn”.

7. Như trên đã nói, để góp phần vào công cuộc giữ gìn bản sắc phương Đông và giao lưu văn hóa Đông Tây, Đào Duy Anh đã cho ra đời hai cuốn từ điển Hán Việt và Pháp Việt. Ông không phải là người đầu tiên biên soạn từ điển về hai ngôn ngữ này nhưng hai cuốn từ điển Đào Duy Anh lại “để đời” vì tính chất hiện đại của chúng. Phó Giáo sư ngôn ngữ học Phan Ngọc cho rằng: Đào Duy Anh đã sử dụng các thuật ngữ Hán Việt còn mãi với thời gian và cũng như bộ Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, hai bộ từ điển của Đào Duy Anh là bất tử.

Ông đáng phải là một người khỏe mạnh. Khi tôi được gặp ông lần đầu tiên ở Thanh Hóa (1952) thì ông đã mắc bệnh lao và phải rời Việt Bắc về đây dưỡng bệnh. Sau khi giải phóng Thủ đô (1954) trở lại Hà Nội, ông có điều kiện bồi dưỡng sức khỏe hơn thế nhưng ở tuổi ngoài năm mươi, ông vẫn luôn luôn bị viêm họng (Méningite) nặng và thường xuyên phải vào bệnh viện. Ông ít khi lên lớp và thường gửi đề cương bài giảng từ bệnh viện ra để hai tập sự trợ lí của ông Phan Huy Lê và tôi căn cứ vào đó mà lên lớp cho sinh viên hai khoa Sử Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp từ 1956 đến 1958.

Đào tạo được hai môn đệ ấy và các môn đệ khác nối tiếp sự nghiệp giáo dục đại học về sử học đặc biệt là cổ sử học và mở đường từ đó cho ba môn học mới ra đời ở đại học là khảo cổ học, dân tộc học và nhất là địa lí học lịch sử (Geographie Historique) niềm tự hào và tâm đắc Đào Duy Anh, đấy thực sự là công lao sán lạn của thầy Đào Duy Anh. Thế hệ Lâm, Lê, Tấn, Vượng là ra đời từ ánh hào quang toả rộng của Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu…

 Không trực tiếp làm việc bằng nói trên lớp (nay ta gọi là “đứng lớp”) Đào Duy Anh chỉ đạo tỉ mỉ các môn đệ về cả phương pháp lên lớp lẫn phương pháp nghiên cứu sử học, từ việc sưu tầm tài liệu, trích dẫn từ A từ B của các cổ từ đến việc giao và theo dõi sát sao việc thực hiện các đề tài nghiên cứu từ nhỏ (mà chúng tôi coi là “bài tập” (Exercice) đến vừa… Ông dạy chúng tôi bằng tấm gương lao động nghiêm túc của ông. Vì ông là một bác học, ông muốn chúng tôi cũng hiểu biết thật nhiều. Và do đó ông buộc chúng tôi phải học thật nhiều… Ông thường đặt yêu cầu rất cao đối với các học trò của mình” (Hà Văn Tấn, bài đã dẫn).

Ở bệnh viện, Đào Duy Anh chỉ đạo việc xuất bản Tập san Đại học sư phạm Văn khoa, viết lại Cổ sử Việt Nam (1955), viết lại Giáo trình lịch sử Việt Nam (quyển thượng, quyển hạ, 1955-1957) trên cơ sở Việt Nam lịch sử giáo trình viết trong thời kháng chiến từ khi ông còn ở trên Việt Bắc (1950 - 1951) mà trong lời nói đầu, ông ghi công đám sinh viên dự bị đại học, sư phạm văn khoa chúng tôi hay hỏi, hay nêu “thắc mắc” để ông suy nghĩ thêm, suy nghĩ lại trên “tinh thần” “sư sinh phù trị” (thầy trò giúp đỡ lẫn nhau). Về Hà Nội, ông khỏe hơn, có nhiều tài liệu tham khảo hơn, được tiếp xúc thường xuyên với các bạn bè học giả, nhất là nhà triết học Trần Đức Thảo nên Đào Duy Anh, khi tuổi đời đã vào thu, lại có khả năng “thanh xuân hóa” các công trình Cổ sử Việt Nam, Giáo trình lịch sử Việt Nam từ thế kỉ XIX trở về trước)… Nhiều công trình của ông đã được dịch sang tiếng Nga và Trung văn cùng với giáo trình, Đào Duy Anh đã viết một loạt chuyên luận về lịch sử cổ đại Việt Nam, về văn hóa Đông Sơn và trống đồng Lạc Việt, về An Dương Vương, thành Cổ Loa và nước Âu Lạc, về bước quá độ từ thời cổ đại sang thời phong kiến, hoàn thiện tư duy về sự hình thành dân tộc Việt Nam (1957) mà theo ông là có từ sớm, không có máy móc, giáo điều đặt sự hình thành đó vào phạm trù tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa. Bắt tay viết từ thời còn là Giáo sư chủ nhiệm bộ môn Cổ sử Việt Nam ở Đại học, cuốn nghiên cứu địa lí lịch sử Việt Nam tương đối toàn diện của ông (Đất nước Việt Nam qua các đời, 1964) đã ra đời vài năm sau khi ông không còn ở trong giáo chức Đại học nữa (sau vụ việc Nhân văn - Giai phẩm) và về làm công tác tu thư hiệu đính thầm lặng ở Viện Sử học. Lúc ấy ông đã vào tuổi sáu mươi, trung thọ. Dù đã nghiệm sinh nhiều uẩn khúc cuộc đời, dù đã phải trải qua nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã, với một thân xác luôn đau yếu, với râu tóc ngày một bạc màu, kì lạ thay, thầy Đào Duy Anh vẫn không gục ngã. Mà trái lại, dẫu vẫn u buồn (ông có đưa tôi xem bức thư giãi bày tâm sự uẩn khúc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thư trả lời của Thủ tướng), Đào Duy Anh vẫn bền bỉ chịu đựng, dành tâm lực vào những đề tài nghiên cứu mới.

Tôi thuộc lớp con cháu ông, nói như Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu - Cựu Bộ trưởng Bộ Đại học) hoàn toàn được trưởng thành dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, thế mà như nhận xét của Phó Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà, trưởng nữ Giáo sư Đặng Thai Mai, một học trò của Đào Duy Anh, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp (một đồng chí Tân Việt) trước những nghịch cảnh của cuộc đời và những “trục trặc kĩ thuật” của bản thân và gia đình, từ sớm và còn kéo dài mãi về sau, đã nhiều lúc tỏ ra chán nản (Blasé - nguyên văn từ của chị Hà). Cho nên bây giờ, ở nửa sau của tuổi sáu mươi, “quá nửa đời hư” (chữ mượn của Vương Hồng Sển) nhìn lại, tôi càng “tâm phục, khẩu phục” cái ý chí thép gắng bứt lên “giữa trần ai” của thầy Đào Duy Anh.

Với tư cách là nhà Sử học đàn con cháu, tôi tán đồng với Nguyễn Văn Thành khi ông trong lúc xưng tụng pho từ điển Đào Duy Anh vẫn cho rằng “lĩnh vực mà Đào Duy Anh bỏ công sức, thời gian nhiều hơn cả và chính ở đây ông cũng cống hiến những giá trị đáng kể trong toàn bộ sự nghiệp phong phú của mình là nhà Sử học, nhất là phần Cổ sử”. Vâng, tâm huyết Đào Duy Anh chủ yếu là ở đó. Viết kém ông, nhưng có chút tự cho mình là được gần gũi Đào Duy Anh hơn ông, tôi muốn thêm rằng công trình của Đào Duy Anh tâm đắc là địa lí học lịch sử và công trình mà Đào Duy Anh dấn thân với đầy tâm sự (ngoài hồi kí Nhớ nghĩ chiều hôm) là những tác phẩm về Nguyễn Trãi, về Sở từ, về Truyện Kiều… Ức Trai, Khuất Nguyên, Kiều, những bi kịch của danh tài danh sắc phương Đông cũng là bi phẫn Đào Duy Anh.

Giờ đây trên bản đồ Hà Nội mới, đã có một ngõ nhỏ và một con đường lớn mang tên Đào Duy Anh. Ông xứng đáng là Đệ nhất từ điển, là nhà văn hóa, nhà học giả “Liên Đa Xuyên ngành”.

                    (Hà Nội, tháng 6 năm 1998)

 

  Trần Quốc Vượng       
Bạn đang đọc bài viết "Đào Duy Anh: Người miệt mài do tìm bản sắc Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309